TRUNG TÂM BẢO TỒN    
DI SẢN VĂN HÓA TÔN GIÁO
Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hoá Tôn giáo
Menu

Phả ghi trên lụa của dòng họ Bùi ở Nộn Khê

Ngày: 17:36:00 14/05/2021

Cuốn Bùi phả - Nộn Khê - Yên Từ - Yên Mô - Ninh Bình của Họ Bùi chiếm xạ ở làng Nộn Khê, xã Yên Từ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình vừa ra được hoàn thành ở lần tái bản năm 2021. Ở đó, sách có giới thiệu tấm phả ghi trên lụa của dòng họ ghi chép thế thứ vào năm 1888 mà hiện nay vẫn được hậu duệ của Cụ Thủy tổ Bùi Công Mẫn lưu giữ. Hậu duệ họ Bùi chiếm xạ nay phát triển đến đời thứ mười tám và có 3 chi.

 

Cuốn Bùi phả - Nộn Khê - Yên Từ - Yên Mô - Ninh Bình, Nhà xuất bản Tôn giáo, 2021.

 

Một dạo, chúng tôi về vùng quê này để dự lễ mừng đạt chuẩn nông thôn mới, được tiếp xúc và trò chuyện với cụ Bùi Quang Đạo - hậu duệ đời thứ mười sáu, được cụ cho xem tấm phả ghi trên lụa của dòng họ. Khi được hỏi, sao làng ta lại có tên gọi là Nộn Khê thì được cụ kể:

 

Cụ Thủy tổ Bùi Công Mẫn người Lục Nộn, Nam Châu (nay là huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam). Năm Hồng Đức nguyên niên (1470) đi về phía Nam "thủy nhập bốc trúc Côi Khê, mộ dân lập ấp, từng người cưu ấp chi danh". Năm tháng về sau, các hộ khác đến tiếp, đông vui hơn, nhộn nhịp hơn, và đất Côi Khê đổi thành Nộn Khê. "Nhi phiền dị Nộn nhân, sở cư tại Nộn Khê, cố tích ấp kỳ tích viết Nộn Khê" (nghĩa là: Nhớ tới gốc cũ là Lục Nộn, gốc mới là Côi Khê nên giữ chữ NỘN của Lục Nộn mà ghép vào chữ KHÊ của Côi Khê thành làng có tên là NỘN KHÊ". Nộn: mới mẻ, non trẻ; còn Khê: dòng suối. Nộn Khê là dòng suối mới khơi nguồn tươi mát trong xanh. Tại thời điểm năm 1991 thì thôn Lục Nộn đổi thành thôn Trúc Sơn, xã Tiên Ngoại, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.

 

Đình làng Nộn Khê, xã Yên Từ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình

 

Trong đình làng, còn đôi câu đối:

Nam Lục Nộn duật lai nãi cương nãi lý

Lê Hồng Đức dĩ hậu hữu cán hữu niên

 

Trong văn tế báo bản truyền thống của làng ngày xưa có câu:

Bi hồng phạt dịch hữu khai tất tiên

Quyết cư vinh điền công đức hữu thiên

Là để ghi nhớ công đức của Bùi Công tiên sinh không bao giờ mất.

 

Hoành phi, câu đối trong Từ đường họ Bùi chiếm xạ, làng Nộn Khê, xã Yên Từ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình

 

Dưới đây, xin giới thiệu cuốn phả kép của dòng họ Bùi chiếm xạ được ghi trên tấm lụa:

 
Bài tựa sách thế phả họ Bùi

 

Trong nhà có phả là để ghi rõ các thế hệ mà biết được người trước, kẻ sau.

 

Dòng tộc ta là họ Bùi. Cụ Tổ trước tiên là Bùi Công Mẫn, Cụ bắt đầu vào ấp Côi Khê mộ dân lập ấp. Nhớ quê Lục Nộn ấp cũ, rồi ở lại Côi Khê cho nên lấy tên làng là Nộn Khê, là do vậy.

Cụ Tổ đời thứ hai là Bùi Sử Điểm khai khẩn mở mang tiếp ruộng đất canh tác lên tới 375 mẫu 5 sào và dâng sớ lên nhà vua được quyền sở hữu. Những người đến ấp từ ban đầu, đời đời thờ tự cụ. Hàng năm vào ngày mười bốn tháng Giêng - mùa Xuân - mở Lễ hội Báo Bản, lễ hội này còn giữ đến tận ngày nay.

 

Một số nghi lễ tại Lễ hội Báo Bản: Rước chân nhang Cụ Thủy tổ Bùi Công Mẫn ra đình làng; Rước kiệu từ nhà thờ Tổ ra đình làng; Nhóm tế Nam quan trong Lễ hội Báo Bản; Hoành phi, câu đối trong đình làng (trái sang, trên xuống)

 

Các cụ trong họ học hành đến nơi đến chốn, đỗ đạt ở khoa trường, lập công nơi biên ải, hào trưởng chốn thôn quê. Các cụ đã làm đẹp cho dòng họ Bùi ta vậy, các cụ đã gây dựng truyền thống rạng rỡ cho cháu con.

