TRUNG TÂM BẢO TỒN    
DI SẢN VĂN HÓA TÔN GIÁO
Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hoá Tôn giáo
Menu

Trong thơ có ma có quỷ hay đó là thuyết vô thường của Đạo phật?

Ngày: 12:43:08 12/07/2015

Con người ta kể cũng lạ lắm, nhất là với những người có tâm hồn thi sĩ. Ở họ có sự rung động tinh tế vô cùng, tựa hồ như sợi dây đàn mong manh đến vô hình, chỉ cần một làn gió rất nhẹ thảng qua cũng đủ làm ngân lên những tiếng tỏ lòng, tiếng tơ lòng của quá khứ không biết tự thủa nào và những tình cảm ở một cảnh giới nào đó. 

Ở đời phàm bất kể điều gì “Đã thái quá thì tất sẽ bất cập”. Thời tiết tự nhiên cũng không ngoại lệ cái điều mang tính khẳng định ấy. Ở đây tôi không đề cập đến những điều bất thường to tát của thời tiết như là: bão tố, hạn hán,….Mà chỉ là sự mưa nắng thông thường, có chăng chỉ là sự thái quá một chút mà thôi. Nắng kéo dài cả tuần thậm chí cả tháng cũng chẳng sao hoặc thảng một chút xíu khó chịu mà thôi. Nhưng với mưa thì chao ôi! Đã hai ba ngày là đã chán lắm rồi, nhất là mưa phùn dầm dề nó không những làm người ta chán mà còn khiến người ta buồn. Nếu như ai đó, lại chứa chất trong lòng sẵn một nỗi niềm tình cảm thì những giọt nước kia thực sự là những giọt buồn rỏ thánh thót vào tâm can con người đó và người đó sẽ cảm thấy tê tái, não nề.

Đêm mưa làm nhớ không gian

Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bào la” (Thơ Huy Cận).

Đêm nay là một đêm mưa dầm dề như thế, dù tôi không có tâm trạng sầu như thế, vậy mà nằm nghe tiếng nước rỏ tí tách trong đêm cùng với bản hòa tấu của đám côn trùng rên rỉ. Dường như chúng cũng cảm nhận được cái buồn của tự nhiên hay là tiếng buồn của nhân thế. Khiến tôi không sao ngủ được và chợt nhớ đến hai câu thơ mà tôi cũng không nhớ của nhà thơ nào nữa:

“Sóng sầm xịch lưng chừng ngoài biển bắc

Giọt mưa tình rỉ rắc chốn hàng hiên”

Tôi trở dậy lấy chồng báo văn nghệ cũ rồi rút ngẫu nhiên một số báo để đọc, thấy mục “sổ tay thơ” trên báo số 7 ra ngày 15 tháng 02 năm 2014 có đăng bài thơ “Bên sông” của nhà thơ Bế Kiến Quốc và lời bình của Trần Vũ Long. Khi đọc bài thơ nói trên tôi cũng có một cảm giác thảng thốt khó diễn tả. Những câu thơ nhẹ như không ấy nhưng lại chứa chất một cái gì như siêu thoát, như hư vô, như thăm thẳm vô cùng của cõi đời và cõi trời. Đọc đến lời bình thật hay, thật đúng của Trần Vũ Long đã đánh thức những  suy nghĩ ám ảnh trong tôi về những bài thơ như thế của các nhà thơ xưa nay, mà theo như cụ Nguyễn Du thì “Một lời là một vận vào khó nghe” (Kiều). Còn theo như cách nói của nhà văn Chu Văn thì “Trong thơ có ma có quỷ chăng?” Đó là khi Chu Văn nói về bài thơ Tất niên cuối cùng của nhà thơ Nguyễn Bính làm và đọc cho mọi người trong cơ quan Ty văn hóa Nam Định nghe tại buổi họp cuối năm. Nghe xong, mọi người im lặng không nói gì, không khí trong phòng họp trở nên buồn buồn, lành lạnh và dự cảm một điều gì đó sắp xảy ra với nhà thơ. Đúng như thế,  Nguyễn Bính đã ra đi vĩnh biệt cõi đời vào chiều 30 tết năm ấy tại nhà người bạn. Chưa hết,  khi nhà văn Chu Văn lên Hội nhà văn báo tin là Nguyễn Bính mất rồi. Nghe xong nhà thơ Trần Lê Văn đập tay xuống bàn và nói: “Biết ngay mà….Biết ngay mà…Bính nó ra đi để lại cả mùa xuân cho đời mà”. Mọi người hỏi tại sao ông bảo thế, thì Trần Lê Văn nói: “Các ông không biết à? Bính nó viết:

Năm mới tháng giêng mồng một tết

Vẫn còn nguyên vẹn cả mùa xuân..”

