TRUNG TÂM BẢO TỒN    
DI SẢN VĂN HÓA TÔN GIÁO
Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hoá Tôn giáo
Menu

Danh hiệu khoa bảng của Hoàng giáp Trần Hữu Thành được tôn vinh theo định chế đỉnh cao của khoa cử thời vua Lê Thánh Tông

Ngày: 13:18:26 26/01/2021

Các câu đối ở Từ đường Hoàng giáp Trần Hữu Thành đã dùng những từ ngữ và câu chữ có liên quan trực tiếp đến khoa cử triều vua Lê Thánh Tông: "琼苑騷坛兄甲榜。Quỳnh Uyển, Tao Đàn huynh giáp bảng, Quỳnh Uyển, Tao Đàn đầu bảng giáp" để ca ngợi Hoàng giáp. Điều ấy có nghĩa là, danh hiệu khoa giáp của Hoàng giáp Trần Hữu Thành được xem xét theo các tiêu chuẩn và tiêu chí của khoa cử thời vua Lê Thánh Tông.

 

Tự nhiên, sẽ có một câu hỏi được đặt ra ở đây là, "Tại sao một người đỗ đạt ở triều Mạc mà lại được vinh danh theo các tiêu chuẩn và cách nói của thời Lê Thánh Tông?".

 

Nền khoa cử kéo dài ở nước ta suốt hơn 800 năm với nhiều mốc son chói lọi mà khoa cử thời vua Lê Thánh Tông nói chung và ở những năm của niên hiệu Hồng Đức nói riêng là một trong những đỉnh cao chói lọi nhất, trở thành khuôn phép mang tính định chế muôn đời. Do vậy, việc lấy những câu chữ của một thời đại như thế để nói về Hoàng giáp Trần Hữu Thành vừa là sự xác định tiêu chuẩn vinh danh của các thế hệ đối với Hoàng giáp, vừa đặt Hoàng giáp vào vị đỉnh cao, tôn vinh theo chế độ đỉnh cao.

 

Để hiểu thêm về các câu chữ của cặp đối nói riêng, về vóc dáng, tầm độ của Hoàng giáp Trần Hữu Thành nói chung, cần phải có một sự trình bày thêm về tính định chế đỉnh cao từng được làm khuôn phép và tiêu chí cho muôn đời của khoa cử thời vua Thánh Tông. Việc trình bày đó sẽ góp phần làm cho người hiện đại chúng ta những cơ sở cho sự nhận thức về chân dung, bóng dáng và tầm vóc của Hoàng giáp Trần Hữu Thành. Với mục tiêu như thế, phần viết này bao gồm các nội dung chủ yếu như sau:

- Định chế đỉnh cao của khoa cử thời Lê Thánh Tông.

- Định chế đỉnh cao trong thi Hương thời Lê Thánh Tông.

- Tính định chế trong thi Hội và chế độ vinh danh Tiến sĩ dưới triều Lê Thánh Tông.

Các hậu duệ của Hoàng giáp Trần Hữu Thành tại Từ đường họ Trần ở thôn Đại An, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định nơi có câu đối "Quỳnh Uyển Tao Đàn huynh giáp bảng/ Thu sương liệt nhật biểu trinh tâm" trước ngai thờ Hoàng giáp.

 

1. Định chế đỉnh cao của khoa cử thời vua Lê Thánh Tông

Lê Thánh Tông tên là Lê Tư Thành, con thứ tư của Lê Thái Tông. Vua sinh ngày 25 tháng 8 năm 1442, lên ngôi ngày 26 tháng 6 năm 1460, mất ngày 3 tháng 3 năm 1497, ở ngôi vua 38 năm.

 

Cuối năm 1442, Lê Thái Tông mất, Lê Bang Cơ, một con thứ của Lê Thái Tông được lập lên làm vua, tức Lê Nhân Tông. Trong khi đó, người con cả là Lê Nghi Dân, do không đáp ứng được các yêu cầu nên không được lập. Chính điều này khiến cho sau này Lê Nghi Dân đã làm chính biến vào năm 1459.

 

Năm 1459, Lê Nghi Dân đã giết Lê Bang Cơ, tự lập làm vua. Sáu tháng sau, vào ngày 6 tháng 6 năm 1460, Lê Nghi Dân đã bị các nguyên lão trong triều như Đinh Liệt, Nguyễn Xí, Lê Niệm bức tử. Những nhân vật này đã chọn Lê Tư Thành, một người có tiếng siêng năng học tập và có khí tượng đế vương lên làm vua và đổi niên hiệu thành Quang Thuận năm đầu. Trong 38 năm làm vua, ông có hai niên hiệu là Quang Thuận (1460-1469) và Hồng Đức (1470-1497). Ông mất được đặt miếu hiệu là Thánh Tông. Miếu hiệu này ở một mức độ nào đó đã nói lên công nghiệp của ông, một vị vua sáng suốt như một bậc thánh trí cả trên phương diện nội trị và ngoại giao.

