TRUNG TÂM BẢO TỒN    
DI SẢN VĂN HÓA TÔN GIÁO
Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hoá Tôn giáo
Menu

Ngày của Mẹ và lễ hội Vu Lan

Ngày: 19:49:15 15/10/2015

Lễ hội Vu-lan chẳng những có tính chất văn hóa nhân bản sâu sắc hơn hẳn, lại có một bề dầy lịch sử được người Việt tiếp nhận, đã được nhà nước thuộc nhiều triều đại tổ chức với tính cách quốc lễ, tại sao chúng ta không nghĩ đến việc vận động để nhà nước công nhận Vu-lan là quốc lễ hay ngày của Mẹ hay ngày báo hiếu của những người con hiếu hạnh và hiếu đạo Phật tử Việt Nam?

Vài năm gần đây, trong trào lưu hội nhập, xã hội Việt Nam tiếp nhận một số lễ hội phương Tây như ngày Lễ Tình nhân (Valentine’s day), ngày Hội Hóa trang hiện quỷ (Halloween), ngày Lễ Tạ ơn (Thanksgiving day) và các ngày của Cha (Father’s day), ngày của Mẹ (Mother’s day)… không kể ngày Lễ Giáng sinh (Noel hay Christmas Day) đã trở thành quá quen thuộc. Việc tiếp nhận những hình thức sinh hoạt văn hóa của các dân tộc khác để làm phong phú nền văn hóa dân tộc là việc bình thường nếu các hình thức đó có thể góp phần nâng cao đời sống tinh thần của con người, giúp con người cảm thụ những sắc thái nhân bản mà các hình thức đó thể hiện. Như vậy, việc tiếp nhận cái mới luôn phải có tính cách chọn lọc. Hơn thế nữa, khi một sinh hoạt văn hóa có ý nghĩa trùng hợp với những sinh hoạt bản địa có sẵn thì việc tiếp nhận cái mới lại là một hình thức cạnh tranh, trường hợp đó càng cần phải có sự so sánh phân biệt thật cụ thể để đừng đánh mất những nét đặc sắc trong các hình thức sinh hoạt cổ truyền. Ở đây, người viết muốn bàn đến ý nghĩa văn hóa liên quan đến ngày của Mẹ so sánh với lễ Vu-lan vốn là một lễ hội truyền thống của người Việt.

1. Nguyên lý Mẹ trong văn hóa và tín ngưỡng người Việt

Mọi người sinh ra ở đời đều phải có cha có mẹ. Loài người có thời thơ ấu kéo dài, cần được nuôi dưỡng, chăm sóc và dạy dỗ bởi những người trưởng thành trong nhiều năm thì mới có thể sống sót để vào đời và nên người. Tuy cha và mẹ đều cùng có công lao trong việc đưa một con người vào đời, nhưng trong lúc ấu thơ, con người gần gũi hơn với mẹ; do vậy mà tiếng “mẹ”, hình tượng người mẹ luôn gợi trong tâm thức con người những cảm giác sâu lắng thân thiết tin cậy. Điều này đúng với mọi dân tộc và thời đại chứ không chỉ riêng đối với người Việt.

Các nghiên cứu về dân tộc học cho rằng trong nhiều nền văn hóa thuộc các cộng đồng nguyên thủy, ý niệm “mẹ” gắn chặt với sự sinh tạo, sản xuất, nuôi dưỡng, phân phối… rồi phát triển thành nguyên lý Mẹ, làm tiền đề cho việc thờ phụng các vị nữ thần. Về mặt tiến hóa của loài người, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng các cộng đồng nguyên thủy đã được thiết lập trên nền tảng của chế độ mẫu hệ, là một hình thức tổ chức xã hội trong đó vai trò của phụ nữ quan trọng hơn nam giới, các mối quan hệ và sự thừa kế được ấn định theo dòng nữ, cũng là một yếu tố nhấn mạnh đến nguyên lý Mẹ trong xã hội loài người.

