Hòa thượng Phạm Quang Tuyên (1851-1934), người làng Quần Phương Trung xã Hải Anh huyện Hải Hậu tỉnh Nam Định, tên húy là Viêm, pháp húy tự Quang Tuyên, pháp hiệu Hương Quang tháp. Hòa thượng sinh trong một gia đình nhà Nho thuần thành Phật đạo. Phụ thân Ngài là cụ Phạm Đức Miện, mẫu thân là cụ Trần Thị Hương hiệu Từ Hoa. Tại khoa thi triều Nguyễn, Ngài đỗ Cử nhân và được bổ làm quan tri huyện ở Thuận Hóa (nay là Thừa Thiên - Huế). Hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi và tham gia phong trào theo đúng tinh thần “Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách”, tiếc rằng không thành, Ngài treo mũ từ quan, xuất gia tu hành để chí hướng phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân theo một cách khác phù hợp với Ngài hơn. Cuộc đời của Cử nhân họ Phạm được đánh dấu bởi một hành trạng hoàn toàn mới: Thiền sư - chí sĩ xuất gia!
Khoa cúng Đệ nhất Tổ sư chùa Cổ Lễ ghi: Năm 1890 xuất gia tại chốn tổ Phú Ninh (xã Phương Định, huyện Trực Ninh) làm Pháp tử Hòa thượng Thích Sinh Ý thuộc Thiền phái Tào Động; rồi cụ túc giới tại Tổ đình Thánh Ân (nay là chùa Cả, thành phố Nam Định). Rồi được Sư Tổ Phú Ninh tin tưởng giao cho Ngài trụ trì, hưng công khởi dựng nhiều chùa thuộc khu vực hạ lưu sông Ninh Cơ thuộc huyện Giao Thủy, Chân Ninh, Nam Chân.
Ngài đã du phương phỏng đạo tại Tổ đình Liên Phái (nay ở số 182-184 Bạch Mai, phường Ô Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) được Tổ sư Như Trừng Lân Giác Thiền sư (Phò mã của chúa Trịnh) nhân sai gia nhân đào hồ trên gò núi sau dinh thự đã thấy một bông hoa sen ở sâu dưới đáy hồ, xem đó là điềm lành báo xuất gia, liền “Cải gia vi tự”. Ngài cho xây chùa nguy nga, đặt tên là Liên Hoa, thành lập tông phái Liên Hoa, sau gọi là Liên Phái (Hòa thượng Thích Thế Long sau này cũng đã tu học ở đây). Như Trừng Lân Giác là đệ tử của Thiền sư Chân Nguyên - người đệ tử của Thiền sư Minh Lương, Minh Hành, Pháp tôn của Hòa thượng Chuyết Chuyết, người truyền phái Lâm Tế vào Việt Nam. Vì vậy, Liên Phái được coi là nơi tập trung các bậc cao Tăng thạc đức, tinh thông Tam tạng Thánh điển. Tại đây, Ngài miệt mài tu học, tinh tấn trau dồi, quảng lãm Tam tạng nên chẳng bao lâu Ngài đã tinh thông giáo điển đặc biệt là Ngài thông Luật tạng nên gọi là Luật sư. Sau khi học xong ở Liên Phái, Ngài trở về Nam Định Thiên Trường trụ trì nhiều chùa, Ngài dừng lại ở Tương Nam (Thôn Nội - Thần Quang Tây tự) trước khi dừng chân trú tích tại Cổ Lễ Thần Quang.
Từ tháp Cửu phẩm Liên Hoa bước qua cầu để vào khuôn viên chùa Cổ Lễ là Hội quán, hai bên là đền cha và phủ mẹ, còn phía phía sau là Nhất thốc lâu đài.
Chùa Cổ Lễ (Thần Quang tự) được xây dựng thời nhà Lý vào khoảng năm 1141 với kiến trúc gỗ bảy tầng nguy nga tráng lệ. Trải qua bao thay đổi của thời gian, sự tàn hủy của thiên nhiên, của chiến tranh, loạn lạc… đến cuối thế kỷ 19 chùa xưa chỉ còn là một chiếc am nhỏ với vết tích đổ nát trên nền tiểu danh lam. Lịch sử, di cảo, bi ký, bảo vật… của chùa và lịch đại Tổ sư trụ trì, hương đăng, Phật hậu… đều không còn lưu lại dấu tích. Cổ vật còn lại là một pho tượng Nam Thiên Thánh Tổ tương truyền được tạc từ khi Ngài còn sinh thời bằng gỗ trầm hương trắng, một quả chuông 3 tạ đúc thời nhà Lê niên hiệu Cảnh Thịnh năm thứ 7 tháng 4 (1799), trống đồng và chiếc “Bắc nang đồng” của Đức Thánh Tổ.
