Chùa Cổ Lễ hiệu “Thần Quang tự” (神光寺) tọa lạc tại trung tâm thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Từ thành phố Nam Định, qua cầu Đò Quan xuôi theo quốc lộ 21 khoảng 16 km về phía Đông Nam, tới thị trấn Cổ Lễ, qua nhịp cầu nhỏ rẽ trái chúng ta sẽ tận mắt chiêm ngưỡng ngôi chùa nguy nga, tráng lệ với tòa Bảo tháp trầm mặc vươn lên nền trời cao xanh lồng lộng.
Truyền thuyết dân gian và những tư liệu lịch sử ghi chép trong các sách: Lĩnh Nam chích quái, Thiền tuyển tập anh, Đại Nam nhất thống chí, Nam ông mộng lục… cho biết: Chùa do Quốc sư Minh Không xây dựng từ thế kỷ XII thời Lý. Tương truyền “trước khi vua Đinh Tiên Hoàng còn hàn vi thường đánh cá ở sông Giao Thuỷ, cất được viên ngọc khuê to, chạm phải đầu thuyền sứt mất một góc. Đêm ấy ngủ ở chùa Giao Thuỷ, ngọc khuê ở giỏ cá, có ánh sáng lạ thường, sãi chùa dậy hỏi nguyên cớ, vua nói thật và lấy ngọc khuê cho xem. Sãi chùa thở dài nói: Anh này phú quí không biết thế nào mà nói được, chỉ tiếc rằng phúc không được lâu thôi (Đại Việt sử ký toàn thư, NXB VHTT, 2006, trang 199). Bài minh khắc trên chuông đồng đúc năm 1799, niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 7 cũng lưu giữ tại chùa, có câu (dịch): “Chân cảnh trời Nam, Thánh tổ đản giáng, dựng chùa Thần Quang”. Sau này, ghi nhận công lao trời biển của Đức Thánh tổ, nhân dân trân trọng tạc tượng thờ Ngài tại chùa theo nghi thức: Tiền Phật, hậu Thánh.
Đức Thánh tổ thế danh là Chí Thành, pháp hiệu Minh Không, quê làng Đàm Xá (Đàm Giang) thuộc đất Trường Yên, nay là xã Gia Thắng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Ngài xuất thân bình dân, sau là bậc Thánh, bậc cao Tăng nổi tiếng và là ông Tổ nghề đúc đồng của Việt Nam. Ngài thường đi chu du khắp nơi thi thố nhiều pháp thuật kỳ diệu, chữa bệnh cứu dân và đã từng cứu vua Lý Thần Tông thoát khỏi căn bệnh quái ác “Vua hóa hổ”, được nhà vua phong Quốc sư.
Ngày nay, nhân dân trong vùng Cổ Lễ vẫn đang truyền tụng nhiều hành tung siêu phàm và kỳ tích phi thường của Quốc sư Minh Không. Tại các vùng quanh Cổ Lễ vẫn còn dấu chân trên đá của Ngài thời còn hàn vi: Cổ Lễ (nơi đặt đó bắt cá), Tương Nam (nơi có chiếc lều nghỉ chân) và Liên Tỉnh, thôn Nội là nơi ngài thường qua lại:
“Liên tỉnh trước chùa trông ra,
Đá tiên, gót ngọc rõ là thần thông”.