Trong tín ngưỡng của người Việt, việc tôn thờ nữ thần, mẫu thần, mẫu tam phủ tứ phủ là hiện tượng khá phổ biến, có những nguồn gốc lịch sử xã hội sâu xa; tuy tất cả đều là sự tôn sùng thần linh nữ tính, nhưng mỗi hình thức tín ngưỡng đều có những khác biệt; vì lẽ đã chịu nhiều ảnh hưởng từ bên ngoài qua quá trình tiếp biến văn hóa khi tiếp xúc với những dân tộc khác. Cũng như mọi cộng đồng người thượng cổ khác, ban đầu người Việt cũng tôn thờ các hiện tượng tự nhiên, và cũng đã giới tính hóa các hiện tượng đó, gán cho các hiện tượng đó thuộc tính của người Mẹ với ý nghĩa sinh sôi, bảo bọc, che chở. Cũng có quan điểm cho rằng qua tín ngưỡng thờ Mẫu, người phụ nữ Việt Nam, vốn có một vai trò khá quan trọng trong xã hội cổ của người Việt, đã gởi gắm ước vọng giải thoát thân phận của mình khỏi những thành kiến, ràng buộc của xã hội Nho giáo phong kiến.

Về mặt tín ngưỡng, những văn bản ghi chép về các thần linh ban đầu đều xuất phát từ thần thoại, huyền thoại, truyện kể dân gian và đồng thời cũng có hiện tượng ngược lại là huyền thoại hóa, dân gian hóa các văn bản thần tích, thần phả. Dựa trên các tài liệu như thế, người ta ghi nhận việc thờ Mẫu (hay Mẹ) không chỉ đã ăn sâu vào tâm thức của cư dân vùng đồng bằng sông Hồng mà còn có dấu tích suốt từ Bắc chí Nam. Trước hết là hệ thống Tứ pháp ở miền Bắc; ban đầu là việc thờ các vị nữ thần như mây, mưa, sấm, chớp tượng trưng cho các hiện tượng tự nhiên có ảnh hưởng đến cuộc sống con người trong xã hội nông nghiệp. Khi Phật giáo vào Việt Nam, truyền thuyết Man Nương và thiền sư Khâu-đà-la xuất hiện dưới thời Sĩ Nhiếp, các vị nữ thần này biến thành Tứ pháp, được thờ ở các chùa. Hiện nay, tín ngưỡng thờ Tứ pháp vẫn thịnh hành ở đồng bằng sông Hồng, cụ thể nhất là lễ hội chùa Dâu ở Bắc Ninh được tổ chức hàng năm.

Tiếp theo, có thể kể đến tín ngưỡng thờ bà Chúa Liễu Hạnh xuất hiện vào thời Hậu Lê trong khoảng niên hiệu Hồng Đức (triều vua Lê Thánh Tông), thể hiện lòng tôn kính của nhân dân đối với một người phụ nữ dành cuộc đời mình cho việc mở mang cuộc sống cả về vật chất lẫn tinh thần cho người dân trong một vùng; truyền thuyết về bà Chúa Liễu Hạnh từ Nam Định lan ra các tỉnh lân cận, đến Hà Nam, Thanh Hóa rồi trở thành phổ biến khắp miền Bắc. Ở khu vực miền Trung, có thể thấy tín ngưỡng liên quan đến nữ thần Po Nagar hay nữ thần Mẹ xứ sở du nhập từ văn minh Chăm, theo truyền thuyết Chăm là vị nữ thần có công tạo ra các loại gỗ trầm và lúa gạo, hiện vẫn được thờ dưới danh hiệu Thánh mẫu Thiên Y A Na tại điện Hòn Chén thuộc phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Vào đến miền Nam, trong thời khai mở vùng đất phương Nam, đã xuất hiện tín ngưỡng thờ Bà Đen ở Tây Ninh, theo truyền thuyết là một người phụ nữ có tiết hạnh, sau khi qua đời đã thể hiện sự linh thiêng, đáp ứng nguyện vọng của những người cầu cúng. Như vậy, có thể thấy từ xa xưa cho đến ngày nay, người Việt vẫn tiếp tục thờ Nữ Thần, Thánh Mẫu; và các hình ảnh được tôn thờ đó gắn chặt với thiên tính của người Mẹ, là sự sinh thành, nuôi dưỡng, bảo bọc, che chở.

