Đánh giá một nhân vật lịch sử, danh nhân văn hóa... trong giai đoạn lịch sử nhất định đòi hỏi phải có những phương pháp khoa học, cơ sở lý luận và thực tiễn để có thể định danh đối tượng. Hiện tại nguồn tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp cụ Trần Hữu Thành còn có những hạn chế, tuy nhiên căn cứ vào bối cảnh xã hội về nền học vấn, thể chế chính trị xã hội phong kiến Việt Nam thời kì Lê Mạc cuối thế kỉ XVI; nguồn tài liệu chính sử cũng như những chứng tích tại ngai thờ Hoàng giáp Trần Hữu Thành, bước đầu có thể thấy được những nét cơ bản về một Đệ nhị giáp Tiến sĩ, quan Đề hình Giám sát Ngự sử tài hoa, tâm đức của miền quê Nam Định.
"Quỳnh Uyển Tao Đàn đầu bảng giáp
Sương thu nhiệt nóng tỏ lòng trinh"
Hoàng giáp Trần Hữu Thành thi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ tại khoa Bính Tuất, niên hiệu Đoan Thái thời nhà Mạc 1586 sau được triều đình bổ nhiệm làm quan Đề hình Giám sát Ngự sử là niềm tự hào, tấm gương sáng ngời cho các thế hệ con cháu chi họ Trần huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.
"Trâm anh thủy tổ nhà ta đó
Cây cao nghìn thuở bậc huân thần"
Chủ tọa Hội thảo khoa học Danh nhân Văn hóa Hoàng giáp Trần Hữu Thành gồm: Ông Trần Khánh Dư, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo; PGS. TS. Phạm Văn Khoái, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS. TS. Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa - Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; Đại diện các chi họ: ông Trần Văn Phúc, ông Trần Văn Vịnh và ông Trần Văn Pha (từ trái sang).
Đệ nhị giáp Tiến sĩ Hoàng giáp Trần Hữu Thành là một văn tài xuất chúng
Trong lịch sử khoa cử đến thời Lê - Mạc nền học vấn đạt đến đỉnh cao trong chiều dài hơn 800 năm của xã hội phong kiến Việt
Cụ Trần Hữu Thành và các sĩ tử tham gia thi Hương, thi Hội đều phải theo thể thức tứ trường, tức đề thi hay môn thi, bao gồm "kinh nghĩa, thơ phú, chế biểu, văn sách".
Thứ nhất, về thể văn kinh nghĩa đòi hỏi sự thông hiểu về các kinh, các truyện, về tam cương ngũ thường... Trường thi này nhằm kiểm tra mức độ trung tín đối với chế độ, triều đình.
Thứ hai, là thể thi phú và thơ nhằm đánh giá khả năng luận giải, diễn đạt ngôn từ để đáp ứng các yêu cầu làm quan sau này của các sĩ tử.
Thứ ba, là thể văn chế biểu nhằm kiểm tra về trình độ, năng lực soạn thảo các thể văn mang tính hành chính mà người làm quan phải thực hiện.
Thứ tư, thể văn sách nhằm đánh giá tri thức về trị quốc, an dân, nhãn quan chính trị và phương pháp, cách thức giải quyết các vấn đề đặt ra mang tính chính trị của người làm quan.
Những môn thi trên nhằm đánh giá mức độ uyên thâm của mỗi sĩ tử, tức thế giới quan, nhân sinh quan của đạo tu thân, tề gia trị quốc, bình thiên hạ cũng như những đòi hỏi tính nghiệp vụ, năng lực nhìn nhận, những kế sách giải quyết nhưng yêu cầu đặt ra của thế sự đương thời để xây dựng một nền triều chính hưng thịnh, xã hội bình an, đối với các sĩ tử khi vượt qua được khoa thi sẽ được bổ nhiệm vào bộ máy nhà nước.
Tham luận của Thạc sĩ Nguyễn Xuân Hà tại Hội thảo Khoa học Danh nhân Văn hóa Hoàng giáp Trần Hữu Thành (1558-1635) tổ chức ngày 12 tháng 7 năm 2020 tại Nhà Văn hóa UBND xã Yên Trung, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.