(Theo lời kể của nhà văn Chu Văn trong tựa đề “Thơ Nguyễn Bính”) nghe mà ớn lạnh cả người.!

Con người ta kể cũng lạ lắm, nhất là với những người có tâm hồn thi sĩ. Ở họ có sự rung động tinh tế vô cùng, tựa hồ như sợi dây đàn mong manh đến vô hình, chỉ cần một làn gió rất nhẹ thảng qua cũng đủ làm ngân lên những tiếng tỏ lòng, tiếng tơ lòng của quá khứ không biết tự thủa nào và những tình cảm ở một cảnh giới nào đó. Những rung động ấy nó không thể mượn lối văn xuôi thông thường mà thể hiện được mà nó phải nhờ đến thơ, chỉ có thơ mới gửi gắm và người đọc mới cảm nhận được cho dù có thể chưa thấu đáo hết. Có một nhà thơ,  ông làm thơ không nhiều nhưng lại có những vần thơ như vậy, đó là nhà thơ Tô Hà:

“Thuở ấy anh là mây dưới kia

Theo trăng vằng vặc rủ em về

Ai hay trước ngõ em đâu mất

Để lại tơi bời anh lối khuy

*  *   *

Từ ấy không đêm cũng chẳng ngày

Anh là giá buốt của sương bay

Là sao ướt đẫm run trên lá

Trăng ngỏ lời suông với gió may”

Những vần thơ đọc xong mà thấy bâng khuâng, thảng thốt. Tác giả như viết cho hai linh hồn yêu nhau ở cõi thinh không, hư ảo nào đó, rồi ông viết tiếp:

Ngõ cũ  ai về thăm lối xưa

Anh Thành cõi khác của đam mơ

Nghe hồn thu thảo qua hư ảo

Ai khóc tên mình trong nắng trưa?

Sao mà buồn thế, chơi vơi thế, một nỗi niềm khiến người đọc cũng rơi lệ cho ông và ông đã ra đi khi đời mới vào độ nửa “cõi thế”.

Và đây trong thời gian chống Mỹ có bài thơ: “Cuộc chia ly màu đỏ” của nhà thơ Nguyễn Mĩ. Theo như nhà thơ Dương Đức Quảng, một bạn thơ, một đồng đội cùng đơn vị chiến đấu với Nguyễn Mĩ. Khi trả lời phóng viên văn nghệ đài tiếng nói Việt Nam, ông nói: “Khi đọc bài thơ: Cuộc chia ly màu đỏ” của Nguyễn Mĩ làm khi chia tay bạn bè để lên đường vào nam chiến đấu. Ông rất thích bài thơ ấy nhưng đồng thời cũng để lại cho ông một cảm giác phân vân gì đó, hình như là một dự cảm không lành về Nguyễn Mĩ. Quả nhiên như thế, vào chiến trường miền nam chiến đấu Nguyễn Mĩ đã anh dũng hi sinh. Cuộc chia ly của người lính trẻ đúng là “Cuộc chia ly màu đỏ” và mãi mãi “Tươi như cánh nhạn lai hồng” mà ông đã viết.

Còn như ngược thời gian về trước có nhà thơ Thành Nam - Trần tế Xương với bài thơ “Từ biệt gia đình” ra đi với những dự định mới của mình và người đã từ giã cõi đời này sau đó:

“Mai không thi đỗ, tớ đi ngay

Giỗ tết từ nay nhớ lấy ngày

Cống hỷ, méc xi đây thuộc cả

Chẳng sang Tàu, tớ cũng sang Tây”

Người ta cho rằng câu thơ “Chẳng sang Tàu, tớ cũng sang Tây” là bị “sái”. Ngụ ý của tác giả là sang Trung Quốc hoặc một nước phương tây nào đó, mà cụ thể có thể là nước Pháp, nhưng trong dân gian ta, nhất là những người theo đạo phật người ta cho rằng sang tây nghĩa là sang “Tây trúc” là cõi Phật.

Còn trong trường hợp cụ Tam Nguyên Nguyễn Khuyến thì bài thơ người đời cho là  “sái”, đó là bài thơ đùa một anh khóa sinh tối đi trêu gái bị đẩy xuống ao ướt hết cả quần áo:

“Kìa uẩy đi đâu một lũ dài

Tối tăm tôi chẳng biết là ai

Khoan khoan đứng lại cho tôi mó

Mó cái xem rằng gái hay trai?”

