TRUNG TÂM BẢO TỒN    
DI SẢN VĂN HÓA TÔN GIÁO
Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hoá Tôn giáo
Menu

Hành trình tìm hiểu về Hoàng giáp Trần Hữu Thành (1558-1635) và đôi điều minh triết

Ngày: 21:37:54 03/02/2021

Lời nói đầu

Tìm hiểu, nghiên cứu về một nhân vật lịch sử có độ lùi thời gian cách chúng ta hàng trăm năm đã là điều khó. Độ lùi thời gian càng xa thì càng khó bởi những lớp bụi thời gian, nhất là những nhân vật lịch sử này lại sống trong một hoàn cảnh chính trị xã hội đặc biệt. Ví như: chiến tranh, loạn ly hoặc sự thoán đoạt vương triều hay xung đột ý thức hệ chính trị. Những nhân vật ấy dù có tài năng nhưng lâm vào những huống cảnh éo le đó thì đôi khi cũng phải tự làm giảm đi hình ảnh và vị thế của mình để tồn tại, để đạt được một kết quả khả dĩ nhất có thể! Bởi thế cho nên tìm hiểu nghiên cứu về họ quả thực là một khó khăn không nhỏ. Những gì nói về họ chẳng khác gì như những tần vỉa của các loại quặng mỏ nằm trong lòng đất vậy! Đòi hỏi phải công phu, trí tuệ, tận tâm tận lực và cả yếu tố may mắn nữa thì vẫn có thể thành tựu. Trường hợp của Danh sĩ Hoàng giáp Trần Hữu Thành là một nhân vật lịch sử như vậy. Nhưng dân gian có câu "không có gì là không thể".

 

Đôi nét hành trình tìm hiểu về Danh sĩ Hoàng giáp Trần Hữu Thành

1. Nỗi niềm trăn trở của con cháu trong dòng họ

Cho đến nay, con cháu hậu duệ của Hoàng giáp Trần Hữu Thành kể có đến hàng nghìn người, định cư khắp mọi miền trên tổ quốc. Ngoài ra còn định cư cả ở một số nước thuộc Âu, Mỹ. Các thế hệ con cháu cũng có nhiều người thành đạt trong các lĩnh vực học vị, quan chức và kinh tế. Vậy mà mọi người chỉ biết một cách mơ hồ về cụ Tổ của mình, đó là "đỗ Hoàng giáp, làm quan nhà Mạc đến chức Đề hình Giám sát Ngự sử", năm sinh, năm mất không biết. Ngoài ra còn có một số câu chuyện truyền miệng kể về Cụ những cũng là "tam sao thất bản" mà thôi. Duy nhất chỉ có một chi tiết được thống nhất ở tất cả các chi họ đó là lấy ngày Cụ đi biệt tích, theo lời dặn để làm ngày giỗ là ngày 25 tháng Giêng. Đó là nỗi trăn trở của con cháu dòng họ, luôn đau đáu khôn nguôi về Đức Tổ của mình, nhất là hành trình từ lúc Cụ ra đi cho đến cuối đời ra sao? sống chết thế nào? mồ mả nơi đâu? Trong khi Đức Tổ là người lương đống, có tài nhưng sinh bất phùng thời, để rồi phải chịu số phận nghiệt ngã thì thật là thương cảm!

 

/uploads/images/2021/2021-0203-02.jpgÔng Trần Khánh Dư cùng phu nhân Lâm Thị Phúc tại Từ đường họ Trần ở thôn Văn Mỹ, xã Yên Trung, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định trong Lễ giỗ Tổ Hoàng giáp Trần Hữu Thành vào ngày 25 tháng Giêng năm 2019. Trong Từ đường hiện có tấm bia đá Trần tộc bi ký. Bia dựng vào năm 1927 có ghi "Khoa bảng nối đời truyền diễm lệ, hào hoa lớp lớp kế theo nhau".

