TRUNG TÂM BẢO TỒN    
DI SẢN VĂN HÓA TÔN GIÁO
Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hoá Tôn giáo
Menu

Thăm di chỉ ĐỀN QUAN NGHÈ ở xóm 3 Đào Lạng Nghĩa Thái Nam Định

Ngày: 16:26:03 30/12/2020

Cũng trong ngày hôm ấy, chúng tôi viếng thăm lại một vùng đất nằm giữa hai sông: sông Đào và sông Ninh Cơ dọc theo đường 37B nhưng điểm xuất phát lại theo chiều ngược lại nếu so với buổi sáng. Nếu buổi sáng đi theo đường 37B từ phía Bắc xuống qua phà Đống Cao ở sông Đào thì buổi chiều lại từ phía Nam lên qua cầu phao Ninh Cường ở sông Ninh Cơ.

 

 

 

Sông Ninh Cơ là một trong hai dòng sông mà quan Chánh sứ đã khơi để cho vùng đất của phủ Nghĩa Hưng lúc ấy thành một vùng trù phú. Chúng tôi tới sông Ninh Cơ cũng theo đường quốc lộ 37 B nhưng theo hướng đi từ thị trấn Yên Định của huyện Hải Hậu mà lên qua cầu phao Ninh Cường. Xe phải chờ rất lâu mới qua được cầu phao vì đi đúng vào lúc cầu phao phải mở để cho tầu thuyền đi.

 

Khoảng 3 giờ chiều hôm đó chúng tôi lại trở lại Nghĩa Thái, thăm lại xóm 3 của thôn Đào Lạng nơi còn lưu lại di chỉ của Đền Quan Nghè thờ quan Chánh sứ Quảng khuyến Canh nông - Hoàng giáp Trần Hữu Thành.

 

Ông Trần Văn Đoàn và gia đình cũng như đông đảo bà con họ tộc chi họ Trần ở đây đã tiếp đón chúng tôi. Chúng tôi được gặp lại cụ Trần Văn Hoằng năm nay đã 81 tuổi và nhiều người mà ngày 26 tháng 5 năm 2020 đã kể cho chúng tôi về Đền Quan Nghè thờ quan Chánh sứ Quảng khuyến Canh nông - Hoàng giáp Trần Hữu Thành như những gì mà cụ đã tận mắt chứng kiến khi lúc ấy cụ đã mười bảy, mười tám tuổi.

 

Chúng tôi cũng đã đến thăm gia đình ông Trần Văn Thượng và bà Phạm Thị Lê. Gia đình đã chờ đợi chúng tôi từ buổi sáng do biết chúng tôi có kế hoạch ghé thăm nơi đây. Chúng tôi nhận thấy từ gia đình ông bà một niềm thành kính với anh linh quan Chánh sứ Quảng khuyến Canh nông, Hoàng giáp, Quan Nghè Trần Hữu Thành qua mọi cử chỉ, hành vi và câu nói. Bà Phạm Thị Lê nói với bác Trần Khánh Dư và mọi người trong đoàn chúng tôi rằng, ngày 25 tháng Giêng sang năm, gia đình xin được làm giỗ cho Cụ Trần Hữu Thành và xin được mời các bác về dự. Bác Trần Khánh Dư và mọi người trong đoàn đều cảm ơn và ghi nhận những tình cảm tốt đẹp của gia đình ông bà Trần Văn Thượng và Phạm Thị Lê.

 

PGS.TS Phạm Văn Khoái cùng hậu duệ Hoàng giáp Trần Hữu Thành tại nhà ông Trần Văn Thượng ở xóm 3, thôn Đào Lạng, xã Nghĩa Thái, tỉnh Nam Định.

 

Có thể nói, cả một vùng tả hạ sông Đáy mà bây giờ thuộc các xã như: Hoàng Nam, Nghĩa Minh, Nghĩa Thịnh, Nghĩa Đồng, Nghĩa Châu, Nghĩa Thái, Nghĩa Trung,…, gắn bó chặt chẽ với hai sông Đào và sông Ninh Cơ. Nhờ việc đắp đê, thau chua, rửa mặn cũng như lấy nước từ sông Hồng vào mà vùng đất giữa hai con sông nơi đây thành những cánh đồng "bờ xôi, ruộng mật" màu mỡ như người dân Phù Sa Thượng đã nói.

 

Sau một ngày chiêm nghiệm cả một vùng để rồi đến chiều chúng tôi lại một lần nữa được đứng trên mảnh đất mà xưa kia có Đền Quan Nghè.

