Các Thành viên của Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo hiện nay có tại 41/63 tỉnh thành và hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong hoạt động nghiên cứu thì có nhiều Thành viên đã cho ra đời những cuốn sách có giá trị. Cuốn Tiến sĩ Lý Trần Thản (1721-1776) do Nhà văn Nguyễn Thế Vinh (chủ biên) là một ví dụ về sự dày công nghiên cứu, sưu tầm các cứ liệu về Tiến sĩ Lý Trần Thản - Nhà Khoa bảng, làm quan thời Lê Trung hưng. Xin hân hạnh giới thiệu cùng bạn đọc.
Tên tuổi nhà văn Nguyễn Thế Vinh từ lâu đã trở thành quen thuộc với độc giả trong và ngoài tỉnh bởi bề dầy, bề rộng và chiều sâu trong sáng tác và nghiên cứu. Thơ của ông khá cuốn hút và có chiều sâu triết lý. Nhưng thế mạnh của Nguyễn Thế Vinh có lẽ là nghiên cứu, sưu tầm. Bởi đọc những trang sách này của ông, ta được mở rộng hiểu biết về truyền thống văn hóa lịch sử của quê hương, đất nước, hiểu thêm về những người con ưu tú đất Việt. Cho đến thời điểm hiện tại, ông đã có 05 tập thơ, 07 tập sách nghiên cứu, sưu tầm. Được biết, ông vẫn ngày đêm ấp ủ bao dự định cho bước đường nghiên cứu của mình. Gần đây nhất, cuối năm 2021, nhân kỷ niệm 300 năm sinh Tiến sĩ Lý Trần Thản, Nguyễn Thế Vinh (chủ biên) đã cho ra mắt độc giả cuốn Danh nhân đất Việt - Tiến sĩ Lý Trần Thản (1721-1776) - Nhà xuất bản Thế giới. Đây là một nghĩa cử tốt đẹp, đầy trách nhiệm của một người con quê hương, nhằm khơi dậy và tôn vinh những giá trị truyền thống văn hóa lâu đời của dòng họ Lý Trần Lê Xá (Tiên Sơn - Duy Tiên) và của quê hương Hà Nam.
Nhà văn Nguyễn Thế Vinh, Thành viên Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo (đứng giữa) trong Lễ kỷ niệm 300 năm sinh Tiến sĩ Lý Trần Thản (1721-1776) vào ngày 26 tháng 2 năm 2021.
Là một nhà văn, một người yêu văn thơ, tôi thật vinh dự và may mắn nhận được sách tặng từ tác giả. Ấn tượng ban đầu của tôi khi cầm cuốn sách là cảm phục và ngưỡng mộ. Giống như những tập sách trước, đọc Tiến sĩ Lý Trần Thản, tôi bắt gặp một thái độ làm việc nghiêm túc, một nhãn quan khoa học của một người có tâm, có tầm. Cuốn sách đem lại cho tôi và độc giả những hiểu biết không chỉ về sự nghiệp, văn thơ Lý Trần Thản, mà còn hiểu thêm về quê hương, dòng tộc của Danh nhân. Đó là điều kiện tiên quyết bồi đắp và nuôi dưỡng một Danh nhân đất Việt.
Sau lời chào mừng của ông Phạm Hồng Thanh - Tỉnh ủy viên, Bí thư thị ủy, Chủ tịch HĐND, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam và Lời tựa, cuốn sách chia sáu phần: Phần một: Nguồn cội; Phần hai: Quê hương: (Quê nội Vân Canh. Quê ngoại Lê Xá); Phần ba: Gia đình; Phần bốn: Tiến sĩ Lý Trần Thản; Phần năm: Thư tịch- Tư liệu- Giai thoại, các sự kiện liên quan đến Tiến sĩ Lý Trần Thản; Phần sáu: Thơ văn Lý Trần Thản, (thơ Lý Trần Thản và thơ Chúa Trịnh và các đại quan tặng Lý Trần Thản).
Đọc Danh nhân đất Việt - Tiến sĩ Lý Trần Thản (1721-1776), ta dễ nhận ra, bằng lối tư duy thực chứng, mỗi phần của cuốn sách đều được tác giả trình bày rõ ràng, hợp lý kèm theo tranh, ảnh minh họa in mầu bắt mắt… Tất cả, nhằm minh chứng cho quê hương, dòng họ tài năng và công đức của Danh nhân Lý Trần Thản.
