TRUNG TÂM BẢO TỒN    
DI SẢN VĂN HÓA TÔN GIÁO
Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hoá Tôn giáo
Menu

Những vụ án phi lý đã dẫn Thúy Kiều vào con đường lưu lạc 15 năm trời

Ngày: 13:44:15 24/06/2016

Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du nổi tiếng và hấp dẫn ở rất nhiều yếu tố - từ nội dung đến hình thức nghệ thuật! Nhưng yếu tố hấp dẫn không kém phần quan trọng vào bậc nhất đó là sự ly kỳ của các vụ án hình sự kéo dài từ đầu tới cuối Truyện Kiều.

Các vụ án phi lý do chính cái thế lực cậy quan quyền, cậy đồng tiền để ngang nhiên gây án. Người bị hại là Thúy Kiều - một cô gái nghèo, thơ ngây, hiền dịu phải cay đắng chịu đựng suốt 15 năm lưu lạc giang hồ - đến nỗi đã đẩy nàng đến bế tắc phải nhảy xuống sông tự tử!

Kẻ gieo tai họa đầu tiên xuống gia đình họ Vương chính là quan quân triều đình. Nội dung vụ án rất vu vơ “tại thằng bán tơ” mà bắt Vương ông, khiến Thúy Kiều phải “bán mình chuộc cha” Vương ông khỏi đi ở tù vì đã “có ba trăm lạng, việc này mới xong”!.

Vụ thứ hai là do bọn dùng thế lực đồng tiền để lửa đảo buôn bán người. Đó là Mã Giám Sinh và Tú Bà. Thực chất chúng mua Thúy Kiều về làm gái lầu xanh, nhưng chúng đã phỉnh phờ lừa đảo “làm lễ vu quy”!

Sau khi thấy rõ sự thật, Thúy Kiều lật tẩy sự lừa đảo của tên họ Mã, thì Tú Bà ngang nhiên hành hạ, đánh đập Thúy Kiều vô tội. Đến nỗi Tú Bà phải tìm cách để Thúy Kiều phải nghe lời làm gái mại dâm cho Mụ, bằng cách Mụ đã thuê Sở Khanh “Ba mươi lạng” rủ Kiều bỏ trốn. Giữa đường bỏ mặc Thúy Kiều trong rừng một mình. Mụ Tú Bà tức tốc đến bắt lỗi Thúy Kiều và đánh đập nàng dã man. Nàng không còn cách nào khác phải tuân theo như một thứ hàng hóa đã thỏa thuận bán cho Mụ. Đến nỗi Thúy Kiều phải nói “chút lòng trinh bạch từ nay xin chừa”!

Các vụ án trên chưa có cơ hội để Thúy Kiều minh oan tìm chỗ thưa kiện, thì thế lực đồng tiền lại đẩy Kiều phải chịu gánh nặng của vụ án thứ ba. Đó là việc Thúc Sinh vì thương yêu, nên đã chuộc Kiều khỏi lầu xanh của Tú Bà về làm thiếp. Vì mới mẻ, Thúc Sinh còn dấu diếm, nên cha là Thúc Ông đã kiện đến quan phủ. Quan Phủ xử Thúy Kiều là “gã kia dại nết chơi bời/ Mà còn người ấy ra người đong đưa/Tuồng như hoa thải, hương thừa/Mượn mầu son phấn, đánh lừa con đen”!

Rõ ràng trong xã hội phong kiến, kẻ có quyền, có tiền thì tha hồ muốn nói gì cũng đúng về phía họ! “Miệng kẻ sang, có gang, có thép” là thế! - Đến khi Kiều bị hành hạ, đánh đập tả tơi thì Thúc Sinh thương xót than phiền. Khi Quan phủ nghe được, hỏi ra thì thấy Kiều cũng “theo đòi bút nghiên” chứ không phải chỉ là gái làng chơi bình thường. Viên quan bèn phán, cho Kiều làm thử bài thơ về “Cái Mộc già”. Kiều làm được. Quan khen. Và phán xử: “Tài này, sắc đấy, nghìn vàng chưa cân/ thật là tài tử giai nhân/Châu trần, còn có Châu trần nào hơn/ Thôi đừng chuốc dữ cưu hờn/Làm chi lỡ nhịp cho đàn ngang cung”!

Trên đây thấy rõ quan phủ là đại diện cho cả một thể chế pháp lý. Vậy mà xử án cũng không dựa vào luật pháp nào, chỉ kết luận theo cảm tính, hoặc mua bán bằng tiền thay lý lẽ công bằng! Cuối cùng chỉ chết cho kẻ thấp cổ, bé họng, nghèo hèn như Thúy Kiều mà thôi!

