TRUNG TÂM BẢO TỒN    
DI SẢN VĂN HÓA TÔN GIÁO
Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hoá Tôn giáo
Menu

Vài điều sơ lược về tính kịch trong truyện Kiều của Nguyễn Du

Ngày: 15:21:20 24/06/2016

Nói đến kịch tính trong một tác phẩm nghệ thuật, chính là đang nói đến “mâu thuẫn” và “manh động” của các nhân vật - Nói cách khác là đang nói đến “Ngôn ngữ kịch là mâu thuẫn và hành động nhân vật”!

Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du đầy ắp từ đầu tới cuối là những màn mâu thuẫn và hành động liên hoàn, đầy kịch tính xảy ra giữa các nhân vật trong tuyện - Bao gồm những mâu thuẫn bên trong, hoặc bên ngoài của các nhân vật trong Truyện Kiều. Khiến người đọc, người xem phải hồi hộp, lo thay cho số phận nhân vật – lo đến phát khóc!

Sự kiện quan trọng và là sự kiện trung tâm được mở ra từ đầu Truyện Kiều là: Gia đình viên Ngoại đang êm ả, hạnh phúc thì đùng một cái bọn sai nha “đầu trâu, mặt ngựa, ào ào như sôi” chúng xô vào đập phá nhà cửa và bắt Vương Ông - Sự kiện mở ra mâu thuẫn trung tâm tác phẩm là “Đồng tiền”. Nguyễn Du viết “có ba trăm lạng việc này mới xong”! Kịch tính đã xảy ra và tính cách nhân vật chính được bộc lộ. Thúy Kiều nói “Dẹp ra cho thiếp bán mình chuộc cha”! Mâu thuẫn đã rõ về thế lực đồng tiền. Thúy Kiều phải hành động bán mình lấy “ba trăm lạng” để cứu cha mình là Vương Ông khỏi cảnh tù đày. Cũng chính tà mâu thuân trung tâm này mà khán giả (tức người đọc) hồi hộp chờ đợi số kiếp nàng Kiều rồi sẽ ra sao? Kịch tính sâu sắc bắt đầu trong tâm lý người xem và không từ bỏ theo dõi câu chuyện về nàng Kiều hiếu thảo, nghĩa tình với cha và với người yêu đầu tiên là Kim Trọng!.

Sự kiện thứ hai khiến người xem phải hồi hộp theo dõi là Thúy Kiều bị bọn buôn người Mã Giám Sinh phỉnh phờ lừa gạt, dối trá mua Kiều về làm vợ, để rồi trên đường đưa Kiều về Lâm Truy Mã Giám Sinh đã ép Kiều để “Con ong đã tỏ đường đi lối về”!

Sự kiện này bồi thêm một kịch tính sâu sắc trong lòng độc giả càng căm ghét, oán giận cái “thế lực đồng tiền” - mà nhân vật đại diện là Mã Giám Sinh. Và cho đến khi gặp Tú Bà thì kịch tính càng sâu sắc hơn. Người ta chờ đợi một xung đột mới, liên tiếp nảy sinh. Đó là sự áp đặt của Tú Bà: “Dạy rằng: Con lạy mẹ đây! Lạy rồi sang lạy cậu mày bên kia”

Nghe vậy, Thúy Kiều mới biết Mã Giám Sinh đã lừa. Nàng tố cáo “Đủ điều thái nạp vu quy/ Đã khi chung chạ, lại khi đứng ngồi”. Còn Tú Bà nghe thế thì điên lên vì Mã Giám Sinh cũng đã lừa cả mụ Tú Bà. Bọn chúng tự vạch mặt nhau trước Thúy Kiều. “Bảo rằng: Đi dạo mua người/ Đem về rước khách, kiếm lời mà ăn/ Tuồng vô nghĩa ở bất nhân/ Buôn mình, trước đã tẩy mầu thử chơi/ Mầu hồ đã mất đi rồi/ Thôi thôi vốn liếng đi đời nhà ma”!

Kịch tính “bên trong” của mâu thuẫn các nhân vật đã bộc lộ ra “bên ngoài” khiến Tú Bà nổi xung lên “phải làm cho biết phép tao/ Chập bì tiên, rắp sấn vào ra tay”, còn Thúy Kiều cũng không chịu được. Nàng rằng: “Trời thẳm đất dày/ Thân này đã bõ những ngày ra đi/ Thôi thì thôi, có tiếc gì/ Sẵn dao tay áo, tức gì mở ra”.

