TRUNG TÂM BẢO TỒN    
DI SẢN VĂN HÓA TÔN GIÁO
Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hoá Tôn giáo
Menu

Gia Định thành Tổng trấn Tả Quân Lê Văn Duyệt - 190 năm mất (1832-2022)

Ngày: 19:24:58 28/11/2021

Sách Đại Nam nhất thống chí, mục Quảng Ngãi chép Tả Quân Lê Văn Duyệt (1764 - 1832) nhân vật tỉnh này, theo bài đăng trên tạp chí Tri Tân của nhà văn Tiêu Đàm Nguyễn Tường Phượng, (tiêu đàm là viết trong vườn chuối), họ Lê vốn đàng ngoài, xã Từ Lỗ, huyện Yên Lạc, trấn Sơn Tây, nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc.

 

Theo ngọc phả, tổ năm đời Lê Văn Duyệt là Lê Văn Lương, thấy họ Trịnh chèn ép vua Lê, tìm vào Thuận Hóa theo chúa Nguyễn, khoảng thế kỷ 17, 18. Lại nói, do có người ngộ sát mới vào miền Trung, làng Bồ Đề, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, nơi có đầm sen, mùa hạ hương nức một vùng, dân gian kể từ khi Tả Quân mất (1832), sen đầm từ đó lụi dần. Ở đất Bồ Đề, đến đời cụ Lê Văn Hiếu mới di cư vào Nam.

 

Lê Văn Duyệt sinh năm Giáp Thân (1764), đời Thế Tông Nguyễn Phúc Khoát, (Võ Vương - 1738-1765), thời Lê Cảnh Hưng. Từ đất Quảng, cụ Lê Văn Hiếu cùng con trai Lê Văn Toại di cư đến thôn Hòa Khánh gần vàm Trà Lọt, Định Tường, Mỹ Tho, nay thuộc tỉnh Tiền Giang. Lê Văn Toại có bốn con trai, Lê Văn Duyệt là con trưởng, khi ông nội mất, cháu mới tám tuổi. Thời Nguyễn sơ nhà vua hay dùng tên chữ đầu phong tước hàm, như Trịnh Hoài Đức, tự An được phong An toàn Hầu, Lê Văn Hiếu được truy phong Quang Tiến Chiêu nghi Võ lược tướng quân Hiếu thuận Hầu. Năm Minh Mệnh nguyên niên (1820), lúc này Tả Quân 56 tuổi, chuẩn bị nhận chức Tổng trấn thành Gia Định lần 2. Thân phụ Lê Văn Toại qua đời, triều đình tặng hàm Thống chế, vua xuống dụ tặng nhiều gấm, bạc cho các quan đầu triều về tế. Phần mộ phụ mẫu, bia mộ thân phụ có ghi: “Cố Việt, Hiển khảo, Võ huân tướng quân Khâm sai Chưởng cơ tặng Thống chế Lê hầu chi mộ”.

 

Từ nhỏ Lê Văn Duyệt và gia đình được cha chọn đất Rạch Gầm, (đất sạt lở) làng Long Hưng, cầu Ông Hổ an cư, nay cũng thuộc tỉnh Tiền Giang. Tại đây, người cha đón thày đồ về dạy chữ nho các con, song con trưởng không chuộng văn chương, thơ phú, chỉ mê võ nghệ, săn bắn.

 

Tôi được nhà thơ Trinh Đường, quê Quảng Nam ở Hà Nội, nhà thơ Hoài Anh, quê huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam vào thành phố Hồ Chí Minh hoạt động văn nghệ từ năm 1976, và doanh nhân Hoàng Ngọc Nam, Tổng giám đốc Công ty Chiến Thắng, thành phố Hồ Chí Minh kể cho nghe nhiều chuyện về Tả Quân Lê Văn Duyệt và thành phố thân yêu.

 

Sinh thời Lê Văn Duyệt mắc tật ẩn cung, vóc người nhỏ nhưng rất khỏe và nhanh nhẹn. Người trong họ truyền ngôn, cụ tứ đại vốn đồ nho, cũng mắc ẩn cung nên được tuyển vào cung làm Thái giám thời Hậu Lê, được truy phong Tả Quân Thủy sư đô thống chế, tước Viễn tường Hầu. Lê Văn Duyệt có dị tướng mắc bệnh này, cho là gia truyền, không phải tự hoạn.