2. Vị trí của người Mẹ trong Phật giáo

Khi nhận định rằng Phật giáo là một tôn giáo hướng đến giải thoát, nhiều học giả cho rằng Phật giáo có chủ trương cắt đứt mọi ràng buộc với cuộc sống thế tục; chẳng những thế, xã hội Trung Quốc chịu ảnh hưởng Nho giáo đặt nặng tư tưởng hiếu đạo khi tiếp xúc với Phật giáo đã cho là Phật giáo không biết đến nhân luân và không biết đến đạo hiếu. Từ đó, có quan điểm cho rằng để Phật giáo có thể có được chỗ đứng trong lòng người Trung Hoa, giáo lý đạo Phật đã nhấn mạnh thêm về đạo Hiếu. Học giả Nhật Bản Nakamura Hajime đã viết trong tác phẩm “Cách suy nghĩ của các dân tộc phương Đông: Ấn Độ, Trung Hoa, Tây Tạng, và Nhật Bản” (Ways of Thinking of Eastern Peoples: India, China, Tibet and Japan) rằng: “Những người truyền bá đạo Phật đã buộc phải giảng dạy về đạo hiếu cho người dân Trung Hoa vì đức tính quan trọng nhất của Khổng giáo là lòng hiếu thảo, một đức tính đòi hỏi sự vâng lời một chiều từ con cái và người ít tuổi đối với cha mẹ và người lớn tuổi hơn. Ý niệm này không có trong Phật giáo Ấn Độ, như có thể thấy là trong các kinh điển gốc bằng tiếng Sanskrit hoàn toàn không có từ tương đương với khái niệm hiếu đạo thường thấy trong các kinh văn đã được dịch ra tiếng Trung Hoa. Hẳn là những dịch giả phải thêm thuật ngữ này vào bản dịch của họ”. Quan điểm này được một số học giả đồng ý, thể hiện trong nhiều nghiên cứu liên quan đến đạo Hiếu của người Phật tử. Chẳng hạn, John Strong, trong bài viết: “Lòng hiếu thảo và đạo Phật: Những tiền lệ của Ấn Độ đối với một vấn đề của người Trung Hoa” (Filial Piety and Buddhism: The India Antecedents to a ‘Chinese’ Problem), còn đi xa hơn khi cho rằng việc thực hành lòng hiếu thảo của các tu sĩ Phật giáo Ấn Độ chỉ là một thỏa hiệp với nền đạo đức Bà-la-môn vẫn tồn tại ở mức độ đại chúng trong xã hội cổ đại.

Chúng tôi nghĩ, có lẽ quan điểm của các học giả trên là không chính xác. Trong kinh điển của Phật giáo Nguyên thủy, không phải không có những lời Phật dạy về ơn đức của Mẹ Cha và cách đền ơn. Có thể dẫn vài thí dụ:

Kinh Tăng Chi Bộ, Phẩm Tâm Thăng Bằng, có nêu lời Phật dạy: “Có hai hạng người, này các Tỳ-kheo, ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai? Mẹ và Cha. Nếu một bên vai cõng Mẹ, này các Tỳ-kheo, một bên vai cõng Cha, làm vậy suốt trăm năm, cho đến trăm tuổi; nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, xoa gội và dù tại đấy, mẹ cha có vãi tiểu tiện đại tiện, như vậy, này các Tỳ-kheo, cũng chưa làm đủ và trả đủ ơn mẹ và cha. Hơn nữa này các Tỳ-kheo, nếu có an trí cha mẹ vào quốc độ với tối thượng uy lực, trên quả đất lớn với bảy báu này, như vậy, này các Tỳ-kheo, cũng chưa làm đủ và trả ơn đủ mẹ và cha. Vì sao? Vì rằng, này các Tỳ-kheo, cha mẹ đã làm nhiều cho con cái, sinh thành, nuôi dưỡng, giới thiệu chúng vào đời”. Trong đoạn này, Đức Phật khẳng định công ơn Mẹ Cha là không thể đền đáp được bằng bất kỳ một công hạnh thế tục nào.