(Bài kệ chùa Cổ Lễ)
Chùa Cổ Lễ được khởi dựng từ thời Lý nhưng trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử và thời gian, dấu tích cổ xa bị phai mờ hoang phế. Đến cuối thế kỷ XIX, cảnh chùa chỉ còn lại một am nhỏ với nhiều di tích đổ nát. Năm 1902, Hòa thượng Phạm Quang Tuyên Tháp hiệu Hương Quang - Thích Kỹ Kỳ Luật sư đến trụ trì tại chùa. Ngài là một Thiền sư có đạo đức cao cả, một trí thức uyên bác. Mới đầu cụ đúc một con trâu bằng vàng rồi đưa vào Triều đình tâu với vua Khải Định: Bần tăng ở Cổ Lễ bới đất nhặt cỏ thấy một vật lạ vào trình vua. Vua tuổi Sửu nhận được con trâu bằng vàng phấn khởi hỏi: Bần tăng cần gì? Bần tăng muốn xây chùa ở Cổ Lễ. Vua cho chiếu chỉ xây ngay nhưng cụ chưa về ngay mà còn xuống các phòng của cung phi mỹ nữ để thông báo về việc Cổ Lễ xây chùa. Các cung phi mỹ nữ đưa tiền, vàng tiến cúng để xây chùa nhưng cụ không nhận mà nói “Tài dị sát nhân” và mời các quan bà khi nào xuống móng thì về dự động thổ. Khi có chiếu chỉ của nhà Vua về việc được phép xây chùa, chính quyền sở tại cấp đất nơi gần chùa cũ, đất linh thiêng tụ khí, tụ nhân, tụ đức, nhân dân trong vùng ủng hộ. Hòa thượng Phạm Quang Tuyên có biệt tài kiến trúc chùa tháp. Ông đã dốc tâm huyết kêu gọi các tín đồ, thập phương bỏ công, của để xây dựng lại ngôi chùa. Trong khoảng thời gian từ 1914 - 1919 và sau đó Hòa thượng Phạm Quang Tuyên đã kiến tạo lại toàn bộ công trình chùa thành những nhóm kiến trúc có giá trị nghệ thuật riêng biệt nhưng vẫn hòa nhập với tổng thể cảnh quan, mang phong cách “cửa Thiền trên nền văn hóa dân tộc, phương Đông kết hợp phương Tây”.
Công trình Phòng Ban Giáo hội Phật giáo huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định mới được xây dựng sau chùa Cổ Lễ.
Hòa thượng Phạm Quang Tuyên chủ trì công việc xây dựng chùa, quả là một công trình sư uyên bác. Ông không cần một bản vẽ thiết kế nào, không cần một chút vật liệu hiện đại như xi măng, sắt thép mà chỉ là gạch, vôi, vữa, mật, muối, giấy bản và công sức của nhân dân để xây dựng chùa. Tiếp bước Hòa thượng Phạm Quang Tuyên là Hoà thượng Phạm Thế Long - Tháp hiệu: An Lạc và các thế hệ sư trụ trì kế cận đã hoàn thiện thêm những công trình nhỏ, tạo thêm sự nguy nga cho ngôi chùa.
Chùa Cổ Lễ hiện nay có nhiều nét khác với chùa cổ Việt Nam bởi sự kết hợp khéo léo yếu tố kiến trúc cổ truyển với kiến trúc Gô-tích. Chùa cổ Việt Nam thường thấp và trải rộng về bề ngang với bộ khung gỗ lim vững chắc. Nhưng chùa Cổ Lễ không những rộng mà còn rất cao. Kiến trúc mái vòm để chịu lực được xử lý rất hợp lý. Nếu nhìn từ xa, ta có cảm giác như một nhà thờ Thánh đường của Thiên chúa giáo nhưng nhìn kỹ thì lại là một ngôi chùa bởi đôi rồng chầu rất lớn ở phía trước và các họa tiết trang trí khác.
Chùa Cổ Lễ là một chỉnh thể gồm nhiều công trình kiến trúc khác nhau, trải rộng theo hướng Đông - Tây, trên một diện tích gần 10 mẫu Bắc bộ xếp từ ngoài vào trong cổng chùa, tháp cửu phẩm liên hoa, cầu cuốn, tam quan, nhà hội quán, đền Thánh, đền Mẫu, hai cầu núi, chùa chính, nhà tổ, nhà khách, phòng tăng, pháp đường, tòa kim chung bảo các, vườn tháp… Trong đó, công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật cao là tháp Cửu phẩm liên hoa.
Hai bên của Phật giáo hội quán là đền cha và phủ mẹ.