 

Theo sách Thượng Công Lê Tả Quân, xuất bản tại Sài Gòn - Gia Định năm 1949, Lê Văn Duyệt gặp Nguyễn Phúc Ánh (Gia Long), trước hoặc sau năm Ất Tỵ (1785), mới 20 tuổi. Buổi sơ kiến tại nhà họ Lê. Nguyên ngày đó, trong nhà có sắm bộ ván bằng gỗ quý, ai đến không cho ngồi, bảo phải chờ quý nhân. Nguyễn Phúc Ánh vào nhà ngồi trên sập, sau hỏi rõ sự tình, Lê Văn Duyệt từ biệt mẹ đi theo. Từ đó Tả Quân với Nguyễn Vương vào sinh ra tử, ông phục vụ hai đời vua Gia Long và Minh Mệnh, chức Tả Quân là coi đội quân thứ ba, dưới quyền Trung quân Đô thống.

 

Nguyễn Phúc Ánh là hậu duệ chúa Nguyễn, chống nhau với nhà Tây Sơn, lập ra triều Nguyễn (1802 - 1945), trong lịch sử Việt Nam.

 

Đầu quân theo Nguyễn Vương làm quan Thái giám. Biết Lê Văn Duyệt tinh thông võ nghệ, có chí tiến thủ, chúa giao chức cai cơ, coi liên đội ngự lâm quân trong đạo Thần sách quân. Họ Lê kết giao với nhiều hảo hán đất Gia Định theo tòng chúa, trong đó có Huỳnh Tương Đức lớn tuổi hơn Lê Văn Duyệt, đãi nhau như nghĩa tử, sau làm đến Khâm Sai, trưởng hữu quân dinh, tước Quận công.

Sách Đại Nam chính biên liệt truyện chép rằng: Lê Văn Duyệt từng bị quân Tây Sơn bắt, thấy còn ít tuổi, chức nhỏ nên tha. Lê Văn Duyệt vượt biển ra đảo Phú Quốc tìm chúa, được tin dùng cho quản các việc trong nội cung.

 

Từ năm 1781, quân lực của họ Nguyễn mạnh dần cả thủy lẫn bộ, phản công lại quân Tây Sơn. Công quả đầu tiên là việc Lê Văn Duyệt được Nguyễn Vương giao tháp tùng an toàn vương mẫu cùng quyến thuộc từ nước ngoài về đảo Phú Quốc (13/8/1787). Năm 1788, Nguyễn Vương chiếm được thành Gia Định, chiêu an dân chúng, khao thưởng ba quân. Biết Lê Văn Duyệt có chí lập công, Nguyễn Vương cho ông cầm binh.

 

Năm Nhâm Tý (1772), hoàng đế Quang Trung, Nguyễn Huệ băng hà, (hưởng thọ 39 tuổi), sự kiện chép trong Đại Nam chính biên liệt truyện. Nhà Nguyễn nhân cơ hội tiến đánh chiếm Quy Nhơn, kinh đô của nhà Tây Sơn, do Nguyễn Nhạc đóng giữ. Trận này, Lê Văn Duyệt được phong chức Thuộc nội vệ úy, đội Thần sách. Từ năm 1793 đến 1795 chiến sự hai bên ở thế giằng co theo mùa. Khi gió nồm Tây Nam thổi, quân Nguyễn đánh Tây Sơn; khi gió đổi chiều Tây Sơn phản công quân Nguyễn.

 

Theo sách Tiểu sử Lê Văn Duyệt của tác giả Cao Hải Đệ, để thu phục lòng dân Gia Định theo nhà Nguyễn, Lê Văn Duyệt dùng đường mật viết vào lá cây mù u (cây đồng hồ), phao tin Nguyễn Vương tất thắng. Sau trận thủy chiến cửa Thị Nại, quân Nguyễn Vương chiếm được thành Phú Xuân, sau đó lập triều Nguyễn (1802). Năm 1819, trước khi mất, vua Gia Long mật chỉ cho Lê Văn Duyệt và Lễ Bộ Thượng thư Phạm Đăng Hưng vào nội điện trao di chiếu, dặn tôn phò ấu chúa và giao cho ông kiêm lãnh 5 đạo quân thần sách.

 

Do công lao, vua Gia Long phong cho Lê Văn Duyệt chức Khâm Sai Chưởng tả quân dinh, Bình Tây tướng công, tước Quận công. Ông lần lượt giữ các trọng chức.

- Kinh lược xứ Thanh Nghệ.

- Tổng trấn Gia Định thành hai lần, lần thứ nhất (1812-1816), lần thứ hai (1820-1832).

 

Ở xứ Thanh Nghệ, ông thi hành chính sách an dân, làm đường xá, xây thành trì chỉ dùng quân lính, miễn lao dịch cho dân. Tại đây ông thu phục thổ hào quê Cao Bằng, nhận con nuôi, đổi họ Nguyễn sang họ Lê - Lê Văn Khôi. Cách chức quan trấn nhũng lạm, tha thuế các năm trước còn thiếu và năm mất mùa, dân gian hoan hỉ.