 

Nếu trước đó (vào thời Lê Nhân Tông), nền hành chính nhà Lê chủ yếu được tổ chức theo lối hành chính cuối Trần, trong đó vai trò của tể tướng rất quan trọng thì khi lên làm vua, Lê Thánh Tông đã cải đổi bộ máy chính quyền theo hướng mọi quyền lực đều tập trung vào tay hoàng đế.

 

Để điều hành một bộ máy hành chính có tính tập trung quyền lực vào tay vua, ông đã thiết lập ra một cơ chế thực hiện và giám sát việc thực hiện các việc chính sự. Bộ phận thực hiện các ý chí chính trị và chính sự của vua là Lục Bộ (Lại, Lễ, Hộ, Binh, Hình, Công). Song Lục Bộ cần phải được đặt dưới sự giám sát vì vậy Lục Khoa đã được đặt ra. Chính điều này đã tạo nên một cơ chế vận hành bộ máy hành chính và cơ chế giám sát sự vận hành đó của bộ máy hành chính đó.

 

Để có nguồn nhân lực thực hiện bộ máy chính quyền này, Lê Thánh Tông đặc biệt chú ý đến khoa cử, xem khoa cử là nơi chuẩn bị và cung cấp người tài cho cơ chế điều hành nền chính sự như đã được trình bày ở trên đây. Đó là một trong những nguyên nhân làm cho khoa cử thời Lê Thánh Tông không chỉ cực kì thịnh trị mà còn trở thành định chế cho các đời khác noi theo.

 

Sự thịnh trị của khoa cử thời Lê Thánh Tông được thể hiện trên một loạt phương diện. Trong 38 năm cầm quyền (từ năm 1460 đến 1497), các khoa thi Hương, Hội đã được tổ chức theo định chế (Tý, Ngọ, Mão, Dậu thi Hương; Thìn, Tuất, Sửu, Mùi thi Hội). Có 13 khoa thi Hội đã được tổ chức trong 38 năm trị vì của Lê Thánh Tông, trong đó có một khoa Hoành từ (Quang Thuận 8) nhằm lấy những người có mưu lược cao lại có tài văn chương, lấy đỗ hơn 500 tiến sĩ.

 

Tuy khoa tiến sĩ đầu tiên được mở vào khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo năm thứ 3 (1442) nhưng việc triển khai sau đó chưa hoàn toàn theo định chế, đúng kì (có thể năm năm mới mở một khoa; có thể sáu năm mở một khoa). Do vậy, nét cơ bản nhất của khoa cử thời Lê Thánh Tông là tính định chế đỉnh cao cả trong thi Hương, thi Hội, thi Đình.

 

Tính định chế đỉnh cao đó được thể hiện qua những qui định trong phép học, phép thi, chế độ vinh danh, sử dụng các sản phẩm của khoa cử cho công cuộc xây dựng và bảo vệ một nước Đại Việt có văn hiến. Những người qua khoa cử của thời Lê Thánh Tông cũng không phụ sự kì vọng và mong mỏi đó. Họ cũng đã làm sang danh bảng vàng bia đá trên cương vị của mình nên lại góp phần rất quan trọng trong việc đưa các định chế đỉnh cao đó lên các tầm cao kinh điển, làm khuôn phép cho muôn đời.

Từ đường Hoàng giáp Trần Hữu Thành ở thôn Đại An, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên hiện nay sau lần tu sửa thứ hai vào năm 2015.

 

2. Định chế đỉnh cao trong thi Hương dưới triều Lê Thánh Tông

Thi Hương dưới triều Lê Thánh Tông trên các phương diện tổ chức, xác định học hạnh, lấy đỗ đã kế thừa của thời Lê sơ nói chung và nâng lên một bước mới, làm khuôn phép cho nhiều đời sau. Điều này được thể hiện tập trung ở việc xác định học hạnh qua chế độ bảo kết và các nội dung thi cử cụ thể qua hệ thống trường thi gồm bốn trường.

 

2.1. Định chế đỉnh cao về học hạnh qua chế độ bảo kết, bớt nhũng, nâng cao năng lực bộ máy và đội ngũ những người làm công tác giáo dục

Bảo kết là chế độ chứng nhận đảm bảo tư cách cho người dự thi về phương diện học hạnh, phẩm chất cũng như năng lực để họ sau khi đỗ sẽ là những sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của người tuyển dụng. Người tuyển dụng ở đây trước hết là vua và cũng là đất nước nói chung.