 

2. Công cuộc tìm hiểu, nghiên cứu

Không nỡ để con cháu mang tiếng là những kẻ thất cước với quá khứ, nguồn cội của mình. Ông Trần Khánh Dư là hậu duệ đời thứ mười của Hoàng giáp Trần Hữu Thành đã ấp ủ một ý tưởng tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Đức Tổ đã từ lâu rồi. Theo lời bộc bạch của ông thì ngay trong thời gian công tác tại Ban Tôn giáo Chính phủ, có điều kiện, đi nhiều nơi, ông cũng đã lưu tâm tìm hiểu những manh mối về Cụ Tổ theo những giai thoại truyền miệng của dòng họ. Song hầu như cũng không có kết quả gì, khi nghỉ hưu, ông mới có thời gian chuyên tâm về việc này. Bắt đầu từ cuốn sách "Các nhà khoa bảng Việt Nam (1075-1919)" có dẫn "Trần Hữu Thành 1558-?...".

 

Cuốn sách đó đã tạo thêm động lực, thôi thúc ý chí của ông Trần Khánh Dư. Sẵn có mối quan hệ từ trước đó với PGS Ngô Đức Thọ, ông đã đến gặp và đặt vấn đề nhờ PGS giúp đỡ sư tầm, nghiên cứu về thân thế sự nghiệp về Cụ Tổ của mình. Đề nghị của ông được PGS vui vẻ nhận lời. Nhưng ở đời có câu "người định không bằng trời định", sau khi PGS nhận lời giúp đỡ không lâu thì PGS lâm bệnh, sức khỏe giảm sút và không thể cộng tác được như đã hứa. Ông Trần Khánh Dư đành phải tìm sự trợ giúp từ các nhà khoa học, nhà nghiên cứu khác trong lĩnh vực lịch sử Hán Nôm và văn hóa xã hội. Ông đã bàn với ông Trần Thanh Tân em trai ông, nguyên cán bộ giảng dạy tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Ông Trần Thanh Tân đã đem việc này nhờ bạn ông là PGS. TS. Phạm Văn Khoái, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Hán Nôm, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội. Sau khi nghe hai ông đặt vấn đề về nội dung công việc và cung cấp một số tư liệu ban đầu thì PGS. TS. Phạm Văn Khoái nói "như vậy thì có thể làm được" và đã chính thức nhận lời sưu tầm, khảo cứu và biên soạn giúp nội dung thành cuốn sách.

 

/uploads/images/2021/2021-0203-09.jpgPGS. TS. Phạm Văn Khoái (bên trái) cùng hậu duệ Hoàng giáp Trần Hữu Thành trong một lần đi nghiên cứu thực địa ở thôn Đùng, xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam ngày 19 tháng 01 năm 2019.

 

Ý tưởng và kế hoạch thực hiện của ông Trần Khánh Dư cũng đã nhận được sự đồng thuận rất cao ở tất cả các ngành, các chi họ. Ông đã thành lập Đoàn công tác bao gồm các nhà khoa học, nghiên cứu trong lĩnh vực văn hóa - lịch sử và các đại diện của các ngành họ cùng tham gia. Mọi hoạt động của đoàn công tác điền dã để sưu tầm, nghiên cứu được chính thức bắt đầu vào ngày 19 tháng 01 năm 2019. Đoàn đã điền dã nhiều lần về các chi tộc họ Trần của tổ Trần Hữu Thành để tìm hiểu bia ký, bài vị và các câu đối cổ thờ tự. Đoàn cũng đã khảo sát một số địa danh lịch sử có liên quan như Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở Hà Nội, văn bia nhà Mạc ở Mao Điền Hải Dương, Đền Phù Ủng và làng Tiến sĩ Mộ Trạch Hưng Yên nhưng không có tiến triển xa hơn nữa.

