TRUNG TÂM BẢO TỒN    
DI SẢN VĂN HÓA TÔN GIÁO
Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hoá Tôn giáo
Menu

Cần Bảo tồn và Phát huy những giá trị di sản văn hóa

Ngày: 22:42:22 06/08/2019

Đến với cuộc Giao lưu với các Trụ trì và các Lương y tiêu biểu năm 2019 tổ chức tại Hội trường nhà khách Trung ương Đảng ngày 14/07/2019, ông Hồ Văn Tuấn (pháp danh: Đại đức Thích Thiện Thông) - Giám đốc Văn phòng Đại diện khu vực phía Nam của Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo đã tham luận tại cuộc giao lưu này về chủ đề "Cần Bảo tồn và Phát huy những giá trị Di sản văn hóa".

Các di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh là tài sản vô giá trong kho tàng di sản lâu đời của dân tộc ta cũng như của thế giới.

Việt Nam của chúng ta còn được biết đến như một địa danh có nhiều thế mạnh về một vùng đất còn bảo tồn nhiều giá trị di sản văn hóa. Ngoài hệ thống các di tích lịch sử văn hóa độc đáo, còn có rất nhiều giá trị di sản văn hóa phi vật thể là những lễ hội truyền thống, lễ hội tôn giáo, lễ hội dân gian đặc sắc, những làng nghề truyền thống… các cơ sở thờ tự tín ngưỡng tôn giáo và trong đó có Phật giáo đang được bảo lưu và tiếp tục hòa mình cùng dòng chảy với cuộc sống hiện tại và tương lai. Toàn bộ di sản văn hóa vật chất, tinh thần đó là kết quả tất yếu xuất phát từ nguồn lực thiên nhiên và nhân văn trong suốt tiến trình lịch sử lâu dài của Việt Nam.

Đại đức Thích Thiện Thông, Giám đốc Văn phòng Đại diện khu vực phía Nam của Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo tham luận tại cuộc giao lưu tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 14 tháng 7 năm 2019.

Cùng với sự phát triển về kinh tế - xã hội, nhiều di tích lịch sử văn hóa, cơ sở thờ tự, danh lam thắng cảnh đã và đang được tu bổ, tôn tạo, nhiều ngành nghề thủ công truyền thống được phục hồi và đang dần phát triển. Tuy nhiên, hiện nay các di sản văn hóa phi vật thể, tôn giáo nói chung và các di sản của cả nước nói riêng đã và đang bị xuống cấp, bị biến dạng do sự tác động thường xuyên của thiên nhiên và những tác động vô thức, hữu thức của chính con người. Những tác động mạnh mẽ của quá trình đô thị hóa, đặc biệt là những tác động của cơ chế thị trường với sự đầu tư ồ ạt của nhiều tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài cũng đã và đang tạo nên những ảnh hưởng không nhỏ đến bản thân các di sản văn hóa cùng môi trường cảnh quan, không gian sống của di sản văn hóa phi vật thể. Kinh phí cho các hoạt động bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa nói chung còn rất hạn chế.

Do vậy, với sự quyết tâm bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa tôn giáo. Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo trực thuộc Hội Di sản Văn hóa Việt Nam ra đời hoạt động trong phạm vi cả nước, với chức năng nhiệm vụ là: Tư vấn tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học và các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa tôn giáo. Nghiên cứu lập các dự án trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tôn giáo… Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo còn là cầu nối của các tổ chức, cá nhân có tâm huyết trong sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa tôn giáo, vật thể và phi vật thể.

Khung cảnh cuộc Giao lưu với các Trụ trì và Lương y tổ chức tại Nhà khách Trung ương Đảng, Thành phố Hồ Chí Minh ngày 14 tháng 7 năm 2019.

Trung tâm cũng đã thành lập văn phòng Đại diện khu vực phía Nam theo Quyết định số 126, trụ sở tại tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, và Quyết định số 127 V/v bổ nhiệm Giám đốc Văn phòng Đại diện do chúng tôi đảm trách với mong muốn là cánh tay nối dài. Văn phòng Đại diện khu vực phía Nam sẽ cố gắng góp một phần công sức nhỏ vào sự nghiệp lớn trong việc bảo tồn giá trị di sản văn hóa phi vật thể tâm linh tín ngưỡng của dân tộc, nhằm đóng góp phúc lợi an sinh xã hội theo chính sách tôn giáo của luật pháp nhà nước.

Trong những năm qua, các di sản văn hóa Phật giáo được nhận diện giá trị, bảo tồn và phát huy, đã góp phần quan trọng vào việc giáo dục lịch sử, vun đấp truyền thống tốt đẹp của dân tộc, góp phần xây dựng và quảng bá hình ảnh quốc gia, truyền bá các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ, quan trọng của di sản văn hóa “Phật giáo” Việt Nam ra thế giới thông qua hoạt động du lịch giao lưu văn hóa và hợp tác, phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam đã và đang thể hiện ngày càng rõ hơn vai trò quan trọng trong việc Hộ Quốc An Dân, giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện, hình thành nên nguồn nhân lực đóng góp trực tiếp quyết định vào sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước.

Nhằm ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương các nhà quản lý, công tác xã hội, trụ trì các chùa, các cơ sở tự viện, chư tăng ni, tiêu biểu có thành tích xuất sắc đóng góp cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của đơn vị, địa phương trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo tổ chức chương trình gặp gỡ giao lưu hôm nay, trong khuôn khổ chương trình Ban Tổ chức trao chứng nhận Bảo tồn và Phát huy giá trị di sản văn hóa tôn giáo tâm tinh chùa Việt cho các đơn vị chùa tiêu biểu, và bảng chứng nhận bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam cho các cá nhân tiêu biểu.

Tiến sĩ Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo Ban Tôn giáo Chính phủ và ông Trần Tấn Hùng, nguyên Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ trao tặng bảng chứng nhận cho cá nhân đã có thành tích Bảo tồn và Phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam tới Đại đức Thích Thiện Thông - Giám đốc Văn phòng Đại diện khu vực phía Nam 

Đây là chương trình mang ý nghĩa văn hóa, xã hội sâu sắc góp phần giáo dục truyền thống dân tộc, làm cho mỗi chúng ta có ý thức gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, để từ đó phát triển những giá trị truyền thống của dân tộc, giáo dục thế hệ trẻ về giá trị nhân văn, tinh thần đoàn kết sâu sắc của nhân dân ta nói chung và của Phật giáo nói riêng.

Việc tặng chứng nhận dành cho những ngôi chùa có truyền thống bảo tồn và phát huy tốt các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tôn giáo. Ngôi chùa hoạt động có hiệu quả, đối với đạo và đời, đưa tín đồ đi đúng con đường chánh tín của đạo Phật, đồng thời cũng động viên các cơ sở tôn giáo tích cực thực hành công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa tôn giáo góp phần làm cho triết lý nhân sinh của đạo Phật ngày càng lan tỏa và để Phật giáo Việt Nam ngày càng có ý nghĩa tích cực và thiết thực với đời sống xã hội.

Hồ Văn Tuấn (Thích Thiện Thông)

Giám đốc Văn phòng Đại diện khu vực phía Nam - Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo.

Ảnh: Bình Yên.

Các bài viết khác