TRUNG TÂM BẢO TỒN    
DI SẢN VĂN HÓA TÔN GIÁO
Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hoá Tôn giáo
Menu

Học vấn một nhà khoa bảng - Khí tiết một vị thanh quan Đề hình Giám sát Ngự sử Hoàng giáp Trần Hữu Thành (1558-1635)

Ngày: 12:34:18 15/09/2020

Hội thảo khoa học Danh nhân văn hóa Hoàng giáp Trần Hữu Thành (1558-1635) được tổ chức bởi Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo và Hội đồng gia tộc họ Trần tại Nhà Văn hóa UBND xã Yên Trung, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định vào sáng ngày 12/7/2020 nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà nghiên cứu,… và hậu duệ của Hoàng giáp tới dự. Các bài viết của các tác giả và những tham luận tại Hội thảo khoa học này đã làm rõ nét hơn về cuộc đời và sự nghiệp của Hoàng giáp Trần Hữu Thành.

 

Căn cứ vào bộ sách "Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075 - 1910" của Ngô Đức Thọ chủ biên (1993) có ghi "Trần Hữu Thành (1558 -?) người xã Đào Lãng huyện Đại An nay thuộc xã Yên Đồng huyện Ý Yên, tỉnh Nam Hà. 29 tuổi, thi đỗ Hoàng Giáp năm Đoan Thái nguyên niên 1586 đời Mạc Mậu Hợp làm quan đến Đề hình giám sát ngự sử, sau theo nhà Lê. Chúng tôi khảo cứu về sách ĐVSKTT, tập 2, NXB VH, 2006. - Kỷ nhà Lê, phụ họ Mạc, Thế tôn nghị Hoàng đế, tr 605 có ghi: Bính Tuất năm thứ 9 (1586) (Mạc Đoan Thái năm thứ 1 - Minh Vạn Lịch năm thứ 14). Mùa Xuân, họ Mạc mở khoa thi Hội, cho Nguyễn Giáo Phương đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Nguyễn Văn Tảo 17 người đỗ Đồng tiến sĩ xuất thân.

 

Sách này còn chép thêm, khoa thi này lấy Nguyễn Giáo Phương đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Phạm Minh Nghĩa 3 người (Nguyễn Nhã người Thọ Xương, Trần Hữu Thành người Đào Lãng - Đại An) đỗ Tiến sĩ xuất thân, Nguyễn Văn Tảo 17 người đỗ Đồng tiến sĩ xuất thân.

 

Song, có một điều là khoa thi này không lấy Trạng nguyên và Bảng nhãn (đệ nhất giáp đệ nhất danh, đệ nhị danh), chỉ có Nguyễn Giáo Phương duy nhất đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ, như vậy Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân chọn 3 người trong đó Trần Hữu Thành, thuộc chính bảng trong danh sách 4 người đỗ đầu. Thiết nghĩ, trong thời loạn lạc nội chiến tranh giành, nhà Mạc muốn đảm bảo tính chính thống của mình cũng như tuyển chọn nhân tài thực sự để phục triều chính, chấn hưng quốc độ, bởi vậy việc thi cử và tuyển chọn nhân tài càng phải khắt khe và chính quy. Việc không chọn được Trạng nguyên, Bảng Nhãn cũng thể hiện được tiêu chí thi cử trên, và vì vậy cụ tổ Trần Hữu Thành đỗ đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (tức Hoàng giáp) càng chứng tỏ trình độ, năng lực vượt trội những người khác để đứng tên vào 4 người đứng đầu của kỳ thi, có thể thấy người tài ứng thi lúc bấy giờ, vượt hơn cụ cũng chả có mấy ai. Bởi vậy, để phản ánh về học vấn của ông, người đời sau và con có vế đối "huynh giáp bảng" (Đàn anh đứng đầu giáp bảng).

