TRUNG TÂM BẢO TỒN    
DI SẢN VĂN HÓA TÔN GIÁO
Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hoá Tôn giáo
Menu

Phù Sa ngày ấy - Hoàng Nam bây giờ: Chuyến hành hương về thăm đại bản doanh trị thủy của Chánh sứ Quảng khuyến Canh nông Trần Hữu Thành

Ngày: 17:10:00 28/12/2020

Cuối tháng 10 năm Nhâm Thìn (1592), được sự tiến dẫn của Bùi Văn Bình, Hoàng giáp Trần Hữu Thành về với nhà Lê Trung hưng với chức danh và nhiệm vụ Chánh sứ "Quảng khuyến Canh nông 廣勸耕農正使" do chính chúa Trịnh Tùng bổ nhiệm. Trong thời gian đảm nhận chức Chánh sứ "Quảng khuyến Canh nông 廣勸耕農正使" và triển khai các công việc mà chức này đòi hỏi, Hoàng giáp Trần Hữu Thành đã xin đặt lỵ sở của mình ở vùng đất nằm giữa sông Đào và sông Đáy mà trên bản đồ thường có tên là sông Nam Định. Đó là vùng đất được cả hai dòng sông Đào và sông Đáy ôm ấp và được gọi bằng chính cái tên mang đặc trưng của nó là Phù Sa.

 

Bài viết với tiêu đề trên nhằm kể lại một chuyến thăm có tính chất hành hương của chúng tôi về một nơi được gọi là Phù Sa hay xứ Phù Sa mà hơn 400 năm về trước đã từng là nơi quan Chánh sứ Quảng khuyến Canh nông, Hoàng giáp Trần Hữu Thành đóng đại bản doanh. Đồng thời, đây cũng là một chuyến hành hương chiêm nghiệm về một vùng đất rộng lớn của Phủ Nghĩa Hưng khi xưa nằm giữa sông Đào và sông Ninh Cơ.

 

Chuyến viếng thăm Đại bản doanh trị thủy trên đất Phù Sa của quan Chánh sứ Trần Hữu Thành được thực hiện vào ngày 24 tháng 10 năm 2020. Chúng tôi đã có dịp trở lại Phù Sa - vùng đất mà hơn 400 năm trước đây là lỵ sở của Chánh sứ Quảng khuyến Canh nông, Hoàng giáp Trần Hữu Thành.

 

Đoàn chúng tôi gồm các vị là hậu duệ thứ mười của quan Chánh sứ như ông Trần Khánh Dư, Trần Thanh Tân, Trần Văn Đề, Trần Diên Linh, Trần Văn Vịnh, Trần Văn Đức cũng như nhiếp ảnh gia Bùi Văn Khiêm và tôi. Chúng tôi cùng nhau ngồi chật trên một chiếc tắc-xi Mai Linh 7 chỗ. Lái xe tắc-xi là một người ở Hải Hậu nên chúng tôi cũng tin tưởng lắm trong việc thạo đường.

 

Lúc 9 giờ xe rời làng An Hạ. Cũng như các lần đi trước, anh Trần Văn Đức vẫn là người dẫn đường. Qua cổng làng An Hạ, xe rẽ theo tay phải men theo con đường liên xã đã trải nhựa. Khoảng 10 phút thì đi đến phà Đống Cao qua sông Đào. Những ngày này do vừa mưa bão nên nước sông Đào lên cao lắm. Xe tải xếp hàng chờ lên phà cũng nhiều. Để cho an toàn, ai cũng xuống đi bộ chứ không ngồi trên tắc-xi nữa. Chúng tôi xếp hàng phà khá lâu vì có rất nhiều phương tiện muốn qua. Rồi cuối cùng chúng tôi cũng qua được phà.

 

Chúng tôi lên xe vẫn đi theo quốc lộ 37B qua một đoạn ngắn trên đê sông Đào vừa rẽ phải rồi lại rẽ trái theo hướng Nam mà đi như anh Trần Văn Đức hướng dẫn. Bên tay phải của chúng tôi là Công ty trách nhiệm hữu hạn Golden Victory Việt Nam mà sau này chúng tôi hỏi mới biết, Công ty đó đóng trên địa bàn xã Nghĩa Minh, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Theo sự hướng dẫn từ bên đầu bên kia điện thoại của ông Trần Văn Đoàn từ Nghĩa Thái, xe chúng tôi cứ đường 37B đi xuôi xuống theo hướng Nam, qua chợ Đào Khê, cầu Đào Khê rồi đến một con đê trước mặt. Người lái xe cho xe rẽ tay phải theo con đê nhắm hướng Tây đi tiếp theo sự chỉ dẫn của ông Trần Văn Đoàn. Chúng tôi nhìn thấy bên trái là dòng sông lớn. Ai cũng ồ lên nhìn theo bên đó. Người lái tắc-xi vừa nhìn google maps và nói đây là sông Ninh Cơ. Nhưng thực ra, người đó nói nhầm. Đó là sông Đáy.

Đồ họa quãng đường đi từ thôn An Hạ (chùa làng An Hạ, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) đến thôn Phù Sa Thượng (xã Hoàng Nam, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) chuyến đi ngày 24 tháng 10 năm 2020 (ảnh: Google Map)

 

Ngay sau đó chúng tôi đã biết đó là sông Đáy và anh Trần Văn Đức nói vanh vách về bên kia là vùng Yên Khánh, Ninh Bình.

 

Chúng tôi cứ đi theo đê sông Đáy vừa đi thẳng vừa như thế với tốc độ đi khá chậm. Sau này chúng tôi mới biết đi như thế là đi vòng thúng nếu như mục đích chỉ nhằm đi đến thôn Phù Sa Thượng của xã Hoàng Nam. Nhưng việc đi "vòng thúng" này lại mang đến cho chúng tôi một trải nghiệm về tâm điểm cũng như cả một vùng mà quan Chánh sứ Quảng khuyến Canh nông Trần Hữu Thành đã đặt lỵ sở trong việc trị thủy.

 

Đê cao so với cánh đồng khoảng hơn mười mét. Khoảng gần chục phút thì chúng tôi dừng xe hỏi những người thợ xây địa phương đang tu sửa một ngôi đền rằng, đâu là đất xã Hoàng Nam, đâu là chỗ đất có tên là Phù Sa. Họ trả lời rằng, đây là xã Hoàng Nam. Còn định danh Phù Sa ở xã Hoàng Nam có hai thôn. Một là thôn Phù Sa Hạ thì các ông vừa đi qua, chỗ có con đường đang làm lên đê cách đây khoảng 500 mét. Còn thôn Phù Sa Thượng thì phải đi tiếp đến ngã ba Lục Bộ, nơi sông Đáy và sông Đào gặp nhau. Vừa nói họ vừa lấy tay chỉ về phía trước đê. Chúng tôi hỏi chỗ này là thôn nào, họ nói chỗ đang đứng đây là thôn Chương Nghĩa cũng của xã Hoàng Nam.

 

Cuộc viếng thăm bãi đất Phù Sa vào ngày 24 tháng 10 năm 2020, hiện tại đang là mùa trồng ngô nên có bãi ngô non xanh ngát mà phía sau là nơi con sông Đào đổ vào sông Đáy, phía bờ bên kia là đất Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình.

 

