Hội thảo khoa học Danh nhân văn hóa Hoàng giáp Trần Hữu Thành được tổ chức vào ngày 12/7/2020 tại Nhà Văn hóa UBND xã Yên Trung, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Hội thảo khoa học này là sự phối hợp giữa Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo và Hội đồng gia tộc Hoàng giáp Trần Hữu Thành. Hội thảo có hơn 10 tham luận, phát biểu của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu,,, Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo xin tóm tắt phát biểu Kết luận của PGS.TS Đặng Văn Bài với nội dung dưới đây.
Tinh thần của Hội thảo chúng ta xuất phát từ giá trị văn hóa của cụ Tổ chúng ta, tinh thần yêu nước Việt Nam, yêu quê hương. Muốn yêu nước trước hết thì phải yêu quê hương, rồi phải yêu con người ở quê hương mình, rồi phải yêu tổ tiên mình. Muốn yêu tổ tiên mình thì phải hiểu về thân thế, sự nghiệp của họ.
PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam phát biểu kết luận tại Hội thảo khoa học Danh nhân Văn hóa Hoàng giáp Trần Hữu Thành.
Thứ nhất là các bài phát biểu tại Hội thảo hôm nay, đã đưa ra những thảo luận trực tiếp, có thể là những thảo luận gián tiếp nhưng mà chúng ta cũng tương đối đồng thuận mà tôi thấy là chưa thấy ý kiến nào trái chiều cả, đều nhất trí nhận diện là Hoàng giáp Trần Hữu Thành là một người thi đỗ đạt cao, có thể đại diện cho Di sản Nho học Việt Nam.
Thứ hai là chúng ta đồng thuận cụ Tổ của chúng ta chắc chắn là quan thanh liêm rồi, có tài, có đức thì người ta mới cử làm quan Giám sát Ngự sử, tức là quan thanh tra bây giờ đấy, hoặc là Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương, hay là Chánh Thanh tra Chính phủ.
Thứ ba là cụ đi nhiều nơi và làm được nhiều việc có ích với dân, theo tài liệu của cụ Dương Văn Vượng, nhà Nho học, chuyên gia nghiên cứu Văn hóa, lịch sử của tỉnh Hà Nam Ninh trước đây thì Cụ khai khẩn được một vùng khá rộng lớn. Đấy, chúng ta thống nhất với nhau 3 cái mục đó.
Sự hiện diện của Nhà Sử học Lê Văn Lan tại Hội thảo khoa học Danh nhân Văn hóa Hoàng giáp Trần Hữu Thành là niềm cổ vũ động viên tới bà con trong dòng họ.
Tôi nghĩ rằng, ý kiến đồng thuận chúng ta mới vinh danh để gắn kết cộng đồng, ngày xưa ta lập nhà nhà thờ tổ để mà những người trong cùng huyết thống dòng giống được tiếp nối có mình. Và vừa rồi thì một Tiến sĩ trẻ Harvard của chúng ta lên phát biểu, thì tôi mới nhớ lại cố GS Trần Quốc Vượng mà một lần tôi đi tháp tùng, thì GS bảo với tôi là: Tao bảo đảm với mày là không có ông nào làm to bây giờ mà ba bốn đời trước mà không có ông bà bố mẹ hiển vinh đâu, có thể là gen nó lặn rồi nó nổi hết. Thế cho nên là đang có Tiến sỹ thế nào là cũng nhờ phúc Tổ tiên. Và tôi nhớ không nhầm thì ông bạn tôi là Trần Ngọc Tiếp cũng đã từng làm Chánh Thanh tra Bộ Bưu chính Viễn thông đấy. Như thế là, cháu con đời sau cũng là người tiếp nối thanh tra. Đấy là một truyền thống rất tốt.
Tôi muốn dòng họ thống nhất ý, là lý do thế này, cụ Trần Hữu Thành của họ ta ở nhiều nơi và hiện nay có rất nhiều nơi thờ cúng, nên tôi có thêm ý kiến thế này để trong họ ta lưu ý: Khi xếp hạng di tích cấp tỉnh thì chắc chắn người ta chỉ chọn một địa điểm thôi, nên trong họ chúng ta phải thống nhất địa điểm hiện đang thờ cúng nào là tiêu biểu để cơ quan chức năng làm hồ sơ. Tôi thấy, hôm nay, chính quyền xã đã biểu lộ sự ủng hộ tức là xã ý thôi, tôi chưa gặp đồng chí văn hóa huyện nào để có thể trao đổi với nhau với tư cách là đồng nghiệp của nhau. Nhưng tôi hy vọng rằng, với kết quả của cuộc Hội thảo hôm nay sẽ tạo ra sức thuyết phục cho chính quyền địa phương để tiến hành xếp hạng di tích.
Hòa thượng Thích Tâm Vượng, Phó Trưởng Ban Trị sự GHPG tỉnh Nam Định và ông Phan Trọng Điền, Giám đốc Công ty Đúc đồng Nam Thiên tặng hoa chúc mừng Hội thảo tới ông Trần Khánh Dư, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo.
Thế thì tôi cũng xin khép lại: Tôn vinh cha ông, lập đền thờ, bảo hộ, giỗ nhưng mà làm cho di sản cha ông được xếp hạng cấp tỉnh tức là nhà nước thực sự công nhận cha ông mình là danh nhân, đặt nhà thờ của mình dưới dự bảo hộ của pháp luật là một hình thức tôn vinh, tri ân trân quý nhất hiện nay. Vậy nên, Tôi rất mong sự đồng lòng để xây dựng được.
Nhân đây tôi cũng xin được thay mặt Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo, rồi họ Trần đã có một hoạt động văn hóa rất thiết thực tổ chức được Hội thảo ngày hôm nay. Hội thảo này phù hợp với tôn chỉ mục đích của Hội chúng tôi là huy động nguồn lực xã hội để chúng ta bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa của cha ông chúng ta.
Những nội dung mà chúng ta được nghe thì tôi đưa ra mấy kiến nghị như thế này:
Chúng ta có thể đánh giá nhà thờ dòng tộc Trần Hữu Thành là một trong những di sản như sau: Thứ nhất là "Di sản Nho học"; thứ hai là "Di sản Văn hóa dòng họ, dòng tộc"; thứ ba là ta có thể đánh giá là Di sản Lưu niệm. Nếu là "Di sản Nho học" thì tương lai sẽ ra nhập mạng lưới Di sản Nho học Việt Nam. Tôi hy vọng là sau đây trong dòng họ sẽ chủ động họ họp bàn với nhau, rồi làm việc với Phòng Văn hóa Thông tin, Sở Văn hóa Thể dục Thể thao tỉnh Nam Định, các anh ý chung tay xây dựng hồ sơ để trình UBND tỉnh Nam Định sớm ra quyết định công nhận Đền thờ dòng họ chúng ta là "Di tích Nho học", là "Di tích Lưu niệm" cấp tỉnh.
Tôi xin cảm ơn Quý vị đã đến phát biểu ý kiến, rồi tham gia trao đổi và ngồi đến phút cuối cùng như thế này là biểu hiện cho chúng ta tôn vinh một vị danh nho của đất nước, một vị cụ Tổ của dòng họ chúng ta đã có công xứng đáng và hiện nay đang phát huy được truyền thống của cha ông, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng đất nước của chúng ta dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
PGS.TS Đặng Văn Bài
Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam.