TRUNG TÂM BẢO TỒN    
DI SẢN VĂN HÓA TÔN GIÁO
Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hoá Tôn giáo
Menu

Đôi nét về Hòa thượng Kim Cương Tử với Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Ngày: 11:57:35 03/06/2019

 

Tôi là người có nhân duyên với Phật giáo nên được gặp hầu hết các vị cao tăng có tên tuổi của Phật giáo Việt Nam ở nửa cuối thế kỷ XX. Không những tôi chỉ được gặp mà còn thường xuyên gần gũi Quý vị. Do đó, tôi hiểu Quý vị khá tường tận. Việc này phần thì do tình cảm, phần thì do trách nhiệm trước công việc mà mình phụ trách.

 

 

1. Tôi được biết Hòa thượng Kim Cương Tử (thế danh: Trần Hữu Cung) từ khi mới về nhận công tác ở Ban Tôn giáo Phủ Thủ tướng (lúc bấy giờ là Phủ Thủ tướng) cuối năm 1979, đầu năm 1980. Lúc đó, Phật giáo Việt Nam được Nhà nước cho phép và giúp tổ chức vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam, thành lập một Tổ chức chung của Phật giáo cả nước. Ban Vận động Thống nhất Phật giáo bước đầu hình thành với số lượng thành viên gồm 14 vị, đại diện cho 9 tổ chức, hệ phái Phật giáo Việt Nam trong cả nước.

 

Ở miền Bắc, Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam được thành lập từ tháng 3 năm 1958, đang hoạt động, một số vị chủ chốt của Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam được mời tham gia Ban Vận động từ buổi đầu này và đại diện Văn phòng tham gia làm cầu nối. Hòa thượng Kim Cương Tử lúc bấy giờ là Trưởng Ban Trị sự Chi hội Phật giáo thành phố Hải phòng, một địa bàn đang có nhiều hoạt động Phật sự quan trọng nên chưa tham gia Ban Vận động.

 

Để xúc tiến hoàn thiện cơ cấu Ban Vận động có đủ thành phần mang tính đại diện cho các tổ chức, hệ phái, vùng miền; Và nhân sự cho Ban lãnh đạo tương lai của tổ chức Phật giáo cả nước lúc bấy giờ, chúng tôi đã tiến hành tìm hiểu một số vị cao tăng, và Hòa thượng Kim Cương Tử được tăng ni Phật tử miền Bắc đánh giá là nhà nghiên cứu Phật học và Hán học tiêu biểu. Quá trình hoạt động trong Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam (ở miền Bắc) Hòa thượng Kim Cương Tử đã có nhiều đóng góp tích cực nhất là ở lĩnh vực nghiên cứu, phiên dịch. Từ những năm 1957- 1958 Hòa thượng đã có một số bài viết mang tính nghiên cứu sâu được đăng trên Tạp chí (lúc bấy giờ nếu không phải là người viết báo chính thống mà có bài được đăng thì thật là sự lạ), đặc biệt là bài viết của Hòa thượng và chính do Hòa thượng đọc tại lễ trồng cây Bồ đề ở chùa Một Cột năm 1958. Bài viết của Hòa thượng được đánh giá rất cao, nói lên đầy đủ ý nghĩa đạo lý nhân văn cao cả và tình đoàn kết quốc tế giữa hai quốc gia Việt- Ấn. (Cây Bồ đề do Tổng thống Ấn Độ tặng Hồ Chủ tịch khi Người dẫn đầu đoàn Chính phủ Việt Nam sang thăm Ấn Độ. Đoàn đã mang về và giao cho Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam đứng ra tổ chức lễ trồng cây này. Trong buổi lễ có đông quan chức Ngoại giao và Nhà nước tham dự. Cây Bồ đề hiện đang xanh tốt trong khuôn viên sau chùa Một Cột).

 

2. Tôi nhiều lần được nghe Hòa thượng tâm sự về con đường tu học của Hòa thượng, từ việc Hoà thượng được sư tổ cho lên Hà Nội học Phật với những vị cao tăng, học Hán với những nhà khoa bảng, đến việc cụ được vào đọc sách ở Viễn đông Bác cổ hàng chục năm trời, nhờ đó, cụ lầu thông Tam tạng Thánh giáo, ngoài ra còn hiểu biết sâu rộng về các lĩnh vực: Văn hóa, Lịch sử, Triết học… Trong quá trình tu học giáo điển, cụ luôn để tâm vào nghiên cứu Luật học, do đó cụ được tăng ni Phật tử các tỉnh phía Bắc coi như một Luật gia Phật giáo Việt Nam. Là người có đầu óc nghiên cứu, tìm hiểu, Hòa thượng đọc, ghi chép rất tỷ mỷ những điều tai nghe mắt thấy trên sách vở và ngoài xã hội, cộng với trí nhớ tuyệt vời nên Hòa thượng đã có những đóng góp cho công việc hoằng pháp lợi sinh rất lớn.

