Sáng ngày 28/9/2018, tại hội trường Ban Tôn giáo Chính Phủ, Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo đã tổ chức hội thảo khoa học "Thiền phái Trúc Lâm đương đại" với 27 bài viết mang nhiều nội dung khác nhau, khai thác nhiều khía cạnh phong phú của chủ đề "Thiền phái Trúc Lâm đương đại".
Sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử hơn 700 năm trước đã đánh dấu một mốc son trong quá trình bản địa hóa Phật giáo, tạo nên một Phật giáo Việt Nam, mang bản sắc của văn hóa Đại Việt và ngày nay đã trở thành đề tài khai thác của nhiều chuyên ngành khoa học xã hội như lịch sử tư tưởng, triết học, văn học, văn hóa học, tôn giáo, ngôn ngữ... Có lẽ cũng chính vì thế mà Hội thảo với tên gọi Thiền phái Trúc Lâm đương đại ngay từ khi mới được triển khai đã thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, các giáo phẩm cùng các tác giả với 27 bài viết về Thiền phái Trúc Lâm từ khi ra đời cho đến nay.
Khung cảnh buổi hội thảo khoa học Thiền phái Trúc Lâm đương đại
Chủ tọa Hội thảo: ông Trần Khánh Dư, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo; Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam; PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam; và, ông Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ.
Ông Trần Khánh Dư, Giám đốc Trung tâm khai mạc Hội thảo khoa học Thiền phái Trúc Lâm đương đại
Qua 8 tham luận được trình bày và một số ý kiến trao đổi, các đại biểu đã tập trung phân tích, làm rõ thêm vai trò và giá trị của Thiền phái Trúc Lâm từ trước tới nay; những đặc trưng của Thiền phái trong Phật giáo nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng; Mối quan hệ giữa Phật giáo và chính trị; Nghệ thuật góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản Văn hóa Phật giáo Trúc Lâm trong cuộc sống đương đại....
Mở đầu hội thảo, Hoà thượng Thích Giác Toàn, Phó chủ tịch HĐTS GHPGVN - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học đã có bài viết rất sâu sắc với chủ đề Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử từ truyến thống đến hiện đại. Theo Hòa thượng, Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử là một niềm tự hào lớn của dân tộc, mang bản sắc Việt Nam rõ ràng do các thiền sư đã chọn lọc, thống nhất và Việt Nam hóa được những tư tưởng cao đẹp từ Phật giáo Ấn Độ và Trung Hoa. Với hơn 700 năm hình thành và phát triển, Thiền Trúc Lâm Yên Tử vẫn hiện hữu và phát triển trong thời đại hôm nay, rất cần thiết cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Tham luận của Hòa thượng Thích Giác Toàn Phó chủ tịch HĐTS GHPGVN - Viện trưởng viện nghiên cứu Phật học
PGS. TS Đỗ Thu Hà với bài viết có góc nhìn khá mới mẻ: Triết lý chính trị của Phật Giáo: Từ Đại đế Asoka đến Phật hoàng Trần Nhân Tông. Chính vì học sâu hiểu rộng về đạo Phật nên cách cai trị đất nước của Phật Hoàng Trần Nhân Tông đậm triết lý chính trị Phật giáo mà có thể so sánh với Đại đế Asoka. Ngài là vị vua anh minh, có điều nhà vua không cứu đời theo cách của một vị vua mà theo cách của bậc thánh nhân. Ngài vượt qua cái bình thường để trở thành cái phi thường.
PGS.TS Đỗ Thu Hà, Khoa Đông Phương học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội với tham luận Triết lý chính trị của Phật Giáo: Từ Đại đế Asoka đến Phật hoàng Trần Nhân Tông
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, cho biết, từ khi được hình thành, phát triển ở thời Trần và cả trong hiện tại, Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử luôn là một trong những điểm tựa tinh thần vững chắc cho cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Qua đó, ông cũng bày tỏ quan điểm về sự cấp bách của việc tạo nên những không gian văn hóa, nơi sinh hoạt Phật Giáo cho người dân. Theo ông, xây dựng Thiền viện là rất thiết thực, gieo hạt giống yêu thương của Phật giáo đến mọi người. Hiện nay các Thiền viện đều thu hút được rất nhiều người dân tới tham quan, vãn cảnh, mang lại rất nhiều lợi ích cho dân.
PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam với tham luận: Bàn về di sản văn hóa Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử.
Th.S Nguyễn Xuân Hà, Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách cũng đánh giá cao vai trò của Thiền phái Trúc Lâm. Sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm là một mốc son trong quá trình hội nhập và phát triển của Phật giáo Việt Nam. Dòng Thiền này đã lấy tư tưởng của Thiền tông để tạo ra những điểm riêng biệt. Đó là sự đúc kết của những tinh hoa và của các dòng thiền được du nhập vào Đại Việt, làm tỏa sáng tư tưởng của Đức Phật. Điều cốt lõi của Thiền Trúc Lâm đó chính là lấy con người làm trung tâm, khẳng định con người là tối thắng thông qua thiền định. Có thể nói Thiền Phái Trúc Lâm có tác dụng giáo dục lớn, góp phần quan trọng hình thành nên bản sắc của dân tộc, xây dựng nền văn hoá nước nhà.
Thạc sĩ Nguyễn Xuân Hà, nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu Chính sách Tôn giáo Ban Tôn giáo Chính phủ phát biểu
Ông cũng phản biện ý kiến của doanh nhân Nguyễn Đức Tịnh "Khi đánh giặc thì phải giết giặc vậy ngài Trần Nhân Tông tu gì khi đó là chiến?", rằng, dù trong Phật giáo hay trong cuộc sống, mọi chuyện đều có quy luật đóng - mở linh hoạt. Mặc dù theo quan điểm của Phật giáo là Từ Bi - Bác Ái tuy nhiên khi có chiến tranh xảy ra, ngài đã lấy ý kiến của dân, lấy con người làm trung tâm để quyết định. Đây có thể coi là "điểm mở" của Phật giáo, đó là để bảo vệ đất nước, bảo vệ lợi ích chung. Phục hưng Thiền Phái Trúc Lâm vừa là yêu cầu, vừa là trách nhiệm của mỗi chúng ta.
Doanh nhân Nguyễn Đức Tịnh đến từ Tp. HCM rất quan tâm đến Hội thảo này đã đặt câu hỏi để Tác giả bài viết phản biện.
Có thể nói trải qua bao thăng trầm của lịch sử, tinh thần Thiền Phái Trúc lâm vẫn còn giữ vững giá trị cho đến ngày nay, thấm sâu vào đời sống tinh thần của người dân thuộc mọi thế hệ và trở thành thành tố không thể thiếu của văn hóa Việt Nam.
Đại đức Thích Kiến Nguyệt, trụ trì Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên tham luận tại Hội thảo và phát biểu ý kiến.
Kết luận hội thảo, ông Trần Khánh Dư, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hóa Tôn giáo cũng đánh giá, vua Trần Nhân Tông đã quy tụ tinh hoa của 3 thiền phái làm 1, lập nên dòng tu mới, sau này gọi là Thiền phái Trúc Lâm. Việc xây dựng Thiền viện, tôn tạo các công trình làm nơi quy tụ quần chúng nhân dân cũng là để truyền bá bá tư tưởng, hành thiện của Thiền Phái Trúc Lâm đến người đến rộng khắp nhân gian. Ông cũng cho biết, các bài viết của các tác giả sẽ được biên tập và xuất bản thành sách trong thời gian ngắn nhất.
Kết thúc buổi hội thảo, hy vọng những giá trị tư tưởng và triết lý cao đẹp của thiền phái Trúc Lâm mà đỉnh cao của nó là tư tưởng nhập thế, "đạo không tách với đời" sẽ còn sống mãi trong tinh thần dân tộc của mỗi người.
Phát biểu của TS Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo Ban Tôn giáo Chính phủ tại Hội thảo Thiền phái Trúc Lâm đương đại.
Thượng tọa Thích Tâm Vượng, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo với tham luận Cởi áo Cà sa khoác chiến bào là góp phần nâng cao vai trò Thiền Phái Trúc Lâm đương đại.
Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN tặng đến Đại biểu tham gia Hội thảo Thiền phái Trúc Lâm đương đại cuốn Thơ văn Thiền sư Lý - Trần Hương Thiền ngàn năm do chính Hòa thượng chuyển thơ.
Đại đức Thích Kiến Nguyệt, trụ trì Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên tặng tranh thơ của Hòa thượng Thích Thanh Từ đến các vị Chủ tọa của Hội thảo Thiền phái Trúc Lâm đương đại.
Thư ký Hội thảo khoa học Thiền phái Trúc Lâm đương đại: Cử nhân Văn khoa Lê Thị Hồng Thúy; Cử nhân Báo chí Nguyễn Thị Chung.
Một vài hình ảnh của Hội thảo:
Nguyễn Thị Chung.
Ảnh: Bình Yên