 

/uploads/images/2021/2021-0203-03.jpgChuyến đi về đền Phù Ủng (xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) ngày 03 tháng 11 năm 2019, ông Trần Khánh Dư (giữa) và ông Trần Thanh Tân (bên phải) tìm hiểu thông tin từ các bậc cao niên hiện đang trông nom ngôi đền này.

 

Nhưng cũng thật may! nhờ có tiến bộ của công nghệ thông tin với không gian mạng và hình như có một sự linh thiêng nào đó run rủi. Vào một buổi trưa thư rỗi, con trai cả của ông Trần Khánh Dư là Trần Chính Khuông ngồi lướt mạng, tình cờ biết được trên trang thông tin của Phòng Giáo dục huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định có đăng trích dẫn về khu di tích Đình Chùa Đào Lãng - Nghĩa Thái - Nghĩa Hưng - tỉnh Nam Định của Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Nam Định nói: Trần Hữu Thành là Danh nhân Văn hóa của huyện Nghĩa Hưng, đỗ Hoàng giáp Tiến sĩ xuất thân khoa Bính Tuất (1558) đời Mạc Mậu Hợp, làm chức Trấn Đông Tướng quân, rồi thăng Đề hình Giám sát Ngự sử, sau quy thuận nhà Lê được phong chức "Quảng khuyến Canh nông Chánh sứ" nhân dân trong vùng nhớ ơn khai khẩn, lập làng của ông đã lập đền thờ và hiện đang thờ tại thôn Đào Lãng, xã Nghĩa Thái cùng một số vị có công khai khẩn vùng Duyên hải nơi đây. Một di tích văn hóa cấp tỉnh của tỉnh Nam Định. Cũng chính nhờ có phát hiện đó, đoàn đã lập tức về khảo sát tìm hiểu khu di tích Đền Chùa Đào Lãng và thu thập một số thông tin của dân cư vùng này. Lúc này đoàn công tác đã mở ra một hướng tiếp cận mới, đó là kết nối với các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian của tỉnh Nam Định và tỉnh Hà Nam có liên quan đến vùng đất nơi đây. Cũng chính nhờ cách tiếp cận này mà những trầy vỉa của trầm tích Hoàng giáp Trần Hữu Thành được dần dần khai mở phát lộ. Thế mới biết giá trị dữ liệu nhiều khi không ở tầm hàn lâm mà lại nằm chính trong dân gian, tàng ẩn trong dân gian. Nó không mất đi mà chẳng qua chỉ bị lớp bụi thời gian phủ mờ mà thôi! Cũng chính từ những nhà nghiên cứu văn hóa dân gian của hai địa phương này mà đoàn đã thu thập được rất nhiều tư liệu được trích dẫn từ các thư tịch cổ nằm rải rác trong dân gian của các quan tri nhậm đương thời và hậu thế nói về công lao đóng góp của Hoàng giáp Trần Hữu Thành đối với vùng đất trấn Nam Sơn Hạ và dọc miền duyên hải lúc bấy giờ.

 

/uploads/images/2021/2021-0203-04.jpgDi tích Lịch sử Văn hóa Đền - Chùa Đào Lạng (thôn Đào Lạng, xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) nơi thờ Hoàng giáp Trần Hữu Thành (bên phải ảnh).

 

Được sự tư vấn của các chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa lịch sử thì ông Trần Khánh Dư đã quyết định nâng tầm của công việc đó là tổ chức một cuộc Hội thảo khoa học về thân thế và sự nghiệp của Hoàng giáp Trần Hữu Thành một cách sâu sắc, minh triết và khách quan để đánh giá đúng giá trị công lao mà Hoàng giáp đã đóng góp cho đất nước lúc bấy giờ nhằm tri ân với một bậc tiền nhân khả kính. Hội thảo đã được tổ chức vào ngày 12 tháng 7 năm 2020 tại quê hương của Hoàng giáp đó là huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, do Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo phối hợp với dòng họ đồng tổ chức.

