TRUNG TÂM BẢO TỒN    
DI SẢN VĂN HÓA TÔN GIÁO
Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hoá Tôn giáo
Menu

Từ lễ Vu Lan nhìn về đạo Hiếu dân tộc Việt

Ngày: 19:31:04 15/10/2015

Chỉ lấy một vài câu ca như vậy trong kho tàng ca dao Việt Nam thôi cũng đủ minh chứng cho đạo hiếu của người Việt, một đạo lý truyền thống tồn tại như một lẽ tự nhiên, ăn sâu vào tâm thức mỗi thành viên của cộng đồng. Đạo hiếu đó như một chất keo gắn chặt tình mẫu tử, gia đình, gia tộc và cao hơn nữa là cộng đồng, quê hương, đất nước. Hiếm thấy một dân tộc nào trên thế giới mà các thành viên gọi nhau bằng hai tiếng “đồng bào”. Tiếng gọi thân thương đó đã trở nên phổ biến trong ngôn ngữ đời thường của người dân từ miền xuôi đến miền ngược tạo nên một tinh thần gắn bó keo sơn giữa các dân tộc anh em.

Phật giáo (Buddhism) là một trong những tôn giáo lớn ở Việt Nam, tôn giáo này có những nét phù hợp với lối sống và phương thức tư duy của người Việt. Sự tác động của Phật giáo đến đời sống không chỉ thông qua giáo lý, giáo luật, giáo đường mà còn thông qua các lễ hội, trong đó có Lễ vu lan. Vu lan là một trong những ngày lễ lớn của Phật giáo. Lễ được cử hành vào ngày rằm tháng Bảy âm lịch chủ yếu trong khuôn viên chùa chiền ở các quốc gia theo tín ngưỡng Phật giáo, điển hình là Trung Hoa và Việt Nam.

Lễ Vu Lan chính thức được ghi nhận trong một bản kinh Phật Giáo phái Đại Thừa Phật Thuyết Kinh Vu Lan Bồn, do ngài Trúc Pháp Hộ dịch từ tiếng Sanscrit (Phạn) sang tiếng Hán vào đời Tây Tấn (kh. 750-801), sau đó truyền từ Trung Hoa vào Việt Nam. Chữ Vu Lan, vốn phiên âm từ tiếng Sanscrit “Ullambana”, dịch nghĩa sang tiếng Hán có nghĩa là “Giải đảo huyền”, và khi chuyển nghĩa sang tiếng Việt thành “Cứu nạn treo ngược”. Trong ngôn ngữ đời thường, “giải” là một từ đa nghĩa, được ghép với nhiều từ khác như “giải quyết”, “giải thoát”, “giải cứu”, “giải nghĩa”, “chú giải”… Ở đây, (trong ngôn ngữ Phật giáo), “giải” có nghĩa là gỡ (sự vật, sự việc) ra cho khỏi vướng mắc, cởi (con người) ra khỏi sự trói buộc (của tham, sân), ra khỏi sự mê lầm nhận thức (si). “Ðảo” là ngược, cũng có nghĩa bóng là những hành động điên đảo (sân hận, ghen ghét, ganh đua) dẫn đến nhận thức và hành động sai lầm, từ đó đưa con người đến cảnh khổ. “Huyền” là treo. Ðảo huyền là (người) treo ngược, đầu trở xuống đất, chân đưa lên trời. Theo sự giải thích này, “giải đảo huyền” nghĩa là cởi trói cho người bị treo ngược, gỡ họ khỏi gông cùm xiềng xích, khổ đau hoạn nạn. Theo tư tưởng phật giáo, “giải đảo huyền” là giải thoát con người khỏi tất cả những đau khổ, phiền não, những sợi dây luyến ái vô hình trói buộc nó vào cõi luân hồi, giải thoát con người khỏi “thập nhị nhân duyên”, loại trừ tam độc (tham, sân, si) và hướng nó đến “bát chính đạo”.