Tháp Cửu phẩm liên hoa là điểm nhấn của tổng thể Cổ Lễ. Tháp do Hòa thượng Phạm Quang Tuyên thiết kế, xây dựng năm Đinh Mão, niên hiệu Bảo Đại 2 (1927), theo dạng “Phù đồ” (Stupa) là loại kiến trúc nhiều tầng vươn cao dần lên không trung thể hiện sức bươn trải của đạo và mang đặc trưng của kiến trúc Phật giáo.
Tháp cao 32m, cấu trúc theo kiểu “cửu phẩm liên hoa”, nghĩa là do 9 tầng hoa sen liên kết mà tạo thành, mang ý nghĩa “cửu trùng” là 9 tầng trời phật, một đặc thù tín ngưỡng của đạo Phật Thích Ca. Tháp xây giữa hồ lớn (có kích thước 22,85m x 18,35m). Các bậc cao niên ở Cổ Lễ cho biết, việc xây dựng tháp của nhà sư Phạm Quang Tuyên hết sức công phu. Để xây dựng được tháp trên một hồ nước, nhà sư phải cho gia cố móng bằng 50 cây gỗ lim lớn. Lần đầu tháp đã bị đổ. Lần thứ hai mới xây thành công và đứng vững đến ngày nay. Tháp có tiết diện hình bát giác (diện tích 42,10m2). Nền tháp thể hiện bằng một con rùa lớn nổi giữa mặt hồ. Dáng vóc rùa thật sinh động, chắc khoẻ, dài 18m, rộng 10m. Mai rùa được cách điệu lượn cong thành 8 múi lớn, mỗi múi dài 4,65m. Bốn chân rùa vươn dài trụ vững xuống lòng hồ, đầu hướng vào trong chùa, đuôi hướng ra phía ngoài. Rùa biểu tượng cho sự vững trãi, trường tồn, Tháp “Cửu phẩm liên hoa” (九品蓮華) xây trên lưng rùa (Tháp rùa) một biểu tượng của văn hóa Phật giáo Tịnh độ, cũng là biểu tượng cho sự vững trãi, trường tồn của Phật pháp.
Toàn bộ tháp cao 11 tầng: 1 tầng đế, 1 tầng đỉnh, 9 tầng hoa sen liên kết hài hoà. Lòng tháp được nhà thiết kế kiến trúc tài hoa tạo một trụ tròn (hồ lô) có 64 bậc vòng từ chôn ốc lên đỉnh tháp, ứng với 64 quẻ của Kinh dịch. Quần thể kiến trúc tháp gồm: Tháp chính ở giữa, đứng trên lưng rùa, 4 hướng: Đông, Tây, Nam, Bắc là 4 núi (non bộ), phỏng theo triết lý Đông phương: Thái cực - lưỡng nghi - tứ tượng - bát quái… mà Kinh dịch từ nghìn năm trước đã dạy. Việc tạo dựng núi giả và voi quanh chân tháp cũng làm tăng vẻ hùng vĩ cho Bảo tháp và có ý đề cập triết lý nhà Phật: “Tứ đại-tứ sơn…” - đất, nước, gió, lửa; sinh, lão, bệnh, tử… mà loài người phải tích thiện để tránh xa cảnh trầm luân. Tháp tuy chiếm lĩnh đỉnh cao, song lại hòa nhập với chùa thành một phong cảnh kỳ viên.