Thật ra mà nói, do chúng tôi tự đi và đi lần đầu nên cũng chưa có sự sẵn sàng cho mọi sự hình dung tưởng tượng cũng như xác định đường đi. Chúng tôi vẫn ngồi trong xe mà nhìn ra hai bên. Chúng tôi chỉ chăm chú để ngóng tìm một cái cổng làng nào đó trên đó có cái tên Phù Sa Thượng cho thỏa nỗi mong. Xe qua ngã ba Lục Bộ, tức là chỗ sông Đáy nhận nước sông Đào hay nói cách khác là chỗ sông Đào đổ vào sông Đáy. Hình thế đường đê như một đường gấp khúc kiểu khủy tay. Chúng tôi vẫn cứ ngồi trên xe đi thêm hai ba km nữa. Rồi một bất ngờ đã đến với chúng tôi. Chúng tôi trở lại chính cái chỗ đoạn đê như một phần của đường quốc lộ 37B mà trước đó gần nửa giờ trước đó khi chúng tôi vừa ở phà Đống Cao đi lên đã đi qua. Điều này có nghĩa là chúng tôi đã qua Phù Sa Thượng của xã Hoàng Nam cũng như xã Hoàng Nam khá xa. Nhìn lại đằng kia lại là Công ty trách nhiệm hữu hạn Golden Victory Việt Nam càng khẳng định điều đó. Chúng tôi dừng xe và lại hỏi thêm mấy người thợ xây ở đó về Phù Sa Thượng. Họ chỉ ngược lại đoạn đê mà trước đó mười phút chúng tôi đã đi qua. Họ nói chúng tôi cần trở lại theo đê mà đi qua cống Đông Ba thì sẽ trở lại được chỗ cần tìm là thôn Phù Sa Thượng của xã Hoàng Nam. Từ chỗ chúng tôi dừng lại đó mà quay trở lại thì đi khoảng 1 km sẽ đến cống Đông Ba.

 

Chúng tôi nhìn lại bản đồ thì nhận ra rằng, chỗ mà chúng tôi dừng xe để hỏi mấy người thợ xây trên đường 37B đó là thuộc địa phận xã Nghĩa Minh. Cống Đông Ba cũng thuộc địa phận xã Nghĩa Minh. Cống Đông Ba cũng có tên trên bản đồ hành chính của tỉnh Nam Định. Chúng tôi cần trở lại theo đê sông Đào của xã Nghĩa Minh, qua cống Đông Ba của xã Nghĩa Minh thì mới có thể trở lại thôn Phù Sa Thượng của xã Hoàng Nam được.

 

Chúng tôi lại quay xe rồi trở lại đường đê cũ, cứ hướng cống Đông Ba mà đi. Quả thực, chỉ khoảng 1 km là đến cống Đông Ba thuộc xã Nghĩa Minh. Cống đưa nước sông Đào vào các cánh đồng của cả một vùng của xã Nghĩa Minh. Ở khu vực cống, ngoài đê còn có cả trụ sở của cơ quan, xí nghiệp nữa. Hỏi một người bảo vệ ở đây thì người ấy nói, thôn Phù Sa Thượng của xã Hoàng Nam ở đằng kia kìa. Chúng tôi lại tiếp tục đi nốt một đoạn đê của xã Nghĩa Minh nữa. Không gian hai bên thân đê thật mênh mông, khoáng đãng cả một tầm nhìn.

PGS.TS Phạm Văn Khoái (đứng giữa) cùng hậu duệ đời thứ mười của Hoàng giáp Trần Hữu Thành (từ trái sang: ông Trần Văn Đề, ông Trần Khánh Dư, ông Trần Văn Vịnh và ông Trần Thanh Tân) chụp hình lưu niệm trước cổng Trường Tiểu học xã Hoàng Nam, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.

 

Trở lại cống Đông Ba, chúng tôi gặp được một cụ già khoảng sáu bảy mươi tuổi. Cụ nói rằng đi một chút nữa bằng đoạn mà chúng tôi đã đi trên đê từ lúc quay trở lại là sang thôn Phù Sa Thượng của xã Hoàng Nam. Cụ nhấn mạnh rằng, thôn Phù Sa Thượng gồm một phần ở ngoài đê và một phần ở trong đê. Cụ giơ tay chỉ về nơi có lùm cây cao mà thấp thoáng dưới lùm cây cao là những mái của đền của miếu là Ngã Ba Lục Bộ (có người nói trước đây là Độc Bộ), tức là chỗ sông Đào đổ vào sông Đáy mà việc khoi sông Đào ấy mang đậm dấu ấn và công năng trị thủy của quan Chánh sứ Quảng khuyến Canh nông Trần Hữu Thành.