Tiến sĩ Lý Trần Thản (1721-1776), sinh ra tại làng Lê Xá, nay là xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, Tỉnh Hà Nam- “Nơi đất thiêng người thuần”. Sách có độ dầy trên 300 trang, được trình bày theo cách “Nói có sách, mách có chứng” nên không làm khó người đọc, mà trái lại độc giả sẽ cảm thấy thích thú, như được trải nghiệm, khám phá về quê hương, dòng tộc, con người và văn thơ Lý Trần Thản. Qua đó, càng tự hào và khâm phục người con ưu tú của quê hương Hà Nam. Đó chính là động lực, là ngọn lửa nối truyền để cháu con dòng họ Lý Trần nói riêng và những người con của quê hương Hà Nam nói chung, gìn giữ và lan tỏa, tô thắm thêm ngọn lửa truyền thống của quê hương Sông Châu Núi Đọi.
Từ đường ở thôn Lê Xã, xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam nơi thờ Tiến sĩ Lý Trần Thản (1721-1776) Ảnh: Thế Trang
Bằng các nguồn tư liệu, chứng cứ tin cậy, dựa trên Ngọc phả của dòng họ, các Thư tịch Hán Nôm và qua các câu chuyện kể lưu truyền, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Vinh cùng các cộng sự, đã tái hiện một cách khá đầy đủ, sinh động về quê hương, thân thế và sự nghiệp Tiến sĩ Lý Trần Thản, “để trước hết con cháu trong dòng họ hiểu thêm gia phong họ tộc, tăng niềm tự hào về truyền thống của tổ tiên, cùng nhau đoàn kết trong họ, ngoài làng, góp phần xây dựng gia đình, dòng họ, tiếp tục đóng góp cho quê hương, đất nước…”
Để người đọc có được cái nhìn hệ thống, toàn diện, trước khi nói về Danh nhân Lý Trần Thản, tác giả đã dành những trang viết nhất định kể về quê hương, đặc biệt là sự hình thành dòng họ Lý Trần từ thế kỷ XIII- XVIII. Cụ thân sinh Lý Trần Thản là danh nhân Đặng Trần Diễm (người họ Đặng gốc Trần). Sở dĩ có sự đổi họ từ họ Đặng sang họ Lý là do khi tuổi đã cao, cụ vẫn chưa có con nối dõi nên lấy làm lo lắng, cụ thường đến đền Chèm- nơi thờ Đức thánh Lý Ông Trọng để cầu tự. Lời cầu tự được linh nghiệm, cụ sinh được ba con trai Lý Trần Quán, Lý Trần Dự, Lý Trần Thản (cả ba đều đỗ Tiến sĩ, là những người danh tiếng trong sử sách). Để tỏ lòng biết ơn Đức thánh cụ đã cho con mình mang họ Lý nhưng vẫn giữ gốc Trần, lập ra dòng họ Lý Trần.
Nói riêng về Tiến sĩ Lý Trần Thản, là người học rộng tài cao, ông giữ chức tri huyện, tri phủ và một số chức quan trong triều đình. Con đường học vấn của ông không gặp may, 48 tuổi (1767) mới đỗ Tiến sĩ. Ông từng có công dẹp loạn trong nước được triều đình ghi nhận và 05 lần được sắc phong… Là người “trưởng thành trong khoa cử phong kiến nhưng đức thanh liêm chính trực, với tài năng và đức độ của mình, Lý Trần Thản đã đóng góp xứng đáng vào giai đoạn lịch sử này (Thế kỷ XVIII)”. Năm 1774 ông về Lê Xá hiến đất xây đình làng, mở trường, mở chợ, giúp dân đắp đê, đào sông… Năm 1776 ông tạ thế ở quê mẹ, hưởng thọ 56 tuổi. Ông là người có công với dân với nước. Tên ông được UBND tỉnh Hà
Nghi thức tế lễ được thực hiện bởi các Hậu duệ của Tiến sĩ Lý Trần Thản (1721-1776) trong Lễ kỷ niệm 300 năm sinh của Tiến sĩ tại Từ đường dòng họ Lý Trần.
Phần viết về Tiến sĩ Lý Trần Thản được tác giả đầu tư khá công phu, chia thành những tiểu mục ngắn gọn, rõ ràng, giúp người đọc có cái nhìn chỉnh thể về vấn đề nghiên cứu (Phụ mẫu; Học hạnh học nghiệp; Nơi quan trường; Trở về chốn sinh ra; Hiếu sự Tiến sĩ Lý Trần Thản; Câu đối về Tiến sĩ Lý Trần Thản; Dưới mái từ đường; Văn tế Đức tổ Tiến sĩ Lý Trần Thản; Đại vương Lý Trần Thản…). Sách cũng dành một phần đáng kể liệt kê các thư tịch, tư liệu, giai thoại, các sự kiện có liên quan đến Tiến sĩ Lý Trần Thản. Điều đó cho thấy cách làm cẩn trọng tỉ mỉ công phu của một người làm công tác nghiên cứu sưu tầm và trên hết ta thấy được cái tâm của người làm sách.
Trở lại với Tiến sĩ Lý Trần Thản, ngoài sự nghiệp giúp dân, giúp nước, Lý Trần Thản còn là một nhà thơ có tiếng thế kỷ XVIII. Di sản thơ văn ông để lại gồm hơn trăm bài. Xuyên suốt trong thơ ông là tấm lòng của một người suốt đời phụng sự cho quê hương, đất nước, chăm lo cho cuộc sống của dân. Bên cạnh đó, ta còn cảm nhận được những suy tư, chiêm nghiệm của ông về cuộc đời, và con người. Những bài thơ được giới thiệu trong tập sách này, cũng phần nào làm sáng tỏ nhận xét ấy, (Xuống các xã đất Phú Xuyên xem gặt; Trực tiếp xuống thị sát vùng phía bắc sông Nhị xem các chốn dân cư; Ở huyện Thanh Hà; Nhận việc Hữu Tư giảng; Mới đến dừng chân tại hành dinh sông Thọ Linh (sông Gianh)…). “Các bài thơ trên như những trang nhật ký sống, ghi lại những xúc cảm của nhà thơ, là tư liệu quý bổ sung vào việc tìm hiểu thân thế và sự nghiệp Lý Trần Thản mà sử sách không ghi chép đầy đủ”.
Nói về Tiến sĩ Lý Trần Thản, sẽ là khiếm khuyết nếu không nhắc đến thơ của Chúa Trịnh và các đại quan tặng ông (Chúa Trịnh Sâm tiễn Lý Trần Thản; Tiến sĩ Vũ Huy Trác tặng Lý Trần Thản); Quan phủ Lỵ Nhân, Nguyễn Hữu Huân thừa lệnh Chúa Trịnh, tế ông Lý Trần Thản và tuyên lời điếu của thống tướng Hoàng Ngũ Phúc; Ngô Thế Lân gửi Lý Trần Thản; Tri phủ Lý Nhân Phạm Văn nghị đến Lê Xá sửa đền thờ ông Lý Trần Thản…) và thơ nay (Về Lê Xá nhớ danh nhân Lý Trần Thản - Phạm Trọng Thanh; Gặp danh nhân Lý Trần Thản trong thơ - Trương Văn Thơ). Thơ xưa và nay, mỗi tác giả ở mỗi thời tuy có những cách thể hiện khác nhau, nhưng tựu chung lại đều ngợi ca công đức của Tiến sĩ Lý Trần Thản - Danh nhân đất Việt - Người con của quê hương Hà Nam yêu dấu.
Ngày nay, hậu duệ của họ tộc Lý Trần Lê Xá ở khắp mọi miền đất nước, phát huy niềm tự hào về truyền thống của quê hương, dòng tộc, thời nào cũng có những người con ưu tú làm rạng danh quê hương, đất nước. Với ý nghĩa ấy, cuốn sách Danh nhân đất Việt - Tiến sĩ Lý Trần Thản (1721-1776) do Nguyễn Thế Vinh chủ biên quả là một cuốn sách quý, thật đáng trân trọng!
Thạc sĩ Nguyễn Thị Bình
Nguyên Giảng viên, Trường Đại học Hoa Lư Ninh Bình