 

Hội thảo đã thu hút được khoảng gần ba mươi các vị là GS, TS, các học giả hàng đầu trong lĩnh vực lịch sử và văn hóa xã hội. Trong đó, người cao tuổi nhất là GS Sử học Lê Văn Lan (86 tuổi). Trong Hội thảo đã có 15 bản tham luận được trình bày và hàng chục bản tham luận khác mà Ban Tổ chức đã tiếp nhận để đưa tổng hợp vào nội dung. Đến dự Hội thảo còn có 5 cơ quan báo đài ở địa phương và Trung ương đến dự và tác nghiệp, đưa tin về Hội thảo. Hội thảo diễn ra quy mô, với sự có mặt khoảng hơn 300 người bao gồm các quan khách và các đại diện con cháu trong dòng họ từ khắp mọi miền trên Tổ quốc về dự. Hội thảo đã thu được kết quả hơn cả những gì mà Ban Tổ chức và dòng họ kỳ vọng ban đầu. Hội thảo lần này đã có những phát hiện mới và nhiều ý kiến gợi mở, không phải là một kết thúc cho một nghiên cứu đơn thuần mà lại chính là nền móng cơ sở mở ra một không gian nghiên cứu và đánh giá chân giá trị ở tầm vĩ mô về sự nghiệp, tài năng đa phương diện cùng những công lao đóng góp của Hoàng giáp Trần Hữu Thành đối với dân, với nước ở một giai đoạn chính trị đặc biệt của lịch sử.

 

III. Đôi điều minh triết

1. Tài năng sinh bất phùng thời

Mặc dù, Hoàng giáp Trần Hữu Thành là một nhà đại khoa bảng, có tài vào bậc lương đống, nhưng lòng người không thể thay đổi được mệnh trời, vận nước. Đến như Gia Cát Lượng thời Tam Quốc nước Tàu được người đời xưng tụng là "Vạn đại quân sư" mà cũng đã phải than rằng "Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên". Lúc này, triều Mạc đã suy vong không còn cách cứu vãn, đang lúc dầu sôi lửa bỏng thế sự ngả nghiêng mà nhà vua lại mắc vào chuyện sai lầm tình ái, từ việc sai nhỏ đã làm ảnh hưởng lớn đến đại cục. Mặc dù sau đó vua Mạc Mậu Hợp đã dốc hết sức lực vẫn không xoay chuyển được tình thế. Việc quân hao tổn liên tiếp, trong khi lòng dân vẫn "còn hướng về nhà Lê ở Đàng Trong". Bên ngoài thì quân đội Lê - Trịnh từ Thanh Hóa, Tam Điệp với danh nghĩa "Phò Lê diệt Mạc" đánh phá rất mạnh và thu được nhiều thắng lợi trên chiến trường. Trong triều thì các quan chán chường với nhà vua, nhiều người đã bí mật rời bỏ triều đình để quy thuận Lê - Trịnh.

 

Khó khăn chồng chất cho nên ngay cả khi vua Mạc Mậu Hợp giao quyền bính triều đình cho Thái tử để vua trực tiếp dốc toàn lực lượng chỉ huy trên chiến trận để quyết chiến nhưng cũng thất bại thảm hại. Than ôi! có phải do tài năng hạn chế của vua tôi nhà Mạc hay cơ giời bày đặt là như thế? Tập đoàn Lê - Trịnh thừa thế đánh chiếm giải phóng thành Thăng Long, nhà Mạc chính thức bị sụp đổ và cuối năm 1592 và cái chết của vua Mạc Mậu Hợp cho đến nay vẫn là điều bí ẩn. Cũng chính vì hoàn cảnh chính trị như vậy mà tài năng của Hoàng giáp Trần Hữu Thành bị câu thúc không thể phát lộ hết được.