 

Quả như là lời cụ chỉ đường nói, đi thêm một đoạn nữa chúng tôi sang được thôn Phù Sa Thượng của xã Hoàng Nam. Thôn vừa nằm ở trong đê và ngoài đê. Dường như đê không phải là nơi liền ngay sông mà ngoài kia lại còn có con bối nữa. Một sự cảm nhận mới có tính cụ thể hơn xuất hiện trong nhận thức của chúng tôi về một vùng Phù Sa rộng lớn mà trước đây hơn 400 năm, nơi quan Chánh sứ Quảng khuyến Canh nông Trần Hữu Thành đã chọn làm lỵ sở. Việc tổ chức đắp đê, khơi sông Đào cho dòng chảy chảy về Nam theo sông Đáy chỉ có thể thực hiện tốt với một sự chỉ đạo sát sao và trực tiếp ở ngay chính nơi này.

 

Chúng tôi cứ từ đằng Đông của thôn Phù Sa Thượng sang đến đằng Tây cứ men theo đê con sông Đào mà đi. Vừa đi vừa cảm nhận về một vùng Phù Sa bên hai bờ đê. Đi thêm khoảng 2 km nữa thì chúng tôi đến được ngã Ba Lục Bộ mênh mông đầy trong tầm mắt, nơi nước sông Đào đổ vào sông Đáy.

 

Chúng tôi xuống xe và bước xuống mặt đê của chỗ Ngã Ba. Thân đê cao và mặt đê khá rộng. Ai nấy đều ồ reo lên khi tận mắt nhìn thấy bãi ngô ven đê bát ngát ngút một màu xanh khi đứng từ trên mặt đê nhìn xuống. Nhìn sang phía bên bờ đằng Bắc là khu đền miếu thờ Mỵ Châu, Trọng Thủy thuộc huyện Ý Yên phấp phới những lá cờ đuôi nheo của một khu đền miếu. Vượt qua mặt đê, chúng tôi bước xuống sườn đê rồi bước xuống những bờ nhỏ giữa bãi ngô. Đó là lối đi lọt thỏm giữa bãi ngô non xanh ngát, tầm nhìn cũng bát ngát mênh mông. Ai ai cũng dành lời ca ngợi cho một Ngã Ba sông mênh mông khoáng.

 

Lúc ấy đã khoảng gần mười một giờ trưa. Lác đác đã có những người vun ngô vác cuốc lên đê trở về làng. Chúng tôi được một cụ lão nông ở đây cho biết rằng, xã Hoàng Nam được thành lập từ năm 1971 trên cơ sở ghép hai xã Nghĩa Nam và Nghĩa Hoàng. Trước đó, vào năm 1964, thôn Đắc Thắng Hạ thuộc xã Nghĩa Minh đã được sáp nhập vào xã Nghĩa Nam. Các thôn Đông Ba Thượng, Thượng Kỳ của xã Nghĩa Hoàng được cắt về xã Nghĩa Minh nơi có cống Đông Ba như đã được kể ở trên. Thôn Phù Sa Hạ của xã Nghĩa Nam được nhập vào xã Nghĩa Hoàng. Như vậy, Hoàng Nam bây giờ là hai xã Nghĩa Hoàng và Nghĩa Nam nên mới có tên là Hoàng Nam. Xã Hoàng Nam có nhiều thôn như: Nam Thịnh, Tân Hưng, Phù Sa Hạ, Chương Nghĩa, Phù Sa Thượng…

 

Cụ lão nông đang kể với đoàn viếng thăm khu đất Phù Sa về mảnh đất nơi đây mà cụ hiện đang sinh sống gọi là làng Phù Sa Thượng.

 

Cụ lão nông còn nói đến câu ngạn ngữ mà dân gian thường nói về phong cảnh của khu Ngã Ba này là: "Thượng Lục Bộ" (hay trước đây gọi là Độc Bộ), hạ Bến Xanh".