 

Qui định về học hạnh một cách nghiêm là một trong điểm đáng chú của khoa cử thời Lê Thánh Tông. Những ghi chép của Nguyễn Văn Đào trong Hoàng Việt khoa cử kính đã cho ta biết về vấn đề này.

 

Năm Nhâm Ngọ niên hiệu Quang Thuận thứ 3 (1462), định ra lệ bảo kết thi Hương. Bảo kết là những qui định nhằm xác định tư cách cho những người đi thi, đảm bảo rằng những người được dự thi phải có đủ các phẩm chất theo yêu cầu của nhà vua. Theo đó, vua đã cho sức xuống như sau: "Phàm là sĩ nhân trong nước, không thuộc các chức sắc, quân nhân vào thượng tuần tháng Tám năm nay, đến các đạo sở tại của mình để báo danh, ghi tên chờ thi Hương. Người nào trúng sẽ được gửi tên đến Viện Nghi Lễ để đến trung tuần tháng Giêng năm sau thi Hội. Cho phép quan địa phương và bản xã cấp giấy bảo kết đảm bảo tư cách cho người đi thi. Người nào thực có đức hạnh mới được cấp giấy bảo kết. Những kẻ bất hiếu, bất mục, loạn luân lý, điêu toa, dẫu có học vấn đều không cho phép vào thi. Phàm là cử nhân con của những nhà "cước sắc" khoa cử (dòng dõi khoa bảng) và những người cước sắc mà ông cha trị kinh, tuổi tác do huyện xã cung cấp đều không được phép giả mạo thì được dự thi Hội. Nhà con hát và nghịch đảng, nguỵ quan cũng như những người có tiếng xấu thì bản thân và con cháu đều không được dự thi".

 

Sau khi có giấy bảo kết thì sĩ tử được thi ám tả để loại bớt nhũng. Thi ám tả tức là thi chính tả để sơ bộ đánh giá khả năng biết chữ của những người dự thi, tức là thi để sơ bộ loại bỏ những người quá kém. Do chỗ việc lập danh sách những người đi thi vốn được các xã đưa lên nên trình độ của người đi thi rất khác nhau. Có nhiều người trình độ rất hạn chế nên dễ dẫn đến tình trạng mất thời gian cho việc tổ chức thi nếu như cứ để những người quá kém đi thi. Ở một mức độ nhất định, có thể coi đó là phép khảo hạch hay phép kiểm tra điều kiện.

PGS.TS Phạm Văn Khoái chia sẻ những thông tin nghiên cứu ghi chép từ Quốc sử về Đệ nhị giáp Tiến sĩ tại cuộc gặp mặt dòng tộc họ Trần Hoàng giáp Trần Hữu Thành tổ chức ngày 13 tháng 9 năm 2019 tại gia đình ông Trần Văn Đông, thôn Đại An, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.

 

Năm Quang Thuận thứ 7, lại khảo thí huấn đạo ở các phủ, huyện. Tuyển các học sinh trường Giám cho vào khảo thí. Người trúng trường nhất, trường nhì, trường ba lại có hạnh kiểm và học vấn, tuổi từ 35 trở lên thì được cho vào khảo thí trường tư. Nếu hợp cách thì mới cho làm huấn đạo để coi sóc việc học ở các phủ, huyện.

 

Việc định ra lệ bảo kết (đảm bảo về lí lịch) theo các tiêu chuẩn mà thời đại và triều đình qui định như đã được nêu trên đây đã trở thành tiêu chuẩn cho sự qui định về học hạnh cho mọi sĩ tử nói chung. Mọi lí lịch đó do các quan địa phương và bản xã cấp. Việc cấp giấy bảo kết đảm bảo tư cách cho người đi thi kèm theo sự chịu trách nhiệm về sự chúng nhận đó cho nên được gọi là "bảo kết". "Người nào thực có đức hạnh mới được cấp giấy bảo kết. Những kẻ bất hiếu, bất mục, loạn luân lý, điêu toa, dẫu có học vấn đều không được cấp giấy và không được cho phép vào thi". Lệ này trở thành khuôn phép cho mấy trăm năm sau.

 

Năm Nhâm Thìn, Hồng Đức năm thứ 3, lệnh cho lại viên trong các nha môn tham dự kỳ thi Hương. Nếu trúng thức được nâng lên chính quan. Năm ấy thêm định phép thi.

 

Việc cho phép lại viên đang ở chức mà được đi thi ngõ hầu như chỉ được thực hiện dưới triều vua Lê Thánh Tông. Ở các triều đại sau này, những người đương nhiệm làm quan thì không được dự thi.