Kinh Tương Ưng bộ có kể về vị Bà-la-môn Mataposaka vốn là con của một gia chủ giàu có, nhưng vào lúc ông này có ý định xuất gia thì cha mẹ của ông bị một kẻ người làm bất lương lừa gạt lấy sạch tài sản, đến nỗi cha mẹ ông phải đi ăn mày. Biết tin, ông thưa thỉnh với Phật, “Thưa Tôn Giả Gotama, tôi tìm món ăn thiết thực theo thường pháp. Sau khi tìm món ăn thiết thực theo thường pháp, tôi nuôi dưỡng mẹ cha. Thưa Tôn Giả Gotama, làm như vậy tôi có làm đúng trách nhiệm không?. Đức Phật trả lời: “Này Bà-la-môn, Ông làm như vậy là đúng trách nhiệm. Này Bà-la-môn, ai tìm đồ ăn thiết thực theo thường pháp, sau khi tìm đồ ăn thiết thực theo thường pháp lại nuôi dưỡng cha mẹ, người ấy được nhiều công đức”.

Ở một đoạn khác trong kinh Tăng Chi bộ, Đức Phật giảng về lợi ích của lòng hiếu thảo: “... Vị thiện nam tín nữ nào với những tài sản do nỗ lực tinh tấn thu hoạch được, do công sức nhọc nhằn tự mình tạo ra, một lòng cung kính cúng dường, phụng dưỡng cha mẹ. Cha mẹ người ấy, được sự cung kính, phụng dưỡng như thế, sẽ khởi lên lòng thương mến và cầu nguyện: 'Xin cho con tôi được sống lâu! Xin cho con tôi được che chở, thọ mạng an bình!'. Nầy các cư sĩ, một người con hiếu thảo được cha mẹ thương mến như vậy, chắc chắn sẽ tăng trưởng lớn mạnh trong chánh pháp”.

Kinh Giáo Thọ Thi-ca-la-việt (Singalovada Suttanta) thuộc Trường Bộ thuật rằng một buổi sáng khi Đức Phật đi khất thực trong thành Vương Xá, Ngài thấy chàng trai Thi-ca-la-việt dậy sớm, ra khỏi nhà và chấp tay đảnh lễ sáu phương trong sáu phương ấy, phương Đông là phương của sự liên hệ giữa cha mẹ và con cái. Trong kinh Tăng Chi, Đức Phật dạy: “Có hai hạng người, này các Tỳ-kheo, ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai? Mẹ và cha”. Kinh Nhẫn Nhục còn nhắc nhở: “Cùng tột điều thiện không gì hơn Hiếu; cùng tột điều ác không gì hơn Bất hiếu”. Giáo sư Guang Xing (Quảng Hưng) thuộc Trung tâm nghiên cứu Phật giáo, Viện đại học Hong Kong khi nghiên cứu đối chiếu về khái niệm Hiếu trong Phật giáo Nguyên thủy và Nho giáo thời kỳ đầu đã khẳng định rằng Phật giáo Nguyên thủy vốn có quan niệm sâu sắc về bổn phận của con người đối với những bậc sinh thành chứ không phải là để đối phó với tư tưởng Bà-la-môn mà những người sau phải đưa thêm tinh thần này vào kinh điển. Nhà nghiên cứu này cũng lưu ý rằng trong các văn bản Phật giáo Nguyên thủy, khi nói đến các bậc sinh thành, kinh văn bao giờ cũng nói đến Mẹ rồi mới nói đến Cha. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là vai trò của Mẹ lớn hơn vai trò của Cha và nhấn mạnh đến tình thương, đức hạnh của cả hai người, đặc biệt là nhấn mạnh đến đức hạnh của người mẹ. Ông cũng dẫn một đoạn trong kinh Tương Ưng A-hàm nói “Giữa hai bậc sinh thành, người mẹ là người đáng quý nhất”.

