TRUNG TÂM BẢO TỒN    
DI SẢN VĂN HÓA TÔN GIÁO
Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hoá Tôn giáo
Menu

Mùa Xuân trong truyện Kiều của Nguyễn Du

Ngày: 16:24:45 23/06/2016

Đại thi hào Nguyễn Du đã dùng mùa xuân ví thân phận nàng Kiều là một biểu tượng, một khoảnh khắc thời gian trong năm rất đẹp, rất hoàn hảo như mùa xuân!

Trong tâm thức nhân dân các dân tộc, mùa xuân là bắt đầu của một năm. Vì vậy mùa xuân là khởi đầu của mọi cái đẹp, cái xuân sắc, cái nhàn tản, hạnh phúc. Và mùa xuân nếu bị phai mờ, bị xâm hại, tan nát thì mùa xuân đó là mùa xuân không lành lặn, có thể là một mùa xuân đau thương!

Trong Truyện Kiều, thi hào Nguyễn Du sử dụng từ xuân rất nhiều. Ông sử dụng trong các tình huống mỗi khi thay đổi hoàn cảnh ở đây chỉ xin nói đến xuân khi Nguyễn Du dùng với riêng nhân vật Thúy Kiều.

Mới vào truyện ngay những câu đầu tiên Truyện Kiều, thi hào Nguyễn Du đã dùng “mùa xuân” để tả sắc đẹp của Kiều “Làn thu thủy, nét xuân sơn/Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”. Sau đó, ý xuân còn được dùng để tả cái tuổi Kiều đến tuổi lấy chồng “Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê”.

Mùa xuân là mùa tuyệt đẹp, là cái gì rất mới. Mới là sự bắt đầu nên cái mới rất thơ ngây, trong trắng, hồn nhiên. Ông đã tả cái bắt đầu của mùa xuân: “Cỏ non xanh rợn chân trời/Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”!

Mùa xuân với người đẹp Thúy Kiều được tả như vậy, nhưng nàng theo số phận năm tháng thì xuân lại theo nghĩa khác - tan nát! “Nửa chừng xuân, thoắt gãy cành thiên hương”. Ở trường hợp này Nguyễn Du cũng dùng mùa xuân để tả cái thân phận bị thay đổi! khiến người đọc tiếc cho cái xuân xanh của Thúy Kiều. Đáng ra phải đơm hoa, kết trái! Vậy mà bỗng dưng “thoắt gãy cành thiên hương”!

Nguyễn Du dùng “ngày xuân” để ám chỉ sắc đẹp đích thực của Thúy Kiều “ngày xuân đã dễ tình cờ mấy khi”, hay “hương xuân dễ khiến, nét thu dịu dàng”!...

Xuân là nét đẹp trọn vẹn nên nó lại tả mùa xuân mang hàm ý tin tức tốt đẹp cho người thân, người tình “tin xuân, đâu dễ đi về cho năng”, hay là “xuân đường kíp gọi mình về hộ tang”, hoặc “xuân, huyền, chợt tỉnh giấc nồng”. Hoặc gặp sự hoan hỉ thì vẻ đẹp mùa xuân trở nên một vẻ đẹp trường tồn lâu dài “Hoa xuân đương nhụy, ngày xuân còn dài”! Nhưng đến khi con người Thúy Kiều bị bức bách, oan trái, thì ngày xuân trở nên ảm đạm, “cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay” người đọc bây giờ lại có cảm giác hụt hẫng, mất mát, tiếc thương!...

Đọc Truyện Kiều ta thấy Nguyễn Du rất trân trọng mùa xuân. Thi hào đã dùng mùa xuân ví thân phận nàng Kiều là một biểu tượng, một khoảnh khắc thời gian trong năm rất đẹp, rất hoàn hảo như mùa xuân! Rồi cũng mùa xuân đấy khi bị thay đổi, bị xô đẩy thì mùa xuân lại được ám chỉ là sự thay đổi của cuộc đời Thúy Kiều “xuân, thu biết đã đổi thay bao lần!”

Cái hay, cái tài của Nguyễn Du sử dụng từ xuân uyển chuyển ở nhiều tình huống trong Truyện Kiều - cả vài chục lần sử dụng, nhưng người đọc không thấy ông lạm dụng, nhàm chán - mà ngược lại chỉ làm nâng cao tính sinh động, sâu sắc trong tình cảm người đọc đối với vẻ đẹp Thúy Kiều - vẻ đẹp của sự đa tài, đa đoan của nàng!

