TRUNG TÂM BẢO TỒN    
DI SẢN VĂN HÓA TÔN GIÁO
Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hoá Tôn giáo
Menu

Giá trị văn hóa của lễ Vu Lan báo Hiếu và lễ Xá tội vong nhân của người Việt

Ngày: 19:24:22 15/10/2015

Lễ Xá tội vong nhân là truyền thống của người Việt, lễ Vu lan báo hiếu là của Phật giáo. Ở Việt Nam hiện nay hai lễ này thường được kết hợp làm một và trên thực tế hai lễ này đã thể hiện được cả giá trị truyền thống và giá trị Phật giáo, tuy nhiên để phát huy hơn nữa các giá trị này cần phải trở lại những căn cốt của nó để tránh những cách hiểu và hành có thể làm giảm các giá trị văn hóa đó.

1. Nhiều người Việt Nam đã biết về lễ Xá tội vong nhân, bởi vì nó là truyền thống của dân tộc, nó gắn với tục cúng cháo, nẻ, hoa quả… và đặc biệt đối với trẻ con trước đây ở các vùng quê là được cướp cháo xí. Như vậy có thể thấy lễ xá tội vong nhân đã bám sâu vào truyền thống văn hóa dân tộc Việt, thậm chí lễ này còn là lễ quan trọng nhất, bởi: “Cúng cả năm không bằng Rằm tháng Bảy”. Lễ cúng Rằm tháng Bảy cũng là phong tục của các nước Á Đông1, tuy nhiên ở Việt Nam lễ này trong những năm gần đây phát triển một cách mạnh mẽ với những sắc thái khác nhau. Theo cách hiểu của văn hóa tín ngưỡng, lễ Xá tội vong nhân là để cầu cúng cho các cô hồn (những vong linh không/chưa được thờ cúng ở một gia tiên nào). Ở Việt Nam, văn cúng của lễ này thường dùng bài “Văn tế thập loại chúng sinh” của Nguyễn Du, bản văn này còn có tên là “Chiêu hồn thập loại chúng sinh”. Sự ra đời bài văn tế này còn có những ý kiến khác nhau, có ý kiến cho rằng Nguyễn Du đã “phiên” bài cúng cô hồn trong Khoa Nghi của Phật giáo2; Có ý kiến cho rằng Nguyễn Du viết văn tế này sau một trận đại dịch; lại có ý kiến cho rằng Nguyễn Du viết văn tế này là do đề nghị của một tăng sĩ Phật giáo; Dù các ý kiến trên còn khác nhau và khó kiểm chứng song theo chúng tôi, nội dung của bản văn đã thể hiện sự kết hợp giữa giá trị nhân văn cao cả của người Việt với văn hóa Phật giáo. Điều này được thể hiện rõ nhất ở các câu, từ câu 157 đến hết bài (câu 184). Ví như câu 169 - 172):

Kiếp phù sinh như hình như ảnh,

Có chữ rằng “vạn cảnh giai không”

Ai ai lấy Phật làm lòng,

Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi3.

Người Việt trong truyền thống cho rằng ngày Rằm tháng Bảy (15/7 âm lịch) là ngày “mở cửa ngục” để các cô hồn nhận đồ cúng tế cũng như quần áo, và một ít tiền vàng, mã, do vậy ngày này là ngày xá tội vong nhân. Khi thực hiện lễ này người Việt cũng nhân đó mà làm lễ cầu siêu cho Gia Tiên Tiền Tổ và gửi biếu chút vàng mã cho các chân linh Gia Tiên nhằm thể hiện sự hiếu thảo của con cháu đối với các bậc sinh thành. Giá trị nhân văn cao cả của lễ này còn được thể hiện ở sự thương cảm sâu sắc, chân thành với các vong linh chết nơi đất khách quê người, nơi chiến trận, những người chết trẻ, những kẻ thấp hèn… Để có quan niệm trên trước hết phải khẳng định người Việt cho rằng chết không phải là hết vì vẫn còn đó vong linh, vong hồn và chính những vong linh, vong hồn ấy cũng cần được quan tâm, được che chở, được giải thoát. Người Việt đã phải vật lộn với thiên nhiên khắc nghiệt để tồn tại và phát triển; đã phải trường kỳ, thường xuyên chống lại giặc ngoại xâm, do vậy những mất mát hy sinh của người Việt là không nhỏ, và trong đó không ít người bỏ mạng mà không có ai thờ cúng. Do vậy việc cúng cô hồn là một nhu cầu của chính những người đang sống, một nhu cầu vừa mang giá trị tâm linh vừa mang giá trị nhân văn cao cả.

