Nước ta có 2 Đại Danh y, Tuệ Tĩnh Thiền sư (?-1400) và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720-1791). Tuệ Tĩnh là người mở đường, vị Thủy Tổ của thuốc Nam Việt Nam. Hải Thượng Lãn Ông tiếp tục phát triển, sau Tuệ Tĩnh khoảng 400 năm.
Nhà tôi về bên ngoại, 3 đời làm thuốc Nam gia truyền, nên tên tuổi và cuộc đời của Tuệ Tĩnh, tôi được biết từ khá sớm. Điều đó cũng giúp tôi một phần khi viết bài thơ Tuệ Tĩnh. Bài thơ như sau:
TUỆ TĨNH
Ngày sau, có ai người nước Nam qua đây
Xin đưa hài cốt tôi về với…
Lời ông khẩn cầu lúc lâm chung
Đã khắc vào đá
Đặt trên mộ
600 năm
Mưa nắng Giang Nam không mòn được
Trời đất Trung Hoa sương khói mịt mùng…
Bao người nước Nam đã qua đây
Đọc lời ông trong cỏ rối
Còn thấy bia đá đẫm nước mắt
Nhưng không một ai nghĩ đến việc đưa ông về
Hài cốt ông
Lặng lẽ tan trong hoang lạnh
Đất xứ người
Hài cốt ông
Lặng lẽ tan trong hoang lạnh
Đất xứ người…
Đêm khuya
Đọc Nam dược thần hiệu của ông
Bộ sách cứu đời, cứu người
Thấy dáng ông phảng phất trong chữ
Nghe văng vẳng đâu đây câu nói ấy
Lòng tự nhiên lạnh buốt
Nước mắt tôi nhòe ướt
Tôi bồi hồi thở than một mình
Chỉ có vầng trăng nghiêng bên cửa sổ
Dửng dưng…
Chỉ có vầng trăng nghiêng bên cửa sổ
Dửng dưng…
Cỏ cây ơi
Có lẽ chỉ còn Em là vẫn nhớ lời Người
Ngày ngày thổi lên thành gió
Ngọn gió về quê từ nấm mộ
La lả cành mềm ngoài cửa sổ
Vẫn gọi thầm…
Nào biết có ai nghe…
Hồn ông thành ngọn gió
Bay suốt nước Nam
Đêm đêm đập vào từng cánh cửa
Mỗi ngôi nhà…
Nào biết
Có ai nghe…
Khi báo Văn Nghệ đăng, tôi chưa biết tin thì đã nhận được ba cuộc điện thoại. Đầu tiên là nhà thơ, thầy thuốc ưu tú, bác sĩ Trần Sĩ Tuấn, Tổng Biên tập báo Sức khỏe và đời sống, cơ quan của Bộ Y tế. Trần Sĩ Tuấn nói rằng: “Em vừa đọc xong bài thơ khi báo vừa ra và điện cho anh ngay đây. Em muốn cộng tác với anh trong cuộc đi tìm và đưa về nước hài cốt của cụ Tuệ Tĩnh”. Tôi rất xúc động, nói: “Nếu em vào cuộc thì nhất định sẽ làm được” và cấp cho Tuấn một số thông tin mà tôi có về việc này. Sau đó một ngày, nhận được cùng một lúc điện thoại của nhà văn Nguyễn Phúc Lai, người Hưng Yên, nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ tỉnh Hải Hưng, người đã góp công đưa hài cốt cụ Nguyễn Thiện Thuật từ Trung Quốc về nước (tôi đã đến thăm căn phòng mà Nguyễn Thiện Thuật đã sống những ngày cuối cùng và mất ở đó, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) và điện thoại của nhà thơ Hà Cừ, nguyên Tổng Biên tập báo Hải Dương, tờ báo trước đó đã đăng bài thơ Tuệ Tĩnh của tôi. (Bài thơ của tôi cũng được đăng ở tạp chí Hồn Việt và nhiều báo khác). Cả hai anh đều bảo, tôi nên đứng ra làm trung tâm của việc này và hai anh sẽ góp sức làm việc với UBND tỉnh Hải Dương và UBND huyện Cẩm Giàng, để các cơ quan ấy đứng ra đảm nhận công việc chính. Tôi nói: nhà thơ - bác sĩ Trần Sĩ Tuấn ở Bộ Y tế đứng ra lo rồi. Đó là việc quốc gia phải thực hiện ở cấp cao, còn chúng ta sẽ cùng lo phần xây Lăng mộ cho cụ ở quê nhà (huyện Cẩm Giàng, Hải Dương), khi hài cốt của cụ được đưa về. Tôi biết các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hải Dương và huyện Cẩm Giàng rất sẵn lòng cho việc này, nên điều anh em mình cùng lo không khó lắm. Khó nhất vẫn là việc ở chỗ Trần Sĩ Tuấn. Tuấn vẫn liên lạc đều với tôi và đã hình thành xong một kế hoạch sẽ trình Bộ Y tế, rồi từ Bộ Y tế mà đến Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, rồi Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc… mà kế hoạch đó chưa thể nói trước ở đây, vì còn chờ các cấp có thẩm quyền phê duyệt… Trần Sĩ Tuấn nói một câu tôi rất yên lòng: “Em còn làm việc ở Bộ Y tế 8 năm nữa. Thời gian đó đủ để lo cho công việc…”.