 

2. Thức thời mới là tuấn kiệt hay sự ứng xử minh triết của một bậc túc nho

Mặc dù, Hoàng giáp Trần Hữu Thành cũng đã rất cố gắng cùng vua tôi nhà Mạc gìn giữ vương triều, khi đảm nhiệm chức "Trấn đông tướng quân", ngài cũng đã hiến kế và trực tiếp chỉ huy quân đội, gia cố thành Thăng Long để cản bước tiến của quân Lê - Trịnh ngõ hầu có thể chiến đấu phòng ngự lâu dài đợi thời cơ phản công. Song trước tình thế không thể cứu vãn nổi, với trí tuệ và nhãn quan của một bậc túc nho, Ngài đã thấy cái nguy cơ sụp đổ của nhà Mạc là không thể đảo ngược được nữa. Nếu cứ cố tình chống đối hoặc tử thủ thì tuy được cái ảo danh là "trung quân" nhưng chính lại là gây kéo dài thương đau tàn khốc cho dân chúng mà thôi. Chi bằng thuận cơ giời hợp tác với nhà Lê - Trịnh để lưu lại cái thân, để đất nước được ổn định tránh lầm than cho dân chúng và còn có thể mang tài sức của mình giúp ích cho đời.

 

/uploads/images/2021/2021-0203-10.jpgTừ phải sang trái: Ông Trần Khánh Dư, PGS. TS. Phạm Văn Khoái, ông Trần Văn Vịnh, ông Trần Diên Linh, ông Trần Thanh Tân tại Từ đường Hoàng giáp Trần Hữu Thành ở thôn Đại An, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định ngày 19/01/2019.

 

Với suy nghĩ ấy, vào cuối tháng 10 năm 1592, Hoàng giáp Trần Hữu Thành dẫn quân cùng bộ tướng tâm phúc của mình về quy thuận nhà Lê - Trịnh. Đúng như dự liệu của Hoàng giáp, thông qua các quan lại nhà Mạc quy hàng trước đó mà Trịnh Tùng cũng đã biết đến tài năng và đức liêm chính của ngài nên cũng muốn trọng dụng. Tuy nhiên, sự trọng dụng của nhà Chúa cũng có chừng mực và sự cẩn trọng đối với một hàng tướng. Trong khi nhà Mạc chưa sụp đổ hoàn toàn mà còn cát cứ tại Cao Bằng thì vẫn là một hiểm họa. Cũng chính vì biết điều này mà cụ Trần Hữu Thành xin với nhà Chúa cho lui về lập ấp khai khẩn đất hoang vùng duyên hải quê nhà thuộc Phủ Nghĩa Hưng. Nhà Chúa hiểu ý nên đã chấp thuận và bổ nhiệm Hoàng giáp chức "Quảng khuyến Canh nông Chánh sứ" phụ trách việc trị thủy và khuyến khích canh nông, khai khẩn đất hoang, quai đê lấn biển miền duyên hải và cả vùng Trấn Nam Sơn Hạ. Việc quân đội do Trịnh Hoành cai quản.

 

Thế mới hay! Trí tuệ cao nhân gặp nhau, người đề xuất cũng tự biết mình mà người quyết định bổ nhiệm cũng thật biết dùng người, an tâm cả tôi lẫn Chúa.

 

/uploads/images/2021/2021-0203-05.jpgÔng Trần Diên Linh và PGS. TS. Phạm Văn Khoái (trái sang) trên bãi trồng Ngô tại thôn Phù Sa Thượng, xã Hoàng Nam, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định nơi mà xưa kia Chánh sứ Quảng khuyến Canh nông Trần Hữu Thành chỉ huy công việc trị thủy

 