Kinh điển Phật giáo còn nhiều chỗ nêu cao công đức của người mẹ. Kinh Tương Ưng ghi: “Này các Tỳ-kheo, sữa mẹ mà các thầy đã uống trong suốt quá trình luân hồi nhiều hơn nước trong bốn biển”. Kinh Tâm Địa Quán còn ghi rõ mười ân đức của người mẹ: 1/ Khổ sở vì mang thai; 2/ Sinh sản khó nhọc; 3/ Sinh xong thì lo lắng; 3/ Chịu bao khổ nhọc khi nuôi con; 4/ Nuốt đắng nhả ngọt vì con; 5/ Nằm ướt, nhường khô cho con; 6/ Cho con bú mớm, chăm nuôi, vẫn thương quý con dù con bị tàn tật; 7/ Thân hình tiều tụy, chỉ mong con được sạch đẹp; 8/ Nhớ thương con hết lòng khi con đi xa; 9/ Lo cho con được áo tốt, ăn ngon dù phải giết hại sinh vật; 10/ Thương xót con cho đến mãn đời.

Tóm lại, từ ban đầu Phật giáo đã nói tới bổn phận của con cái đối với những người sinh thành nuôi dưỡng mình bằng những quan điểm khác với những tư tưởng đương thời hoặc tư tưởng Nho gia; và cũng đưa ra những quan điểm khác về việc báo đáp công ơn sinh thành. Đó là mọi người phải có bổn phận khéo léo khuyến khích, hướng dẫn và an trú Mẹ và Cha mình vào niềm tin, không xan tham mà biết bố thí, phát triển trí tuệ để hiểu đúng chánh pháp.

3. Biết ơn và biết cách đền ơn

Phẩm Báo Ân trong kinh Tâm Địa Quán có ghi: “Ơn của thế-gian và xuất-thế-gian có bốn bậc: Một là, ơn cha mẹ. Hai là, ơn chúng-sinh. Ba là, ơn Quốc-vương. Bốn là, ơn Tam-bảo. Bốn ơn như thế, hết thảy chúng sinh đều bình-đẳng gánh chịu”. Ơn cha mẹ được ghi đầu tiên, chứng tỏ ơn đức ấy vô cùng to lớn. Mang ơn thì phải tìm cách báo ơn; trong kinh Phật Thuyết Đại Báo Phụ Mẫu Trọng Ân, Đức Phật dạy: “Ví như có người vì cứu cha mẹ mà nuốt một hòn sắt nóng trong suốt trăm nghìn kiếp, khắp thân cháy rực cũng không thể nào báo đáp ân đức của cha mẹ”. Cung dưỡng, tôn thờ cha mẹ bổn phận cao quý, thiêng liêng. Kinh Tâm Địa Quán ghi: “Cha mẹ tại tiền như Phật tại thế, khéo thờ cha mẹ tức là thờ Phật vậy”. Và như trên đã nói, tình mẹ, ơn mẹ thì to lớn, thắm thiết vô cùng.

4. Lễ Vu-lan ở Việt Nam

Lễ Vu-lan dẫn xuất từ kinh Phật thuyết Vu-lan-bồn, một bài kinh ngắn nói về việc Tôn giả Mục-kiền-liên, nương oai thần của Phật và của chư Tăng, vào địa ngục cứu Mẹ nhân ngày chư Tăng tự tứ. Trong thời Đức Phật, ngày Tự tứ là ngày chư Tăng kết thúc ba tháng an cư mùa hè. Bấy giờ, chư Tăng tự ý giao mình cho Tăng chúng phán xét về hạnh kiểm của mình trong thời gian an cư. Vì trong mùa an cư, chư tăng đều cố gắng sống hòa hợp tịnh tu, nên trong ngày Tự tứ, kết thúc thời gian an cư, chư Phật mười phương hoan hỷ. Kinh thuật rằng, khi Tôn giả Mục-kiền-liên đến cầu Đức Phật phương pháp cứu mẹ trong địa ngục, Đức Phật đã khuyên Tôn giả nên cúng dường chư Tăng nhân ngày Tự tứ rồi nương thần lực của thanh tịnh chư tăng mà giải nạn cho Mẹ. Tôn giả Mục-kiền-liên làm theo; rồi, với thần thông của mình, Tôn giả biết Mẹ mình đã được thoát khổ địa ngục. Nhân đó, Đức Phật khuyên mọi người, nếu muốn giải mọi khổ nạn cho cha mẹ nhiều đời về trước, hãy thành tâm cúng dường chư Tăng thanh tịnh nhân ngày Tự tứ thì được mãn nguyện. Theo truyền thống Đại thừa, mùa an cư kết thúc vào ngày Rằm tháng Bảy. Do đó, Phật tử người Việt và người Trung Hoa tổ chức lễ Vu-lan vào ngày Rằm tháng Bảy để cầu nguyện cho cha mẹ nhiều đời về trước.