 

Năm Quý Tỵ, Hồng Đức năm thứ 4, thi giáo chức.

 

Khoa Quý Mão, năm Hồng Đức 14, tính toán số người của các tỉnh nhiều hay ít mà định ngày vào trường thi và lệ cống sĩ.

 

Điều này ở một mức độ nào đó gắn liền với việc xác định số ngạch và giải ngạch hay xác định chỉ tiêu và phân bổ chỉ tiêu.

 

Khoa Canh Tuất, niên hiệu Hồng Đức 21, lệnh cho các quan ở Viện Hàn lâm bổ sung cho đầy đủ pháp điển cho kì thi Hương. Năm ấy cũng tổ chức thi Hội cho những người đã đỗ cử nhân.

 

Tháng 10 mùa Đông năm Nhâm Tý, Hồng Đức năm thứ 23, mở thi khoa Hương. Sai các quan ở Viện Hàn lâm làm khảo quan ở Hải Dương, Sơn Nam, Tam Giang, Kinh Bắc. Quan Hàn lâm làm nhiệm vụ quan trường thi bắt đầu từ đây.

 

Khoa Quý Mão, năm Hồng Đức 14, tính toán số người của các tỉnh nhiều hay ít mà định ngày vào trường thi và thể lệ lấy đỗ cống sĩ. Điều này ở một mức độ nào đó gắn liền với việc xác định số ngạch và giải ngạch hay xác định chỉ tiêu và phân bổ chỉ tiêu.

Hậu duệ Trần Khánh Duy đời thứ mười của Hoàng giáp Trần Hữu Thành cảm ơn PGS.TS Phạm Văn Khoái đã chia sẻ những thông tin ghi chép từ Quốc sử về Đề hình Giám sát Ngự sử và mong sớm hoàn thành cuốn sách về Hoàng giáp trong cuộc gặp mặt dòng tộc họ Trần Hoàng giáp Trần Hữu Thành tổ chức ngày 13 tháng 9 năm 2019 tại thôn Đại An, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.

 

2.2. Định chế về văn thể bài thi Hương dưới triều Lê Thánh Tông

Văn thể bài thi nói chung, thi Hương nói riêng là một trong những vấn đề của khoa cử vì nó cho biết sĩ tử thi như thế nào, thi những nội dung gì. Từ các môn thi như thế có thể thấy được các yêu cầu trắc nghiệm của khoa cử nói chung, thi Hương nói riêng. Vua Lê Thánh Tông đã đưa ra các định chế về văn thể bài thi. Các định chế đó được phát triển và hoàn thiện theo hướng được chi tiết hóa và cụ thể hơn theo thời gian. Điều đó được thể hiện qua một số sự kiện lịch sử dưới đây.

 

Nhâm Ngọ niên hiệu Quang Thuận thứ 3 (1462), sau khi ban hành lệ bảo kết thi Hương, đối với những người qua được kì khảo hạch này, việc thi Hương sẽ theo chế độ tứ trường với các trường thi và văn thể trường thi như sau:

 

Trường thứ nhất: kinh nghĩa của Tứ Thư gồm 5 đạo. Kinh nghĩa chỉ hỏi về Tứ Thư chứ không có Ngũ Kinh. Có thể nói đây là bước đầu cho lệ này nên việc thi còn nhẹ.

 

Trường thứ hai: chiếu, chế, biểu dùng tứ lục cổ thể. Thí sinh phải làm các bài văn theo thể chế, chiếu biểu nhưng đề ra đến nay không còn biết được.

 

Trường thứ ba: thi làm thơ theo luật Đường, thi làm phú theo cổ thể, thể Ly Tao, thể Văn tuyển đều phải dài từ 300 chữ trở lên. Điều này tương đối rõ đối với người hiện đại chúng ta khi đọc về các đề thi thuộc trường thi này.

 

Trường thứ tư: thi 1 đạo văn sách hỏi về kinh sử, thời vụ với hạn dài trên 1000 chữ.

 

Năm Nhâm Thìn, Hồng Đức năm thứ 3, lệnh cho lại viên trong các nha môn tham dự kỳ thi Hương. Nếu trúng thức được nâng lên chính quan. Năm ấy thêm định phép thi. Thi theo 4 trường với các yêu cầu cụ thể như sau:

 

Trường nhất, Tứ Thư 8 đạo: Luận Ngữ, Mạnh Tử mỗi sách 4 đạo (đề), sĩ tử tự chọn 4 đạo mà làm bài. Ngũ kinh, mỗi kinh 3 đề. Sĩ tử tự chọn 1 đề làm bài. Riêng Xuân Thu có 2 đề làm gộp lại thành 1đề.

