TRUNG TÂM BẢO TỒN    
DI SẢN VĂN HÓA TÔN GIÁO
Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hoá Tôn giáo
Menu

Phát huy truyền thống thờ cúng tổ tiên - người có công với nước - với cộng đồng - góc nhìn từ việc tôn vinh Hoàng giáp Trần Hữu Thành

Ngày: 15:15:25 17/01/2021

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc có hệ thống tín ngưỡng vô cùng phong phú, với các nhóm như: Nhóm tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, nhóm tín ngưỡng thờ thần, thánh và nhóm các tín ngưỡng khác. Tín ngưỡng có vai trò liên kết cộng đồng làng xã, dòng họ, cá nhân trong mọi mặt của đời sống, nhất là đời sống tinh thần của người dân; thúc đẩy sự hướng thiện của con người trong đời sống xã hội, "khuyến thiện, trừng ác", răn dạy người đời phải "tu nhân, tích đức", hướng tới sự thành kính, biết ơn công lao của ông bà tổ tiên, của những vị danh nhân, anh hùng có công với quê hương, đất nước. Theo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, hoạt động tín ngưỡng là hoạt động thờ cúng tổ tiên, các biểu tượng linh thiêng; tưởng niệm và tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng; các lễ nghi dân gian tiêu biểu cho những giá trị lịch sử, văn hóa, đạo đức xã hội.

Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Riêng đối với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tưởng niệm và tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng, Đảng và Nhà nước đã có chính sách giữ gìn và phát huy, cụ thể là "Nhà nước tôn trọng, bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng đáp ứng nhu cầu tinh thần của Nhân dân" (Khoản 2, Điều 3 Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, Nhà xuất bản Tôn giáo, 2020).

 

Qua nghiên cứu các sử liệu và phân tích của các nhà khoa học cho thấy, Hoàng giáp Trần Hữu Thành quê ở xã Đào Lãng, huyện Đại An (nay thuộc thôn Đại An, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) vừa là vị phúc thần vừa là cụ Tổ của dòng họ Trần ở huyện Ý Yên và huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định cần được tôn vinh theo chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng.

 

1. Đối với xã hội, Hoàng giáp được tôn thờ như một vị thần

Thờ thần là tín ngưỡng phổ biến của các dân tộc trên thế giới, nhưng ở Việt Nam, thờ thần có nét đặc sắc riêng. Đó là sự liên quan trực tiếp, phản ánh rất sâu đậm về lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đối tượng được tôn làm thần rất phong phú, đa dạng có cả phúc thần và hung thần nhưng trong các thần đó, nổi lên là các thần khi sống vốn là anh hùng dựng nước và giữ nước, là bề tôi của triều đình được vua phong thần; là người có công với dân làng được suy tôn và được Nhân dân lập đền, miếu tôn thờ.

 

Cụ Trần Hữu Thành đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng Giáp) năm 1586, sau đó đảm nhận chức quan Đề hình Giám sát Ngự sử ở triều Mạc trong 6 năm, từ 1586 đến 1592. Theo quy định của các triều đình phong kiến, người giữ chức quan như cụ Trần Hữu Thành phải hội tụ cả hai tiêu chí: hiền tài và liêm chính. Cụ đã làm một vị quan Ngự sử "giám sát và can gián" theo tinh thần "hạch tội quan tham, làm sáng rõ tình dân chúng". Hoàng giáp Trần Hữu Thành không chỉ dừng lại ở con đường học vấn và quan trường mà khi về với nhà Lê, Hoàng giáp Trần Hữu Thành được phong chức "Chánh sứ Quảng khuyến Canh nông" làm nhiệm vụ tổ chức quai đê, lấn biển, quy hoạch thành làng xã tại phủ Nghĩa Hưng xưa, nay là huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Công việc quai đê, lấn biển, phát triển canh nông của Hoàng giáp đã biến vùng Nghĩa Hưng xưa vốn là đất ngập mặn thành vùng đồng bằng trù phú. Các sử liệu cho thấy, cho dù ở triều đại nào, với nhiệm vụ nào, Hoàng giáp, Chánh sứ Trần Hữu Thành cũng luôn là vị quan thanh liêm, chính trực, hết lòng vì dân, do vậy, cụ xứng đáng được Nhân dân tôn thờ như một vị thần theo tín ngưỡng dân gian.

 

Qua các tư liệu, Hoàng giáp Trần Hữu Thành tại thế, Nhân dân cảm phục tài đức của cụ nên đã xây đền thờ Hoàng giáp. Đền thờ còn được gọi là Đền Quan Nghè còn ở xóm 3, thôn Đào Lạng, xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định ngày nay. Theo hệ thống các vị thần ở xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, Hoàng giáp Trần Hữu Thành được thờ là một bậc phúc thần, được xếp vào hàng "Tiên công kế thành" của xã. Đó là sự tôn vinh của xã hội, của Nhân dân về công lao của cụ với người dân thôn Đào Lạng, xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.