Kịch tính căng thẳng. Thúy Kiều tự tử. Nàng ngất đi, khiến Tú Bà hoảng hốt tiếc tiền, nếu như Kiều chết thật! Mụ bèn xuống thang, bắt tay chân trong nhà cứu Kiều thoát chết và tiếp tục dành chiêu độc ác khác.

Kịch tính được “treo” và chưa được tác giả “mở nút” nên khán giả càng hồi hộp chờ đợi xem thân phận nàng Kiều dạt trôi thế nào?

Oái oăm thay Kiều lại không chết. Lý do, cũng là khuôn mệnh “Số còn nặng kiếp má đào/ Người dù muốn quyết, trời nào đã cho”!

Vì thế Thúy Kiều sống lại. Nàng đau khổ khôn nguôi. Đành chỉ than thân trách phận cam chịu một mình: “Buồn trông ngọn nước mới sa/ Hoa trôi man mác biết là về đâu”? không ngờ Nàng mắc hợm một lần nữa. Nàng lại gặp Sở Khanh. Thực ra Sở Khanh chỉ là tay chơi bời đã câu kết với Tú Bà để lừa Thúy Kiều trốn đi cùng Sở Khanh. Chiêu này do Tú Bà bày ra để tóm bắt Kiều phải ở lại Lầu Xanh, nhằm kiếm lời từ thân xác nàng Kiều.

Sự kiện Tú Bà bắt được Kiều trốn khỏi lầu Ngưng Bích, khiến nàng bị đánh đặp tàn nhẫn. Đến nỗi Kiều phải thốt lên một câu đau đớn đến tuyệt vọng: “Thân lươn bao quản lấm đầu/ Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa”!

Thật là đau xót Thúy Kiều phải nghe lời Tú Bà - Người đã bỏ tiền mua Kiều về để có sở hữu như một đồ vật mà xã hội đã thừa nhận!

Đây là một nút thắt kịch sâu sắc khiến người đọc chỉ có ngậm ngùi xót thương cho nàng Kiều đang ở thế bi đát mà không còn lối thoát nữa! Cuộc đời Thúy Kiều sẽ chấm hết ở lầu xanh Tú Bà sao? Nguyễn Du đã đẩy kịch tính vào mà người xem phải hồi hộp, lo âu chờ đợi số phận Kiều!

*

Có thể nói Nguyễn Du viết Truyện Kiều trên tinh thần hoàn toàn kiểm soát tình cảm và nghệ thuật về bút pháp của mình. Người rất bình tĩnh, để miêu tả số phận của nhân vật chính Thúy Kiều một cách điển hình sâu sắc trong xã hội, lấy đồng tiền là một quyền lực tối thượng trước một con người nhỏ bé như Thúy Kiều, hay những người dân nghèo hèn khác. Cũng đều bất lực như thế!

*

Trong hồi 2 của tác phẩm. Nguyễn Du đã miêu tả một mụ chủ lầu xanh tham lam và đầy thủ đoạn kiếm tiền từ thân xác Kiều. Tú Bà cởi mở hơn, sau nhiều năm Kiều đã phục tùng để Bà chủ kiếm đủ lời trên thân xác mình có thể nói, trước một lợi nhuận siêu đẳng thu được từ một cô gái đẹp “Nghiêng nước, nghiêng thành” thì lòng tham của Tú Bà càng lúc càng có nhiều mánh khóe thâm ác để mụ thu về vốn liếng đã bỏ ra.

Kịch lại mở ra lối thoát cho Kiều. Nguyễn Du tả Tú Bà mối manh, mời chào “khách du bỗng có một người/ Kỳ Tâm họ Thúc, cũng nòi hương thơ”. Quả nhiên khi gặp Kiều thì “Sinh càng một tỉnh, mười mê/ Ngày xuân, lắm lúc đi về với xuân”. Còn Tú Bà thì “Mụ càng tô lục, chuốt hồng/ Máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê”! Vì thế Thúc Sinh là tay buôn bán, có ít học vấn, lại thích ăn chơi “theo thói bốc rời/ Trăm nghìn đổ một trận cười như không”! Thế là: “Buồng the phải buổi thong dong/ Thang lan rủ bức trướng hồng tắm hoa/ Rõ mầu trong ngọc, trắng ngà/ Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên”! Thúc Sinh thấy Kiều đẹp quá không kìm lòng được. Chàng tính “Trăm năm tính cuộc vuông tròn/ Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông”. Dù còn đắn đo vì chuyện chàng đã có vợ ở quê. Nhưng Thúy Kiều đã chán chường, muốn thoát khỏi chốn lầu xanh nhơ nhớp, nên đã đồng ý trước tình yêu đắm đuối của Thúc Sinh.

Thế là Thúc Sinh tự quyết “Đường xa chớ ngại Ngô - Lào/ Trăm điều hãy cứ trông vào một ta/ Đã gần chi có đường xa/ Đá vàng cũng quyết/ Phong ba cũng liều”!. Thúc Sinh quyết đoán và “Bắn tin đến mặt Tú Bà/ Thua cơ, mụ đã cầu hòa, dám sao/ Rõ ràng của dẫn tay trao/ Hoàn lương một thiếp, thân vào cửa ông/ Công tư đôi lẽ đền xong/ Gót tiên phút đã thoát vòng trần ai” Thế là Thúy Kiều, Thúc Sinh “Một nhà sum họp trúc mai/ Càng sâu nghĩa bể, càng dài tình sông”!

Câu chuyện nàng Kiều tưởng như đã sang trang hạnh phúc mới - song thực chất đó là một bước chuyển động êm đềm, báo hiệu một cơn giông bão khốc liệt khác, dữ dằn hơn mà thân phận nàng phải chịu.

Đó là tính cách võ biền, nhu nhược, hèn kém của Thúc Sinh gây ra. Là người đàn bà hiểu biết nên Kiều đã đoán trước tình yêu đắm đuối và vụng trộm của Thúc Sinh trước gia đình Thúc Ông - đặc biệt là Hoạn Thư, vợ cả của chàng ở Vô Tích xa xôi. Hoạn Thư là con nhà gia giáo, quyền thế , có phần làm cho chàng rể e ngại, yếu hèn dấu giếm chuyện lấy Kiều làm thiếp. Sự việc đó khiến Hoạn Thư nổi đóa ghen tuông.

Đây là màn đánh ghen có kịch tính sâu sắc nhất trong Truyện Kiều. Đặc biệt cách đánh ghen của Hoạn Thư không hèn hạ, ầm ĩ. Mọi hành vi ghen tuông đều tỏ rõ Hoạn Thư là người “Ăn ở thì nết cũng hay/ Nói năng ràng buộc, thì tay cũng già”!

Hoạn Thư biết hết chuyện Thúc Sinh đã chuộc Kiều từ lầu xanh ra làm vợ kế, nhưng gặp nhau, chàng ấp úng che dấu khiến Hoạn Thư tức giận nghĩ: “Ví bằng thú thật cùng ta/ Cùng dong kẻ dưới mới là người trên/ Dại chi chẳng giữ lấy nền/ Tốt chi mà rước tiếng ghen vào mình/ Lại còn bưng bít dấu quanh/ Làm chi những chuyện trẻ ranh nực cười”!

Hoạn Thư tính toán rất kỹ việc ghen của mình. Nàng cho rằng đó là việc “trẻ ranh”, là việc nhỏ “Kiến trong miệng chén có bò đi đâu”? Còn nếu muốn “dấu quanh” thì nàng sẽ “Làm cho nhìn chẳng được nhau/ Làm cho đầy đọa, cất đầu chẳng lên/ Làm cho trông thấy nhãn tiền/ Cho người thăm ván, bán thuyền, biết tay”!

Hoạn Thư tính hết để “dạy” cho Thúc Sinh và Thúy Kiều một bài học đáng đời.

Kế hoạch thực hiện của Hoạn Thư là sự chuẩn bị sắp đặt cuộc ghen có tính kịch căng thẳng nhất khiến người đọc nôn nao chờ đợi xem số phận Kiều và Thúc Sinh ra sao trước bàn tay sắt đá của người đàn bà đầy quyền uy, con quan Tể Tướng này.

Trước tiên nàng gọi gia nô dạy cho im mồm không được đồn nhảm về Thúc Sinh: “Chồng tao nào phải như ai/ Điều này hẳn miệng những người thị phi/ Vội vàng xuống lệnh ra uy/ Trong ngoài kín mít như bưng”. Còn nàng thì “Buồng đào khuya sớm thảnh thơi/ Ra vào một mực, nói cười như không” – Sự kín đáo ấy làm tăng kịch tính khi nàng gọi hai gia nô Khuyển, Ưng bí mật từ Vô tích đi tắt đường thủy để đến Lâm Truy bắt sống Thúy Kiều về, không để cho Thúc Sinh kịp biết.