Về việc này, nhiều báo hưởng ứng, tạo thành một dư luận xã hội rất tốt đẹp về đạo nghĩa Việt Nam uống nước nhớ nguồn. Tôi chỉ nói riêng ở báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam. Ngày 2/7/2011, số 27, báo đăng bài của Nguyễn Nghĩa Dân, số 28 ngày 9/7/2011, báo đăng bài của nhà thơ Trần Hoàng Vy. Trước nữa, nhà văn Nguyễn Gia Nùng đã có bài đăng, rất hoan nghênh bài thơ Tuệ Tĩnh của tôi, ủng hộ việc làm này, cho rằng cần phải làm ngay và thông báo một điều khiến mọi người vô cùng cảm động: Tập đoàn xe tắc-xi Mai Linh, nói với ông, sẽ tài trợ một phần kinh phí quan trọng cho các chuyến đi của đoàn Bộ Y tế và Ban Tôn giáo Chính phủ trong việc sang Trung Quốc tìm kiếm mộ Thiền sư Đại Danh y Tuệ Tĩnh… Tôi cũng đề xuất với Trần Văn Tuấn rằng, nên nhờ người tìm trong kho sách Hán Nôm xem có còn tìm thấy tài liệu gì ghi chép về chuyến đi của đoàn sứ bộ Nguyễn Danh Nho hay bản tường trình của Chánh sứ với Cung vua hay Phủ chúa, để hình dung mộ của Tuệ Tính có thể hiện nay là ở chỗ nào. Cũng nên nghe các nhà ngoại cảm… Nghĩa là vẫn có “ánh sáng ở cuối đường hầm…”. Làm gì cho Tuệ Tĩnh, xưng tụng ông cao đến đâu… cũng không bằng tìm thấy hài cốt của ông, hoặc qua 600 năm, chỉ còn lại chỗ đất nơi ông an nghỉ… đưa về nước một bình đất ấy thôi, và hằng năm thấp nén hương bái lạy Ngài, một nhà sư tận tụy suốt đời cứu dân, vì dân, bị buộc phải cống sang Trung Quốc chữa bệnh cho vua và hoàng hậu… cho đến lúc chết, vẫn không bao giờ nguôi ngoai nhớ về quê hương, đất nước…
Điều đó cho thấy, Thiền sư Đại Danh y Tuệ Tĩnh, chất cao thượng của nhà tu hành, sự nghiệp vĩ đại về Y học dân tộc, đặc biệt công lao vô cùng to lớn trong việc tìm ra gần 4 ngàn phương thuốc Nam chữa bệnh cứu người… được tất cả mọi thế hệ quan tâm, xứng đáng với sự ngưỡng mộ và thờ phụng ông đến muôn đời sau. Ông mất ở quê Người, để lại lời khẩn cầu mà hơn 600 năm nay, lúc nào nghĩ đến, chúng ta cũng thấy xót xa…