Người Việt tiếp xúc với Phật giáo từ rất sớm. Có những chứng liệu cho thấy vào thế kỷ I Tây lịch, trên đất Việt đã có chùa và có người đi tu. Chư Tăng vốn là những người phải biết chữ hoặc được dạy để biết chữ. Phật giáo lại có truyền thống đệ tử ghi nhận về hành trạng của thầy mình; các dòng tu Phật giáo cũng có truyền thống ghi chép về sự truyền thừa của tông phái mình. Do vậy, thiết nghĩ tài liệu về Phật giáo phải có nhiều và có rất sớm nhưng do điều kiện lưu trữ không được chú trọng nên chắc chắn số tài liệu này đã mất đi rất nhiều nên không thể khảo chứng lễ hội Vu-lan bắt đầu du nhập nước ta từ bao giờ. Tuy vậy, ngay trong các bộ sử cũ, hầu hết là do các Nho thần viết ra, cũng có những ghi nhận về lễ Vu-lan.

Sách Đại Việt sử kỳ Toàn thư, kỷ nhà Lý, chép, “Năm Hội Tường Đại Khánh thứ 9, mùa thu, tháng Bảy, năm Mậu Tuất (1118), bài cỗ bàn tiết Trung Nguyên, nhân vì lễ Vu-lan-bồn, cầu siêu cho Linh Nhân Hoàng Thái hậu”. Hội Tường Đại Khánh là niên hiệu đầu tiên của triều Lý Nhân Tông, và Linh Nhân hoàng thái hậu chính là Ỷ Lan Thái phi, mẹ của Lý Nhân Tông, đã mất vào tháng Bảy năm trước, niên hiệu Hội Tường Đại Khánh thứ 8.

Ở một đoạn khác, sử chép: “Năm Thiên Thuận thứ 1, mùa thu tháng Bảy năm Mậu Thân (1128), tiết Trung Nguyên, vua ngự điện Thiên An, các quan dâng biểu mừng, vì hôm ấy là ngày lễ Vu-lan-bồn cầu siêu cho Nhân Tông nên không đặt lễ yến”. Thiên Thuận là niên hiệu của vua Lý Thần Tông, nối ngôi vua Lý Nhân Tông đã mất năm trước. Tiếp nối truyền thống, người ta còn thấy vào năm Thiệu Bình thứ 1 (1434), vua Lê Thái Tông cũng thiết lễ Vu-lan-bồn và thả tù.

Trong tác phẩm nhằm sưu khảo và biên dịch các tư liệu Phật giáo từ Châu Bản Triều Nguyễn, nhà nghiên cứu Lý Kim Hoa cũng ghi lại nhiều sự kiện liên quan đến lễ Vu-lan trong suốt 143 năm dưới các triều đại nhà Nguyễn từ Gia Long tới Bảo Đại. Đặc biệt, trong giai đoạn này, triều đình tổ chức lễ Vu-lan còn có mục đích cầu siêu cho tướng sĩ trận vong và dân chúng chết oan trong chiến trận.

Ngày nay, lễ Vu-lan vẫn là một trong những lễ hội được đông đảo nhiều người tham gia. Nếu là Phật tử, người đi chùa thường tham dự vào việc cúng dường chư Tăng bằng một buổi lễ dâng tứ sự gồm thực phẩm, y phục, thuốc men và giường nằm để cầu nguyện cho tổ tiên và người thân đã khuất, cầu an cho cha mẹ hiện tiền, tham gia các trai đàn nhằm cầu siêu cho chiến sĩ trận vong và những vong hồn siêu lạc, cầu nguyện cho quốc thái dân an, đất nước hòa bình.

Qua những dẫn chứng vừa nêu, có thể xác định lễ hội Vu-lan thực sự là một lễ hội của dân tộc, có một lịch sử lâu đời, mang những ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đã trở thành phổ biến.