Cụ Trần Hữu Thành đã tham dự so tài tại khoa Bính Tuất niên hiệu Đoan Thái I (1586) đời Mạc Mậu Hợp với 23 sĩ tử đỗ tiến sĩ, trong đó cụ Trần Hữu Thành là một trong ba người đề danh bảng vàng Đệ nhị giáp Tiến sĩ chỉ dưới hàng tam khôi (khoa thi nay không lấy trạng nguyên và bảng nhãn). Với thứ hạng được xếp trong thi khoa này Hoàng giáp Trần Hữu Thành được suy tôn là bậc Huynh Giáp Bảng, tức bậc đứng đầu trong hàng khoa giáp. Câu đối trên ngai thờ của Hoàng giáp Trần Hữu Thành cũng đã khẳng định "Quỳnh Uyển Tao Đàn huynh giáp bảng" của Đệ nhị giáp Tiến sĩ đứng đầu khoa giáp với văn tài vượt trội. "Quỳnh Uyển", "Tao Đàn" là biểu tượng của cái tài văn chương của Hoàng giáp Trần Hữu Thành có thể sánh cùng bầy tôi với đấng quân vương trong sướng họa thơ phú ca ngợi sự nghiệp trị quốc, an dân và sự hưng thịnh của quốc gia Đại Việt.
Tóm lại, Đệ nhị giáp Tiến sĩ Hoàng giáp Trần Hữu Thành có một trình độ thâm sâu của nền học vấn thời Lê - Mạc, một văn tài xuất chúng về đạo trị nước an dân mà sau đó được bổ nhiệm làm quan Đề hình Giám sát Ngự sử.
Đề hình Giám sát Ngự sử với chức năng giám sát đòi hỏi tính trung kiên và phẩm hạnh thanh liêm là nền tảng, tôn chỉ trong hành nghiệp của Hoàng giáp Trần Hữu Thành
Cụ Trần Hữu Thành (1558-1635), năm 29 tuổi thi đỗ "Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân Hoàng giáp khoa Bính Tuất, niên hiệu Đoan Thái 1 (1586) đời Mạc Mậu Hợp làm quan Đề hình Giám sát Ngự sử. Theo về nhà Lê"[1].
Ngự sử Đài có chức năng, nhiệm vụ giám sát các hoạt động của các cơ quan hành pháp, tư pháp các cấp, của lục bộ trong bộ máy chính quyền nhằm giữ gìn kỷ cương, phép nước đảm bảo tính tuân thủ pháp luật. Theo Phan Huy Chú, quan đề hình giám sát ngự sử "giữ phong hóa pháp độ. Chức danh rất trọng"[2].
Quan giám sát Ngự sử Đài có nhiệm vụ hạch tội quan tham để sáng tỏ lòng dân thể hiện mức độ phức tạp, hiểm nguy, sát phạt trực tiếp đến quyền lợi chính trị, kinh tế, danh dự... của một bộ phận quan lại bị tha hóa. Vì vậy, Ngự sử Đài đòi hỏi sự thông thái về chính trị, nghiệp vụ, cách nhìn nhận vấn đề và giải quyết vấn đề của quan giám sát ngự sử. Vế câu đối "Thu sương liệt nhật biểu trinh tâm" tại ngai thờ Hoàng giáp Trần Hữu Thành là lời Cảnh cáo đối với an nguy xã tắc, dân lành với mức độ gay cấn phức tạp nhưng vẫn rất mực trung tín vì nghĩa lớn, vì dân, vì nước. Đó chính là nhân cách, phẩm hạnh của Hoàng giáp Trần Hữu Thành.
Phẩm hạnh trung tín, thanh liêm là một đòi hỏi trong đạo đức học của bất kỳ một nền giáo dục nào trong quá khứ và hiện tại, song có thể khẳng định nền giáo dục nho giáo về vấn đề này thời Lê Mạc được bàn đến một cách khá toàn diện có những quy định nghiêm ngặt trong ngũ kinh và tứ thư mà Hoàng giáp Trần Hữu Thành đã đề danh bảng vàng Đệ nhị giáp Tiến sĩ.