Bọn Khuyển, Ưng được Hoạn Thư cho nhiều tiên thưởng nên việc bắt Kiều rất nhanh chóng. Chúng bí mật đổ thuốc mê vào Kiều rồi đưa ra thuyền. Còn cửa hàng của Thúc Sinh thì phóng hỏa đốt cháy. Khuyển, Ưng không quên nhặt một xác người chết trôi vô thừa nhận đặt vào giữa nhà đang cháy. Bọn Khuyển, Ưng đem Kiều đi an toàn, không ai hay biết.

Việc cháy cửa hàng vỡ lở, khiến Thúc Ông và Thúc Sinh đều cho là vô tình bị hỏa hoạn, làm Thúy Kiều chết “cháy ra tro” và đinh ninh Thúy Kiều thác oan!

Kịch tính tiếp tục căng thẳng khi Kiều tỉnh dậy thì bị mẹ Hoạn Thư đánh đòn phủ đầu làm uy: “Bất tình nổi trận mây mưa/ Dức rằng những giống bơ thờ quen thân/ Con này chẳng phải thiện nhân/ Chẳng phường trốn chúa, cũng quân lộn chồng/ Ra tuồng mèo mả gà đồng/ Ra tuồng lúng túng, chẳng xong bề nào/ Đã đem mình bán cửa tao/ Lại còn khủng khỉnh làm cao thế này”. Hoạn Bà nói thế rồi ra lệnh: “Nào là gia pháp nọ bay/ Hãy cho ba chục, biết tay một lần” thế là: “Trúc, côn ra sức đập vào/ Thịt nào chẳng nát, gan nào chẳng kinh/ Xót thay đào lý một cành/ Một phen mưa gió, tan tành một phen”!

Kịch tính dồn ép tâm lý Kiều lúc này thật căng thẳng và hoang mang lo sợ không rõ từ đâu mà nàng bị hôn mê và rơi vào một gia đình như thế? Đối với khán giả cũng không kém phần rơi nước mắt vì xót thương và hồi hộp lo lắng cho nàng rồi sẽ thế nào? Nhất là khi Hoạn Bà hạ giọng bắt Kiều phải quên tên của mình để chỉ biết tên mình là Hoa Nô – thân phận thuộc về “lũ thanh y” hầu hạ trong nhà.

Tất cả những hành động kịch do Hoạn Thư bày ra đã phân tích, tuy rất căng thẳng, nhưng mới chỉ là khâu mào đầu, chuẩn bị cho một hành động mới – một hành động ghen tuông không ồn ào, thậm chí êm ả do Hoạn thư chủ định tạo ra cảnh vợ chồng Hoạn Thư, Thúc Sinh âu yếm nhau trong cảnh hoan lạc như vậy mà Hoạn Thư nhẫn tâm bắt Hoa Nô ra hầu hạ, chuốc rượu và gảy đàn cho vợ chồng Hoạn Thư nghe. Trong lòng Hoạn Thư đã biết chắc là Thúc Sinh và Kiều đều kinh ngạc khi gặp nhau đột ngột như vậy rằng: “Làm cho nhìn chẳng được nhau/ Làm cho đầy đọa cất đầu chẳng lên/ Làm cho trông thấy nhỡn tiền/ Cho người thăm ván, bán thuyền biết tay”! Cảnh tình như vậy, lời ghen như vậy, ai xem mà không động lòng. Nguyễn Du đã phải viết: “Chước đâu có chước lạ đời/ Người đâu mà lại có người tinh ma/ Rõ ràng thật lứa đôi ta/ làm ra con ở, chúa nhà đôi nơi/ Bề ngoài thơn thớt nói cười/ Mà trong nham hiểm giết người không dao/ Bây giờ đất thấp, trời cao/ Ăn làm sao, nói làm sao bây giờ”?

Thật là trớ trêu Hoạn Thư đã bày ra lối ghen – mà nàng đã biện minh cho ý thức của mình: “Rằng: tôi chút phận đàn bà/ Ghen tuông thì cũng người ta thường tình”. Hoạn Thư thú nhận thêm “Lòng riêng, riêng cũng kính yêu/ Chồng chung – chưa dễ ai chiều cho ai”!