 

Như vậy, trường kinh nghĩa đến đây đã đổi nhiều so với khoa thi Nhâm Ngọ, Quang Thuận năm thứ 3 (1462). Kinh nghĩa đã thi cho cả Kinh và Truyện. Kinh là Ngũ kinh (Thi, Thư, Dịch, Lễ, Xuân Thu). Truyện là Đại học, Trung Dung, Luận Ngữ, Mạnh Tử.

 

Trường nhì, chế chiếu biểu, mỗi loại 1 đề.

 

Trường ba, thơ phú, mỗi loại 1 đề, đều dùng thể của Lý Bạch.

 

Trường tư, văn sách 1 đạo hỏi về chỉ ý dị đồng của Thi và Thư, cũng như các đắc thất của chính sự lịch triều.

 

Việc cho phép lại viên đang ở chức mà được đi thi ngõ hầu như chỉ được thực hiện dưới triều vua Lê Thánh Tông. Ở các triều đại sau này, những người đương nhiệm làm quan thì không được dự thi.

 

Năm Quý Tỵ, Hồng Đức năm thứ 4, thi giáo chức. Trong đợt thi này, để tuyển giáo chức, hệ thống văn thể bài thi được qui định như sau:

 

Trường nhất, Tứ Thư, Ngũ Kinh, mỗi thứ 1 đề. Ở trường này thí sinh phải làm bài kinh nghĩa mà trong đó phải làm sáng rõ ý nghĩa của các kinh điển theo một đề cụ thể được ra. Việc cả Tứ ThưNgũ Kinh được sử dụng để ra đề đã cho thấy mức độ khó hơn của đề ra. Nếu so sánh với các khoa khác (thi Hương) mới chỉ hỏi trong phạm vi Tứ Thư thì ở kỳ thi này còn hỏi theo Ngũ Kinh nữa.

 

Trường nhì, phú 1 đề, dùng thể Lý Bạch. Nếu so với các khoa thi khác thì thể phú ở đây chỉ được chọn theo thể phú Lý Bạch chứ không phải là chọn theo nhiều thể nữa.

 

Trường ba, chế chiếu biểu, mỗi loại 1 đề.

 

Việc thi giáo chức như thế nhằm tuyển chọn những người có năng lực làm các văn bài khoa cử cho nhiệm vụ hướng dẫn khoa cử. Việc áp dụng thi cho đội ngũ giáo chức nhằm xây dựng một đội ngũ những người có năng lực đảm nhận công việc trông coi việc học của nhà nước.

 

Tháng 10 mùa Đông năm Nhâm Tý, Hồng Đức năm thứ 23, mở thi khoa Hương. Sai các quan ở Viện Hàn lâm làm khảo quan ở Hải Dương, Sơn Nam, Tam Giang, Kinh Bắc. Quan Hàn lâm làm nhiệm vụ quan trường thi bắt đầu từ đây.

 

Có thể nói, thi Hương thời Lê Thánh Tông đã được tổ chức rất căn bản mang tính định chế đỉnh cao để chuẩn bị nguồn tuyển cho thi Hội.

 

3. Định chế đỉnh cao trong thi Hội, thi Đình và chế độ vinh danh Tiến sĩ

Vua Lê Thánh Tông lên ngôi (1460), tuổi đã trưởng thành, muốn trực tiếp điều hành bộ máy hành chính theo lối quân chủ chuyên chế tập quyền. Vua cần có một bộ máy trực tiếp do mình ra lệnh, mình điều hành và đồng thời lại muốn kiểm sát bộ máy đó nên vừa đặt Lục Bộ (Lại, Lễ, Hộ, Binh, Hình, Công) để thừa hành mọi việc triều chính, đất nước, quốc gia, điều hành mọi việc đồng thời lại đặt ra Lục Khoa (Lại, Lễ, Hộ, Binh, Hình, Công) để kiểm sát mọi việc của hệ thống Lục Bộ nên nhu cầu tuyển chọn tiến sĩ đã trở thành vấn đề cấp bách. Do vậy, đến đây mới định, ba năm một khoa, đều ban cho tiến sĩ vinh qui, mãi mãi theo đó thành lệ như một định chế.

PGS.TS Phạm Văn Khoái chia sẻ bối cảnh lịch sử của nhà Mạc lúc bấy giờ và những thông tin nghiên cứu ban đầu về Hoàng giáp Trần Hữu Thành tại cuộc gặp mặt dòng tộc họ Trần tổ chức ngày 13 tháng 9 năm 2019 tại gia đình ông Trần Văn Đông, thôn Đại An, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.

 

Thi Hội dưới triều Lê Thánh Tông được bắt đầu từ Khoa Quý Mùi, Quang Thuận năm thứ tư (1463), được tổ chức vào mùa xuân các năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi với 13 khoa thí, lấy đỗ hơn 500 tiến sĩ.