2. Lễ Vu lan báo hiếu là một lễ của Phật giáo, trong Phật giáo lễ này có vai trò hết sức quan trọng bởi lẽ nó thể hiện một trong “Tứ đại trọng ân” của nhà Phật (1. Ân Cha Mẹ; 2. Ân Tam Bảo Sư Trưởng; 3. Ân Quốc gia Xã hội; 4. Ân chúng sanh vạn loại). Theo lời Phật dạy thì ân cha mẹ là điều thiện lớn nhất, vì: “Cùng tột điều thiện không gì hơn hiếu, tột điều ác không gì hơn bất hiếu”. Và theo những người Phật tử Việt Nam thì cha, mẹ chính là Phật tại gia.

Hiện có những giải thích khác nhau về thuật ngữ vu lan báo hiếu, theo tác giả Yên Sơn có sự nhầm lẫn trong việc giải thích lễ này thành vu lan bồn, vì: “từ Vu lan bồn hay Ô lam bà noa được hiểu là cách phiên âm từ nguyên gốc trong trong Phạn ngữ hoặc Pali ngữ là ullambana hoặc ullumpana. Còn nghĩa của nó được xác lập dựa trên nội dung kinh Vu lan bồn do đức Phật thuyết khi còn tại thế và bộ Luận giải Trường Bộ kinh (Sumagalavilāsini) của ngài Phật Âm cùng bộ Luận giải Ngạ Quỉ sự (Paramatthadīpanī) của ngài Pháp Hộ. Theo đó, Vu lan bồn cần được hiểu là treo ngược, hay nghĩa đầy đủ hơn là lòng từ bi của đức Phật để giải tội treo ngược4. Ân Cha Mẹ là ân đầu tiên trong tứ ân, Cha Mẹ ở đây không phải chỉ là người sinh thành ra mình mà có thể hiểu là chúng sinh. Bởi khi còn tại thế, một lần trên đường đi thuyết pháp Đức Thích Ca Mu Ni gặp một đống xương khô, Người đã quỳ xuống bái, và Người đã giải thích cho các đệ từ rằng biết đâu người này kiếp trước là cha mẹ ta, do vậy rộng ra mà nói với một Phật tử thì: Tất cả đàn ông đều là cha ta, tất cả đàn bà đều là mẹ ta. Ân cha mẹ không chỉ ở việc phụng dưỡng khi sống, thờ cúng khi đã mất mà còn ở trách nhiệm về tôn giáo và đạo đức đối với cha mẹ. Kinh Tăng Nhất A Hàm viết:

Nếu cha mẹ chưa có niềm tin, phải khuyết khích cha mẹ phát tâm tin tưởng tam bảo.

- Nếu cha mẹ sân tham, phải khuyết khích cha mẹ phát tâm bố thí.

- Nếu cha mẹ theo điều ác, phải khuyết khích cha mẹ hướng về đường thiện.

- Nếu cha mẹ theo tà kiến, phải khuyết khích cha mẹ trở về với chánh kiến.

Làm được như vậy là trả ơn cha mẹ đúng với chánh pháp, khiến cha mẹ không những được an vui trong hiện tại, mà còn gieo phước lành trong tương lai”5.

Về lịch sử lễ Vu lan báo hiếu gắn liền với câu chuyện về ngài Mục Kiền Liên cùng tăng đoàn cứu mẹ ông nơi hỏa ngục. Việc cứu mẹ là dựa trên nguyện lực của Mục Kiền Liên và các vị cao tăng, dựa trên quan niệm về sự cứu vớt, sự giải thoát của Phật giáo, là giải tội treo ngược chứ không phải là “phá ngục cướp tù” như một vài người từng chê trách. Câu chuyện về Mục Kiền Liên và ân Cha Mẹ trong “Tứ đại trọng ân” đã làm nên mùa Vu lan báo hiếu của Phật giáo với ý nghĩa tâm linh, ý nghĩa đạo đức, ý nghĩa xã hội sâu sắc và có tính phổ quát. Bởi đạo đức xã hội, văn hóa, tín ngưỡng hay tôn giáo cũng đều thừa nhận và coi trọng công ơn của các thế hệ trước, của các bậc sinh thành. Phật giáo là một tôn giáo nhập thế, xét ở khía cạnh nào đó Phật giáo quan tâm, coi trọng cái hiện tồn, cho nên đối với Phật giáo Việt Nam nhờ sự khế hợp mà lễ Vu lan báo hiếu đã bảo lưu, nâng cao lễ Xá tội vong nhân và làm tăng ý nghĩa nhân văn của nó. Đồng thời Xá tội vong nhân với ý nghĩa nhân văn của nó lại là nền tảng cho sự giáo hóa của Phật giáo qua lễ Vu lan báo hiếu.