 

Trong thời đoạn bấy giờ, công cuộc tranh giành quyền lực của nhà Mạc lên đến cao điểm với sự kiện năm 1525 Mạc Đăng Dung giết vua Lê Chiêu Tông lập em là Xuân lên ngôi, năm 1527 Đăng Dung phế Hoàng đệ lên ngôi lấy hiệu Minh Đức, sang thời Mạc Mậu Hợp sa vào ăn chơi hưởng lạc, bỏ bê việc triều chính quân cơ, lại mê Nguyễn Thị Niên (có chị ruột là hậu của Mậu Hợp), là vợ của Sơn quận công Bùi Văn Khuê, định giết Khuê chiếm vợ nhưng Khuê đã trốn sang hàng nhà Trịnh, nội chiến ngày một căng thẳng, với khẩu hiệu "phù Lê giệt Mạc" tháng 11 năm 1592 Trịnh Tùng tiến đánh Thăng Long, sau một thời gian chiến tranh liên miên, Mạc mậu Hợp cùng con là Mạc Toàn bị bắt chém tại bến Bồ Đề, nhà mạc kết thúc. Nhà Lê nắm quyền thống trị, chia quyền lực cho họ Trịnh, họ Lê vẫn chiêu dụng các quan lại có tài và đỗ đạt thời Mạc, nhiều vị đỗ đạt và làm quan thời Mạc về làm quan triều Lê, Hoàng giáp Trần Hữu Thành cũng đã sớm liệu đoán được sự sụp đổ của nhà Mạc, như trong ngọc phả có ghi, ông được thần linh và tiền nhân báo mộng và để mong góp sức xây dựng kỷ cương triều chính, lại đưa ra chế sách có lợi cho muôn dân, ông giữ chức Đề hình giám sát ngự sử ở Ngự sử đài.

 

Th.S Nguyễn Đức Bá tham luận tại Hội thảo khoa học Danh nhân Văn hóa Hoàng giáp Trần Hữu thành tổ chức tại UBND xã Yên Trung, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định ngày 12/7/2020

 

Về chức quan Đề hình giám sát Ngự sử, dẫn theo Đỗ Văn Ninh, Từ điển chức quan, NXB Thanh Niên, 2006: "Chức Đề hình giám sát ngự sử định vào tháng 8 năm Tân Mão niên hiệu Hồng Đức 2 (1471) gọi tắt là Giám sát ngự sử: Là quan Ngự sử đài, thuộc nội quan, giữ phong hóa pháp độ, chức danh rất trọng" (Tương đương cơ quan tư pháp kiêm Ủy ban kiểm tra trung ương hiện nay). Quan chế thời Hồng Đức (1470-1497) cho Chánh thất phẩm, ngang với chức Giám sát ngự sử 13 đạo. Quan chế Bảo Thái (1720 - 1729) theo thế.

 

Thời Lý - Trần đều lập Ngự sử đài. Đàn hạc các quan, nói bàn về chính sự hiện thời. Phàm các quan làm trái phép, chính sự hiện thời đều được xét hoặc trình bày, cùng là xét bàn về thành tích của các Nha môn đề lĩnh, Phủ doãn, trấn thủ, lưu thủ, thừa ty, và xét hỏi các vụ kiện về người quyền quý ở Kinh ức hiếp, về người cai quản hà lạm, về các vụ kiện kêu lại lôi thôi. Nếu ở trong đã qua đề lĩnh, phủ doãn, ở ngoài đã qua trấn thủ, lưu thủ và hai ty thừa hiến rồi mới được khám xử, cần bày rõ lí lẽ, khiến cho việc kiện đến đấy là thôi. Chuẩn định năm Dương Đức 3 (1674). Hành trạng quan đương làm cũng phải qua bản đài xét rõ. Ngự sử đài có các chức:

- Ngự sử đại phu (chủ quan của đài).

- Ngự sử trung tướng (sau đổi thành Trung úy).

- Thị ngự sử.

- Giám sát ngự sử.

Trong đài có 3 viện: 

- Đài viện: có thị ngự sử đài hoặc bá quan, kiểm soát ngục tụng. 

- Điện viện: có điện trung thị ngự sử kiểm soát nghi thức.

- Sát viện: có giám sát ngự sử kiểm soát quận huyện.

 

Hội thảo khoa học Danh nhân Văn hóa Hoàng giáp Trần Hữu Thành nhận được sự quan tâm của các Nhà báo ở các tỉnh thành đến đưa tin về sự kiện này, và sự quan tâm đặc biệt các Hậu duệ của Hoàng giáp cùng người dân địa phương.