Người đương thời cho rằng sau khi cụ làm bài thơ ấy thì bị đau mắt và bị lòa. Cõi thế người xưa cho rằng trăm năm đối với đời mỗi con người chúng ta “Nhân sinh bách tuế vi kỳ…” (Vua Tự Đức) thì thi sĩ Tản Đà đã làm bài thơ chán đời, không muốn sống nữa (mặc dù chỉ là đùa vui mà thôi) mà muốn lên trời làm thằng Cuội, “Muốn làm thằng Cuội” trong đó có câu: “Trần thế em nay chán nửa rồi” vì "Chán nửa”“sái” và thi sĩ đã ra đi vào tuổi 50.

Đối với một nhà văn tài hoa mà có ít người biết đến đó là Hoàng Nhượng Tống, tên thật là Hoàng Phạm Trân quê ở Ý Yên, tỉnh Nam Định, ông là anh ruột của các ông: Hoàng Trung Tích (Nguyên trưởng ty giáo dục tỉnh Nam Hà), Hoàng Đình Huống (Nguyên trưởng ty lâm nghiệp tỉnh Phú Thọ) và là bác ruột nhà thơ liệt sĩ Hoàng Minh Chính với bài thơ nổi tiếng “Đi học” đã được phổ nhạc. Chính ông là một yếu nhân của tổ chức Quốc dân đảng (của cụ Nguyễn Thái Học). Chuyện kể rằng lúc bé ông rất thông minh có thể coi như một thần đồng, nhập tâm cực nhanh. Một hôm ông cùng đám bạn học trò và lúc giữa trưa thầy đồ còn đang ngủ đã đến, và trèo lên cây cau bắt tổ chim ri để nghịch, bố ông Cụ Tú (thày đồ) thức dậy bắt được đã xử phạt và ra điều kiện nếu ứng khẩu làm bài thơ với đề là “Tổ chim ri” thì sẽ tha còn không sẽ “ăn roi”, ông liền khoanh tay lại và xin đọc luôn bài thơ bốn câu như sau:

“Một tổ chim ri được bốn con

Cánh lông chưa đủ hãy còn non

Bao giờ cho nó ra dàng nhỉ?

Cặp trả dâng thầy uống rượu ngon”

Nghe xong cụ Tú vứt roi tha cho và thở dài nói rằng: “Thằng này chắc sự nghiệp sau cũng không ra gì”. Quả nhiên như vậy. Tổ chức Quốc Dân Đảng của cụ Nguyễn Thái Học do khởi sự non đã thất bại rồi dẫn đến diệt vong vì những sai lầm tiếp sau đó. Chính ông cũng có một kết cục bi thảm.

Nhưng so với tất cả các trường hợp đã nêu thì có lẽ trường hợp của danh tướng, thi tướng Nguyễn Hữu Chỉnh thời Tây Sơn khiến cho người ta một cảm giác rùng mình hơn cả. Bài thơ như một lời tiên tri, một bản tổng kết sớm về sự nghiệp và cuộc đời của chính mình mà ông đã vô tình cảm xúc làm bài thơ vịnh cái pháo giấy. Khi thù tạc cùng bạn bè lúc còn là một khóa sinh. Nghĩ lại thì không thể chính xác hơn, một kết cục vô cùng bi thảm. Ông đã bị Vũ Văn Nhậm, tướng của Tây Sơn theo mật kế của Nguyễn Huệ theo dõi và bắt giết một cách rất dã man đó là vằm nát thi thể của ông rồi vung cho chó ăn theo truyện “Cánh chim bằng bạt gió” của nhà văn Hoàng Giang Phú. Bài thơ như sau:

“Xác không vốn những mượn tay người

Bao nả công trình tạch cái thôi

Kêu lắm thì càng tan xác lắm

Thế nào cũng một tiếng mà thôi”

Tôi đưa ra một số trường hợp mà người đời gọi là “sái” của một số nhà thơ xưa và nay. Không biết là như thế nào nữa hay chỉ là sự ngẫu nhiên mà người đời quy nạp mà thôi. Hay đó chính là thuyết Vô thường của Đạo Phật? Dù là thế nào đi chăng nữa thì vẫn để lại cho ta một cảm giác ám ảnh nào đó.

Văn Mỹ, ngày 26 tháng 05 năm 2015

Trần Diên Linh,Yên Trung, Ý Yên, Nam Định.

Các bài viết khác