Khoảng năm 1912-1914, Hòa thượng Phạm Quang Tuyên vào Huế dâng biểu xin vua Khải Định chiếu chỉ xây chùa và được vua cấp ban cho Hòa thượng và nhân dân 40 mẫu ruộng để sử dụng trong việc xây chùa: (10 mẫu để làm chợ Cổ Lễ: 5 mẫu làm chợ, 5 mẫu đào đất đắp nền chùa; 10 mẫu làm chùa; 20 mẫu làm giáo sản để nhà chùa trồng cấy nuôi thợ làm chùa). Như vậy có thể thấy tầm nhìn của Hòa thượng: Muốn phát triển kinh tế nhân dân và tập trung dân cư. Đất Cổ Lễ đã “cận giang” đã có “dưới thuyền” thiếu “cận thị” và “trên bến”. Chợ là giải pháp để Cổ Lễ trở thành nơi “Trên bến dưới thuyền”. Mở chợ rồi xây chùa là tư tưởng rất tiến bộ, đặc sắc và tầm nhìn ấy đầy tính khoa học vĩ mô.
Bên phải là cầu núi, bên trái là Nhất thốc lâu đài.
Năm 1914, Hòa thượng cùng nhân dân khởi công xây dựng chùa Cổ Lễ đến năm đã hiện lên “Nhất thốc lâu đài” nguy nga tráng lệ mà người lúc ấy cùng hậu thế sau này phải mất bao giấy mực ngợi ca. Thậm chí, Hòa thượng cũng phải thốt lên vui mừng:
Chùa cao tượng lớn nguy nga
Chẳng nơi đế quyết cũng là tiên cung.
(Hòa thượng Phạm Quang Tuyên, năm 1919)
Nhìn trên tổng thể, chùa Cổ Lễ được Hòa thượng Phạm Quang Tuyên thiết kế và xây dựng trên một khuôn viên có hình chữ Thiện. Hệ thống ao, hồ, sông, và các điểm nhấn là nhấn của các nét rỗng trong chữ Thiện ấy. Hòa thượng sinh thời được truyền tụng là người rất am tường phong thủy, kinh dịch, và có lẽ vậy nên Ngài đã lấy phong thủy “Phân kim điểm huyệt” kỹ lưỡng để nghinh phúc trừ tai, trấn phục yêu ma, trừ tà quỷ.
Trên trục quy chiếu Đông Tây - Nam Bắc kẻ đường thẳng xuyên tâm: Tháp Cửu Phẩm - Hội Quán - Cuốn cuốn - Tam Bảo - Tổ đường - Gác chuông - bia nghĩa sỹ Phật tử (sau này) thì chùa làm đối xứng quanh trục đó và hơi nghiêng theo hướng Tây Nam - Đông Bắc. Theo quan sát của chúng tôi từ trên cao và suy đoán rằng điểm cuối của trục ấy phải chăng là bến thuyền cũ chợ Cổ lễ xưa? Có lẽ vì trục đối xứng ấy mà tuy gồm nhiều công trình, nhiều tòa nhiều khối khác không đồng, mặc dù không có bản vẽ, không có sơ đồ trên giấy tờ chỉ có trong đầu Đức Tổ mà chùa Cổ Lễ vẫn là quần thể công trình tạo nên một chỉnh thể thống nhất hình bông sen khổng lồ đầy tính mỹ thuật và nghệ thuật.
Bài trí tượng Phật trong Nhất thốc lâu đài.
Chùa Cổ Lễ không có tường rào bao quanh như các chùa khác để phân lập kiến trúc chùa và các đối tượng kiến trúc khác. Ở đây Hòa thượng cho đào sông quanh chùa lấy đất đắp thành đường bao quanh. Đắp đường quanh chùa Ngài gọi là “Hoa hoàn”, sông hồ quanh chùa gọi là “Tứ diện phùng hồ sông thủy nhiễu”. Hệ thống đường trên hồ dưới vừa là hệ thống giao thông, vừa là hệ thống hàng rào tự nhiên bảo vệ, vừa là sinh khí phong thủy lưu thông và vừa tạo cảnh quan hữu tình cho một đóa sen lớn nổi lên trên mặt nước.