Tháp chùa Cổ Lễ thuộc dạng tháp thờ Phật và Bồ Tát, tầng trên cùng thờ Phật A Di Đà, đức Phật chủ trì thế giới Tây Phương cực lạc. Trên 4 mặt chính của tháp đều thể hiện các tên hiệu Phật thông qua các câu kệ: Mặt trước: Nam mụ (kính lễ) Liên trì hội thượng Phật Bồ Tát. Mặt sau: Nam mô Tây Phương cực lạc A Di Đà Như Lai. Hai mặt bên: Nam mô Quan Đại thế chớ Bồ Tát và Nam mô Thanh tịnh Đại hải chúng Bồ Tát.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Năm thì những câu kệ trên tháp chùa Cổ Lễ mang dấu ấn Phật giáo Mật tông thời Lý, một dòng Thiền có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội lúc bấy giờ. Và chính sự phát triển của Mật tông đã góp phần để đạo Phật hòa nhập và sau này trở thành Tam giáo đồng nguyên: Nho - Phật - Lão từ thời Lý. Đây là sự giải mã hết sức có cơ sở, bởi chúng ta biết rằng chùa Cổ Lễ được khởi dựng từ thời Lý trong thời gian Quốc sư Nguyễn Minh Không hành đạo. Ngài là người đã học và tu hành theo phái Thiền Mật Tông. Mặc dù cây tháp được sư tổ Phạm Quang Tuyên xây dựng đầu thế kỷ XX nhưng vẫn mang phong cách chùa tháp thời Lý: Tháp dựng trước chùa chính. Vào với chùa chính qua một cầu cuốn bắc qua một sông nhỏ dẫn thuỷ thông hai bên tả hữu và cũng được thể hiện rất rõ ý tưởng của đạo Phật là: Đạo và Đời, chiếc cầu cuốn là chiếc gạch nối giữa hai triết lý ấy. Tại chùa hiện nay còn bảo tồn nguyên vẹn được một công trình có giá trị kiến trúc độc đáo đó là kết hợp hài hòa giữa kiến trúc Phật giáo và kiến trúc Đền làng, công trình tam quan ở các chùa cổ, các cột hành mã ở các Đền ở làng quê Việt Nam, tại chùa Cổ Lễ được cách điệu hoàn hảo kiến trúc đơn giản mang đậm nét văn hóa dân tộc. Bước qua công trình này chúng ta thấy như qua tam quan vào chùa và cũng như qua tòa hành mã vào Đền. Tòa này được xây dựng theo hình chữ nhất thể hiện công phu, khéo léo và tài hoa của người thợ và thể hiện thành công ý tưởng của tổng công trình sư Hoà thượng Phạm Quang Tuyên nhằm tri ân công đức của thiền sư Nguyễn Minh Không và ca ngợi cảnh đẹp viên mãn của chùa.
“Thần Quang cảnh hợp tường vân hiện
Cổ Lễ xuân hồi tuệ nhật lai”
Hoặc
“Càn cấn tốn khôn đức thủy trừng
Đông tây nam bắc danh sơn cùng”
Hiện nay còn lưu giữ đầy đủ 12 bộ câu đối trên các trụ cột của Tam quan và các cột hành mã được khảm gốm sứ công phu nét chữ đẹp, đường nét mềm mại hoa văn tinh xảo thực sự là một công trình kiến trúc Phật giáo có giá trị nghệ thuật đạt tới đỉnh cao cho đến ngày nay. Tiếp theo là 3 công trình lớn Hội quán, vào trong Hội quán thấy ngay bức hoành phi lớn: Phật giáo hội quán nghĩa là nhà hội tụ của Phật giáo. Phật giáo hội quán được phát triển trong phong trào chấn hưng Phật giáo:
Câu đối:
Phật pháp chấn hưng thanh danh bất hủ
Thiên nhân hoan hỉ công đức vô tư
Xung quanh Hội quán được trang trí bởi hoa văn sóng nước đơn giản nhưng tinh tế sống động và xen kẽ bởi những chữ Phạn cổ làm cho công trình thêm thâm nghiêm mang đậm nét Phật giáo. Tiếp theo Đền- mẫu, Đền thờ các nhà khoa bảng trong làng Cổ Lễ xa và những người con quê hương đã hi sinh vì Tổ quốc.