 

Tháng 7 năm Gia Long thứ 11, Nhâm Thân (1812), Tả Quân Lê Văn Duyệt được Gia Long giao trọng nhậm Tổng trấn thành Gia Định, thay Tổng trấn Nguyễn Văn Nhân (1808-1812), Tổng trấn có trọng trách giữ yên kinh thành, dàn xếp việc quan hệ bang giao với hai nước láng giềng[1], xem xét tàu bè nước ngoài vào thủy giới nước ta, trừng trị kẻ ác, lần thứ hai để dẹp tên thổ Kê, giết hại dân lành, ôn hòa trong vấn đề giáo phái.

 

Thủ phủ Gia Định thời Lê Văn Duyệt là thành Phan An, tức Gia Định, các trấn Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Thanh gồm Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Năm trấn đặt dưới quyền tổng trấn về các phương diện hành chính, quân sự, tư pháp. Nhà vua còn cho Tổng Trấn quyền thanh tra trấn Bình Thuận miền Trung đặt ra từ thời đại thần Trịnh Hoài Đức, Thủ hiến Gia Định triều Gia Long, Minh Mệnh…

 

Theo Trương Vĩnh Ký, thành Gia Định chính là thành Sài Gòn, nay thành phố Hồ Chí Minh, có từ thời Nguyễn Hữu Cảnh đi mở đất (1698), do vua Gia Long xây dựng từ năm 1790, hồi chiếm được xứ Đồng Nai, có nhiều học giả nghiên cứu, giải mã xuất xứ địa danh Sài Gòn. Trương Vĩnh Ký là người đầu tiên giảng rằng: Sài là mượn tiếng Việt theo kiểu chữ Hán, có nghĩa là củi gỗ (để đun đốt); Gòn là bông gòn, do thời xưa nơi đây có nhiều cây bông gòn… Người thiết kế và đôn đốc thi công là sỹ quan Pháp, Trung tá Olivierde dePuymanel (Ô-ly-vi-ê Đơ Puymanel). Thành kiểu tây phương hình vuông, chu vi trên ba hải lý, tường xây bằng đá ong Biên Hòa, cao 5,20 thước (mỗi thước ta 0,40 phân). Trung tâm thành là cung điện, ở vị trí Nhà Thờ Lớn hiện nay. Cạnh đó có xưởng đóng thuyền, kho vũ khí, lương thực. Thành mở 8 cửa, Đông là Gia Định môn và Phan An môn, Tây là Vọng Khuyết môn và Công Thìn môn; Bắc là Hoài Lai môn và Phúc Viễn môn; Nam là Định Biên môn và Tuyên Hóa môn… Có 40 phố xá, mỗi phố rộng từ 15 đến 20 thước (từ 6 đến 8 mét) chạy đến bờ sông. Người thiết kế khu trung tâm thành phố là kiến trúc sư Trần Văn Học, gọi là thành Quy (Rùa), để phân biệt với thành Phụng (Phượng) năm 1836.

 

Sự nhộn nhịp của thành thời ấy được khách buôn nước ngoài ghi chép, cho biết Gia Định là đô thị sầm uất, hàng hóa phong phú.

 

Một lái buôn người Pháp ghé qua năm 1812 tả lại: “Tuy Phú Xuân làm kinh đô, nhưng thành phố này làm du khách phải ngạc nhiên. Không ngờ ở miền xa xôi lại có thị tứ to rộng như vậy, đi mấy hải lý chưa hết nhà cửa. Hai bên bờ đều có nhà ở, thuyền bè lại qua như mắc cửu, xem ra còn phong quang, thứ tự hơn nhiều kinh đô ở châu Âu”.

 

“Thành phố Sài Gòn là trung tâm thương mại của tỉnh giầu có này, những cửa hiệu có đủ mặt hàng. Đồ sứ Trung Hoa, lụa nước Việt đẹp, dân cư đông đúc”.

“Sự giầu có của thành phố này và của thành phố bên cạnh (Chợ Lớn), đã tiến một bước khá mạnh với chính sự thanh liêm, nhưng cực kỳ nghiêm khắc của Khâm Sai Tả Quân Lê Văn Duyệt”. Ý kiến của người nước ngoài đã khẳng định công tích của Tổng Trấn.