Dọc theo trục kiến trúc Tây
Phía sau hồ là một Quảng trường rộng với vườn hoa thảm cỏ, non bộ, tiểu cảnh làm theo hình các cánh sen lớn tạo thành một tòa sen gọi là Quảng trường Liên Hoa, với trung tâm là Tháp Cửu phẩm Liên Hoa.
Tháp Cửu phẩm Liên Hoa: Tháp được Hòa thượng Quang Tuyên thiết kế và xây dựng vào năm Đinh Mão 1927 niên hiệu Bảo Đại năm thứ 2. Tháp gồm 9 tầng chưa kể tầng đế và trên đỉnh là bông hoa sen lớn. Toàn bộ tháp cao 32 mét được xây giữa lòng hồ đặt trên lưng một con rùa (Quy) - biểu tượng của một trong Tứ linh (Long, Ly, Quy, Phượng) đồng thời cũng là biểu tượng cho sự trường tồn của Phật Pháp. Thân rùa dài 18m, rộng 10,1m, chu vi cổ 5,1m, mai rùa có 6 múi bát giác mỗi múi dài 4,65m, chân rùa dài 1,8m, tiết diện ngang chỗ lớn nhất 0,35m. Móng tháp trong lòng hồ được Sư tổ làm bằng nhiều bè gỗ lim lớn chôn xuống và neo buộc chặt chẽ với nhau để chịu nén cho cả công trình. Trên 6 cạnh tháp có 6 cặp rồng chầu vào nhau ở giữa tháp. Trong tháp phía trên cùng thờ Đức Phật A di đà, từ dưới lên đỉnh tháp là một cột lớn chịu lực xung quanh có 64 bậc hình xoáy ốc. Quanh tháp có 4 quả núi (Tứ sơn), mỗi quả lại có một con voi đắp theo kiểu bán phù điêu, bán tượng. Quần thể Tháp Cửu phẩm Liên Hoa mang đậm tính triết lý nhà Phật thể hiện thế giới quan, nhân sinh quan, vũ trụ quan Phật giáo một cách sâu sắc. Tháp 9 tầng (cửu trùng) tượng trưng cho 9 tầng trời Phật, đồng thời cũng là 9 nấc thang đi đến quả vị giải thoát.
Tháp Cửu phẩm Liên Hoa trước chùa Cổ Lễ, thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực
Tiếp sau quần thể Tháp là 3 cây cầu vào chùa, cầu cuốn ở giữa, hai cầu núi hai bên. Theo triết lý nhà Phật, trước cầu vào chùa thì gọi là Việt (vượt), tức là rũ bỏ bụi trần ai để sang bên bờ kia gọi là Siêu (vào cảnh giới an tịnh). Hai bên có 2 cầu núi theo thế Thượng sơn hạ kiều, Như động như lăng. Chiều dài mỗi cầu 14,1m, có trụ cuốn mái vòm trên đắp núi non, muông thú, chùa tháp…
Qua cầu cuốn bắc qua hồ là vào Chùa chính. Chùa chính là một quần thể kiến trúc gồm 9 tòa khác nhau nhưng lại liền kề thành một khối theo kiểu mái vòm trên một diện tích hình chữ nhật dài 31,6m, rộng 14,7m. Tất cả các tòa trong khối hợp thành một tòa sen với cánh khổng lồ nâng hậu lâu như một bức tượng Đại từ phụ ngồi trong Đại định Tam muội nhìn về hướng Tây, phần lưng sau thẳng đứng. Trên tầng trên cùng có 4 bức đại tự: Phía Tây: Đại Từ Phụ; phía Bắc: Bắc Nang Đồng; phía Đông: Đại Từ Phụ (viết theo kiểu chữ triện); phía
Trước cửa chùa là hàng cột lục lăng 6 cạnh trong rỗng liên quan đến sáu trần, sáu căn, sáu thức, lục độ, lục thông… Trong chùa hệ thống tượng được bài trí rút gọn đặc biệt, tiền Phật hậu Thánh khác với kiểu bài trí tượng pháp so với các chùa khác.
Bức tượng Thích Ca cao 6,2m uy nghiêm dưới cội Bồ đề trong hào quang đại định Tam muội, hai bên là hai Bồ tát thị giả tả Văn Thù, hữu Phổ Hiền, phía dưới là tòa Cửu Long. Trên tầng hai, bên dưới tượng Phật là Cung Thánh Tổ còn gọi là Cung cấm thờ Nam Thiên Thánh Tổ ở khám giữa, Thánh Tổ Giác Hải, Từ Đạo Hạnh ở hai bên có 5 pho tượng đồng (là những gì còn lại của 29 pho tượng đồng Hòa thượng đúc đầu thế kỷ tại Cổ Lễ).
