TRUNG TÂM BẢO TỒN    
DI SẢN VĂN HÓA TÔN GIÁO
Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hoá Tôn giáo
Menu

Lời bào chữa cho một cô gái trước vành móng ngựa

Ngày: 10:43:26 27/03/2017

(Truyện ngắn) Một cô gái trẻ yêu thích ca hát, nhưng cô chỉ hát vụng trộm khi ở nhà một mình. Cô nuôi một con chim nhỏ, hàng ngày làm bạn với nó, và thường hát cho nó nghe. Điều đó khiến anh chồng của cô tức giận. Nhân một lần cô gái ra khỏi nhà, anh chồng đã vặn cổ con chim. Bên xác con chim nhỏ, cô gái đã gần như phát điên. Và tiện tay vớ được khẩu súng săn của chồng, cô đã bắn chết anh ta…

Đó là nội dung tóm tắt một vở kịch Mỹ mà cháu gái tôi đang theo học ngành thương mại ở một trường đại học Hoa Kỳ gửi về cho tôi bằng thư điện tử, kèm theo một bài luận văn và mấy dòng ngắn gọn: “Chú ạ, cháu phải viết một luận văn dưới hình thức là lời bào chữa của luật sư nhằm chứng minh cho sự vô tội của cô gái trong vở kịch trên và cãi cho cô ta được trắng án! Cháu đã đọc hàng đống tài liệu cả tháng ròng và viết bài này trong hai tuần đấy! Chú góp ý cho cháu nhé, càng sớm càng tốt! Cháu rất biết ơn chú…”

Tôi và cháu gái ít thư từ trao đổi trực tiếp, mà chủ yếu thông qua bố mẹ cháu để biết được tình hình của nhau. Vì tình thân giữa hai chú cháu cũng chỉ ở mức bình thường; sau nữa, lĩnh vực của cháu xa lạ với một kẻ “mây gió” như tôi, còn cháu thì bị cuốn hút vào những quy luật kinh tế và những vấn đề giao dịch thương mại quá ư rắc rối mà thú thực là tôi không hiểu và không thấy hấp dẫn chút nào! Khi ba cháu, trong một cuộc trò chuyện thông báo là cháu bên đó phải học cả xã hội học, tâm lý học, nghệ thuật học, thì tôi cho rằng đó là điều cần thiết mà các trường đại học kinh tế của ta cần phải học tập. Nhưng tôi đã thật bất ngờ với bài luận văn của cháu! Tôi không thể ngờ, một cô bé chưa đầy 20 tuổi đầu, vốn chẳng thích thú gì với những vấn đề xã hội, chính trị, văn chương, triết học, cùng trang lứa với cái thế hệ học trò đã sản sinh ra những giai thoại “làm văn” cười chảy ra nước mắt từng được công khai trên nhiều báo chí nước ta, lại là tác giả của một bài viết chững chạc, khúc chiết, với một vốn kiến văn đáng kinh ngạc sau ba năm du học! Lẽ dĩ nhiên, cũng vẫn có không ít những ngây ngô tất yếu, điều đó càng chứng tỏ cháu tôi đã tự mình viết ra nó!

Vì bận bịu, tôi đã không trả lời được cho cháu. Sau đó, qua bố mẹ cháu, tôi được biết bài luận văn của cháu được đánh giá xuất sắc, và được đọc trước sinh viên toàn khoá làm mẫu, góp phần làm vẻ vang cho sinh viên Việt Nam trên đất Mỹ…