 

Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, viết rằng dưới thời Tả Quân (1830), người Sài Gòn, Gia Định sống phóng khoáng, mộ công lý, phụ nữ yểu điệu, có nhan sắc. Người dân hiếu khách. Còn dân vùng Vĩnh Long, An Giang tính cần kiệm, cần cù lao động, vườn tược hoa thơm trái ngọt. Trị nhậm nơi đây, Tả Quân ngày đêm chăm lo chính sự, an ninh, bảo vệ dân lành, giữ thuần phong mỹ tục, tổ chức tịch điền, khuyến khích các trò chơi dân gian…

 

Nguồn gốc mối ác cảm của Minh Mệnh với Tả Quân từ cuối thời Gia Long. Năm 1816, việc nước tạm yên, cảm thấy trong người mệt mỏi, nhà vua nghĩ đến việc chọn người trừ nhị (dự bị nối ngôi). Con trưởng ngài Đông Cung Cảnh mất năm 1802, để lại hai con còn nhỏ là hoàng tử Đán và Ưng Hòa. Ý của cao hoàng là muốn truyền cho hoàng tử Đảm, con bà thứ phi đến tuổi trưởng thành, gần 30 tuổi. Ngài lo xa nếu đặt người thừa trọng còn nhỏ tuổi, quan phụ chính cầm quyền, dẫn đến tranh đoạt, gây hậu họa.

 

Năm vị đại thần được vua gọi hỏi. Tả Quân Lê Văn Duyệt tâu rằng, ý của cao hoàng hợp thời nhưng còn tục lệ “đích tôn thừa trọng”, nên can nhà vua nghĩ lại, lập hoàng tôn Đán con Đông cung. Cuối cùng hoàng tử Nguyễn Phúc Đảm vẫn được lập thái tử, là vua thứ hai triều Nguyễn (1820-1840), đặt niên hiệu là Minh Mạng. Minh Mạng muốn hỏi tội, nhưng Tả Quân là cựu thần của tiên đế, bầy tôi rường cột nên vẫn ẩn nhẫn để lòng.

 

Việc đỉnh điểm Lê Văn Duyệt tử hình Lý Chính Hầu - Huỳnh Công Lý, có con gái đưa vào cung được Minh Mệnh sủng ái. Cậy thế cha vợ, lúc Tả Quân Lê Văn Duyệt bận việc ngoài kinh đô Huế, phó Tổng trấn (quyền Tổng trấn) Lý lộng hành, nhũng lạm công quỹ coi đào kênh nối Tân An với Mỹ Tho, ai có tiền chạy chọt được miễn. Lý còn phạm luật hoàng triều tội xử rất nặng, xâm phạm mồ mả, cho phá hủy mộ phần người khác xây mộ cha lớn hơn, trong đó có di cốt viên đội trưởng theo Gia Long tử trận. Lê Văn Duyệt nghiêm khắc trừng trị, vua muốn cứu cũng không kịp. Đợi khi Tả Quân mất, triều đình nghị tội. Vụ án giao cho quan Bố chính thành Gia Định Bạch Xuân Nguyên xét xử, con nuôi là Lê Văn Khôi khởi nghĩa chống lại, năm 1835 mới yên. Vụ án được nhà sử học Trần Trọng Kim kê cứu (theo Nguyễn Thiệu Lâu). Vua Minh Mệnh bãi chức Gia Định thành Tổng trấn và chia xứ Nam ra làm sáu tỉnh: Gia Định, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Tỉnh lớn đặt chức Tổng đốc, tỉnh nhỏ Tuần phủ. Nguyễn Văn Quế làm Tổng đốc Gia Định, dưới quyền có quan bố chính, án sát, Minh Mệnh cho hạ giải thành Phiên An (Gia Định). Thành xây mới nhỏ hơn, gần rạch Thị Nghè, nay là khu vực trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn và Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh. Thời Gia Long cả nước Đại Nam (tên nước ta thời đó) có 27 tỉnh. Vua Minh Mạng đặt thêm bốn tỉnh là Hưng Yên, Ninh Bình, Hà Tĩnh, An Giang (31 tỉnh).

 

Vụ án đến đời vua Thiệu Trị (1840-1847), Lê Văn Duyệt và các đại thần mới được minh oan. Tả Quân Lê Văn Duyệt mất ngày 30 tháng 7 năm Nhâm Thân (1832), cách đây 190 năm (1832-2022), hưởng thọ 69 tuổi. Nhà vua tặng chức Thái bảo, ban hàng gấm, 3.000 quan tiền, lập đàn tế lớn; phần mộ của ông và phu nhân táng tại Bình Hòa, Gia Định, có ông già tên là Phương từng theo hầu Tả Quân hương khói. Công lao to lớn của ông đối với miền đất Nam Bộ, đặc biệt với thành phố viên ngọc Viễn đông, tức thành phố Hồ Chí Minh ngày nay, được lưu truyền hậu thế.

 

Nguyễn Thế Vinh, Nhà thơ

Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo.

 

[1] Trong bài khảo cứu của Nguyễn Triệu, đăng trong tạp chí Tri Tân, số 107, 108 có bản tấu trình của Tổng Trấn ngày 20 tháng 7 năm Minh Mạng thứ 3 (tức ngày 05/9/1822), về việc tàu buôn vào biển Cần Giờ do Hoa Bằng dịch.

 

 

 

Các bài viết khác