Về nguồn gốc xuất xứ của lễ hội, truyền thuyết trong Kinh Vu Lan kể rằng, một trong những đệ tử thân tín của Đức Phật Thích Ca là Mục Kiền Liên (Mahāmoggallāna) sau khi tu hành đắc quả, đạt được trạng thái định tâm, muốn cứu độ cho mẹ mình là bà Thanh Ðề, bèn dùng phép thần thông tìm kiếm. Ngài thấy mẹ mình, vì tiền kiếp gây nhiều nghiệp ác nên phải sanh làm ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở, nên đem cơm xuống tận cõi ngạ quỷ quỳ dâng mẹ. Mẹ ngài khi được cơm thì lòng tham cũ nổi lên, sợ các cô hồn khác trông thấy đến tranh cướp nên một tay che bát, tay khác bốc cơm. Nhưng khi cơm vừa đưa lên tận miệng liền biến thành những cục than hồng. Nhìn thấy cảnh đó, Ngài vô cùng thương xót mẹ mà không biết làm sao cứu, bèn trở về thưa với Phật, xin ngài từ bi chỉ dạy phương pháp cứu hộ độ trì. Với bản tính từ bi hỉ xả, Đức Phật dạy rằng: "Dù con có thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu nổi mẹ của mình. Chỉ có một cách duy nhất là nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được, Rằm tháng Bảy là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó". Mục Kiền Liên tuân theo lời Phật dạy, thỉnh chúng tăng chú nguyện và nhờ đó mẹ ngài, bà Thanh Ðề đã được sanh về cõi trời. 

Từ truyền thuyết đó, như một thông lệ, hàng năm vào ngày Rằm tháng Bảy, chúng sinh noi theo gương đại hiếu của Đại sư Mục Kiền Liên, sắm sanh lễ vật đến chùa cúng tế để bào hiếu cha mẹ mình. Một phong tục như vậy được gọi là “Lễ Vu Lan”, và để rõ nghĩa hơn, dân gian đôi khi thêm vào cụm từ “báo hiếu” thành “Lễ Vu Lan báo hiếu” như thường gọi ngày nay. Như vậy, “Vu Lan” là ngày lễ hằng năm của Phật giáo, khởi nguồn từ một sự tích từ thời Đức Phật Thích Ca còn sống với ý nghĩa khơi dậy trong lòng phật tử sự tưởng nhớ công ơn sinh thành, nuôi dưỡng, ôm ấp, che chở của cha mẹ kiếp này và của muôn tiền kiếp, nhen nhóm trong lòng họ ngọn lửa yêu thương con cháu của mình và tình thương yêu đồng loại.

Nội dung phản ánh trong Lễ Vu Lan phù hợp với phong tục tập quán và lối sống “hiếu thảo, hiếu hạnh”, đạo lý “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây” của người Việt, cho nên, ngay từ khi mới ra đời, Lễ Vu Lan được xã hội chấp nhận và tồn tại cho đến ngày nay, mặc dầu cũng có nhiều mai một về nội dung và cách điệu về hình thức cho phù hợp với xã hội hiện đại. Sự tồn tại của một lễ hội qua gần hai thiên niên kỷ với bao thăng trầm lịch sử chứng tỏ sức sống trường tồn và ý nghĩa nhân văn cũng như chức năng giáo dục (hướng thiện) của nó. Vậy, từ Lễ Vu Lan chúng ta nhìn về đạo hiếu của dân tộc Việt như thế nào, để qua đó có một thái độ đúng đắn trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, rồi nhân rộng và đưa lễ Vu Lan trở thành một lễ hội của toàn xã hội.

Ngược dòng lịch sử, trở về quá khứ, chúng ta thấy, đạo hiếu của dân tộc Việt được hình thành ngay từ thuở khai thiên lập quốc với câu chuyện Lạc Long Quân kết duyên cùng Âu Cơ “đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng”. Một trăm người con ra đời đại diện cho hai lực lượng chính lên rừng khai sơn phá thạch và xuống đồng bằng khai hoang lấn biển, mở ra thời đại các Vua Hùng để ngày nay (từ năm 1917) chúng ta có ngày giỗ tổ qua câu ca mà ai cũng thuộc: “Dù ai đi ngược về xuôi nhớ ngày giỗ tổ mồng mười tháng ba”. Trong ngày này, theo quy định của quốc hội (từ năm 2007), công chức cả nước được nghỉ việc để dành thời gian hành hương hướng về cội nguồn, tưởng nhớ đến các Vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước. Ghi nhận tính nhân văn của ngày quốc giỗ này, năm 2013, UNESCO đã công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng” là “kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại”. Đây là một ngày lễ mang đậm bản sắc dân tộc, hiếm thấy ở các dân tộc khác trên thế giới. Biểu tượng và tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng là điểm hội tụ của tinh thần đại đoàn kết dân tộc Việt Nam. Tinh thần đó đã kết thành một làn sóng mạnh mẽ, nhấn chìm nhiều giặc ngoại xâm, bảo vệ biên cương tổ quốc.