Làng Phù Sa Thượng xin chân hương thờ sứ quân Ngô Nhật Khánh làm Thành hoàng của làng. Làng thờ ông Trần Thuần làm tổ lập làng.

 

Cụ nói, đất ở nơi này cũng như đất của cả xã Hoàng Nam là đất "bờ xôi ruộng mật", tức là đất vô cùng màu mỡ, cây cối tốt tươi. Cụ hướng dẫn chúng tôi đường vào làng Phù Sa Thượng.

Chào cụ lão nông, chúng tôi lên xe theo chỗ đường dốc từ đê vào làng. Cũng như nhiều làng ở trong vùng, làng có hệ thống đường đi thuận tiện, hai bên đường nhà cửa khang trang. Cứ theo đường làng từ dốc đê đi xuống, chúng tôi qua làng rồi lại qua mấy cánh đồng nữa để đến được trung tâm của xã với các công trình công cộng như trường trung học phổ thông cơ sở, trường tiểu học, nhà văn hóa xã, ủy ban nhân dân xã. Qua ủy ban nhân dân xã Hoàng Nam, chúng tôi lên đường sang huyện Xuân Trường đến xã Thọ Nghiệp, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định như kế hoạch đã định trước.

 

Xã Hoàng Nam và một số xã thuộc huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định (Ảnh: internet)

 

Trên thực tế, Phù Sa không chỉ là một "bãi Phù Sa" hay giới hạn ở thôn Phù Sa Thượng, Phù Sa Hạ của xã Hoàng Nam mà cả là một vùng rộng lớn nay thuộc địa bàn các xã như Hoàng Nam, Nghĩa Minh, Nghĩa Châu, Nghĩa Thái, Nghĩa Trung,… của huyện Nghĩa Hưng tỉnh Nam Định ngày nay như đã được thể hiện trên bản đồ. Đó là vùng đất nằm giữa hai sông Đào và sông Ninh Cơ mà Chánh sứ Quảng khuyến Canh nông Trần Hữu Thành đã cho khơi chảy để thau chua rửa mặn cho cả vùng, đón nước sông Hồng đỏ thắm phù sa về, tạo nên một miền với những cánh đồng là những "bờ xôi", "ruộng mật". Một Phù Sa gắn với sông Đào đã được chúng tôi nhận thức bằng một cuộc hành hương trải nghiệm như trên đây đã kể.

 

Việc thăm lại vùng Phù Sa một nơi mà cách đây hơn 400 năm, năm quan Chánh sứ Quảng khuyến Canh nông Trần Hữu Thành đã đóng đại bản doanh của chúng tôi vào buổi sáng ngày 24 tháng 10 năm 2020 đã được thực hiện như một chuyến hành hương. Chúng tôi cũng tự mình trải nghiệm cho việc hiểu và cắt nghĩa một phần nào đó về sự đánh giá của người đương thời với quan Chánh sứ về công lao khơi mở đoạn sông Đào nối với sông Đáy. Đó là một cuộc hành hương theo đường 37B qua phà Đống Cao từ phía Bắc xuống phía Nam để đến một vùng đất bên bờ nam của sông Đào.

 

Sông Đào như đã được nói ở trên là một phân lưu của sông Hồng đã đưa nước của sông Hồng vào sông Đáy rồi đổ ra biển Đông. Sông có tên là sông Đào vì đây là con sông nhân tạo, được hình thành bởi công cuộc trị thủy sông Hồng, đậm đỏ phù sa của sông Hồng. Chúng tôi đã tiếp cận vùng này theo quốc lộ 37B từ hướng Bắc mà đi xuống. Cho dù có đi "vòng thúng", "đã đi qua rồi lại trở lại" nhưng việc đi như thế lại tạo cho chúng tôi một trải nghiệm về cả một vùng có liên quan đến được gọi là Phù Sa.

PGS.TS Phạm Văn Khoái, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Các bài viết khác