 

Khoa thi Tiến sĩ ở triều Lê nói riêng và ở nước ta nói chung bắt đầu từ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo năm thứ ba dưới triều vua Lê Thái Tông như đã được đôi lần đề cập đến ở trên thế nhưng chưa thành định chế về mặt niên hạn, chế độ đề danh, lập bia đá đề danh tiến sĩ, chế độ vinh qui và tuyển dụng tiến sĩ,... Điều này có nhiều lí do trong đó có các lí do liên quan đến phương thức tổ chức chính quyền.

 

Sau khi vua Lê Thái Tông mất ngay trong năm 1442, vua lại còn nhỏ tuổi, triều chính do tay nhiếp chính điều hành. Theo đó, tể tướng, mật viện (cơ quan ban hành mệnh lệnh do các đại thần phụ chính trực tiếp đảm nhận) được trọng mà không chú ý đến Lục khoa (cơ quan giám sát và đàn hặc), tiến dẫn nha lại đao bút chứ không dùng Nho sĩ kinh thuật nên khoa Tiến sĩ hầu như không được chú trọng nữa.

 

Các trường thi Hội cũng theo thể thức Tứ trường (kinh nghĩa, thi phú, chế chiếu biểu, văn sách) nhưng mức độ khó hơn nhiều. Điều này cũng trở thành định chế. Những người đỗ trong thi Hội của từng khóa được qui định sẽ được vào thi Điện để xếp thứ bậc đỗ.

 

Khoa Quý Mùi, Quang Thuận năm thứ tư (1463), ngày thi Điện của khoa ấy bắt đầu cho sung Tế tửu Quốc Tử Giám làm quan độc quyển. Vua Lê Thánh Tông giá lâm đến hiên nhà thi, thân hành ra đề sách vấn về đạo trị nước của đế vương, lấy trúng 44 người. Lương Thế Vinh người Cao Hương, Thiên Bản, Sơn Nam được trúng Trạng nguyên. Xưa mẹ vua, đức Quang Thục cầu tự, bà mộng thấy thượng đế ban cho thiên tiên đồng tử. Lại ban cho một người tiên đồng lương bật. Thế rồi sinh ra vua. Khoa ấy quả được Lương Thế Vinh có bóng dáng hao hao mà thượng đế đã ban cho. Thế mới hay, đó là vua tôi gặp gỡ. Khoa ấy gia ân tứ cho các ông đệ nhất giáp. Mỗi ông được 1 lá cờ hồng để tăng thêm sự hiển vinh cho họ. Trong đó có đề thơ rằng: "Trạng nguyên Lương Thế Vinh. Bảng nhãn Nguyễn Đức Trinh. Thám hoa Quách Đình Bảo. Thiên hạ cộng tri danh".

        

Lại truyền lô, ban ân mệnh. Treo bảng vàng ở ngoài cửa Đông Hoa để biểu thị cho kẻ sĩ được biết. Các chế độ vinh danh có tính kinh điển như: ban yến, du nhai (diễu hành qua phố phường ở kinh đô), biển đề danh, vinh qui, lập bia đề danh tiến sĩ, ban tước, bổ nhiệm. Thật là một lối đối đãi rất hậu đối với sĩ tử và sự hậu đãi này đã trở thành mẫu mực cho lối đối xử với kẻ sĩ nói chung. Chẳng hạn như:

 

Tháng Tư năm Hồng Đức thứ 3 (1472), vua ngự giá đến hiên nhà thi Đình, đích thân ra đề văn sách hỏi về đạo "đế vương trị lý thiên hạ". Với đề thi này trực tiếp hỏi về đạo sửa trị thiên hạ của các đế vương. Trong đạo sửa trị này phải có việc chăm lo kẻ sĩ. Lấy đỗ 27 người. Vũ Kiệt người An Việt, Siêu Loại, Kinh Bắc trúng trạng nguyên. Cũng năm này đã định lệ về ban phẩm tước cho các tiến sĩ. Đệ nhất giáp đệ nhất danh (trạng nguyên) cho chánh lục phẩm, 8 tư. Đệ nhị danh (bảng nhãn) cho tòng lục phẩm, 7 tư. Đệ tam danh (thám hoa) cho chánh thất phẩm, 6 tư. Đệ nhị giáp tiến sĩ cập đệ cho tòng thất phẩm, 5 tư. Đệ tam giáp tiến sĩ xuất thân cho chánh bát phẩm, 4 tư. Nếu như được vào Viện Hàn lâm thì thêm một tư.