Từ đạo hiếu quốc gia, chúng ta trở về với đạo hiếu gia đình. Trong văn học dân gian (folklore), đậm nét là trong ca dao - một thể loại văn học khuyết danh truyền miệng, chúng ta có thể dễ dàng đọc thấy những câu ca, ca ngợi công lao trời biển của cha mẹ và lòng hiếu thảo của con cái đối với bậc sinh thành:

“Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Một lòng thờ mẹ, kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”

Thái Sơn là một ngọn núi linh thiêng của Trung Quốc nằm ở tỉnh Sơn Đông phía Bắc thành Thái An với tổng diện tích 426 km². Người xưa gọi núi này là Thiên trụ (cột chống trời). Đây cũng là thánh địa của Đạo gia và là nơi tế lễ của các triều đại hoàng đế Trung Hoa, do vậy ở đây có nhiều di sản văn hóa quý giá ghi nhận công lao đóng góp của nhiều đời. Thái Sơn được dân Trung Quốc liên hệ với các hiện tượng tự nhiên và tâm linh như bình minh của một ngày, sinh và tái sinh của một đời. Từ một ngọn núi có thật, người Việt lấy Thái Sơn làm biểu tượng cho công lao sinh thành, nuôi dưỡng con cái của những người làm cha, làm mẹ. Đối lập với công lao cao cả như núi của cha là ơn sâu nghĩa nặng như dòng nước trong nguồn chảy ra khôn xiết của người mẹ đã chín tháng mười ngày mang nặng, đẻ đau, cho con bú, mớm. Dùng hình tượng một ngọn núi, một nguồn nước cụ thể để ví von công lao cha mẹ dường như chưa đủ, nên người xưa đã sử dụng phương pháp so sánh ở tầng bậc cao hơn, trừu tượng hơn là “Trời và Biển” - hai phạm trù rộng chứa đựng muôn vật, muôn loài như trong câu châm ngôn “Nguyệt lặn bất ly thiên, thủy lưu quy đại hải” (Trăng lặn đi đâu cũng không ra khỏi trời, nước chảy đi đâu rồi cũng đổ về biển):

“Công cha như núi ngất trời

Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển đông.

Núi cao biển rộng mênh mông

Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi”

Chín chữ “cù lao” (chín điều nhọc nhằn, vất vả) mà dân gian đề cập đến ở đây, đã trở thành biểu tượng ngôn ngữ ghi nhận chín công đức của cha mẹ từ buổi sinh con qua tuổi ấu thơ và đến ngày con lớn khôn, trưởng thành, có gia thất: “Sinh- Cúc - Phủ - Súc - Trường - Dục - Cố - Phục - Phúc”. Giải nghĩa sang ngôn ngữ hiện đại, chín công lao đó là: “Sinh thành - Nâng đỡ - Ôm ấp - Cho bú, mớm (ăn) - Nuôi lớn - Dạy dỗ - Trông nom - Ôm ấp trở đi, trở lại - Đùm bọc, che chở”. Chín công lao nhọc nhằn vất vả này theo gót chân cha mẹ cho đến suốt cả cuộc đời, do vậy, khi cha mẹ khuất núi, con cái phải có trách nhiệm thờ cúng, bói hương đúng với đạo lý thờ cúng tổ tiên của người Việt:

“Chín chữ cù lao công đức nặng

Một lòng thờ kính khói hương thơm”

“Tu đâu cho bằng tu nhà

Thờ cha kính mẹ, ấy là chân tu”.

Chỉ lấy một vài câu ca như vậy trong kho tàng ca dao Việt Nam thôi cũng đủ minh chứng cho đạo hiếu của người Việt, một đạo lý truyền thống tồn tại như một lẽ tự nhiên, ăn sâu vào tâm thức mỗi thành viên của cộng đồng. Đạo hiếu đó như một chất keo gắn chặt tình mẫu tử, gia đình, gia tộc và cao hơn nữa là cộng đồng, quê hương, đất nước. Hiếm thấy một dân tộc nào trên thế giới mà các thành viên gọi nhau bằng hai tiếng “đồng bào” (người sinh ra từ cùng một bọc). Tiếng gọi thân thương đó đã trở nên phổ biến trong ngôn ngữ đời thường của người dân từ miền xuôi đến miền ngược tạo nên một tinh thần gắn bó keo sơn giữa các dân tộc anh em.

Từ quá khứ nhìn về hiện tại, chúng ta thấy do nhiều nguyên nhân khác nhau mà chủ yếu là ảnh hưởng của cơ chế kinh tế thị trường và xu thế toàn cầu hóa nên đạo hiếu ngày nay có phần mai một, mất đi vẻ linh thiêng huyền diệu và ý nghĩa giáo dục của nó. Trong những thập kỷ gần đây, chúng ta bắt gặp không ít những nghịch cảnh về đạo hiếu, từ cả hai phía: từ phía cha mẹ và con cái.