Đến với công trình nguy nga, to đẹp hay còn gọi là chùa chính Hòa thượng đã tạo ra hai cầu núi mà mỗi khi đi qua mọi người như đi vào rừng và hang động (Như động như lăng 如峒如陵 - Hữu kiều hữu mộc 有橋有木). Kiến trúc chùa chính được xây dựng hoành tráng cung cao nhất tới 29m, chiều cao hiếm có trong hệ thống chùa cổ tại Việt Nam, công trình to lớn vật liệu xây dựng thô sơ chủ yếu là vôi, vữa, cát, mật (không dựng xi măng, sắt thép). Tường trước chùa chính được trang trí bởi sáu cột lục lăng rỗng vươn cao ba mặt trước có chổ các hình chữ nhật được gắn kính màu trùng với các màu xanh, đỏ, tím, vàng trùng với màu cờ nước Phật và các chữ câu đối ca ngợi Phật - Thánh. Hòa thượng muốn thế kế ý tưởng của Phật pháp là 6 trần: Sắc; thanh; hương; vị; xúc. Pháp vốn là những đối tượng của 6 căn: Mặt; tai; mũi; lưỡi; thân; ý. Sáu trần là cảnh bên ngoài, sáu căn là cảnh bên trong cho nên cột được thiết kế rỗng, phải thêm vào sáu thức: nhún thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức mới sinh ra hiện tượng thân tâm. Tâm do ngoại cảnh sáu trần làm xao động, nên từ sáu căn sinh ra các nghiệp thiện, ác, tốt, xấu. Phật pháp gọi đó là tạo nghiệp. Nghiệp có phân thiện nghiệp và ác nghiệp. Người tạo nghiệp ác phải đọa trong ba đường dữ: Địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Còn tạo nghiệp thiện sẽ tái sinh làm người hay sinh lên cõi trời, hưởng thọ phúc báo nhân thiên.
Nếu triệt để được tính huyễn hóa không thực của thế giới 6 trần, thì ngay đó sẽ tự giải thoát. Bậc giải thoát tuy thân tâm ở trong 6 trần nhưng không bị 6 trần nhiễu loạn mê hoặc thì tự nhiên phiền não không sinh. Chỉ 6 cột thôi đã là những bài học cho phật tử, chúng sinh mỗi khi đến cửa thiền.
Chắn hiên trên 6 cột có biểu tượng Phật lực được giải thích như sau: Theo Phật học Quần Nghi chữ vạn (卍) là một trong 32 tướng đại nhân của Phật. Căn cứ kinh trường A Hàm nói là tướng đại nhân thứ 16, nằm trước ngực đức Phật. Lại trong kinh khác nói đó là tướng tốt thứ 80 của đức Phật Thích Ca. Trong Thập địa kinh luận quyển 12 nói: Bồ Tát Thích Ca lúc chưa thành Phật, trước ngực đã có tướng chữ vạn (卍 là công đức trang nghiêm kim cương thân. Đây là tướng công đức trước ngực như người ta thường bảo. Song trong Phương quảng đại trang nghiêm kinh (quyển 3) nói rằng: Tóc của đức Phật cũng có 5 tướng chữ vạn (卍). Trong Bộ Tì Mai Ra tạp sự quyển 29 nói: Phật ở giữa hông cũng có tướng chữ vạn (卍). Thực ra chữ vạn chỉ là ký hiệu mà không phải là văn tự. Nó biểu hiện cát tường vô lượng …Do đó trong kinh đại bát nhã quyết 384 nói: “Tay chân và trước ngực đều có tướng cát tường, biểu thị công đức của Phật”.
Trên nóc chùa có đôi rồng trầu hoa sen, dưới có ba chữ đại tự lớn là Đại Từ Phụ (大慈父) nghĩa là: Người cha rất hiền lành. Hai bên nối vào giải vũ đắp hai con rồng rất lớn chầu vào toà chính cung. Vào trong chùa, trước khi ngắm những tấm thảm kiểu 3D, ta thấy ngay trên thượng điện có tượng Phật Thích Ca rất lớn cao 4m rộng 3,5m bằng gỗ sơn son thếp vàng. Đặc biệt ở chùa Cổ Lễ việc xếp đặt tượng Pháp không nhất tuân thủ cứng nhắc theo một qui định cổ điển nào mà có sự bố cục sáng tạo cho phù hợp với nội dung thờ. Ví như hai bậc dưới chỉ có hai pho tượng phật thời hiện tại và vị lại. Trước bát hương công đồng thờ chung cho thế giới Phật là tòa Cửu Long to cao gần bốn mét được kiến tạo như một vòm trời, có chín con rồng uốn lượn tạo thành động nhỏ. Chín con rồng ở chín tư thế khác nhau, vừa kết cấu thành động, vừa tạo thành điểm để các pho tượng nhỏ của thế giới Phật đứng hoặc ngồi phía trong cũng như phía ngoài tòa Cửu Long, làm tôn thêm vị thế pho tượng Thích Ca lúc sơ sinh. Thích Ca sơ sinh tạc như cậu bộ cởi trần, mình cuốn khố, tay phải chỉ xuống, tay trái giơ hai ngón chỉ lên như khẳng định vị thế của Phật: “Thiên thượng, địa hạ, duy ngã độc tôn” (天上地下-唯我獨尊) (Trên trời, dưới đất, giữa có Phật).