Tháng 4 năm Canh Ngọ (1690), vua Lê Hy Tông lập đoàn sứ bộ sang nhà Thanh, trong đó có 2 chánh sứ và 2 phó sứ. Chánh sứ Thượng Bảo khanh Nguyễn Danh Nho chủ yếu lo việc triều cống và phó sứ Phương Trì hầu, Tả thị lang bộ Hộ, Trần Thọ, chủ yếu lo việc đòi đất 4 châu ở biên giới đã bị nhà Thanh lấn chiếm, trong đó châu Vị Xuyên ở Hà Giang, còn mang tên ấy đến bây giờ. Năm 1691 đoàn về, qua Giang Nam, nghỉ tại nhà công vụ, Nguyễn Danh Nho và Trần Thọ hỏi đường tìm đến viếng mộ Tuệ Tĩnh. Nguyễn Danh Nho là người cùng họ, cùng làng với Tuệ Tĩnh, Trần Thọ là bạn học, đỗ Tiến sĩ cùng khoa với Danh Nho, quê ở Điền Trì, cách quê Danh Nho, làng Xưa - Văn Thai, chỉ có 2 cánh đồng và 1 con sông. Tuệ Tĩnh là tên hiệu của Nguyễn Bá Tĩnh, đỗ Tiến sĩ năm 1351, là một nhà sư nhân ái và một thầy thuốc đại tài, Ông Tổ của thuốc Nam Việt Nam, với quan niệm: Thuốc Nam chữa bệnh cho người Nam. Ông bị bắt cống sang Trung Hoa năm 1385 và mất ở Giang Nam khoảng năm 1400. Lời khẩn cầu nổi tiếng của Tuệ Tĩnh được biết đến từ chuyến đi lịch sử này. Nguyễn Danh Nho và Trần Thọ đã lấy giấy bản dập hàng chữ trên bia đá đặt trên mộ Tuệ Tĩnh mà mang về: Ngày sau, có ai người nước Nam qua đây, xin đưa hài cốt tôi về với…
Phó đô Ngự sử Trần Tiến đã ghi khá chi tiết chuyến đi này theo lời kể của ông nội mình (Trần Thọ) cùng nhiều việc khác ở làng quê, theo lời kể của cha mình (Trần Cảnh), như cách têm trầu cánh phượng, bổ cau làm 6 miếng, đến cách vực nghé, cày ruộng, đắp đê… Tôi nhớ có đoạn (bác ruột tôi đọc chữ Nho, giảng cho tôi nghe và tôi nhớ đến tận bây giờ) ghi đến mức cặn kẽ và chắt lọc như thế này: trong triều, vua thì tăm tối, quan lại thì tham lam, luôn ức hiếp dân, hiểm độc với đồng liêu và hèn nhát với giặc… Cụ còn dặn: Con cháu phải giữ gìn sách này, không được cho người khác đọc… Vậy mà trong Cải cách ruộng đất, sách đã bị các cháu chắt của Cụ trong đoàn hồng vệ binh cách mạng đến tra khảo. Ông bác ruột tôi hãi quá, sợ sẽ bị bắt, giao cho tôi giấu đi và cuối cùng, tôi cũng phải đưa sách ra (nếu không sẽ bị đuổi học), để họ xé ra đốt ngay trong sân nhà tôi và trước mắt tôi. Tôi còn nhớ loáng thoáng một vài việc của đoàn sứ bộ…
Ông Trần Khánh Dư, Giám đốc Trung tâm; ông Nguyễn Đắc Tuấn, Phó Giám đốc và Đại đức Thạc sĩ Thích Tâm Nguyện dâng nhang tại nơi thờ Đại Danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh tại chùa Giám ngày 14/6/2023 (trái sang).