Về phía cha mẹ: đó là tình trạng không ít bậc cha mẹ chỉ lo kiếm tiền nên không có thời gian và công sức chăm lo cho con cái. Và khi con trẻ bị buông lỏng, không có người kiểm tra giám sát thì mọi việc có thể xảy ra như lơ là học tập, chơi games mãi mê, tụ tập đàn đúm, thậm chí còn bỏ đi bụi đời mà cha mẹ không hay biết; mọi tệ nạn (ma túy, trộm cướp, bị lạm dụng tình dục…) xảy ra từ đó. Thời gian gần đây nhóm tội phạm vị thành niên ngày càng gia tăng, nguyên nhân chủ yếu là do buông lỏng việc giáo dục trong gia đình. Tệ hại hơn, nhiều cha mẹ còn bỏ rơi con cái, thậm chí là ngay khi mới sinh ra. Những đứa trẻ vô thừa nhận này tuy đã được các tổ chức xã hội đưa về nuôi dưỡng ở các Làng SOS (một tên gọi được dùng theo nghĩa “Hãy cứu vớt linh hồn chúng tôi - Save Our Souls). Chúng được chăm sóc về phương diện vật chất, nhưng những vết thương tinh thần (chấn động tâm lý) thì khó lòng hàn gắn.

Về phía con cái: việc đối xử của con cái đối với cha mẹ là một vấn đề “đang có vấn đề”. Hiện tượng con cái không nghe lời cha mẹ dạy bảo, lơ là chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ khi về già đang có nguy cơ ngày càng tăng, gây sức ép cho các trung tâm bảo trợ xã hội. Hơn thế, việc bỏ nhà ra đi “bụi đời” của trẻ vị thành niên mỗi khi có sự “nặng lời” hay trách mắng của cha mẹ đã trở thành cái “mốt thời thượng” gây bức xúc cho giới nghiên cứu xã hội và ảnh hưởng tiêu cực đối với giáo dục gia đình, gây nên hiệu ứng “ngược” với truyền thống là cha mẹ sợ con cái.

Thực trạng nêu trên không phải là phổ biến nhưng đã gióng một hồi chuông cảnh tỉnh xã hội về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, ảnh hưởng xấu đến đạo hiếu truyền thống. Trong một bối cảnh như vậy, khơi dậy và củng cố, phát huy đạo hiếu là một việc làm cần thiết. Để làm được việc này cần sự chung tay góp sức của nhiều nhân tố, trong đó các lễ hội tôn giáo nói chung, lễ Vu Lan của Đạo Phật nói riêng không kém phần quan trọng. Không hẹn mà gặp, thời gian cử hành Lễ Vu Lan trùng với Tết trung nguyên (Rằm tháng Bảy) trong các ngày lễ tết dân tộc (tết Nguyên đán, tết Nguyên tiêu, tết Hàn thực, tết Trung nguyên, tết Trung thu) và “ngày Xá tội vong nhân” (tháng Bảy ngày Rằm, xá tội vong nhân) trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt nên cũng tạo nên không ít khó khăn trong nhận thức và trong công tác tổ chức. Do không biết ngọn nguồn của ngày lễ, nên một số người hiểu nhầm rằng ý nghĩa của ba ngày này là một. Để tránh sự hiểu nhầm đáng tiếc đó, một mặt, cần có sự tuyên truyền, giải thích về nội dung và ý nghĩa của ngày lễ, mặt khác cần có sự vận động chính quyền và Phật tử để nhân rộng ngày lễ này, đưa ngày lễ này trở thành một lễ hội của toàn xã hội. Làm được như vậy, Lễ hội Vu Lan không chỉ giáo dục xã hội, nhất là lớp trẻ đạo lý truyền thống uống nước nhớ nguồn, hướng về các bậc sinh thành mà còn trở thành một nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, góp phần giải tỏa những căng thẳng của đời sống hiện đại.