 

Bàn về chức trách của chức vụ này, theo Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, quan chức chí, nhóm Đỗ Mộng Khương dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, NXB Trẻ, 2014. Chức Đề hình xét hỏi những vụ kiện do Ngự sử đài khám đoán và cuối năm trình bày về chính sự hiện thời. Theo ĐVSKTT chép "Tháng 8, định chức trách quan Đề hình, các đề hình ngự sử đứng trong ban triều tham phải như Ngự sử các đạo. Còn việc soát xét Hình bộ và Đại lý tự, việc kiểm tra hình án của Ngũ hình là theo quy định của năm Thuận Thiên và Đại Bảo, không phải mới đặt. Từ Hình bộ thượng thư trở xuống tới Đại Lý tự và các ngục quan, người nào tha tội hay buộc tội cho người không đúng luật pháp thì phải tâu hạc, người có tội bị oan uổng cũng phải xét lại và minh oan cho họ. Cẩm y vệ xét kiện và ty điện tiền xét án nếu có trường hợp nào oan khuất, thê thảm thì phải tâu lên, hằng ngày phải thân hành tới xét hỏi", ngoài ra, cũng có thời đoạn, triều đình dùng Đề hình giám sát ngự sử đảm trách các việc: Đề điệu, giám thị, giám khảo để khảo thí thậm chí cả việc bang giao tuế cống. Xét vị trí và quyền năng, Đề hình giám sát ngự sử trực tiếp vào chầu vua và dâng nhiều lời tâu, những lời tâu ấy được vua chuẩn y, được vua đặc cách thăng thưởng. Đề hình giám sát ngự sử còn có nhiệm vụ hạch tội tham quan, làm sáng rõ tình hình dân chúng bên dưới. Chức quan Đề hình giám sát ngự sử của Hoàng giáp Trần Hữu Thành cũng không ngoài những nhiệm vụ được định trong quan chế, song thế cuộc ngày càng rối ren, nhà Lê không có thực quyền, nên mọi mong muốn "trí quân trạch dân" của ông không thực hiện được, nên làm quan không được bao lâu, ông cáo quan về ở ẩn để giữ khí tiết của mình. Tấm lòng vì nước vì dân, sự thanh liêm, khí chất của một vị quan thấm nhuần tư tưởng, cốt cách nhà Nho, giữ đạo thánh hiền của ông được người đời sau và con cháu tôn vinh, đúc kết và gửi gắm qua câu trong vế đối "thu sương liệt nhật biểu trinh tâm", giữ được khí tiết, sự liêm khiết và tấm lòng ngay thẳng.

 

Hòa thượng Thích Tâm Vượng, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo và Câu lạc bộ Thư pháp Xuân Hồng viết tặng chữ các vị khách quý, đại biểu tham dự Hội thảo.

 