*

Cuộc đời Thúy Kiều rồi sẽ đi đến đâu? Mâu thuẫn và hành động kịch còn được nhân lên sâu sắc theo sát số phận Thúy Kiều trốn khỏi nhà Hoạn Thư, sau gặp Giác Duyên người vãi ở chùa, cho đến khi Thúy Kiều lại bị Bạc Bà lừa bán vào lầu xanh lần thứ 2 thì Kiều tưởng như đã rơi xuống đáy sâu của số phận một con người. Đến nỗi nàng phải kêu lên: “Phận sao bạc chẳng vừa thôi/ Khăng khăng buộc mãi lấy người hồng nhan”! Nàng rất buồn khi cái phận bạc mãi không buông tha cho cuộc đời nàng. Khiến nàng khao khát muốn rũ bỏ cuộc sống nhơ nhớp ở lầu xanh để về với gia đình.

Tâm trạng và lòng khát khao ấy, bỗng dưng nàng gặp một người: “Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao” đó là vị tướng “tên Hải, họ Từ”. Chàng có hình thức oai vệ của một võ tướng ngang tàng: “Sao bằng riêng một biên thùy/ Sức này, đã dễ làm gì được nhau/ Chọc trời, khuấy nước, mặc dầu/ Dọc ngang, nào biết trên đầu có ai”?

Sự kiện Từ Hải gặp Thúy Kiều là điều kiện thuận lợi tạo hành động của Từ Hải đã cứu Thúy Kiều ra khỏi lầu xanh.

Tình yêu giữa hai người là: “Trai anh hùng, gái thuyền quyên/ Phỉ nguyền, sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng”

Thúy Kiều thưa rằng: “Phận gái chữ tòng/ Chàng đi, thiếp cũng một lòng xin đi”

Từ Hải không thế đem nàng theo ra chốn trận mạc mà nói: “Bao giờ mười vạn tinh binh/ Tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh dợp đường/ Làm cho rõ mặt phi thường/ Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia”

Từ Hải ra trận. Thúy Kiều vò võ chờ Từ Hải. Kịch nội tâm diễn ra trong nhân vật Thúy Kiều khiến nàng đau lòng nhớ đến thân phận lưu lạc “chốc đã mười mấy năm trời” khiến cho “tấc lòng cố quốc tha hương/ Đường kia, lối nọ, ngổn ngang bời bời”. Thúy Kiều hết nhớ cố quốc lại nhớ Từ Hải “Đã mòn con mắt, phương trời đăm đăm/ Ngày đêm luống những âm thầm”!

Màn kịch cứ thắt chặt dần hành động khiến người xem ứa nước mắt thương xót Thúy Kiều thật là “phận bạc chẳng vừa” và cầu mong cho Từ Hải sớm chiến thắng trở về với nàng. Kịch lại hé mở nút thắt để người xem thở phào nhẹ nhõm một tý cho thấy “Ngất trời, sát khí mơ màng/ Đầy sông kinh ngạc, chật đường giáp thinh”. Nhớ lời xưa Từ Hải hứa, còn bây giờ là sự thực. Màn kịch vui vẻ, hạnh phúc của Thúy Kiều khiến người xem hả lòng, hả dạ thấy Kiều hạnh phúc “Đến bây giờ mới thấy đây/ mà lòng đã chắc những ngày một hai/ Cùng nhau trông mặt cả cười/ Dan tay về chốn trướng mai tự tình”/ “Vinh hoa bõ lúc phong trần/ Chữ tình, ngày lại thêm xuân một ngày”…

Quả nhiên niềm vui chưa được mấy thì màn kịch lại thắt chặt nút thắt, xô đẩy cả Kiều và Từ Hải đến vòng cam go, tính toán. Đó là sự kiện “có quan tổng đốc trọng thần/ Là Hồ Tôn Hiến kinh luân gồm tài” y “biết Từ là anh hùng/ Biết nàng cùng dự quân trung luận bàn” y “đóng quân làm chước chiêu an/ Ngọc, vàng, gấm, vóc, sai quân thuyết hàng”…

Kịch tính lại diễn ra căng thẳng ở chỗ khán giả thì biết rõ là Hồ Tôn Hiến không đối đầu được với Từ Hải nên vờ “thuyết hàng” cầu an, nhưng mặt khác vẫn bố trí quân lính “bao vây” bắt sống Từ Hải.