Sau khi được bổ nhiệm chức "Quảng khuyến Canh nông Chánh sứ", Hoàng giáp Trần Hữu Thành đã mang toàn bộ số quân lương và cả gia sản của mình chia cho binh lính và dân nghèo, thu xếp nơi ăn chốn ở, dựng vợ gả chồng cho họ. Với uy tín đức độ, Ngài đã phủ dụ dân chúng, khuyến khích canh nông, chấn chỉnh lại phong hóa pháp độ. Hoàng giáp đã cho quy hoạch lại điền địa, phân chia lập ấp lập làng, kiến tạo giao thông thủy lợi khơi thông luồng lạch theo phép ra vào thuận tiện cho việc giao thương thủy bộ và cả khi quân sự dùng đến. Ngoài ra, Ngài còn tấu biểu dâng kế sách trị thủy, quai đê lấn biển và có những đóng góp đáng kể cho suốt dọc từ miền duyên hải từ Hoành Sơn đến trấn Quảng Yên (Quảng Ninh ngày nay).

 

Từ khi nhận chức, Hoàng giáp Trần Hữu Thành đã biến vùng đất hoang sơ miền duyên hải của Trấn Nam Sơn Hạ thành một vùng dân cư an vui, sản vật dồi dào, giao thương sầm uất, pháp độ của triều đình được thi triển nghiêm cẩn. Có thể nói, công việc chức trách này, Ngài đã đạt thành công rất lớn, trên thì nhà Chúa ban khen, khi đến thăm phủ lỵ Phù Sa đại bản doanh của Trần Hữu Thành. Chúa đã tặng đôi câu đối.

 

Tri quân trị thủy hữu năng, thực túc tất nhiên binh tráng đại.

Phụ chủ chuyên tâm vô kị, phòng vi dĩ cự tặc lai xâm.

 

Một ghi nhận của nhà Chúa về tài năng và công lao của một hàng tướng, dưới thì hàng dân chúng cảm thấu ân đức đã xây Sinh Từ để thờ sống Hoàng giáp.

 

3. Hoàng giáp Trần Hữu Thành một tài năng đa phương diện

Con đường khoa bảng: Cũng như bậc quan lại thời phong kiến, việc lập thân, lập danh đều phải từ con đường khoa bảng. Theo cứ liệu thư tịch cổ được trích dẫn trong Hội thảo thì Hoàng giáp Trần Hữu Thành sinh ra trong một gia đình không phải là thuận lợi cho lắm, thậm chí là khó khăn. Bởi vậy cho nên Trần Hữu Thành vừa kiếm kế sinh nhai, vừa học cho tới năm 29 tuổi thì đậu Hoàng giáp. Ở tuổi này cũng vừa độ chín về mọi phương diện. Người xưa quan niệm "Tam thập nhị lập", nếu như đỗ đạt thành đạt quá sớm, tài năng tuy có nhưng trải nghiệm chưa nhiều, độ chín chưa đủ thì không những tài năng ấy không phát huy bền vững mà thậm trí còn bị lụi tàn. Cũng chính vì thế, người xưa cũng quan niệm "thiếu niên đăng khoa" là một trong những bất hạnh của đời người vậy.

 

Sự nghiệp quan trường: Một tài năng đa phương diện làm quan trong bối cảnh chính trị thật đặc biệt có thể nói là éo le tàn khốc, vì vậy mà sự nghiệp quan trường của Hoàng giáp Trần Hữu Thành cũng rất đặc biệt.

 

Dưới triều Mạc: Trần Hữu Thành làm quan được 6 năm thì nhà Mạc sụp đổ (1586-1592). Từ một nhà khoa bảng, Ngài đã chuyển qua lĩnh vực quân sự với chức "Trấn đông tướng quân" rồi sau thăng "Đề hình Giám sát Ngự sử" điều đó cho thấy sự tín nhiệm của nhà vua đối với tài của Ngài là rất trọng.