Trong Truyện Kiều thi hào Nguyễn Du còn tả mùa xuân ở một ý nghĩa văn hóa dân tộc sâu sắc! Người quan niệm mùa xuân là mùa tri ân tình cảm với con người nói chung và tri ân với quá khứ, với người đã khuất. Nguyễn Du là con người từng trải. Tri thức của ông không chỉ là tri thức bác học mà còn thấm đượm sâu sắc tri thức dân gian! Ông sinh ra, lớn lên trong hoàn cảnh của một đại gia đình quan lại phong kiến cao cấp thất thế - trải qua “10 năm gió bụi”, rồi nhiều năm tháng đi sứ lầm than cơ cực giúp ông thấy nhiều, chứng kiến nhiều cảnh bất công, thê thảm ngay ở một cường quốc phong kiến phương bắc thời ấy - nên trong sáng tác ông có tình cảm sâu sắc với nhân dân nghèo khó, khốn cùng bị đàn áp bất công. Thế nên ông đã gửi tâm sự vào những áng văn thơ bất hủ của mình ở “Truyện Kiều”, cũng như thơ chữ Hán ở “Bắc hành tạp lục”!

Theo phong tục dân gian thì ngày xuân là ngày vui và cũng là ngày để nhân dân có dịp đoán định đời người tương lai, ước muốn làm ăn của mỗi người, của mỗi gia đình trong một năm của làng xóm thân thương không những với người còn sống, mà với cả người thân yêu đã khuất! Con người gắn kết hòa quyện với nhau theo một định mệnh tiền kiếp! Nguyễn Du rất chú ý tới phong tục này của nhân dân vào dịp mùa xuân: “Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh”. Vì là định mệnh tiền kiếp nên hình như dự báo khiến nàng sẽ phải gặp được một điều gì đã được định mệnh sắp đặt từ trước? Vì thế khi “tà tà bóng ngả về tây/chị em thờ thẫn dang tay ra về” lúc ấy nàng mới chú ý tới một ngôi mộ hoang, không người chăm sóc. Nàng nghĩ: “Sao trong tiết thanh minh/ mà đây hương khói vắng tanh thế mà”? Khi ấy cậu em là Vương Quan mới kể sự tích đó là mộ của Đạm Tiên làm ca nhi, “phận hồng nhan có mong manh/Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương”. Đạm Tiên có người tình ở xa. Khi chàng đến viếng thăm thì nàng đã chết. Chàng đã vô duyên không gặp nàng. Thế là “Sắm sanh nếp tử, xe châu/ Bụi hồng một nấm mặc dầu cỏ hoa/ Trải bao thỏ lặn ác tà/Ấy mồ vô chủ ai mà viếng thăm”! / “Thoắt nghe Kiều đã đầm đầm châu sa”. Nàng than rằng: “Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung/ Phũ phàng chi bấy hóa công/ Ngày xanh mòn mỏi, má hồng phôi pha/Sống làm vợ khắp người ta/ Hại thay, thác xuống làm ma không chồng”!

Thúy Kiều thông cảm và thắp hương khấn vái người đàn bà tài sắc mà phận mỏng đã “Thoắt gãy cành thiên hương”. Trong khi đó hai người em đều khuyên can chị không nên vận vào mình những chuyện của người khác. Nhưng Kiều nghĩ khác. Nàng bảo thủ ý kiến của mình. Rằng: “Hồng nhan có tự nghìn xưa/ Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu”. Không ngờ lòng thành của nàng đã linh cảm. Rồi bỗng chốc Kiều như thấy Đạm Tiên hiện về. Nàng thực lòng nhận: “Hữu tình ta lại gặp ta/Chớ nề u hiển mới là chị em”!

Ý thức và tình cảm ấy phản ảnh sự hiển linh dự báo về thân phận truân chuyên mãi sau này của nàng Kiều phải đa đoan xiêu bạt 15 năm đoạn trường oan nghiệt! Và đúng như từ mùa xuân xưa đi tảo mộ Thúy Kiều gặp Đạm Tiên căn dặn đã rất ứng nghiệm với thân phận Kiều “Sông Tiền Đường đó, ấy mồ hồng nhan”!

Theo quan điểm xã hội của Nguyễn Du trong Truyện Kiều thì mùa xuân là sự hiện tồn tươi sáng, đẹp đẽ. Nhưng, mùa xuân cũng còn là mùa của ước muốn tương lai, của những lo toan, lành dữ, con người phải sống và chấp nhận! Và về mặt nào đó - trong một xã hội phong kiến suy tàn trên 200 năm trước - Mùa xuân đối với Thúy Kiều là báo hiệu của một bi kịch đời sống mà nàng đã nhìn thấy và sẽ phải dấn thân “Hồng nhan có tự nghìn xưa/ Cái điều mệnh bạc có chừa ai đâu!”./.

Hà Nội, một ngày đầu năm.

Phương Văn.

Các bài viết khác