 

Thiết nghĩ phải ghi chép lại đầy đủ để hậu sinh thấy được các thế hệ và công đức của tổ tông là vô cùng to tát, mà noi vậy!

 

Con cháu khi nâng bản phả đồ này lên xem, thấy tự hào bao nhiêu càng phải cố gắng tiến lên bấy nhiêu để khỏi phụ lòng người đã sinh thành ra mình. (Long phi Mậu Tý - 1888)

 

 

Phả ghi trên lụa của dòng họ Bùi ở Nộn Khê

 

Phả đồ mang tên "Bùi tộc thế tự minh chú hàng liệt" (Ghi rõ thế thứ các đời họ Bùi). Chất liệu dùng để ghi phả là lụa tơ vàng, vì lâu ngày nên đã nhạt màu. Khổ 97x90cm. Phần trang trí xung quanh và một phần ở giữa đã bị mủn nát, nhưng toàn bộ lòng văn với nét chữa vẫn còn đầy đủ. Góc trên, phía bên trái ghi: "Long Phi Mậu Tý thư chỉ", tính ra vào năm 1888. Góc dưới phía bên trái ghi: "Phong cẩn chí", nghĩa là Phong kính ghi. So vào sơ đồ rồi tính ra thì ông Phong là cháu đời thứ 13 của dòng họ Bùi Nộn Khê này.

 

Một trang nguyên bản của cuốn Bùi tộc thế phả ký ghi năm 1888; và, Một góc của Bùi tộc thế tự minh chú hàng liệt ghi trên lụa vào năm Mậu Tý - 1888.

 

Góc phải phía trên phả đồ chép lại một bài văn thuộc đời Lê Trung hưng ghi việc Văn hội bốn tổng Bình Quảng, Nộn Khê, An Vân, Thổ Mật huyện Yên Mô, phủ Trường An, bầu cụ Bùi Bật Hải là cụ tổ đời thứ bảy của dòng họ làm Trùm trưởng. Bài văn gồm 278 chữ Hán, xin tạm dịch nghĩa như sau:

 

"Kính chép lại việc phủ nhà suy cử tiên công họ ta: mọi người trong Văn hội bốn tổng Bình Quảng, Nộn Khê, An Vân, Thổ Mật huyện Yên Mô, phủ Trường An từng bảo rằng: Triều đình tiến cử anh tài đủ sức đảm đương, làng xóm suy bầu hiền nhân đức cao xứng đáng. Việc công tư có khác mà lòng hiếu kính thì giống nhau. Đáng khen Bùi Thạc Công giàu lòng trung thực, nhân từ và không xu nịnh. Mười tám xong tiểu học, năm mươi xong đại học, học thầy hỏi bạn tận gốc nguồn. Mười tám tuổi vào trường, hai mươi bảy tìm thầy giỏi; ở trường, ở nhà đều lễ phép giữ đúng bổn phận, đạt việc nước, được việc nhà, biết việc nước thì việc nhà càng tỏ, thân mến với anh em, hiếu kính cùng cha mẹ, thật giỏi điều khiển việc nhà. Giàu sang không quyến rũ, uy lực không khuất phục, thật là đấng đại trượng phu! Xử lý việc hành tàng xuất xử1 đúng lúc, làm việc nhân nghĩa, trung tín không mệt mỏi. Lọc chỗ chưa trong, gạn nơi còn đục, tính cách đường hoàng, thắng không kiêu, bại chẳng nản, tấm lòng rộng rãi. Đúng là bậc hiền đức trên lầu Ngô Phượng2, dáng dấp khác nào Lục Vũ3. Nền nhân đất nghĩa, đạo thánh tôn sùng rất mực. Tuổi cao đức trọng làm mẫu cho đời sau noi theo. Con người ấy, đạo đức ấy thật đáng tôn đáng kính. Tiết hạnh xứng đáng nêu danh, đáng bầu Trùm trưởng. Nay mọi người trên dưới huyện nhà liên doanh, cùng ký bầu làm Trùm trưởng.

Nay bầu một vị là: Giám sinh xã Nộn Khê Bùi Bật Hài.

Ngày 15 tháng Tám niên hiệu Vĩnh Thịnh 11 (1715).

Mọi người trong hội Tư văn huyện nhà cùng ký".

 

Góc trái phía trên phả đồ chép danh sách các vị tiên hiền các khoa của dòng họ Bùi này, gồm 13 vị thuộc triều Lê, một vị thuộc triều Nguyễn.

 

Phần chính giữa văn bản là tấm phả đồ hình chóp, ghi lại 15 đời của họ Bùi Nộn Khê, từ Cụ Tổ đời thứ nhất là Bùi Công Mẫn, tên chữ là Do Sinh Phủ Quân; cụ bà hiệu là Từ Thận Nhu Nhân, đến đời thứ 15 ghi 16 người.