 

Dưới triều Lê - Trịnh: Như phần trên đã nói, chúa Trịnh Tùng mến tài đức của Hoàng giáp Trần Hữu Thành mà trọng dụng và đã phong chức "Quảng khuyến Canh nông Chánh sứ". Trong lĩnh vực này, Hoàng giáp đã rất thành công, trên thì nhà chúa ban khen, dưới thì dân chúng cảm ân đức mà xây Sinh Từ. Ngài đã sống trọn vẹn danh và nghiệp cho đến lúc Cụ về nghỉ dưỡng và mất tại quê nhà ngày 25 tháng Giêng (1635), hưởng thọ 77 tuổi. Một kết thúc vô cùng viên mãn.

 

Điều đặc biệt ở đây đó là ngày mất 25 tháng Giêng đúng như lời Ngài đã dặn cách 40 năm trước với hai con là Trần Hữu Thực ở thôn Đùng - Liêm Sơn - Thanh Liêm - Hà Nam và Trần Phúc Khánh ở Văn Mỹ - Yên Trung - Ý Yên - Nam Định rồi cắt đứt liên lạc với hai người con này để đảm bảo an toàn. Điều đó còn cho thấy, Hoàng giáp còn rất giỏi về tử vi dịch số đã tính được cả ngày tháng mất sau này của mình.

 

Trải qua hai chế độ của hai vương triều khác nhau, với những chức vụ mà Ngài đã đảm nhiệm trong suốt sự nghiệp quan trường của mình, đã cho chúng ta thấy Hoàng giáp là một mẫu nhân tài khá đặc biệt, một tài năng đa phương diện. Đó là từ một nhà khoa bảng (quan văn), nhà quân sự, nhà tư pháp hình luật, nhà quy hoạch kinh tế hay nói cách khác là nhà kiến trúc sư xã hội. Mẫu tài năng hiếm gặp, sau Ngài khoảng hai trăm năm chúng ta thấy có uy viên tướng quân Nguyễn Công Trứ tài năng tương tự như thế. Tuy thế, Nguyễn Công Trứ sống trong hoàn cảnh chính trị có nhiều thuận lợi hơn nên việc thi triển tài năng cũng thuận lợi. Cũng chính như thế, chúng ta mới càng thấy giá trị thành công của Hoàng giáp Trần Hữu Thành là rất đặc biệt.

 

/uploads/images/2021/2021-0203-07.jpgÔng Đinh Đức Tuyến, Bí thư huyện Ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định hoan nghênh và đánh giá cao việc dòng tộc họ Trần tổ chức cuộc Hội thảo Khoa học Danh nhân Văn hóa Hoàng giáp Trần Hữu Thành (1558-1635) và chụp ảnh lưu niệm tại Trụ sở Hội đồng Nhân dân huyện Ý Yên.

 

4. Sự hình thành các chi tộc họ Trần hậu duệ của Tổ Trần Hữu Thành

Mặc dù Hoàng giáp Trần Hữu Thành cũng đã rất cố gắng cùng vua tôi nhà Mạc gìn giữ vương triều nhưng trước nguy cơ sụp đổ không còn cơ cứu vãn được nữa như đã phân tích phần trên, Hoàng giáp đã quyết định quy thuận nhà Lê - Trịnh. Vốn là một nhà đại khoa bảng từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng khác nhau, lại trong hoàn cảnh chính trị tao loạn, tàn khốc. Vì thế, trước khi về quy thuận nhà Lê - Trịnh, Ngài đã cẩn trọng sắp xếp cho gia tộc một cách an toàn nhất có thể. Trong khi nhà Mạc chưa sụp đổ hoàn toàn mà vẫn còn cát cứ tại Cao Bằng thì vẫn là một hiểm họa, hơn nữa lại là một hàng tướng giữa chốn triều đình thì sao nhỉ! Như cụ Nguyễn Du đã nói lời nhân vật Từ Hải trong Truyện Kiều đó là:

 

Bó tay về với triều đình

Hàng thần lơ láo, phận mình ra đâu

 