Khoa cúng Tổ chép:
“Giáp Tý niên chí đại hồng chung thanh truyền
Hòa thượng đức đại hồng chung nhưng rất tiếc chưa được tố hảo và cũng có lẽ cơ duyên ấy tiếp tục để hậu thế tiếp tục hoàn bị như một cái cớ để hưng long chốn Tổ.
Ngoài ra còn nhiều công trình khác tổ đã tạo dựng lên phong cảnh vừa u tịch, vừa thâm nghiêm lại hết sức hữu tình sơn thủy, gắn bó chan hòa với thiên nhiên làm nên danh thắng Cổ Lễ nổi tiếng khắp vùng và trong cả nước.
Chiếc mõ làm bằng đồng được bày trong Nhất thốc lâu đài
Ngoài thơ phú, trước tác các thể loại của Hòa thượng còn rất nhiều hiện đang nằm rải rác trong các tư liệu về Hòa thượng trong nhân dân và các chốn trụ xứ Ngài từng trụ trì. Các di cảo này cần được sưu tầm và biên soạn lại ngõ hầu hậu thế mới có cơ hội thưởng lãm. Chúng tôi xin tạm trích hai bài thơ của Hòa thượng: “Nhất thốc lâu đài” - Bài thơ là cảm tác của Hòa thượng khi hoàn công chùa Cổ Lễ và bài “Lục tự Hồng danh diệu nghĩa” Tổ viết sau cuốn Di đà Kinh sám khắc in tại Cổ Lễ.
Nhất thốc lâu đài.
Vô biên công đức lạc đồng nhân
Hỷ kiến Thần Quang thế giới tân
Luân hoán kỷ thời danh thắng cảnh
Kinh dinh bất nhật phú từ vân
Thập phương lan cúc song song tú
Nhất thốc lâu đài điệp điệp xuân
Ý vị thiên ban nan hội giải
Hân hồi thái Cổ Lễ phong thuần.
Hòa thượng Quang Tuyên - năm 1919
Tạm dịch nghĩa:
Công đức của nhân dân (xây chùa này) nhiều vô kể
Vui mừng được chiêm ngưỡng Thần Quang (xây) theo phong cách mới
Thời gian luôn biến đổi ở thắng cảnh này
Trải qua không qua ngày (mà) mây lành đã (hội tụ) rực sáng
Mười phương lan cúc đua nhau khoe sắc nở
Một nhóm lâu đài trùng điệp trong hương xuân.
Ước mơ trảI qua ngàn năm khó gặp gỡ (và) thỏa nguyện
Vui mừng về Cổ Lễ là nơi phong thuần.
Dịch thơ:
Một dãy lâu đài
Xiết bao công đức của nhân dân
Mừng thấy Thần Quang kiến trúc tân
Năm tháng đổi thay danh thắng cảnh
Hôm mai sán lạn áng Từ vân
Mười phương lan cúc đua đua sắc
Một dãy lâu đài lớp lớp xuân
Ước mơ ngàn năm đâu dễ gặp
Nơi đây Cổ Lễ chốn phong thuần.
Bản dịch của Pháp Lữ.
Đánh giá một con người bình thường đã là rất khó; viết, cảm nhận về một bậc Thượng nhân lại càng khó hơn chứ chưa nói gì đến việc đánh giá về Người. Hòa thượng là bậc chân tu, một Thiền sư đắc đạo, lại là người khảng khái, kín đáo ít tỏ bày. Với tinh thần tôn trọng cứ liệu, tôn trọng lịch sử xin được đưa ra 4 nét đặc sắc về cuộc đời và sự nghiệp của Hòa thượng để cùng suy ngẫm và cảm nhận: 1) Hòa thượng là bậc tu hành đắc đạo, Phúc- Tuệ song tu; 2) Ngài là một kiến trúc sư tài ba; 3) Danh hiệu Kỳ Kỳ luật sư đã phản ánh tài năng và sự độc đáo, đặc biệt ở con người Hòa thượng; 4) Hòa thượng có tầm nhìn sâu rộng của một bậc hoạch định tầng lớp vĩ mô.
Tỷ khiêu Thích Mật Viên (Chùa Cổ Lễ).