Thúy Kiều tưởng đã thoát nạn để sống với Thúc Sinh trong sự bao bọc, không phải quay lại chốn lầu xanh tủi nhục nữa - Nhưng cũng không xong! Vì còn vợ Thúc Sinh là Hoạn Thư. Người cậy mình là con quan Tể tướng, nên có quyền tác oai, tác quái mọi chuyện nếu mình muốn!

Sau khi biết chuyện chồng là Thúc Sinh đã chuộc Kiều từ lầu xanh về làm thiếp thì Hoạn Thư không chịu được. Mụ đã nghe lời Hoạn Bà là mẹ đẻ bày mưu để hành hạ Thúy Kiều và Thúc Sinh cho phải nể mặt! Vụ án thứ tư đến với Thúy Kiều lại bắt đầu.

Người chồng Thúc Sinh của Hoạn Thư buôn bán ở cửa hàng xa quê, đi bộ hàng tháng trời liền. Mụ chờ lúc chồng không có ở cửa hàng, bèn thuê bọn Khuyển Ưng là những tên tay sai ác ôn, bí mật đi đường sông chỉ vài ngày đến đốt cửa hàng của chồng, ném xác người trôi sông vô thừa nhận vào đám lửa cháy vờ là Thúy Kiều đã chết cháy. Kỳ thật chúng đổ thuốc mê vào Thúy Kiều để bắt cóc nàng về cho Hoạn Thư hành hạ.

Tại cửa hàng, khi Thúc Sinh về, nghĩ là Kiều đã chết. Còn ở quê nhà, thì Thúy Kiều đã tỉnh lại. Nàng không biết cớ gì mà lại ở vào một gia đình giàu có này? Chưa hỏi được nguyên do thì bị Hoạn Bà và Hoạn Thư gọi lên hầu hạ, và bị đòn phủ đầu là “đã bán mình vào cửa nhà tao thì phải quên tên mình là Thúy Kiều, chỉ biết mình là Hoa nô, theo bầy tôi tớ trong nhà”. Nàng bị đàn áp, hoang mang, không giám hỏi han ai được. Bèn câm lặng làm Hoa nô, không dám ho he, chống đối!

Một hôm thấy Hoạn Thư cho mời lên hầu hạ, chúc rượu, đàn ca cho vợ chồng Hoạn Thư vui. Lúc ấy Hoa nô đã thấy Thúc Sinh và Thúc Sinh đã nhận rõ Thúy Kiều. Nhưng hai bên không giám nhận ra nhau. Chỉ cắn răng, ngậm ngùi là đã vào chiêu chơi đùa, gian ác, xảo quyệt của Hoạn Thư: “Làm cho, cho mệt, cho mê/ Làm cho đau đớn ê chề, cho coi/Trước cho bỏ ghét những người/ Sau cho để một trò cười về sau”!

Với một kẻ giàu có, tựa thế quan chức như Hoạn Thư thì bất cần luật pháp! Họ như có quyền đùa cợt trước người khác, ngang nhiên trước xã hội như không có luật pháp nào giám đụng tới vậy!.

Chưa hết! Cũng vì tiền, vì rất nhiều tiền, mà Thúy Kiều còn mắc hợm với một quan Đại thần của triều đình lừa đảo, đưa nàng và Từ Hải vào bẫy! Nàng nghĩ chính mình, đồng tiền đã giải quyết xong mọi chuyện, thì chắc việc Hồ Tôn Hiến bỏ tiền bạc ra sẽ là thật! Y đưa ra tới hàng ngàn lượng. Rồi “ngọc vàng, gấm vóc sai quan thuyết hàng/ Lại riêng một lễ với nàng/ Hai tên thể nữ, ngọc vàng ngàn cân/ Tin vào gửi trước trung quân”! Hồ Tôn Hiến làm chiêu lừa như vậy thì hẳn là Kiều không tin, không được! Nàng rất tin nên đã khuyên Từ Hải về an thân với triều đình. Từ Hải nghe vợ, lơ là chuyện quân, đồng ý giao tiếp với Hồ Tôn Hiến.

Nhưng không phải! Hồ Tôn Hiến chỉ chờ lúc Từ Hải và Thúy Kiều tin như vậy, chúng phản công ngay. Từ Hải phải chết đứng. Còn Thúy Kiều bị dồn vào bế tắc. Nàng phải nhảy xuống sông Tiền Đường tự tử!

Năm vụ án trên được Nguyễn Du đúc rút chân thực miêu tả trong Truyện Kiều. Có thể nói một xã hội từ quan, quân, đến bọn quý tộc lắm tiền, nhiều bạc, là cả một phường tham lam, dối trá bất công, ỷ thế làm điều bất lương, hại người vô tội như nội dung Truyện Kiều đã viết, thì chắc chắn những người dân lương thiện như Thúy Kiều chỉ là nạn nhân bị bọn chúng gây án, xâm hại đến không còn con đường nào khác là phải tìm đến cái chết - như Thúy Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du!.

Tháng 7 năm 2014

Phương Văn

Các bài viết khác