Vấn đề chính là ở chỗ "Hàng thần lơ láo, phận mình ra đâu"! Sự nghi kỵ, gièm pha luôn bủa vây và họa diệt thân toàn gia có thể đến bất cứ lúc nào. Đó là chưa kể khi làm "Đề hình Giám sát Ngự sử" một chức quan tuy phẩm hàm chưa cao nhưng chức này lại rất trọng. Một chức năng kiểm soát hình ngục và đàn hặc các quan, có tác dụng trực tiếp đến việc thăng giáng chức tước của các quan lại thì không khỏi có những ân oán trong chốn quan trường. Chính vì thế mà trước khi quy thuận nhà Lê - Trịnh, Hoàng giáp chỉ để lại người con cả ở lại quê nhà An Hạ, còn Ngài đã bí mật đưa người con thứ hai là Trần Hữu Thực lên lánh ẩn ở làng Đùng.

 

Làng Đùng nằm chân ngọn núi Đùng là một ngọn núi cao nhất trong một dãy núi đất liên hoàn chạy từ địa phận xã Thanh Lưu đến dọc xã Liêm Sơn của huyện Thanh Liêm tỉnh Hà Nam, chiều dài khoảng 7-8km. Lúc bấy giờ nơi đây còn hoang vu lắm, dân cư thưa thớt, người Kinh ở xen lẫn với người Mường. Sau ngày, người Kinh đến khai mở nhiều thì người Mường đã di chuyển về miền Chi Nê - Xích Thổ của tỉnh Hòa Bình sinh sống. Di tích nơi đây còn lại với tên một khe nước gọi là Khe Mường.

 

Cụ Trần Hữu Thực khi ấy hẳn còn ít tuổi, để định cư được tại một nơi như thế Hoàng giáp đã phải gửi gắm nhờ một tướng tâm phúc của mình tên là Đội Nhưng che trở giúp đỡ. Sau đó Hoàng giáp lại đưa người con thứ ba là Trần Phúc Khánh đến ở tại làng Văn Khê tên nôm là làng Ngòi tức Văn Mỹ - Yên Trung - Ý Yên - Nam Định ngày nay. Tuy làng Ngòi cùng huyện lỵ với An Hạ nhưng cách xa An Hạ tới gần 30km. Đây là một vùng đồng chiêm trũng, đi lại khó khăn, về mùa nước giao thông đi lại chủ yếu là bằng thuyền.

 

Làng Ngòi là một làng cổ, làng có tự bao giờ thì không ai biết. Chỉ biết là khi cụ Trần Phúc Khánh đến định cư thì làng đã có các họ Phạm, Lê, Tô, sống nhiều đời ở đây rồi. Một người còn ít tuổi như cụ Trần Phúc Khánh sống ngụ cư bơ vơ nơi đất khách quê người thì thực là khó tồn tại nên Hoàng giáp đã đưa một người thân tín cũng họ Trần ở làng bên đi cùng. Người này có sức khỏe và khá tinh thông võ nghệ kết nghĩa huynh đệ để cùng nương tựa giúp đỡ lẫn nhau. Người đó là cụ Trần Hữu Tượng và là Tổ của một họ Trần khác cùng làng Văn Mỹ ngày nay.

 

Thật đúng như cổ nhân có câu "Con Thỏ đào hang còn có ba cái ngách phòng khi thoát hiểm". Sau đó Hoàng giáp Trần Hữu Thành cắt đứt liên hệ với hai nơi này để đảm bảo an toàn và chỉ dặn lại là lấy ngày 25 tháng Giêng để làm ngày giỗ sau này. Chính vì thế mà các chi họ Trần ở thôn Đùng - Liêm Sơn - Thanh Liêm - Hà Nam và thôn Văn Mỹ - xã Yên Trung - Ý Yên - Nam Định không có ngày giỗ và phần mộ Cụ Tổ bà (phu nhân của Hoàng giáp Trần Hữu Thành) cũng như không biết hành trình sau này của Đức Tổ là thế.

 

TS. Phạm Trần Linh

Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo

Các bài viết khác