3. Lễ Xá tội vong nhân và lễ Vu lan báo hiếu ở Việt Nam đã thể hiện nét đẹp về văn hóa của dân tộc và của Phật giáo và trong thực tế nhiều khi hai lễ này được nhập làm một. Sự nhập làm một ấy có lý do về mục đích vì đều thể hiện sự nhớ ơn các thế hệ đã mất đặc biệt là các vị gia tiên tiền tổ, đều thể hiện sự thương cảm đối với những người bị mất trong những cảnh ngộ éo le mà không được thờ cúng và còn là sự khế hợp của Phật giáo với tín ngưỡng truyền thống Việt Nam. Tuy nhiên sự nhập làm một ấy lại nảy sinh vấn đề khác đó là sự rườm rà, phức tạp, thậm chí là tốn kém và có thể kèm theo yếu tố mê tín. Về mặt xã hội việc đốt vàng mã và phóng sinh là hai vấn đề gây bức xúc cả trong và ngoài Phật giáo. Về việc dâng cúng vàng mã tuy đã được Phật giáo ngăn cấm bởi nó không phải là của Phật giáo chánh tín và nó gây lãng phí về tiền của, gây ảnh hưởng đối với môi trường, song trong thực tế, ngay cả lễ do nhà sư thực hiện việc dâng cúng và đốt vàng mã vẫn chưa được khắc phục. Về việc phóng sinh cũng nảy sinh không ít hệ lụy về kinh tế, về văn hóa và xét theo cách của Phật giáo một cách rốt ráo thì việc làm này cũng chưa hẳn là điều thiện. Bởi lẽ việc mua chim, cá, ốc, lươn… về để lễ cúng Rằm tháng Bảy và sau đó thả trở lại (phóng sinh) vô tình đã khuyến kích việc nuôi, bắt, nhốt, mua, bán động vật, thậm chí có nơi đã hình thành vùng nuôi cá vàng chuyên để phục vụ cúng tế và phóng sinh nhất là vào ngày Ông Công, Ông Táo lên Trời (23 tháng chạp). Phóng sinh hiện nay còn liên quan đến vấn đề môi trường, điều này được thể hiện ở hai vấn đề lớn, Một là: nó có thể và hiện thực đã làm mất cân bằng về cân bằng sinh thái, mà việc phóng sinh bằng rùa tai đỏ cách đây ít năm là một điển hình; Hai là: Hiện nay sông, ao, hồ đầm bị ô nhiểm nên phóng sinh có thể trở thành “phóng tử” và như vậy là làm hại sinh vật chứ không phải là tạo điều kiên cho mọi loài được sống. Hai nội dung này còn có những ý kiến khác nhau cả trong và ngoài giới Phật giáo, tuy nhiên tác động của vàng mã và phóng sinh đã và đang gây tác hại đến tiền của, môi trường sinh thái là điều đã và đang xảy ra và nó có thể sẽ trầm trọng hơn nếu không có cách hiểu và hành cho đúng với giá trị nhân văn của tín ngưỡng truyền thống và đúng với chánh pháp của Phật giáo.

4. Trong những năm gần đây việc cúng xá tội vong nhân cũng như lễ Vu lan báo hiếu diễn ra sôi nổi ở nhiều nơi với quy mô, nghi lễ khá lớn. Điều đáng quan tâm là lễ Xá tội vong nhân với những nghi thức phức tạp, với những lễ vật - nhất là vàng mã tốn kém đã làm giảm đi những giá trị văn hóa đích thực của lễ Xá tội vong nhân cũng như lễ Vu lan báo hiếu. Với sự hội nhập vốn có của Phật giáo với tín ngưỡng văn hóa dân tộc, nên chăng Phật giáo cần lên tiếng để mọi người hiểu đúng giá trị của lễ này đồng thời có sự hướng dẫn cho tăng ni, phật tử trong việc hiểu và hành để lễ này thể hiện tốt hơn nữa giá trị của nó đồng thời hạn chế, khắc phục những cách hiểu mang tính mê tín, cách hành tốn kém và lãng phí. Làm được điều này chính là lấy chánh tín của đạo Phật mà dung hợp với giá trị nhân văn của lễ Xá tội vong nhân để Phật giáo có đóng góp tích cực, thiết thực vào đời sống văn hóa tâm linh của người Việt trong cuộc sống hiện đại ở Việt Nam và cũng là để duy trì truyền thống tốt đẹp của người Việt trong xã hội Việt Nam hiện nay./.

Nhà nghiên cứu: Trương Hải Cường,  Nguyên PGĐ Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo đương đại. Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG Hà Nội.

Ảnh: Tác giả cung cấp.

Các bài viết khác