5. Vài nét về Ngày của Mẹ du nhập từ phương Tây

Ngày của Mẹ du nhập từ phương Tây là một lễ hội xuất phát từ Hoa Kỳ, được ấn định vào ngày Chủ nhật tuần thứ hai trong tháng năm dương lịch. Tài liệu trên Wikipedia cho biết, cách đây chừng 150 năm, một phụ nữ Hoa Kỳ muốn tổ chức một lễ hội nhằm nâng cao nhận thức về tình trạng vệ sinh tồi tệ của cộng đồng dân cư nơi bà đang sinh sống lúc bấy giờ. Nghĩ rằng kiến nghị đó được các bà mẹ nêu lên thì sẽ có nhiều ảnh hưởng, bà gọi ngày ấy là Mother’s Work Day (Ngày Hành Động Của Mẹ). Sau khi bà mất, con gái của bà nối tiếp chí nguyện của mẹ mình, kiên trì thuyết phục mọi người lấy ngày chủ nhật tuần thứ hai của tháng năm hàng năm làm ngày kỷ niệm công ơn người Mẹ. Năm 1914, Tổng thống Hoa Kỳ Woodrow Wilson ban hành một đạo luật công nhận Ngày của Mẹ là ngày lễ công cộng trên toàn quốc.

6. Kết luận

Rõ ràng, Ngày của Mẹ mà một số người đang tìm cách du nhập vào đời sống văn hóa Việt Nam hiện nay có ý nghĩa quá nghèo nàn so với tính cách văn hóa và nhân bản sâu sắc của ngày lễ Vu-lan truyền thống. Nhiều người cũng đã thấy tính cách thương mại hóa của những lễ hội mới, được du nhập từ phương Tây; trong khi lễ hội Vu-lan truyền thống đề cao tinh thần chia sẻ, lòng hiếu thảo, sự biết ơn và biết cách đền ơn.

Phật giáo du nhập vào Việt Nam trên dưới 2000 năm. Hằng năm, sau mùa An cư kiết hạ của chư Tăng Ni là Đại lễ Tự tứ Tăng và Vu lan bồn báo hiếu luôn được tổ chức gắn kết liền nhau trong lễ hội Trung nguyên Rằm tháng 7. Do vậy, lễ hội Vu-lan chẳng những có tính chất văn hóa nhân bản sâu sắc hơn hẳn, lại có một bề dầy lịch sử được người Việt tiếp nhận, đã được nhà nước thuộc nhiều triều đại tổ chức với tính cách quốc lễ, tại sao chúng ta không nghĩ đến việc vận động để nhà nước công nhận Vu-lan là quốc lễ hay ngày của Mẹ hay ngày báo hiếu của những người con hiếu hạnh và hiếu đạo Phật tử Việt Nam?

"Hăm lăm thế kỷ còn dư

Năm mươi tám năm (lẻ) pháp thư huy hoàng

Trăng mùa đạo sử Vu Lan

Mục Liên Đại hiếu hào quang rực trời

Tỏa mười phương truyền khắp nơi

Ân cha nghĩa mẹ… ai ơi đáp đền!"

TS. Hòa thượng: Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN.

Ảnh: Bình Yên.

 

Tài liệu tham khảo

- Kinh Tăng Chi bộ,

- Kinh Tương Ưng bộ,

- Kính Giáo thọ Thi-ca-la-việt Singalovada Suttanta, Trường bộ,

- Kinh Phật Thuyết Đại Báo Phụ Mẫu Trọng Ân

- Kinh Nhẫn Nhục Tương Ưng A-hàm

- Kinh Đại thừa Bản sinh Tâm Địa Quán, phẩm Báo Ân,

- Đại Việt sử ký Toàn thư, Nội các Quan bản, bản khắc năm Chính Hòa, Viện Khoa Học Xã Hội dịch, Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội Hà Nội ấn hành.

- Châu Bản Triều Nguyễn (phần tư liệu liên quan đến Phật giáo từ triều Gia Long đến Bảo Đại, Lý Kim Hoa sưu tầm và dịch).

- Early Buddhist and Confucian Concepts of Filial Piety: A Comparative Study, Guang Xing http://www.academia.edu/3485323/

- Các tài liệu trên Wikipedia

Các bài viết khác