Khi về Việt Nam, Nguyễn Danh Nho cho thửa một phiến đá tương tự như thế, rồi thuê thợ khắc chữ theo bản dập, đưa bia lên thuyền chở về làng. Khi thuyền chở bia chỉ còn cách làng một đoạn sông thì mắc cạn, thuê bao người kéo đẩy cũng không được. Ông bước lên bờ và kinh ngạc nhận ra, cái doi đất con thuyền mắc cạn ấy, giống như con dao cầu thái thuốc của Tuệ Tĩnh, bèn cho là điềm giời, là chính ý muốn của Cụ chăng… Ông cho khiêng bia đá lên bờ và cho xây luôn một cái miếu để bia vào trong đó. Tôi đã đứng lặng hồi lâu trên cái doi đất hình con dao cầu thiêng liêng ấy, mà cảm nhận cái lẽ vi diệu của trời đất, nơi từng sinh ra các thiên tài…
Cái miếu ấy không biết từ bao giờ đã được xây thành đền, dân gian gọi là đền Bia, để thờ Tuệ Tĩnh. Năm 2005, đền được trùng tu rất khang trang. Cạnh đền có vườn thuốc Nam, trồng đủ các cây thuốc có trong bộ sách của Tuệ Tĩnh và dãy nhà cho các lương y về chữa thuốc Nam cho các bệnh nhân. Ông Nguyễn Hữu Oanh, khi đó là Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, người rất có Tâm và có Đức với các giá trị văn hóa của Xứ Đông xưa, trực tiếp chỉ huy trùng tu ngôi đền này, nói với tôi rằng, trong đền sẽ có bát hương tưởng nhớ Nguyễn Danh Nho và Trần Thọ, chánh và phó sứ của đoàn sứ bộ đã đến viếng mộ Tuệ Tĩnh và dập trên giấy bản, mang về nước lời khẩn cầu lúc lâm chung của Đại Danh y. Tôi đã có mặt tại đó trước ngày khánh thành đền.
Vậy là đã hơn 10 năm trôi qua, kể từ năm 2011. Những mong mỏi của bao người vẫn còn nguyên đó. Tôi nêu lại điều này, rất mong được Bộ Y tế, Ban Tôn giáo Chính phủ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam và Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo… cùng vào cuộc. Tôi xin nhắc lại một đoạn thơ của tôi, nghĩ là vẫn còn có ích:
Ngày sau, có ai người nước Nam qua đây
Xin đưa hài cốt tôi về với…
Cỏ cây ơi
Có lẽ chỉ còn Em là vẫn nhớ lời Người
Ngày ngày thổi lên thành gió
Ngọn gió về quê từ nấm mộ
La lả cành mềm ngoài cửa sổ
Vẫn gọi thầm…
Nào biết có ai nghe…
Hồn ông thành ngọn gió
Bay suốt nước Nam
Đêm đêm đập vào từng cánh cửa
Mỗi ngôi nhà…
Nào biết
Có ai nghe…
Trần Nhuận Minh, nhà văn
(Bài đăng trên cuốn Thiền sư - Đại Danh y Tuệ Tĩnh - Cuộc đời tu hành và sự nghiệp xây dựng nền Y học Cổ truyền Việt Nam, Nxb Tôn giáo, 2023)
Nhà văn Trần Nhuận Minh là hậu duệ đời thứ mười của Tiến sĩ Trần Thọ (người phụ tá chánh sứ Nguyễn Danh Nho được cử sang nhà Thanh lúc bấy giờ) đoàn sứ thần do hai vị Tiến sĩ: một chánh, một phó sứ đã lấy "bản dập” hàng chữ trên bia đá đặt trên mộ Tuệ Tĩnh rồi mang về, ông đã khẳng định rõ điều này.
Đoàn sứ bộ sang nhà Thanh vào tháng 4 năm Canh Ngọ (1600) để thực hiện hai nhiệm vụ lớn: chánh sứ Nguyễn Danh Nho đảm nhận việc triều cống, còn phó sứ Trần Thọ đảm nhiệm việc đòi lại bốn châu ở biên giới đã bị nhà Thanh lấn chiếm).
Vào năm 2011 và thời gian tiếp theo có những bài viết, bài thơ của một số nhà văn, nhà thơ tâm huyết với lời trối trăng của Thiền sư Tuệ Tĩnh như nhà văn Nguyễn Gia Nùng, nhà văn Nguyễn Nghĩa Dân, nhà văn Trần Trọng Vi, đặc biệt là nhà văn - nhà thơ Trần Nhuận Minh đã có 2 bài, trong đó, có bài thơ với tiêu đề “Tuệ Tĩnh”. Bài thơ này đăng trên báo Văn Nghệ số 27 ra ngày 02 tháng 7 năm 2011. |