Tôi sẽ quên cái bài luận học trò ấy, nếu như không có một cuộc tranh luận nho nhỏ với bạn tôi, một phó tiến sĩ đang dạy ở một trường đại học kinh doanh có tiếng. Bạn tôi tuyên bố hùng hồn: “Với sinh viên của tôi thì chỉ cần thông thạo những kiến thức kinh tế chuyên sâu, biết vi tính, sử dụng tốt ngoại ngữ chuyên ngành, cộng với những kinh nghiệm bước đầu trong môi trường kinh doanh là đã có thể kiếm ngay được việc làm ngon lành, thế là đủ”. Bình thường thì tôi đã gật đầu đồng tình. Nhưng bài luận văn của cô cháu gái đã giúp tôi có một cái nhìn khác bạn tôi. “Thế còn độ nhạy bén và sự cao thượng của đời sống tinh thần? Nếu không có nó, sẽ mãi mãi chỉ là kẻ làm thuê, một người lao động tầm thường…”. Thực tế đã cho tôi thấy: óc phê phán, năng lực tư duy độc lập, khả năng vận dụng những hiểu biết sách vở, và đặc biệt là cảm xúc nghệ thuật hòa quyện với ý thức công dân, với khát vọng dân chủ và nhân đạo… - đó là những gì mà ngôi trường đại học xa lạ với tôi và thế hệ của tôi kia đã đem lại được cho sinh viên của họ, và thật đáng buồn, lại là những cái hầu như đang còn thiếu vắng trong các trường đại học của ta - cả khoa học xã hội lẫn khoa học tự nhiên! Phải chăng, điều này cũng là một trong những nguyên nhân khiến “các trường đại học ở Việt Nam hầu như đang đứng ngoài trào lưu chung của thế giới”- như nhận định của ngài Thomas Vallely, giám đốc chương trình Việt Nam của đại học Harvard trong bản Đề cương thảo luận “Xây dựng trường đại học hàng đầu Việt Nam” gửi đến Thủ tướng và Chính phủ Việt Nam cuối năm 2005 “với mục đích cuối cùng của tất cả chúng ta là: Giáo dục Việt Nam sẽ bứt lên để cạnh tranh cùng thế giới” (Đề cương thảo luận nói trên)… Tôi quyết định lục tìm lại bài văn nọ, đem sửa chữa chút ít - trên tinh thần tôn trọng nguyên văn, đặc biệt là cái nhiệt tình xã hội đáng quý của cháu tôi trong đó, tìm cách giới thiệu cho bạn bè tôi đang dạy ở các trường phổ thông và đại học, với mong mỏi đóng góp chút gì chăng cho Sự nghiệp Đổi mới Giáo dục đang được phát động ở quy mô toàn xã hội.

Sau đây là toàn bộ bài luận văn đó.

Kính thưa ông Chủ toạ phiên toà và Hội đồng xét xử!

Những tình huống trong vở kịch đã xác định khá cụ thể bối cảnh của xung đột bi kịch, trong đó xã hội tiêu thụ và chủ nghĩa cá nhân cực đoan đã ở giai đoạn tột cùng của mình. Trong bối cảnh đó, khi người chồng sống cô độc không bè bạn, khi tâm hồn anh ta trống rỗng và cằn cỗi, thì anh ta đã là một nạn nhân đáng thương.

Có thể lý giải sâu thêm về số phận ấy: Triết lý hưởng thụ vật chất của cả một xã hội đã gặm nhấm tâm hồn và thể xác anh ta, những thói lọc lừa điên đảo của người đời (trong đó có thể có cả bạn bè và người thân của anh ta) cùng những thất bại, những đỗ vỡ niềm tin đã giết chết ở anh ta những mầm thiện cuối cùng của nhân tính. Anh ta là hậu duệ của những nhân vật “con người thừa”, “con người trống rỗng” trong văn học suốt một thế kỷ XIX; và sang đến thể kỷ XX, những nhân vật đó còn bị khủng hoảng u ám hơn (trong tác phẩm “Âm thanh và cuồng nộ” của Faukner, “Hoá thân”, “Vụ án” của F. Kafka, những tác phẩm kịch và tiểu thuyết phi lý của nhiều nhà văn Anh, Pháp, Mỹ…). Họ “nổi loạn” để chống lại những gì phí lý, chống lại chính sự tồn tại của bản thân và đồng thời cũng đập phá tất cả những gì là nhân bản, tốt đẹp của con người. Nhưng họ không thể tự ý thức được một điều: trong khi họ “nổi loạn”, họ đã bị “tha hoá” và càng ngày càng sa vào địa ngục của sự tha hoá. Khi đó, trong thế giới tinh thần của họ, không thể có sự băn khoăn tạo nên cốt lõi của thế kỷ nhân văn: tồn tại hay không tồn tại (Tobe ot not tobe) - như một nhân vật của W. Shakespeare; càng không thể có thế giới của sự trong sạch, dịu dàng, sự hồn nhiên, nhân ái như nhiều nhân vật của văn học lãng mạn trong tác phẩm của V. Huygô, G. Xăng…

Có thể nói, nhân vật người chồng trong vở kịch là sản phẩm của một thế giới điên loạn, khủng hoảng, mất phương hướng, và anh ta từ chỗ là một nạn nhân đáng thương (giống như nhân vật Jozep K trong “Vụ án” của F. Kafka đã bị “giết chết như một con chó”) trở thành một tên đao phủ lạnh lùng đối với cái đẹp, cái thiện. Hành động giết chết con chim - vốn là người bạn gần gũi nhất của cô vợ, xét đến cùng không chỉ là kết quả của sự ghen tuông phi lý, không chỉ đem đến cho anh ta một niềm vui độc ác, mà anh ta làm điều đó như một bản năng, một cách để chứng tỏ bản ngã và lý do sự tồn tại của mình! Việc giết chết con chim chỉ là một hành động trong cả hệ thống hành động của anh ta nhằm phỉ báng, lăng nhục và hành hạ cô vợ nhỏ. Đó chỉ là hành động cuối cùng nhằm hoàn thiện thêm bản chất phi nhân tính của anh ta!

Còn cô vợ, sau cả một thời gian dài sống với một người chồng như thế, chúng ta có thể hiểu những gánh nặng tâm lý cùng những tổn thương tinh thần đau đớn của cô. Không cần phân tích nhiều cũng có thể hiểu sự gắn bó của cô đối với con chim có ý nghĩa như thế nào trong cuộc sống bị đày đoạ ấy. Cảnh ngộ đó của cô khiến sự xuất hiện của con chim non trở thành một cứu cánh cho cô để tồn tại. Con chim không chỉ là một người bạn tâm tình, bạn an ủi, nó còn là hiện thân của sự khao khát tự do, khao khát tình thương, khao khát cái đẹp, và khao khát được sống một cách bình yên. Nếu chúng ta đã đọc tác phẩm ngắn độc đáo “Con chim trốn tuyết” của nhà văn Mỹ Paul Gallico, chúng ta sẽ thêm cảm thông với người vợ của vở kịch: Trong truyện trên, một anh hoạ sỹ tật nguyền và một cô gái nhỏ đã gắn bó với một con chim trốn tuyết trong gần chục năm trời. Và khi con chim báo tin cho cô gái biết về cái chết dũng cảm của người đàn ông bằng chính cái chết của mình, cô gái đã rỏ những giọt nước mắt nóng bỏng của tình yêu vừa được thức tỉnh bên xác con chim kỳ lạ. Thưa quý toà, xin được hỏi các quý vị đáng kính ở đây, đã có một ai chưa từng được chứng kiến đứa con nhỏ của mình hoặc một cô bé cậu bé hàng xóm khóc rưng rức khi đưa tang một con mèo hoặc một con chim xấu số mà chúng từng chăm sóc, nuôi nấng? Đối với trẻ thơ, con vật nuôi dưỡng cũng có tâm hồn, cũng thấu hiểu vui buồn của con người. Cô gái nhỏ, người vợ bất hạnh kia khi sống trong sự lạnh lùng ích kỷ của người chồng chắc đã tìm được một chốn ẩn náu kỳ diệu là tuổi thơ của mình. Và phải chăng, chính cô cũng có tâm hồn trong trẻo hồn nhiên như trẻ thơ; cô xa lạ với những toan tính đục ngầu, những mưu mô hiểm độc, những tham vọng nhớp nhúa của thế giới bạo lực xung quanh - trong đó chắc chắn có chồng cô! Khi con chim non bị giết bằng cách vặn cổ, bởi chính bàn tay chồng cô, chúng ta có thể hiểu vì sao cô gái không chỉ tiếc thương, xa xót đến cùng cực, mà còn phẫn nộ đến thù hận. Cô có thể chịu đựng được sự hành hạ về thể xác, chịu đựng được nỗi cô đơn khi bị ghẻ lạnh, thậm chí bị hắt hủi, bị đoạ đày về tinh thần - nhưng khi biểu tượng của tình yêu thương và sự trong sạch tinh khiết của cô bị cướp đoạt, bị giết chết một cách tàn nhẫn thì sự chịu đựng của cô đổ vỡ tan tành.

Thưa quý toà, xin hỏi ai có thể không rỏ nước mắt xót thương cho cô bé hầu gái trong truyện “Buồn ngủ” của nhà văn Nga Antôn Tsêkhôp, khi em vô tình bóp chết đứa trẻ khóc ngặt nghẽo trong tay em hết ngày này qua đêm khác để có thể có được một giấc ngủ trọn vẹn? Chúng ta có nỡ lên án một đứa bé gái là kẻ giết người, trong khi cả một xã hội ô trọc đã cướp đi của em không chỉ những giấc ngủ nho nhỏ mà tước đoạt cả tuổi thơ trong lành? Người vợ trong vở kịch dĩ nhiên không phải là một cô bé nữa, nhưng có điều chắc chắn là tâm hồn trẻ thơ của cô đã không hề bị mất đi, ngược lại còn rực rỡ hơn trong bóng tối của sự độc ác vị kỷ, nó lại còn được soi rọi thêm bởi ánh sáng của chú chim non mà cô nuôi dưỡng bầu bạn!

Chúng tôi không cần viện dẫn ra những lý thuyết phân tâm học của S.Freud nói về “hành vi triệu chứng” hoặc “siêu ý thức cá nhân” để biện hộ cho hành động của cô gái, bởi vì chúng ta đã nhận thấy một cách rõ ràng cái tình thế đã đẩy cô tới chỗ đó. Cảnh ngộ riêng trong một thời gian dài đã khiến một cô gái vốn có bản tính “siêu nhạy cảm” (chữ dùng của Freud) trở nên dữ dội, cô đã hành động như một thứ bản năng mách bảo (và do cả cái thực tế phũ phàng chỉ dẫn nữa: con chim bị vặn gãy cổ). Càng nhút nhát, yếu đuối bao nhiêu, trong cơn bột phát cuồng nộ bất thình lình, cô càng quyết liệt bấy nhiêu.