Đôi rồng chầu hòa sen trên nóc chùa.
Hai bên tả hữu phía sau tòa Cửu Long là các pho tượng Kim Đồng ngọc nữ y phục trang nghiêm, phong cách chững chạc đứng nâng hoa chầu hầu làm cho nghi thức thờ cúng Phật được trang nghiêm tân kính.
Bên dưới bệ của thượng điện là động Phật Niết Bàn có tượng Phật to bằng người thật nằm nghiêng trong ánh đèn lung linh mờ ảo yên tĩnh. Hai bên tả hữu chính cung là hai nhịp cầu thang lên xuống ôm lấy thượng điện một cách đối xứng hài hoà. Lên 24 bậc nữa cộng với 9 bậc từ sân lên nền nhà là 33 bậc (chữ sinh) ta tới cung đằng sau Thượng điện thờ Phật là cung thờ Nam thiên Thánh tổ (南天聖祖) Thánh tổ Nguyễn Minh Không, Ngài được triều Lý phong là Quốc sư.
功在李朝名在史 Công tại lý triều danh tại sử
情留古禮福留民 Tình lưu Cổ Lễ phúc lưu dân
Người thiết kế làm nơi thờ tự theo kiểu “tiền Phật hậu Thánh”. Chính giữa cung là cỗ khám gian rất lớn trong khám có pho tượng đức Thánh tổ Nguyễn Minh Không bằng gỗ bạch đàn ngồi giữa sơn son thếp vàng cao chừng 70cm. Trong cỗ khám sơn son thếp vàng còn lưu giữ một trống đồng trơn (tương truyền từ đời Lý), một túi đựng đồng là biểu tượng nhắc lại sự tích Nguyễn Minh Không sang Bắc Quốc quyên đồng, một lá cờ thần hai mặt đều có chữ là Nam Thiên Thánh tổ mặt kia ghi: Lý triều Quốc Sư. Ở tiền đường thờ hai ông hữu văn quan tả võ tướng. Đây là hình tượng hộ pháp mặt giáp trụ, cân đai mũ mão oai phong đường bệ, nhưng sắc thái hai vị khác nhau. Một pho có nét mặt hiền hoà, tay cầm gậy trúc, một tay nâng niu hạt ngọc mà người ta thường gọi đây là Thiện hữu thái tử. Hoặc là ông Khuyến Thiện hay ông Thiện hàm ý khuyên dạy mọi người làm điều thiện để được hưởng phúc lành do Phật ban cho. Ở vị trí cân xứng bên kia là pho tượng hộ pháp khác cũng to lớn đường bệ nhưng dáng vẻ dữ tợn, lông mày xếch, mắt mở to, tay cầm mác trong tư thế võ tướng như để răn đe kẻ nào dám khinh Phật ngạo tăng. Vị này là ác hữu thái tử, tức là ông Trừng ác, ông ác (gọi theo dân gian).
Hai bên thượng điện tả hữu là hai dãy hành lang rộng 3,3m dài 24m mỗi bên thờ 8 vị la han, trên tường có tất cả 318 bia đỏ, đằng sau thượng điện là hậu Phật có thờ Phật địa tạng.
Di vật chuông đồng nặng 9 tấn đúc năm 1936 hiện vẫn được lưu giữ.