Có lẽ, chúng ta cũng cần phải nhìn nhận thêm chi tiết không kém phần quan trọng. Đó là những quyết định trọng đại trong cuộc đời của ông tổ Trần Hữu Thành gắn liền với sự thấu triệt tư tưởng Nho - Phật - Đạo. Trước hết đó là việc tham gia ứng thí và được khoa bảng, theo tinh thần của Nho giáo "thượng trí quân, hạ trạch dân" (trên phò vua, dưới giúp dân), bởi trải các triều đại phong kiến, thi cử đỗ đạt làm quan là con đường duy nhất để gọi là thành danh, để "dương thanh danh, hiển phụ mẫu" (tỏ thanh danh, làm vinh hiển phụ mẫu), và nữa, chi tiết sau khi cáo quan về hưu, ông về ở ẩn 3 nơi phải chăng giống câu chuyện của Mạnh Tử, "tích Mạnh mẫu, trạch lân xứ" mẹ Mạnh Tử 3 lần chuyển nhà cuối cùng tìm được nơi ở gần trường học để mong cho con sau này có môi trường học tập, tu dưỡng, ông cũng với mong muốn đó. Về khía cạnh Phật giáo, gắn với sự kiện ông quyết định theo nhà Lê, đấy là tinh thần tùy duyên tiếp độ, coi là phương tiện để thực hiện mục đích của mình, như Đức Quán thế âm Bồ Tát thường thị hiện dưới nhiều hình tướng, nhiều không gian và thời gian khác nhau, mục đích để giác ngộ và cứu độ chúng sinh. Ông tổ Trần Hữu Thành, chịu làm quan cho nhà Lê cũng để có cơ hội chấn chỉnh triều cương, giữ phong hóa pháp độ (như chức trách của Giám sát ngự sử) phò vua giúp nước, có thể dâng lên vua nhưng quyết sách có lợi cho lê dân bách tính. Và một quyết định trọng đại cuối cuộc đời, lần cuối cùng cụ ra đi, không ai biết đi đâu, chỉ nghe nói đi ra hướng Đông, sự kiện nay gắn với câu chuyện của Lão Tử cuối đời cưỡi trâu xanh đi vào núi, rồi không ai thấy, như một vị tiên bay vè trời. Ông tổ họ Trần ta cũng tư duy như một vị tiên, không còn màng thế sự, an nhiên mà bay về trời. Và bởi, ông thừa hiểu điển tích Lão Tử với Doãn Hỷ (Lưu Hướng một người thời Hán đã viết trong cuốn "liệt tiên truyền" tức "truyền thuyết những người bất tử" rằng: "Lão tử đi về thung lũng phía Tây, Quan lệnh ở Hàm Cốc Doãn Hỷ bỗng nhìn thấy sắc tím ở phía đông biết rằng sẽ có thánh nhân đi qua, quả nhiên lúc sau Lão tử cưỡi trâu xanh từ hướng Đông qua đây. Doãn Hỷ ăn mặc chỉnh tề, quỳ gối dập đầu, khẩn khoản giữ Lão Tử ở lại và viết lại những hiểu biết của mình trước khi đi vào sa mạc. Lão Tử vì ưu ái Doãn Hỷ nên đã lưu lại Hàm Cốc quan hơn 100 ngày, truyền thụ pháp tu luyện cho ông và để lại hơn 5.000 chữ". Từ đó ra đời câu thành ngữ "tử khí đông lai"). Lại thông tỏ phong thủy, tử vi mới thấu triệt được câu thành ngữ với bốn từ "Tử khí đông lai" nghĩa là khí tía tức "sắc tím" từ phương Đông đến. Đây là loại khí tốt lành, mang lại bình an và may mắn. Hơn nữa, mặt trời mọc ở hướng Đông, nên từ sáng sớm, bình minh đã chiếu rọi, ấm áp, dịu êm, tinh thần con người phấn chấn. Tinh thần thoải mái làm việc ắt sẽ thu được thành công. Ông tổ Trần Hậu Thành lúc ra đi, ông có nói đi về hướng Đông, chắc từ mong muốn gửi gắm cho mình, cho hậu thế đời sau được bình minh chiếu rọi, tài đức kiêm toàn làm rạng danh cho dòng họ vậy.

 

Có thể thấy được Hoàng giáp Trần Hữu Thành là một nhân vật điển hình thời bấy giờ, học vấn của một nhà khoa bảng lớn, khí tiết của một thanh quan, một nhà bác học lớn trong một giai đoạn lịch sử nhiều biến động. Cho nên ông cần được tôn vinh, là tấm gương soi cho hậu thế để giáo dục khuyết khích về sự học, thành tựu trí tuệ, về đạo đức nhân cách con người.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, quan chức chí. Nhóm Đỗ Mộng Khương dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, NXB Trẻ, 2014.

2. Phan Văn Liệu dịch và chú giải, Lê triều quan chế, NXB VHTT, 1997.

3. Du Lộc Niên, Trung Quốc quan chế đại từ điển, NXB Nhân dân Hắc Long Giang, 1992.

4. Đỗ Văn Ninh, Từ điển chức quan, NXB Thanh Niên, 2006.

5. Đại Việt sử kí toàn thư, bản dịch, NXB VH, 2006.

 

Nguyễn Đức Bá, Thạc sĩ

Trưởng Phòng Nghiên cứu Di sản, Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo.

 

Như tin đã đưa, ngày 18 tháng 3 năm 2020, tại Văn phòng Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo tổ chức Lễ thành lập Phòng Nghiên cứu bảo tồn di sản văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo (Quyết định số 19/QĐ-DSVHTG ngày 12 tháng 3 năm 2020). Tại buổi lễ, ông Trần Khánh Dư - Giám đốc Trung tâm trao Quyết định số 23/QĐ-DSVHTG ngày 17 tháng 03 năm 2020 của Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo về việc bổ nhiệm nhân sự. Theo đó, Thạc sĩ Nguyễn Đức Bá giữ chức Trưởng Phòng Nghiên cứu bảo tồn di sản văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo (gọi tắt là Phòng Nghiên cứu Di sản) kể từ ngày ban hành Quyết định, nhiệm kỳ 05 năm.

Các bài viết khác