 

3. Đại hội Thống nhất Phật giáo thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 1981, Hòa thượng được suy cử vào Thường trực Hội đồng Trị sự với cương vị là Trưởng Ban Nghi lễ Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tại phiên họp đầu tiên của Trung ương Giáo hội đã bàn đến việc nghiên cứu thống nhất một số nghi lễ để áp dụng vào các sinh hoạt mang tính toàn quốc của Giáo hội. Công việc đầu tiên là yêu cầu có một nghiên cứu khẳng định về ngày Phật đản, để đại lễ này được tổ chức thống nhất trong cả nước (từ xưa ở Việt Nam ta vẫn duy trì lễ Phật đản là ngày mồng 8 tháng tư hàng năm. Từ ngày Phật giáo ở các tỉnh phía Nam mở rộng giao lưu quốc tế lại có chỗ lấy ngày 15 tháng tư hàng năm làm ngày lễ Phật đản). Hòa thượng Kim Cương Tử, Trưởng Ban Nghi lễ Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam được Hòa thượng Chủ tịch Giáo hội Thích Trí Thủ phân công thực hiện việc này. Lúc đầu nhiều người thấy khó, bởi vì ngày đại lễ Phật đản đã đi vào tâm thức của người dân Việt Nam với truyền thống lâu đời, bất kể họ là người theo tôn giáo nào thì nói đến ngày mồng tám tháng tư âm lịch hàng năm họ đều biết là ngày Phật đản, nay đem ra nghiên cứu để làm thay đổi là một vấn đề khó. Điều khó thứ hai là tìm đâu ra tài liệu xác đáng làm căn cứ khoa học để khẳng định là ngày Phật đản không phải là ngày mồng tám tháng tư như ta vẫn thường tin theo mà lại là ngày khác. Đúng là rất khó khăn, nhưng chỉ sau Hội nghị Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam một thời gian ngắn Hòa thượng đã cho mời tôi lên chùa Trấn Quốc nơi Hòa thượng trụ trì. Tiếp tôi tại phòng làm việc của Hòa thượng, Hòa thượng đưa tôi xem bản thảo ban đầu kèm theo là những sách vở những tư liệu do Hòa thượng ghi chép sưu tầm từ thời xa xưa và Hòa thượng giải thích rõ những vấn đề cần quan tâm những vấn đề then chốt. Nghe Hòa thượng trình bày tôi bị thuyết phục ngay bởi những dẫn giải có chứng cứ cơ sở là những tài liệu mà Hòa thượng có trong tay ít ai có thể có được. Hòa thượng cũng nói thêm là đã tham khảo ý kiến một số nhà nghiên cứu ở Hà Nội họ đều nhất trí là có cơ sở khoa học và có sức thuyết phục cao. Công trình nghiên cứu của Hòa thượng đã nhanh chóng được đưa ra trình bày ở Hội nghị Ban Thường trực Trung ương Giáo hội và thông qua tại Hội nghị Trung ương Giáo hội ngay sau đó. Hội nghị Trung ương Giáo hội đã quyết định đem ra thực hiện vào lễ Phật đản ngay năm sau (năm 1984), đồng thời thông qua một số phương tiện thông tin đại chúng để công bố công trình nghiên cứu và giải thích rõ ngọn ngành với những cứ liệu xác đáng. Dư luận dân chúng trong và ngoài Phật giáo đều tỏ ra đồng tình với việc quyết định thay đổi này của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam về ngày lễ Phật đản. Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam lại quyết định hàng năm tổ chức lễ Phật đản từ ngày mồng tám tháng tư đến ngày mười lăm tháng tư, để mọi người trong và ngoài Phật giáo yên tâm với tình cảm truyền thống lâu đời của mình với lễ lớn này của Phật giáo. Từ khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam có quyết định thay đổi đến nay, cứ vào dịp tháng tư âm lịch, người Phật giáo coi đó là “Mùa Phật đản” của dân chúng Việt Nam.

 

4. Sau khi thành lập Giáo hội Phật giáo một thời gian, vào đầu năm 1983, Hòa thượng Thích Trí Thủ (Chủ tịch Trung ương Giáo hội) gặp tôi, cụ nói: Nhờ tôi thu xếp mời giúp Hòa thượng Kim Cương Tử vào chùa Già Lam, thành phố Hồ Chí Minh, trụ xứ của cụ một thời gian, tốt nhất là một năm hoặc năm sáu tháng cũng được, để Hòa thượng Kim Cương Tử đọc và hiệu đính giúp cuốn Luật Tứ phần mà Hòa thượng đang giao cho mấy đệ tử phiên dịch. Hòa thượng Trí Thủ còn nói thêm: Hòa thượng Kim Cương Tử là chân Luật học có tiếng ở Bắc. Công việc đã được thu xếp chu đáo nhưng vì có trở duyên nên Phật sự này không thực hiện được.