 

Khoa Tân Sửu, Hồng Đức năm thứ 12 (1481). Tháng Tư, thi Hội cho các cử nhân. Vua ra ngự ở điện Kính Thiên, đích thân ra sách vấn hỏi về lý số. Xác định vị trí đẳng đệ. Tháng Năm, cho triệu bọn tân tiến sĩ vào điện Đan Trì. Lệnh cho quan truyền chế xướng danh. Bộ Lễ mang bảng vàng, trong tiếng của nhã nhạc rước bảng ra treo ngoài của Đông Hoa. Treo bảng xong, ty Mã cứu chọn ngựa hay tống rước trạng nguyên về phủ đệ. Lấy trúng 40 người. Phạm Đôn Lễ người Hải Trào, Sơn Nam đỗ tam nguyên trạng nguyên.

 

Khoa Giáp Thìn, Hồng Đức 15 (1484), thi Đình. Sách vấn hỏi về nhà Triệu Tống dụng Nho. Lấy trúng 44 người. Nguyễn Quang Bật người Bình Ngô, Kinh Bắc đỗ trạng nguyên. Lại lệnh cho Quách Đình Bảo ở Bộ Lễ tra chiếu tên người đỗ các khoa từ năm Đại Bảo thứ ba lại đây, khắc vào bia đá. Lại đổi trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa thành tiến sĩ cập đệ, chánh bảng làm tiến sĩ xuất thân, phụ bảng thành đồng tiến sĩ xuất thân.

 

Lại ra sắc lệnh cho các quan viên, ai có khả năng tập theo nghiệp khoa cử chưa qua thi Hương nhưng tình nguyện thi Hội, ở kinh do Phủ Phụng Thiên, ở ngoài do quan địa phương tổ chức phúc hạch, hết thảy phải theo lệ thi Hương, sau đó mới cho vào thi Hội. Đây cũng là một trong những điểm đặc biệt trong chế độ thi Hội ở triều Lê Thánh Tông nhằm tạo điều kiện cho những người đã ra làm quan nhưng chưa qua thi Hương có dịp hay cơ hội vào thi Hội.

 

Khoa Đinh Mùi, niên hiệu Hồng Đức 18, thi Đình. Nhà vua đích thân ra đề sách vấn hỏi về trị đạo. Ngự lãm quyển xong, tuyên triệu các tiến sĩ bậc ưu vào cửa Nhật Quang, thân hành giám định, lấy trúng 60 người. Trần Sùng Dĩnh người Động Khê, Thanh Lâm, Hải Dương đỗ trạng nguyên.

 

Việc dựng bia đá đề danh tiến sĩ được thực hiện lần đầu tiên vào năm 1484 nhân có khoa Giáp Thìn, Hồng Đức năm thứ 15.

 

Khoa thi tiến sĩ được ghi trên bia đá là khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo năm thứ ba tức năm 1442. Có thể coi đó như là sự truy ghi cho việc Đề danh.

 

Tấm bia có tính khai khoa cho các khoa thi tiến sĩ Đại Việt này hiện đang đứng ở Tòa Bi đình trung tâm phía dãy Bi đình bên trái ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội nếu đứng từ phía trong Văn Miếu nhìn ra.

Ông Trần Khánh Dư, hậu duệ đời thứ mười của Hoàng giáp Trần Hữu Thành chia sẻ những khó khăn và thuận lợi trong suốt quá trình thu thập những thông tin về Hoàng giáp tại cuộc gặp mặt dòng tộc họ Trần ngày 13 tháng 9 năm 2019.

 

Bài văn bia do Thân Nhân Trung soạn trong đó có câu: "Hiền tài, quốc gia chi nguyên khí. Nguyên khí thịnh tắc quốc thế cường dĩ long. Nguyên khí nỗi tắc quốc thế nhược dĩ ô. Thị dĩ, thánh đế minh vương mạc bất dục tài thủ sĩ, bồi thực nguyên khí vi tiên vụ. Cái sĩ chi quan hệ ư quốc gia như thử kì trọng hĩ. Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước thịnh mà đi lên. Nguyên khí yếu thì thế nước suy mà bị ô nhục. Bởi vậy các bậc thánh đế minh vương không ai là không lấy việc nuôi người tài, lấy kẻ sĩ, vun đắp nguyên khí làm nhiệm vụ chăm lo trước hết. Đại khái sĩ trong mối quan hệ với quốc gia quan trọng là như thế đấy" được xem như là một trong những tuyên ngôn nổi tiếng nhất về khoa cử.