 

Tiếp theo là một bài ký ngắn chép ở góc trái phía dưới, gồm 47 chữ Hán, nói về lai lịch dòng họ Bùi Nộn Khê. Xin trích dịch như sau:

 

"Họ Bùi ta thuộc dòng Tể tướng mũ cao áo dài. Họ Bùi ta xưa ở đất Lục Nộn. Vào niên hiệu Hồng Đức (1470-1497) đời Lê, cụ thủy tổ Do Sinh bắt đầu khai phá đất Nộn, cụ Thụ Đức nối tiên chí dựng thành cương giới (hơn 400 mẫu) kính theo sắc chỉ của triều đình". Cho đến nay nền văn hiến và sự giàu có ở đất Nộn là do hai cụ đặt nền móng vậy. Công tích ấy có thể thấy rất rõ tại thôn làng. Các cụ tiếp sau nhiều người đỗ đạt làm quan, lập công nơi biên ải, làm hào trưởng chốn làng quê. Các cụ đã kế tiếp làm rạng rỡ dòng họ, gia ơn cho đời. Tiếc rằng cảnh vật đổi dời theo thời gian. Những dấu vết ân tích ấy không thể biến đổi! Nay chỉ còn lại một khu đất ở thôn Trung. Con cháu đã chia rải rác khắp chốn. Nơi đây đại để chỉ là nhà cũ của tổ tiên thôi!

 

Nay cả họ sửa lại từ đường. Đổi hướng Dậu thành hướng Tý4 cho thuận thế nước. Thay mái rạ thành mái ngói cho vững chãi hơn. Hình thể thêm đẹp, thật đáng ngợi ca. Ôi! Không có cái sứt mẻ nào mà hồi trở lại vẹn tròn bởi đạo trời vốn tuần hoàn. Hỏng ắt sửa là lẽ thường ở đời. Việc làm này của họ ta có sự che chở của anh linh tổ tiên từ trên trời cao vậy. Sửa cũ mà thành như mới. Muốn chỉ giữ gìn mà như sáng tạo! Từ khu đất trở lại thành ngôi nhà, thật là gian nan thay! Điều đó cần phải ghi chép lại! Nhưng ghi chép để làm gì? Ghi chép sự việc ấy trước là không để mai một những thứ quý giá của tổ tiên tích lũy để lại, sau là dẫn dắt cháu con kế thừa sự nghiệp yêu mến quê hương muôn đời không đổi, ngõ hầu sau này nhà cửa ngày càng cao, họ tộc ngày càng lớn, dấy lại vận nhà như ngôi từ đường này. Vậy nên ghi lại".

 

Đây là bài ký đại diện dòng họ, nên không ghi tên tác giả có lẽ là bài ký ông Phong làm thay cho cả họ.

 

Phương đình của Khu ông Cống Sinh, nơi an nghỉ các bậc tri thức của họ Bùi Chiếm xạ tại làng Nộn Khê, xã Yên Từ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.

 

Tấm phả ghi trên lụa của dòng họ Bùi Nộn Khê này giúp cho ta hiểu sâu về một dòng họ lớn có tới trên dưới 400 năm lịch sử (kể từ thời Lê Hồng Đức đến Nguyễn Bảo Đại). Phả ghi lại được những bước thăng trầm của một dòng họ. Được biết họ Bùi Nộn Khê ngày nay phát triển rất mạnh. Con cháu trong dòng họ có nhiều người tham gia cách mạng đã trưởng thành. Ắt hẳn con cháu đã phần nào tiếp nhận từ cha ông một truyền thống tốt đẹp vẻ vang. Với tư cách là một văn bản Hán Nôm cổ, phả lụa Nộn Khê không chỉ là niềm tự hào của họ Bùi Nộn Khê mà còn là tư liệu rất quý góp phần nghiên cứu về đất nước, con người Việt Nam. Chúng tôi hi vọng sẽ tìm ra được nhiều loại hình gia phả mới để giới thiệu cùng bạn đọc về tính phong phú, đa dạng và cách thể hiện lịch sử dòng họ nói riêng và của dân tộc ta nói chung đặng giúp ích cho công cuộc xây dựng nền văn hóa mới. (Nguồn: Họ Bùi chiếm xạ, Bùi phả - Nộn Khê - Yên Từ - Yên Mô - Ninh Bình, Nhà xuất bản Tôn giáo, 2021).

 
Bùi Huy Liệu

Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo


1) Hành tàng xuất xử: Chỉ việc ra làm quan hoặc lui về ở ẩn. Ý nói cách xử sự với đời.

2) Lầu Ngô Phượng: Nơi làm việc của các văn sĩ. Chỉ sự nhàn tản thanh cao.

3) Lục Vũ: Người đất Cạnh Lăng đời Đường, tên chữ là Hồng Kiệm. Đầu thời Thương Nguyên ở ẩn tại Thiệu Khê, tự xưng là Tang Trữ Ông. Triều đình mời ra làm chức Thái Thượng tự Thái Chúc, ông không nhận, rồi ở nhà viết sách.

4) Hướng Dậu tức hướng Tây, chuyển hướng Tý tức hướng Bắc.

 

Các bài viết khác