Thưa quý toà, dù muốn hay không, chúng tôi ở đây bắt buộc phải nhắc đến cái “bản năng siêu ý thức tập thể” của C. Jung, bởi hành động giết chồng của cô gái cần phải được soi sáng bởi một lý thuyết của phân tâm học có liên quan tới ký ức cộng đồng từ thuở thơ ấu của nhân loại. Đó là cái thời mà đối với con người, “vạn vật hữu linh” - mọi vật đều có linh hồn. Đối với một số dân tộc, con chim là vật tổ Tôtem giáo, chúng linh thiêng và có vị trí cao hơn hẳn đời sống cộng đồng. Cái ý thức đó hằn sâu trong tâm khảm nhân loại qua nhiều thế kỷ, nhất là khi chúng đi vào hệ thống tâm linh. Phật giáo cấm sát sinh ngay cả con sâu cái kiến, điều đó làm thành một trong những nền tảng của triết lý từ bi hỉ xả đáng trân trọng của tôn giáo này. Những học thuyết triết học - giáo dục đáng chú ý nhất của thời Phục hưng và thời Ánh sáng đều có liên quan đến việc kêu gọi con người trở về với thiên nhiên (Montenhơ, J. Rutsô, Rabơle, v.v.). Thiên nhiên trong lành đồng nghĩa với tuổi thơ, sự hồn nhiên, sự tinh khiết cao cả, đối lập với xã hội của sắt thép và máu lửa. Thưa quý toà, rõ ràng là cái thiên nhiên theo quan niệm ấy là một phần quan trọng trong tâm hồn cô gái. Con chim cô đã nuôi nấng là cái thiên nhiên đã được tượng hình lại, được chưng cất, và một khi nó bị huỷ hoại thì cũng tức là chính cô bị huỷ diệt. Cái niềm tin ngây thơ mang ý nghĩa nguyên thủy và tôn giáo từ cổ xưa ấy đã từng làm nên ý nghĩa đời cô, và chính là cái bản chất dễ thương, đáng yêu của cô. Chúng ta có nên đứng ở trên một hệ thống luân lý đạo đức sặc mùi kim tiền và khét lẹt vì huỷ hoại thiên nhiên mà lên án cái bản chất đáng yêu đó? Chúng tôi muốn nhấn mạnh điều này: cái bản chất rất người, rất nhân bản kia đã bị vùi dập, nó đã buộc phải nổi loạn một cách não lòng như thế để tự bảo vệ mình. Đó là tiếng gọi “Trở về nơi hoang dã” (Tên một tác phẩm của J. Lơnđơn). Đó cũng là sự nổi loạn của Nora trong vở kịch nổi tiếng “Nhà búp bê” của H. Ibsen - không chấp nhận sự giả dối, đớn hèn, ích kỷ, độc ác để mong vươn tới một cái gì trong sạch, tốt lành như chính thiên nhiên vĩnh cửu.

Cô gái khi hành động giết chồng, chắc chắn là không hề biết mình đang làm công việc của một kẻ sát nhân. Kéo dài một cuộc sống khủng khiếp bên người chồng, cô đã phải câm bặt tiếng hát - dù cô là người hát hay và hay hát. Cũng may là có con chim đã hát thay cho cô, hát cho cô nghe. Chỉ sau khi không còn bóng dáng của người chồng nữa, cô mới được hát, mới có thể hát. Nhưng mong quý toà nhớ giúp cho, lúc này tiếng hát của cô ta ra sao? Khi hai người hàng xóm hỏi cô, cô mới cất nổi tiếng hát ngây ngô, không biết là mình hát, tiếng hát điên loạn của một thiếu nữ làm vợ mà không được làm vợ, làm người mà sống không ra con người, tiếng hát thê thảm của chim thiên nga trước giờ giãy chết ta từng biết trong cảm xúc của nhạc sĩ Pháp Xanh Xăng và nhạc sĩ Nga Traicovski. Vậy đó, thưa quý toà, một lời kết án dù là nhẹ nhất đối với cô gái vô tội kia sẽ là một sự trả thù đối với cái Đẹp đã hơn một lần bị lăng nhục, bị giày xéo. Theo chúng tôi, cô gái đáng thương, chứ không hề có tội! 

Đạo diễn, nhà văn Mai An Nguyễn Anh Tuấn.

Các bài viết khác