Tính cách Từ Hải bộc lộ. Chàng không đời nào chịu “Bó thân về với Triều đình/ Hàng thần lơ láo, phận mình ra đâu?/ Áo xiêm buộc trói lấy nhau/ Vào luồn, ra cúi, công hầu mà chi?/ Sao bằng riêng một biên thùy/ Sức này, đã dễ làm gì được nhau”.

Sự kiện đã bộc lộ tư tưởng của Hồ Tôn Hiến hèn kém, phải dùng chiêu “thuyết hàng” để lừa đánh úp quân Từ Hải. Còn tính khí Từ Hải thì không chịu “vào luồn, ra cúi, công hầu” làm gì. Tốt nhất là một mình “Chọc trời khuấy nước”, “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”. Tuy vậy! nhưng Từ Hải đứng trước người đẹp, nết na, tài giỏi, hiếu thảo như Kiều thì chàng cũng nể nang, yêu chiều. Đây cũng là tính cách một người anh hùng có tấm lòng, có tình yêu tha thiết với người mà chàng yêu quý.

Thúy Kiều đã nhiều năm “sương gió, dặm trường” nên mệt mỏi khát khao sống yên bình, hạnh phúc với Từ Hải. Sau đó còn ước muốn tìm gặp gia đình Vương ông, Vương Bà và hai em. Đặc biệt nàng cũng mong gặp lại Kim Trọng – chắc đã “con đàn, cháu đống” rồi!

Màn kịch căng thẳng “tay ba” này làm cho khán giả hồi hộp chờ đợi số phận của vị tướng vừa dũng mãnh, vừa có lòng yêu chuộng công lý. Bênh vực người hèn, căm ghét kẻ hống hách, tham lam, gian trá.

Cuối cùng Từ Hải thương Thúy Kiều quá! Bởi nàng “Đã nhiều lưu lạc, lại nhiều gian truân” thế là “Nghe lời nàng nói mặn mà/ Thế công Từ mới trở ra thế hàng/ Chính nghi tiếp sứ vội vàng/ Hẹn kỳ thúc giáp, quyết đường giải binh”!

Thật là “Đang khi bất ý chẳng ngờ/ Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn”! Từ Hải bị Hồ Tôn Hiến thừa cơ cho quân tấn công ào ạt. Từ Hải sa cơ, lỡ bước. Chàng uất quá, nên “Trong vòng tên đá bời bời/ Thấy trời còn đứng giữa trời trơ trơ”.

Từ Hải cứ đứng như vậy khiến Thúy Kiều thương quá. Nàng khóc rằng: “Trí dũng có thừa/ Bởi nghe lời thiếp, đến cơ hội này”! Nàng đau khổ quá, bèn lao đầu chết theo Từ Hải. Lạ thay “oan khí, tương triền/ Nàng vừa phục xuống, Từ liền ngã ra”. Sân khấu còn riêng hình ảnh hai người Từ Hải và Thúy Kiều nằm chết bên nhau.

Tấn bi kịch về cuộc đời Thúy Kiều cũng có thể kết thúc ở đây. Và khán giả có thể thấy rõ tư tưởng Truyện Kiều, thấy rõ mâu thuẫn đã được giải quyết. Ở một xã hội coi trọng tiền tài thì những người nghèo hèn như Thúy Kiều chỉ sẽ dẫn đến oan trái và nhận lấy con đường thoát thân chỉ là cái chết tang thương mà thôi?.

*

Xét về tính kịch trong Truyện Kiều còn có thể dẫn ra nhiều mặt như ngôn ngữ kịch, lời thoại kịch, tính cách của từng nhân vật, hành động nội tâm và hành động bên ngoài của nhân vật kịch..v..v.. Nhưng trong khuôn khổ một bài viết ngắn này, người viết không thể dẫn ra hết được những tài năng sáng tạo của Nguyễn Du đã để tâm nghiên cứu con người và xã hội ấy để viết ra một thiên tiểu thuyết bằng thơ có quá nhiều, đầy ắp một bút pháp sân khấu đầy mâu thuẫn và xung đột - có thể nói từ đầu tới cuối Truyện Kiều như đã trình bày trong bài viết./.

Hà Nội 2015

Phương Văn

Các bài viết khác