 

5. Nhiều lần Hòa thượng Kim Cương Tử nói chuyện với tôi, cụ đều nhắc về việc phiên dịch và xuất bản Luật tạng. Khi Phân viện Nghiên cứu Phật học ở Hà Nội được thành lập, Tạp chí Nghiên cứu Phật học được ra đời và cho ra số đầu tiên, Hòa thượng Kim Cương Tử đã viết bài giới thiệu về Luật Phật học đăng trên nhiều số của Tạp chí để cổ vũ việc nghiên cứu phiên dịch Luật tạng, đồng thời cũng để cho tăng ni Phật tử và những nhà nghiên cứu Phật học và quan tâm đến Phật giáo tham khảo.

 

Duyên may đã đến, vào những năm 1993-1994, Phân viện Nghiên cứu Phật học ở Hà Nội được sự cổ vũ của đông đảo tăng ni, Phật tử và có sự trợ duyên từ bên ngoài đã dần hình thành chương trình nghiên cứu phiên dịch. Một chương trình nghiên cứu phiên dịch, biên soạn từ ngắn hạn, trung hạn và dài hạn được thông qua. Hòa thượng Kim Cương Tử, nhân danh Phân viện trưởng chủ trì công việc Phật sự quan trọng này. Công tác phiên dịch được bắt đầu từ việc tổ chức phiên dịch bộ “Đại Từ điển Phật học Hán Việt”; Tiếp đó là việc tổ chức phiên dịch Luật tạng. Việc biên soạn, phiên dịch Đại Từ điển Phật học của Phân viện do Hòa thượng Kim Cương Tử chủ trì thực hiện trong hơn hai năm thì hoàn thành và đưa vào xuất bản. Đây là bộ Từ điển Phật học Hán Việt đồ sộ nhất từ trước đến bấy giờ.

 

Phiên dịch Luật tạng là công việc khó khăn, Viện Nghiên cứu Phật học của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh đã đề nghị Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội đảm nhiệm Phật sự quan trọng này. Sau khi nhận công việc phiên dịch Luật tạng, Hòa thượng Kim Cương Tử đã cùng ban lãnh đạo Phân viện bàn kế hoạch phiên dịch cụ thể. Cũng chỉ trong gần hai năm, bộ Luật chủ chốt trong Luật tạng đã được dịch xong, phân định ra làm bốn cuốn để đưa vào xuất bản. Cuốn sách Luật đầu tiên đã được Phân viện xuất bản và phát hành vào năm 2001. Ba cuốn còn lại dự kiến sẽ xuất bản vào năm 2002-2003, nhưng do khó khăn về tài chính nên chưa hoàn thành việc xuất bản.

 

Tôi nhớ lần đầu tiên đi ra nước ngoài với Hòa thượng, đó là vào giữa năm 1985, lúc đó Hòa thượng tuổi đã cao nhưng tôi để ý thấy đi đến đâu, tiếp xúc với ai Hòa thượng cũng đều ghi chép cụ thể từng chi tiết. Những địa danh, tên người chủ trì tiếp xúc qua từng cuộc tiếp kiến, Hòa thượng đều đề nghị phiên dịch phiên âm rõ ràng để Hòa thượng ghi chép vào sổ tay ký sự.

 

Có lẽ suốt cuộc đời tu hành của Hòa thượng, Hòa thượng chỉ đau đáu về nghiên cứu và phiên dịch nhất là phiên dịch Luật tạng, chả thế mà lời tâm sự được ghi ở đầu cuốn sách Luật đã được xuất bản, đã nói rõ điều này.

 

Mong muốn của con người thì vô hạn, khi người đó đam mê một công việc, nhưng thời gian vật chất của con người thì hữu hạn. Bộ Luật chủ chốt trong Luật tạng do Hòa thượng chủ trì phiên dịch đã xong và mới xuất bản được cuốn đầu. Ba cuốn tiếp theo còn nằm đó chờ những Mạnh Thường Quân ra tay giúp đỡ.

 

Hòa thượng đã ra đi đến nay vừa tròn một thập niên, mong rằng sự nghiệp phiên dịch và xuất bản Luật tạng luôn được Hòa thượng phù trì để Phật sự quan trọng này sớm được thành tựu, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phiên dịch Tam tạng Thánh giáo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

 

Nam Mô thường Tinh tiến Bồ Tát Ma Ha Tát.

 

Trần Khánh Dư

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo

Nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ

Các bài viết khác