Các nhà nghiên cứu cùng các thế hệ Hoàng giáp Trần Hữu Thành tham dự Hội thảo Khoa học Danh nhân Văn hóa Hoàng giáp Trần Hữu Thành.
Sự việc Hoàng giáp Trần Hữu Thành làm quan cho nhà Mạc sau đó về với nhà Lê, lại được nhà Lê giao quyền, giao chức. Bình An Vương Trịnh Tùng bổ nhiệm giữ chức Chánh sứ Quảng khuyến Canh nông cũng cần được nhìn nhận một cách khách quan, toàn diện cả về đức và nhãn quan chính trị của Hoàng giáp. Vì rằng trong lịch sử xã hội phong kiến Việt Nam đã có nhiều bậc hiền tài treo ấn từ quan, rời bỏ gác tía lầu son để về nơi sơn lâm cùng cốc, về với dân lành với tầm lòng son mang chữ cho đời. Khi nhà Mạc thay thế nhà Lê nhất là đến thời kì Mạc Mậu Hợp triều đình đã suy vi có không ít người và đã hình thành một lớp bậc hiền sĩ bỏ nhà Mạc về với nhà Lê mà Hoàng giáp Trần Hữu Thành là một trong số đó. Thời kì phân tranh quyền lực Lê - Mạc - Trịnh xã hội phong kiến Việt Nam có rất nhiều phức tạp, rối ren sẽ là một hoàn cảnh rất khó khăn cho những bậc hiền tài dụng nghiệp phò vua, giúp nước. Với nhân cách của quan Đề hình Giám sát Ngự sử và hoàn cảnh lịch sử ấy đã phần nào cắt nghĩa văn hóa từ quan của Hoàng giáp Trần Hữu Thành.
Các nhà nghiên cứu và đại biểu khách quý cùng hậu duệ Hoàng giáp Trần Hữu Thành chụp ảnh lưu niệm.
Tóm lại, Đề hình Giám sát Ngự sử là một chức quan có vị trí, vai trò, nhiệm vụ rất trọng yếu nhằm gìn giữ kỉ cương, phép nước mang lại sự công bằng, an bình cho người dân mà Hoàng giáp Trần Hữu Thành đảm nhận sẽ là niềm tự hào cho con cháu các chi họ Trần ở Nam Định, Hà Nam.
Mặc dù tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của Hoàng giáp Trần Hữu Thành còn có những hạn hẹp cần được tiếp tục sưu tầm hoàn thiện, song căn cứ vào bối cảnh lịch sử xã hội Việt Nam thời Lê - Mạc, nguồn tài liệu chính sử về nền học vấn và chức danh Đề hình Giám sát Ngự sử cũng như những chứng tích tại ngai thờ Hoàng giáp Trần Hữu Thành đã định danh được Hoàng giáp Trần Hữu Thành là một văn tài xuất chúng đồng thời là một vị quan ngự sử có phẩm hạnh trung tín và thanh liêm.
Kiến nghị
Truyền thống uống nước nhớ nguồn, ôn cổ tri tân tôn vinh những bậc hiền tài có công với quê hương đất nước vốn là giá trị, bản sắc của một quốc gia có mấy ngàn năm lịch sử. Vì vậy với tấm lòng tôn kính, vinh danh Hoàng giáp Trần Hữu Thành tác giả có một số kiến nghị.
- Xây dựng bộ hồ sơ về Hoàng giáp Trần Hữu Thành trình cấp có thẩm quyền công nhận cụ là một Danh nhân Văn hóa của huyện Nghĩa Hưng và Ý Yên, tỉnh Nam Định.
- Nâng cấp đền thờ Hoàng giáp Trần Hữu Thành như một biểu tượng về nền Nho học Việt Nam, tấm gương sáng cho các thế hệ con cháu người dân hai huyện Ý Yên và Nghĩa Hưng noi gương học tập.
- Địa phương huyện Ý Yên, Nam Định nên xem xét đặt tên một ngôi trường, một đoạn đường ở huyện và thành phố Nam Định là Trần Hữu Thành để con cháu và thế hệ trẻ cùng nhân dân học tập noi theo.
Thạc sĩ Nguyễn Xuân Hà
Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo