TRUNG TÂM BẢO TỒN    
DI SẢN VĂN HÓA TÔN GIÁO
Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hoá Tôn giáo
Menu

Cảm nhận từ Hội thảo Khoa học Danh nhân Văn hóa Hoàng giáp Trần Hữu Thành (1558-1963)

Ngày: 22:33:16 28/01/2021

Nhận lời mời của bác Trần Khánh Dư, nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo - Ban Tôn giáo Chính Phủ, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo, tôi được dự Hội thảo Khoa học Danh nhân Văn hóa Hoàng giáp Trần Hữu Thành (1558-1635) do Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo phối hợp với Hội đồng gia tộc họ Trần tổ chức tại Nhà Văn hóa UBND xã Yên Trung, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định ngày 12 tháng 7 năm 2020. Thay mặt Văn phòng Đại diện phía Nam của Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo tôi có dịp về tham dự hội thảo quan trọng và lần đầu về quê hương của dòng tộc họ Trần Hoàng giáp Trần Hữu Thành tại tỉnh Nam Định - vùng đất giàu truyền thống hiếu học cũng như giàu bản sắc văn hóa. Tôi được tản bộ cùng bác Trần Khánh Dư trên con đường làng mà cảm nhận về một miền quê yên ả, thanh bình với "chùa làng, phong cảnh Bụt", thăm một số thành viên của Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo và thăm đội ngũ giáo viên tại một trường học nơi đây.

Đại đức Thích Thiện Thông chụp ảnh lưu niệm cùng bác Trần Khánh Dư và thày giáo Lê Thanh Xuyên, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở xã Yên Trung, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.

 

Trong Hội thảo Khoa học Danh nhân Văn hóa Hoàng giáp Trần Hữu Thành (1558-1635), được lắng nghe các bài tham luận của các tác giả, những phát biểu của các nhà khoa học và nhà nghiên cứu về Danh nhân Văn hóa Hoàng giáp Trần Hữu Thành, một vị quan thanh liêm thời nhà Mạc. Hoàng giáp từng giữ nhiều chức vụ và là Đề hình Giám sát Ngự sử - một chức quan có vai trò, vị trí, nhiệm vụ rất trọng yếu, hộ quốc an dân, giữ gìn kỷ cương cho đất nước. Trong vai trò là "Chánh sứ Quảng khuyến Canh nông" ở nhà Lê, Cụ đã biến một vùng đất của Phủ Nghĩa Hưng xưa chua mặn và ngập lụt thành một vùng đất trù phú, màu mỡ phù sa để người dân canh tác, dân cư trong vùng được ấm no và người dân các nơi khác về ngụ cư. Hơn thế nữa, Cụ đã giúp chúa Bình An Vương Trịnh Tùng trong việc đắp đê trải dài từ Phủ An Bang (Quảng Ninh bây giờ) đến tận Ba Đồn (Quảng Bình ngày nay).

 

Cho dù ở vị trí nào, được giao chức vụ gì đi chăng nữa và làm việc ở triều đại nào thì Cụ đều dốc tâm lực, trí lực của mình để phụng sự quốc gia dân tộc, đều được hàng thần trọng dụng, tin tưởng và kính nể cũng như được bách tính ngưỡng mộ, cảm thấu ân đức, tôn vinh Cụ. Lập Sinh Từ để thờ sống Hoàng giáp là một minh chứng cho tấm lòng thơm thảo của người dân đối với Cụ, hay phải chăng, Hoàng giáp đã vận dụng câu nói của Nguyễn Trãi (1380-1442) xưa kia "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân" mà khi đảm trách chức "Chánh sứ Quảng khuyến Canh nông", Cụ sống cùng dân, làm việc cùng dân, thấu hiểu nỗi lòng của dân, từ đó thực hiện những ước nguyện chính đáng của người dân trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ. Hay nói cách khác, Cụ đã giúp dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc và ổn định để người dân có yên thì đất nước mới phát triển được lâu dài; Đạo lý "lấy dân làm gốc" được Cụ vận dụng vào thực tế vì điều này là quy luật tất yếu mà ở thời đại nào cũng cần bởi nó là sức mạnh, là tài sản vô giá, là sinh khí của quốc gia để quốc gia phồn thịnh và hùng cường.

 

Đại đức Thích Thiện Thông và nhà Sử học  n Lan trao đổi một số thông tin bên lề Hội thảo Khoa học Danh nhân Văn hóa Hoàng giáp Trần Hữu Thành (1558-1635) tổ chức vào ngày 12 tháng 7 năm 2020 tại Nhà Văn hóa UBND xã Yên Trung, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.

 

Với 6 năm làm quan Đề hình Giám sát Ngự sử dưới triều Mạc cùng 41 năm là quan "Chánh sứ Quảng khuyến Canh nông" và 2 năm Cụ an lão tại quê nhà mà trong Hội thảo Khoa học này đã có nhiều phát biểu, nhiều tư liệu quý giá về cuộc đời và sự nghiệp của Danh nhân văn hóa Hoàng giáp Trần Hữu Thành, đã được phân tích rất kỹ lưỡng, nhiều câu đối, hoành phi, văn bia do các nhà nghiên cứu sưu tầm và đưa ra. Đã cho thấy về một vị quan lỗi lạc, đa tài, cống hiến cuộc đời cho đất nước cho quê hương, qua tư liệu được biết thêm về Danh nhân Văn hóa Hoàng giáp Trần Hữu Thành, những gì Ông đóng góp đã để lại cho thế hệ hôm nay những giá trị di sản văn hóa là tài sản quý giá cho cộng đồng Việt Nam, được hun đúc qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước với bao biến cố thăng trầm của lịch sử. Là biểu tượng của sự trường tồn đồng thời là cầu nối giữa quá khứ hiện tại và tương lai của dân tộc.

 

Đại đức Thích Thiện Thông cùng bác Trần Khánh Dư, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa tôn giáo vãng cảnh ngôi chùa tại quê hương Hoàng giáp Trần Hữu Thành.

 

Thông qua Hội thảo Khoa học này đã làm sáng tỏ về Danh nhân Văn hóa Hoàng giáp Trần Hữu Thành về sự tri ân và biết ơn không chỉ của dòng tộc họ Trần mà của cả Dân tộc Việt Nam ta.

 

Thật tự hào về công lao của Đức Tổ họ Trần!

 

Thật tự hào về truyền thống dòng tộc Hoàng giáp Trần Hữu Thành "khoa bảng nối đời"!

 

Đại đức Thích Thiện Thông

Giám đốc Văn phòng Đại diện phía Nam - Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo.

Các bài viết khác