 

Chúng tôi dừng lại hồi lâu trên khu đất mà cách đây hơn sáu mươi năm còn có ngôi đền Quan Nghè nhằm chiêm nghiệm cho cụ thể hơn vị trí mảnh đất mà trên đó trước đây có Đền Quan Nghè. Theo như lời kể của những người đã từng chứng kiến như cụ Trần Văn Hoằng, ông Đinh Quang Thế thì vị trí mà đền tọa lạc dường như đối xứng với xã Hoàng Nam bây giờ mà trục đường quốc lộ 37B như là tâm cho đối xứng. Đền nằm theo hướng Nam, phía Đông là đường liên xã. Từ vị trí mà Đền tọa lạc khi xưa rồi đi khoảng 200 mét nữa về hướng Đông thì sẽ đến đường liên xã. Đường liên xã này một chiều nối với đường trục của xã Nghĩa Thái còn chiều kia nối liến với Đào Khê của xã Nghĩa Châu, Đông Tỉnh của xã Hoàng Nam. Nếu từ đây mà nhìn về Hoàng Nam nói chung và Phù Sa Thượng hay Phù Sa Hạ nói riêng thì dường như cùng nằm trên một đường thẳng nối liền ba xã Nghĩa Thái - Nghĩa Châu - Hoàng Nam hay Hoàng Nam - Nghĩa Châu - Nghĩa Thái. Như vậy, từ đây theo đường liên xã đi về phía tây có thể đến Đào Khê của xã Nghĩa Châu rồi qua đường 37B có thể sang xã Hoàng Nam với nhiều địa điểm, trong đó có những điểm đáng lưu ý ngay trong chuyến đi này của chúng tôi là thôn Phù Sa Thượng.

 

Là một cuộc thăm viếng mang tính trải nghiệm vì những nơi mà chúng tôi đã thăm qua đều là những nơi mà hơn 400 năm trước đây quan Chánh sứ Quảng khuyến Canh nông Trần Hữu Thành đã ở, đã làm trong công cuộc trị thủy để cuối cùng để có cả một vùng "bờ xôi", "ruộng mật".

Chụp hình lưu niệm cùng gia đình Trần Văn Thượng và một số bà con họ Trần ở xóm 3, thôn Đào Lạng, xã Nghĩa Thái, tỉnh Nam Định.

 

Chính những thành tựu của sự nghiệp trị thủy lớn lao đó của quan Chánh sứ, ngay từ khi ông còn sống, nhân dân của một vùng giữa hai sông (sông Đào và sông Ninh Cơ) đã xây SINH TỪ phụng thờ.

 

Vị trí của của SINH TỪ - ĐỀN QUAN NGHÈ nằm trên đường trục giữa hai sông: sông Đào và sông Ninh Cơ phần nào đã nói lên điều đó.

SINH TỪ nằm ở xóm 3 thôn Đào Lạng, xã Nghĩa Thái, lại nằm trên đường liên xã để đi đến các xã như Hoàng Nam, Nghĩa Minh, Nghĩa Thịnh, Nghĩa Đồng, Nghĩa Châu, Nghĩa Thái, Nghĩa Trung,…, ở một mức độ nhất định cũng đã nói lên điều đó.

 

SINH TỪ - ĐỀN QUAN NGHÈ nay vẫn còn di chỉ, vẫn còn có những nhân chứng sống là những người lớn tuổi chứng kiến và kể lại. Việc thăm lại dấu xưa nền cũ của một SINH TỪ trong mối liên hệ với cả một vùng giữa hai sông (sông Đào và sông Ninh Cơ) trù phú có bàn tay và công sức của người ngay khi còn sống đã được thờ làm THẦN của cả một vùng như thế thực sự là một cuộc hành hương mang tính chất chiêm nghiệm và trải nghiệm bao quát nhất để qua đó mà các thế hệ cháu con của Hoàng giáp cũng như đông đảo những người hiện đại chúng ta hiểu thêm về sự nghiệp của Hoàng giáp.

Vị trí Đền thờ Hoàng giáp Trần Hữu Thành xưa kia nay là mấy hộ gia đình đang sinh sống.

 

Là một chuyến hành hương có điểm cuối cùng là di chỉ ĐỀN QUAN NGHÈ, chúng tôi bồi hồi xúc động khi được nghe kể, ngắm nhìn, chiêm bái di chỉ ĐỀN QUAN NGHÈ. Mải miết ngắm nhìn, chiêm bái, suy tư, chúng tôi chẳng ngờ hoàng hôn xuống nhanh đến thế. Từ nơi là di chỉ ĐỀN QUAN NGHÈ mà nhìn ra đường liên xã nối từ Đông sang Tây hay từ Tây qua Đông, từ vùng sông Ninh Cơ cho đến vùng sông Đào, con đường liên xã cũng chìm dần trong bóng tà huy. Nhìn những áng mây bay chầm chậm như phảng phất và gợi nhớ trong chúng tôi bóng hình của quan Chánh sứ vừa như đi từ phía sông Đào trở lại cũng vừa như từ phía sông Ninh Cơ mà lại sau một ngày chỉ huy trị thủy vất vả để về khu Đền Miếu khi xưa. Bóng tà huy nghiêng nghiêng đổ xuống như thể là ở trong đó, quan Chánh sứ đang chứng cho chúng tôi cũng như tất cả những ai biết đến và trân quí sự nghiệp trị thủy cách đây hơn bốn trăm năm của nhân dân cả một vùng.

 

Chúng tôi ngẩng lên chiêm bái rồi cúi đầu như vái lạy hồi lâu rồi lên xe rời xóm 3 của thôn Đào Lạng, xã Nghĩa Thái. Xe của chúng tôi lại lăn bánh theo đường liên xã rồi theo hướng Đông mà ra đường trục của xã Nghĩa Thái. Rẽ theo tay trái là đi đến khi di tích lịch sử và văn hóa CHÙA - ĐỀN Đào Lạng của xã Nghĩa Thái. Ở nơi đây có THẦN VỊ thờ Hoàng giáp trong Khải Xã từ (Đền Mở Xã) trong khói hương đang đượm.

Chúng tôi lên chiếc xe tắc-xi để về Hà Nội cũng là lúc hoàng hôn dần buông, kết thúc một ngày về nơi lỵ sở để điều hành mọi hoạt động trị thủy của Hoàng giáp Trần Hữu Thành và ngôi đền thờ lúc Hoàng giáp còn sống. Một kết thúc có hậu trong quá trình nghiên cứu về Thân thế và sự nghiệp của Hoàng giáp, Đệ nhị giáp Tiến sĩ, Đề hình Giám sát Ngự sử, Trấn đông tướng quân, Chánh sứ Quảng khuyến Canh nông Trần Hữu Thành (1558-1635). Và, cuốn sách về Hoàng giáp cũng đang được lên khuôn để ra mắt vào dịp Xuân Tân Sửu.

 

Cũng có thể nói, cuộc viếng thăm đất Phù Sa ngày ấy - Hoàng Nam bây giờ là một cuộc viếng thăm vừa viếng thăm được đại bản doanh trị thủy của Chánh sứ Quảng khuyến Canh nông Trần Hữu Thành và cũng vừa viếng thăm được một vùng đất của huyện Nghĩa Hưng nằm giữa hai con sông (sông Đào và sông Ninh Cơ) mà quan Chánh sứ đã có công khơi vét cho nước chảy xuôi về nam mà xuống biển. Cuộc viếng thăm đại bản doanh của quan Chánh sứ trong cuộc trị thủy là một cuộc hành hương mang tính chiêm nghiệm và trải nghiệm bao quát nhất cho phép hình dung tài trị thủy và công lao to lớn của Hoàng giáp trong việc trị thủy cả một vùng đất rộng lớn từ phía Nam sông Đào đến phía Bắc sông Ninh Cơ của phủ Nghĩa Hưng xưa.

 

So với các chuyến đi trước đó về thăm Khải Xã từ (Đền Mở Xã) của thôn Đào Lạng, xã Nghĩa Thái nơi có thần vị của Hoàng giáp hay thăm di chỉ Đền Quan Nghè ở xóm 3, thôn Đào Lạng, xã Nghĩa Thái, trong chuyến đi lần này, chúng tôi đã đi thăm cả một vùng rộng lớn cho dù khởi điểm lúc đầu là vùng Phù Sa của xã Hoàng Nam, Nghĩa Hưng, Nam Định. Chúng tôi đã đi qua và bao quát cả một vùng rộng lớn nằm giữa sông Đào và sông Ninh Cơ, vừa đi từ Bắc xuống Nam, vừa đi từ Nam lên Bắc theo quốc lộ 37B, vừa đi qua một phà (phà Đống Cao) và vừa qua một cầu phao (cầu phao Ninh Cường) rồi lại trở về nơi có di chỉ Đền Quan Nghè. Thực sự đây vừa như là một cuộc hành hương cũng vừa như một lần trải nghiệm có tầm bao quát nhất cho một sự nhận thức về quan Chánh sứ Quảng khuyến Canh nông Trần Hữu Thành.

 

PGS.TS Phạm Văn Khoái, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Các bài viết khác