TRUNG TÂM BẢO TỒN    
DI SẢN VĂN HÓA TÔN GIÁO
Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hoá Tôn giáo
Menu

Một vài suy nghĩ đóng góp với Đại hội lần thứ VII Giáo Hội Phật giáo Việt Nam

Ngày: 08:34:37 31/07/2015

Tôi không phải là Phật tử, và cũng chẳng bao giờ tôi là Phật tử cả, vì theo đúng nghĩa là người Phật tử thuần thành cũng không dễ gì, nhưng là người làm công tác Phật giáo lâu năm và nghiên cứu về Phật giáo thì tôi rất trăn trở, nhưng đóng góp thế nào? Và đóng góp ở đâu?

Giáo Hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) thành lập đến nay được trên 30 năm và đã trải qua VI kỳ Đại hội, nay Giáo hội (GH) đang chuẩn bị cho Đại hội lần thứ VII vào thời gian sắp tới, biết tôi là người làm công tác Phật giáo lâu năm một số anh em quen biết gợi ý với tôi có ý kiến gì góp với GH nhân đại hội này.

Tôi không phải là Phật tử, và cũng chẳng bao giờ tôi là Phật tử cả, vì theo đúng nghĩa là người Phật tử thuần thành cũng không dễ gì, nhưng là người làm công tác Phật giáo lâu năm và nghiên cứu về Phật giáo thì tôi rất trăn trở, nhưng đóng góp thế nào? Và đóng góp ở đâu? là vấn đề mà tôi còn đang suy nghĩ, trước mắt thì tôi cũng xin có vài ý nhỏ để góp với GHPGVN nhân Đại hội đại biểu lần thứ VII như sau:

Một là: Tôi nhớ không nhầm thì Đại hội lần thứ II GHPGVN tháng 11/1987 có một bài tham luận của một vị GS, TS lúc bấy giờ ông ta là Tổng biên tập của Tạp chí Giao điểm ở nước ngoài, khi ông ta đọc bài tham luận này một số người không đồng tình vì họ cho rằng đóng góp như thế là quá thẳng thắn, nhưng chúng tôi thấy cần phải có ý kiến phản biện một chút như thế thì giá trị và kết quả hoạt động mới cao, mới có sự phát triển.

Ý kiến của ông ta đại loại là thế này: GH đang ngồi trên “cái ghế một chân” (vào thời điểm đó - 1987). Đề nghị GH phải ngồi trên “cái ghế 4 chân”, thì mới vững.

Ông ta nói với hình tượng cái ghế 4 chân, vì theo tinh thần Phật giáo là “Tứ chúng đồng tu”, (nghĩa là: Tăng- Ni và Phật tử tại gia phái Nam và Phật tử tại gia phái Nữ - bốn chúng). Phật tử xuất gia hay Phật tử tại gia mà tu hành đúng với chánh pháp thì đều có thể trở thành Phật được (đây là một nét rất khác biệt với một số tôn giáo lớn trên thế giới), nhưng lúc đó GH chỉ mới coi trọng bên tăng (sư nam) còn sư ni cũng chưa được đề cập nhiều, còn “Ưu Bà tắc” (Phật tử nam) và “Ưu Bà Di” (Phật tử nữ) thì không phải nói.

Vì vậy, theo tôi GH cần đặc biệt chú ý đến ý kiến này nghĩa là vai trò của nam Phật tử và nữ Phật tử cần phải được quan tâm chứ không chỉ có "hai chúng"  xuất gia. Ở điểm này tôi xin nói rõ thêm: nhiều lần mấy Bác trí thức Phật tử già đã than phiền với tôi là các Bác bị mấy sư, nhất là sư trẻ coi thường! Nếu thật sự như thế thì thật là đáng buồn, vì phật tử tại gia là một lực lượng rất quan trọng. (điều này sẽ bàn kỹ thêm sau).

Đã có lần tôi cùng với Ông Trưởng Ban Tôn giáo Chỉnh phủ làm việc với Hòa thượng trưởng đoàn Phật giáo ABCP của Nhật Bản, các vị cho biết Phật tử tại gia ở Nhật có vai trò rất lớn đối với sự phát triển của Phật giáo và góp phần rất tích cực vào việc xây dựng đất nước Nhật Bản, đúng với tinh thần của Đạo Phật là “Tứ chúng đồng tu” .

Hai là: GH cần quan tâm hơn nữa về công tác giáo dục tăng ni. Ý kiến của vị GS nói trên còn nói thêm rằng dường như GH đang “lạm phát” sư (ở thời điểm năm 1987), chứ không phải là tre già mà măng không mọc. Và hiện nay nhiều người cũng cho rằng đang “lạm phát” sư có nghĩa là độ đệ tử tràn lan. Ý này tại cuộc Hội thảo khoa học do Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức hồi tháng 3 vừa qua, trong bài tham luận của mình tôi đã nói rõ quan điểm là cho dù tăng ni có phát triển nhiều đi chăng nữa cũng không đáng ngại mà cái đáng ngại nhất lại là sự rèn luyện giáo dục tăng ni thế nào cho tốt, để tăng ni thật sự hữu ích cho đời sống tinh thần của một bộ phận quần chúng nhân dân, cho cộng đồng và xã hội.