Lễ Vu Lan là một hình thức biểu hiện cụ thể của triết lý nhân sinh Phật giáo. Triết lý này có ý nghĩa giáo dục to lớn trong mọi thời đại, đặc biệt là trong thời đại ngày nay, khi xã hội loài người đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề của công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bùng nổ dân số. Đời sống đô thị hiện đại đã phá vỡ cấu trúc xã hội cũng như lối sống nông nghiệp nông thôn, nông dân vốn đã tồn tại ngàn đời nay để hình thành một lối sống mới. Trong lối sống đó, con người chạy theo những cám dỗ vật chất bên ngoài, ít có cơ hội tự nhìn lại mình, con người tự đày đọa mình bằng những tham vọng cá nhân về tiền tài, danh vọng, sắc dục, v.v. Con người luôn bị ám ảnh và nơm nớp lo sợ những nỗi sợ vô cớ, vô hình - đó là lý do của căn bệnh stress và “hội chứng homeless” (linh hồn phiêu bạt) - những hội chứng đó như những cạm bẫy đón lõng, dẫn dắt con người vào vòng tội lỗi, làm cho con cái xa lánh cha mẹ, gia đình. Vì những lý do đó, hơn bao giờ hết, trở về với triết lý nhân sinh và những lễ hội của Phật giáo, trong đó có Lễ Vu lan là liều thuốc tinh thần và liệu pháp tâm lý chữa trị nhiều căn bệnh thời đại một cách ít tốn kém nhưng hữu hiệu và lâu bền nhất.

Kể từ buổi xuất gia tu hành đến khi nhập tịch, Đức Phật luôn tâm niệm một điều: khổ và diệt khổ. Tâm niệm đó của Người đã, đang và sẽ đồng hành cùng nhân loại để nhắc nhở, giáo dục con người, hướng con người đến các giá trị Chân, Thiện, Mỹ. Qua mỗi chặng thời gian, lịch trình con đường giải thoát có những đổi thay cho phù hợp với hoàn cảnh lịch sử, song ý nghĩa lời nói của Ngài trước đông đảo công chúng: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành” không bao giờ thay đổi. Trải bao thăng trầm lịch sử, nhân loại luôn phấn đấu, gắng hết sức tu luyện để không phụ lòng lời nhắc nhở đó của Người. Phật giáo từ lâu đã thâm nhập vào tâm thức, hằn sâu vào nếp nghĩ, in đậm trong lối sống người Việt và trở thành nét bản sắc văn hoá dân tộc. Trải qua bao biến đổi thăng trầm của lịch sử, Phật giáo đã khẳng định mình, có chỗ đứng vững chắc, tồn tại, phát triển và đồng hành cùng dân tộc. Lịch sử đã chứng minh những giai đoạn hiểm nghèo của đất nước trước hoạ xâm lăng, nhiều thiền sư, Phật tử đã chung lưng đấu cật với dân tộc, chống giặc, bảo vệ non sông, tranh đấu cho công bằng và tự do. Phật giáo đã từng đóng một vai trò trong việc củng cố tinh thần đoàn kết của toàn dân và đấu tranh bảo vệ đất nước. Khi hoà bình, đất nước có điều kiện phát triển, Phật giáo cũng góp phần không nhỏ làm nên những tinh hoa văn hoá. Những mái chùa cong duyên dáng, những bức tượng Thích Ca, Quan Âm nghìn mắt, nghìn tay, các tượng La Hán với những đường nét tinh xảo, sống động dưới con mắt thán phục và cung kính của du khách quốc tế; những lễ hội rộn ràng, những áng văn chương Phật giáo Lý - Trần trác tuyệt mãi mãi là niềm tự hào của người dân Việt. Trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay, Phật giáo càng có ý nghĩa trong việc giáo hoá con người giảm thiểu tham, sân, si, để tự hoàn thiện bản thân và xây dựng một xã hội văn hoá; đúng như lời nhận định của Einstein: “Nhân loại có thể đạt được một cuộc sống hài hoà và quý giá chỉ khi con người thoát khỏi những bản tính tầm thường, khỏi cuộc tranh đua thỏa mãn những ham muốn vật chất”[1]. Và một khi, mỗi phật tử đã tự giải thoát mình, thì đạo hiếu nhất định quay trở lại, ăn sâu vào tâm thức mỗi người, Lễ vu lan do vậy càng có ý nghĩa hơn, lan tỏa rộng và sâu hơn vào đời sống cộng đồng như một lẽ tự nhiên phản ánh tính nhân văn cao cả của con người là hướng về cội nguồn nơi mình đã sinh ra, được nuôi dưỡng và trở thành người./.

TS. Lê Công Sự, Giảng viên Đại học Hà Nội.

Ảnh: Tác giả cung cấp.

 

[1] Huy Thông, Nguyên Hạ, Einstein và Đức Phật - gặp gỡ tư tưởng, Nxb Văn Nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2007, tr.15

Các bài viết khác