 

Do vậy, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu đầy đủ các thông tin, dữ liệu để có ứng xử phù hợp với những công lao đóng góp cũng như để lan tỏa tấm gương của những nhân thần như cụ Trần Hữu Thành.

Khung cảnh Hội thảo khoa học Danh nhân Văn hóa Hoàng giáp Trần Hữu Thành tổ chức tại Nhà Văn hóa UBND xã Yên Trung, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định sáng ngày 12 tháng 7 năm 2020.

 

2. Đối với dòng họ, Hoàng giáp Trần Hữu Thành được tôn thờ là vị Thủy Tổ

Thờ cúng tổ tiên là nét đẹp văn hóa truyền thống, thấm đượm đạo lý "uống nước nhớ nguồn", mang lại giá trị đạo đức cao cả và có ý nghĩa giáo dục nhân văn sâu sắc. Đó là sự tiếp nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, nhắc nhớ con cháu phải hiếu thảo với ông bà, cha mẹ khi sinh thời và thờ phụng lúc "về với tiên tổ". Vì vậy, thờ cúng tổ tiên luôn chiếm vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của đại đa số người Việt. Thờ cúng tổ tiên theo phong tục và truyền thống từ hàng ngàn đời để lại đó là coi trọng thờ cúng tổ tiên theo huyết thống, thờ tổ tiên theo gia đình, chi tộc dòng họ (huyết thống gần) hay họ hàng trong làng xã,... Hiện nay, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trở nên sôi động, ngày càng được chú trọng hơn, sự liên kết trong mỗi dòng họ ngày càng chặt chẽ, phạm vi càng mở rộng với sự ra đời của nhiều "Ban liên lạc", "Ban chấp hành" dòng họ trong phạm vi vùng, miền, thậm chí cả nước cùng với nhiều hoạt động không chỉ thuần túy thờ cúng tổ tiên dòng họ mà còn có các hoạt động giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau, v.v…

 

Những tư liệu tại từ đường các chi tộc họ Trần ở huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định đã cho thấy Hoàng giáp Trần Hữu Thành là thủy tổ của các chi họ Trần ở xã Yên Đồng, xã Yên Trung, huyện Ý Yên và huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Sự đỗ đạt cao (Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân) ngay từ lúc cụ Trần Hữu Thành còn trẻ (29 tuổi) cũng như nhân cách thanh liêm, chính trực của cụ khi giữ các chức vụ thời Mạc, thời Lê đã mang lại niềm tự hào to lớn cho dòng họ Trần ở huyện Ý Yên và huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Có thể thấy, với truyền thống tốt đẹp "Uống nước nhớ nguồn", người Việt Nam có nhiều hình thức tôn vinh tổ tiên, cha ông mình để tri ân và để răn dạy con cháu noi gương sáng về nhân cách, về tài đức của cha ông. Tôi bày tỏ sự trân trọng và đánh giá cao việc các thế hệ con cháu của Hoàng giáp Trần Hữu Thành, mặc dù do điều kiện lịch sử không có nhiều tư liệu nhưng với tâm thức tìm về nguồn cội, đã dày công tìm lại những dữ liệu quý báu để khơi gợi hình ảnh về một vị quan thanh liêm, vì nước, vì dân nhằm giáo dục con cháu noi theo tấm gương của cụ thủy tổ, trở thành những người có ích cho gia đình và xã hội. Đây không chỉ là việc riêng của các thế hệ con cháu của cụ mà cần có sự quan tâm hỗ trợ, vào cuộc của các cơ quan, tổ chức.

Đội tế nam quan dâng nhang trong lễ giỗ Tổ Trần Hữu Thành tại Từ đường họ Trần ở thôn Văn Mỹ, xã Yên Trung, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định vào ngày 25 tháng Giêng hằng năm

 

Tín ngưỡng là một phần của văn hóa tinh thần gắn với cộng đồng dân cư, trải qua bao thăng trầm lịch sử, tín ngưỡng đã đi vào mạch sống của cộng đồng, tạo nên những nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Việc tham gia các hoạt động tín ngưỡng là sự chuyển giao, tiếp nối của các thế hệ giúp bảo lưu truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Do vậy, cần phát huy hơn nữa những giá trị truyền thống tốt đẹp của tín ngưỡng, nhất là thờ cúng tổ tiên, tôn vinh, tưởng niệm những người có công với đất nước như trường hợp Hoàng giáp Trần Hữu Thành là việc đáng để con cháu và cộng đồng xã hội trân trọng, nâng niu và giữ gìn mãi mãi mai sau.

 

Tiến sĩ Bùi Thanh Hà

Nguyên Phó trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ.

Các bài viết khác