Để bàn sâu về vấn đề này phải có thời gian, ở đây tôi chỉ xin đề cập đến mấy nét có tính cơ bản, Một là: Các sư độ đệ tử, ngoài việc tuân thủ Luật pháp thì phải tuân thủ nghiêm túc Giáo luật Phật giáo. Giáo luật của Phật giáo đã nói quá rõ về điều này, tức là chọn đệ tử phải có đủ căn cơ tu hành “Lục căn cụ túc”, phải có tư chất thông minh, phải có hình dung tuấn tú, có đức hạnh trang nghiêm. Nếu những người không có đủ các điều kiện như vậy thì không thể cho họ cạo đầu xuất gia làm sư được, nếu vì một lý do nào đó thì nhà chùa nhận họ là “Tịnh nhân” nghĩa là người không lập gia đình chỉ làm các công việc chấp lao tạp dịch trong chùa mà thôi, như thế sẽ ít gây ra ảnh hưởng cho Phật giáo. Hai là: Phải rèn luyện đệ tử tư khi mới nhập tu, giáo luật Phật giáo đã quy định cụ thể, phải rèn luyện từ: Đi-Đứng-Nằm-Ngồi (Tứ uy nghi) theo đúng phép tắc, Quy củ thiền gia, Phải rèn luyện theo đúng về Luật Sa di. (Luật Sa di của Phật chế rất chặt chẽ). Ba là: Sau đó mới cho học vào kinh luận (học lên các cấp học như hiện nay). Bốn là: GH cần đặc biệt quan tâm đến chất lượng đào tạo, Hệ thống giáo dục đào tạo thì phát triển khá mạnh nhưng về tổ chức quản lý và chất lượng đào tạo thì còn nhiều vấn đề cần quan tâm hơn nữa. Vừa rồi tôi có dự cuộc Hội thảo về tăng ni trẻ với GH và xây dựng đất nước tại Học viện Phật giáo Sóc Sơn - Hà Nội, bài tham luận mở đầu là của một sư ni tôi thấy rất nhiều vấn đề đặt ra cần phải được quan tâm xem xét giải quyết, tôi nghĩ rằng GH cần phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề này, vì đây là vấn đề con người. Phật giáo đã từng có câu “Đạo tại nhân hoằng”, thế nên không phải chỉ riêng Phật giáo mà một số ngành chức năng của Nhà nước cũng cần phải quan tâm.

Giáo Hội có Ban Giáo dục Tăng ni, trước đây khi mới thành lập thì rất khó hoạt động nhưng vài thập niên trở lại đây điều kiện đã có thuận lợi hơn trước, vì thế Ban Giáo dục Tăng ni của GH cũng cần có sự năng động hơn, thường xuyên kiểm tra đôn đốc, bồi dưỡng hướng dẫn để công tác Giáo dục của GH ngày càng đi vào nền nếp quy củ và chất lượng

Một điểm nữa là về công tác Hoằng pháp, mấy năm gần đây hoạt động Hoằng pháp của GH có nhiều điểm mới gắn với thực tiễn được cộng đồng công nhận, nhưng cũng cần hướng dẫn cho Phật tử di vào con đường “chính đạo”, không sa đà vào việc cầu cúng mang nội dung và sắc mầu của đạo khác mà dẫn tới mê tín di đoan. Hiện nay ngoài xã hội người ta đang than phiền về hiện tượng cầu cúng lễ bái phức tạp tràn lan, tốn kém nhiều tiền của của dân chúng và tín đồ. Nếu không đi vào con đường chính đạo bằng việc thuyết giảng đạo lý nhân sinh của Nhà Phật mà chỉ cầu cúng kiểu này thì một lúc nào đó nó sẽ trở thành “pháp nạn”, cũng đồng thời là “quốc nạn” đó thôi!

Tôi được một người bạn tặng cho một cuốn Tạp chí Di sản Văn hóa của Cục Di sản Văn hóa, bộ Văn hóa Thông tin xuất bản. Cuốn Tạp chí này (số 4 (37) -2011) có bài viết về “Hiện tượng cúng sao giải hạn”, bài viết có dẫn chứng bằng 2 ảnh mầu, một ảnh (tr 62) chụp toàn bộ đồ tế lễ trên ban thờ gồm một số hình nhân và một số đồ vật kỳ quái khác, được ghi chú là “Ban thờ thần linh trong lẽ cúng sao giải hạn ở chùa …”, ảnh ở trang 63, phần chú thích ghi là “dụng cụ cắt giải”… tôi trông thấy mà đau lòng, vì tôi vẫn rất trân trọng những nơi này. Ôi thôi cứ đà này diễn ra thì Đạo Phật còn đâu được người ta trân trọng và được coi là Đạo “Trí tuệ” nữa? Phật giáo Việt Nam sẽ thế nào đây?

Phật tử Việt Nam hiện nay rất đông, nếu như nhà Vật lý, GS.TS Nguyễn Chung Tú đại học thành phố Hồ Chi Minh trước đây đã công bố trên Nguyệt san Giác Ngộ là theo điều tra, thống kê của ông thì có tới trên 80% dân số VN theo Đạo Phật, theo tôi, nếu không phải thế thì cũng không phải là con số 10 triệu phật tử như lâu nay ta vẫn nói. Nhưng hiện nay nhiều Phật tử thuần thành đã nói với tôi là họ chán lắm, và cứ đà này họ sẽ không đến chùa nữa. Nếu thật sự diễn ra như vậy thì thật là đáng buồn!

Đại lão Hòa thượng Pháp chủ GHPGVN Thích Phổ Tuệ đã có lần nói với tôi rằng theo tinh thần đạo Phật thì không có ngày nào xấu và cũng không có giờ nào là xấu cả. Xấu - tốt là do con người tạo nên mà thôi!

Tôi hy vọng rằng qua Đại hội lần này Phật giáo Việt Nam sẽ có bước tiến mới và ngày càng được hưng vượng, góp phần làm cho đất nước được an lạc và phồn vinh.

Trần Khánh Dư, nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ.

Giám đốc, Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo.

Ảnh: Bình Yên.

Các bài viết khác