 

Như vậy, trong 38 năm trị vì, vua Lê Thánh Tông đã đưa khoa cử thành định chế có tính mẫu mực cho khoa cử Việt Nam thời phong kiến nói chung. Tính định chế đó được thể hiện trên tất cả các phương diện từ thi Hương đến thi Hội. [12 khoa thi Hương và 13 khoa thi Hội (trong đó có 1 khoa hoành từ), lấy đỗ hơn 500 tiến sĩ] là một trong những thành tựu có tính điển chế và định chế về khoa cử quốc gia.

 

Tính định chế được thể hiện qua việc tổ chức thi gắn liền với việc tổ chức học và qui định về phẩm chất của những người chuyên lo về việc học từ kinh đô đến các địa phương. Xác định tư cách người đi thi theo lệ bảo kết để đảm bảo người được ra thi phải là người có đức hạnh, trung thành với triều đình, không phải là kẻ bất hiếu, bất đễ, không phải là con nhà cừu gia đệ tử. Về mặt thời gian là mùa Thu các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu thi Hương. Thi Hương có các trường thi như: Sơn Nam, Hải Dương, Kinh Bắc, Tam Giang,… Trường thi Sơn Nam cho các tỉnh và thành phố bây giờ như Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, một phần tỉnh Hưng Yên, Thái Bình. Trường thi Hải Dương cho các tỉnh Hải Dương, một phần Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh. Trường thi Kinh Bắc cho các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và các tỉnh của vùng Đông Bắc. Trường thi Tam Giang cho các tỉnh như Vĩnh Phúc, Phú Thọ,…

Ông Trần Văn Đông, hậu duệ đời thứ mười của Hoàng giáp Trần Hữu Thành phát biểu cảm ơn PGS.TS Phạm Văn Khoái và chúc PGS mạnh khỏe để tiếp tục đồng hành cùng dòng tộc họ Trần tìm về cuội nguồn mà bấy lâu nay thế hệ con cháu hằng mong ước.

 

Việc lấy đỗ ở thi Hội và nhất là ở thi Đình là trực tiếp do vua trông nom. Vua tận mắt xem mặt các tiến sĩ vào thi Đình và tự ra đề sách vấn về các vấn đề trị nước an dân để từ đó mà lựa ra đội ngũ những người ra đảm nhận các vị trí trong bộ máy hành chính mà vua đang tổ chức. Vua đối xử rất hậu đối với những người được tuyển chọn như thế qua việc ban tặng danh hiệu, ban yến, du nhai, vinh qui bái tổ, ghi tên trên bia đề danh tiến sĩ. Sự tổ chức và đối đãi như thế thật là tột đỉnh cho việc tuyển lựa người tài ra giúp nước. Những người được tuyển như thế phần nhiều đều có thực tài nên đã giúp vua làm nên sự thịnh trị của Đại Việt vào nửa cuối thể kỉ XV.

 

"Người xưa quan niệm, khí trong lành của trời đất hun đúc lên nhân tài. Con đường vinh tiến của sĩ phu chẳng gì hơn khoa mục. Đại khái, nhân tài là nguyên khí của quốc gia, khoa mục là con đường rộng cho sĩ tử. Nửa đời chăm học, một sớm quang vinh. Bảng vàng treo trước cổng trường, bia đá khắc nhà Thái Học. Mũ áo cờ biển vua ban, vinh dự ngắm hoa ban yến. Hân hạnh biết chừng nào! Đầu Ngao trúng tuyển" ấy cái người đời quí trọng. "Bảng Hổ khôi danh", nọ chỗ học giả tôn vinh"[1].

 

"Đầu Ngao trúng tuyển", "Bảng Hổ khôi danh" là những cách nói cho sự vinh danh khoa mục và cũng đã trở thành hoài bão, khát vọng của biết bao kẻ sĩ đã được tổ chức và thực hiện đến mức mẫu mực dưới thời vua Lê Thánh Tông.

 

Mọi vinh dự mà kẻ sĩ được hưởng cũng như nhà nước cũng chọn được người cho xứng với các vị trí ngõ hầu như được gắn chặt với khoa cử thời Lê Thánh Tông trong hai niên hiệu Quang Thuận và Hồng Đức. Bởi thế cho nên, khi suy tôn Cụ Cao cao tổ khảo của mình - Hoàng giáp Trần Hữu Thành, các thế hệ cháu con họ Trần đã dùng những câu chữ gắn chặt với thời vua Lê Thánh Tông là một việc làm vừa có cơ sở, vừa thấm đậm niềm tự hào với Đấng tiên tổ xứng với danh hiệu "Quỳnh Uyển Tao Đàn huynh giáp bảng. Quỳnh Uyển, Tao Đàn đầu bảng giáp".

 

PGS.TS Phạm Văn Khoái

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn,

Đại học Quốc gia Hà Nội

 

[1] Nguyễn Văn Đào, tài liệu đã dẫn, trang 140.

 

Các bài viết khác