Sau chùa chính là Tổ đường (nhà thờ lịch đại tổ sư) được xây dựng trước (từ 1904). Chùa Cổ Lễ hiện lưu được nhiều di vật văn hóa quý hiếm như: Tượng đức Phật Thích Ca, cao 4,20m ngự trên toà sen trong tư thế nhập Thiền, phía sau có vầng hào quang tỏa sáng thiêng liêng; một chuông đồng thời Tây Sơn, niên hiệu Cảnh Thịnh 7 (1799); một chuông đồng nặng hơn 9 tấn đúc năm 1936; một trống đồng trơn tương truyền từ thời Lý; một lá cờ thần hai mặt ghi: “Nam thiên Thánh tổ” và “Lý triều Quốc sư”; bốn thuyền trải dựng để thi bơi trong lễ hội truyền thống.
Chùa Cổ Lễ còn được biết đến là một di tích cách mạng. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, từ nơi đây, nhiều nhà sư đã tạm biệt cửa thiền ra trận. Đặc biệt ngày 27-2-1947, tại ngôi chùa linh thiêng, dưới sự chủ trì của Hoà thượng Phạm Thế Long, Tỉnh hội Phật giáo Nam Định cùng chính quyền và tín đồ trong vùng đã tổ chức mít tinh làm lễ phát nguyện cho 27 nhà sư cởi áo cà sa lên đường tòng quân giết giặc, bảo vệ Tổ quốc. Bản thân Hoà thượng Phạm Thế Long là một nhà hoạt động cách mạng, sau này giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội Nước Cộng hoà XHCN Việt Nam khóa VII, Phó Chủ tịch Hội Phật giáo Thế giới , Phó Chủ tịch Thường trực Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Đức Thánh tổ Nguyễn Minh Không đản sinh vào ngày 13 tháng 9 âm lịch, mất ngày 3 tháng 6 âm lịch. Lễ hội chùa Cổ Lễ diễn ra từ ngày 13 đến ngày 16 tháng 9 âm lịch hàng năm. (14/9), một ngày trọng đại đã đi vào tiềm thức nhân dân trong vùng: Dự ai buôn bán trăm nghề/ Mười tư tháng Chín thì về hội Ông”.
Lễ hội truyền thống được tổ chức hằng năm tại chùa Cổ Lễ.
Đây là một trong những lễ hội truyền thống tiêu biểu của tỉnh Nam Định còn bảo lưu được nhiều nghi thức, trò chơi dân gian đặc sắc như rước kiệu, bơi trải, múa rối, tổ tôm điếm… phản ánh đời sống văn hóa phong phó, đa dạng của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Từ lâu, chùa Cổ Lễ đã trở thành điểm du ngoạn hấp dẫn của khách thập phương trong và ngoài nước. Về thăm chùa, du khách không những được tận mắt chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc độc đáo kết hợp hài hoà giữa phương Đông và phương Tây, các công trình được xây dựng nhiều lần, nhiều năm, nhiều thời kỳ đến nay di tích vẫn là một chỉnh thể kiến trúc độc đáo mang đậm phong cách Á đông các công trình đều mang các triết lý của đạo Phật, Kinh dịch và Kinh pháp của đạo Phật. Vì vậy đến nay công trình vẫn trường tồn có giá trị nghệ thuật kiến trúc cao, giá trị lịch sử văn hóa, ôn lại công đức, tưởng nhớ tới Quốc sư - Đức Thánh tổ Nguyễn Minh Không mà còn có dịp để lễ Phật, tắm mình trong cõi tâm linh hướng tới “Chân - Thiện - Mỹ”. Với những giá trị văn hóa lịch sử “Đặc biệt” ấy chùa Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng “Di tích lịch sử danh lam thắng cảnh” cấp quốc gia năm 1988. Kính đề nghị Nhà nước, Bộ Văn hóa nâng giá trị lên thành “Kiến trúc văn hóa đặc biệt”.
Nam mô hoan hỷ tạng Bồ tát.
Thượng tọa Thích Tâm Vượng,
Viện chủ Tổ đình Phật giáo chùa Cổ Lễ,
Ủy viên Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam,
Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo.