TRUNG TÂM BẢO TỒN    
DI SẢN VĂN HÓA TÔN GIÁO
Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hoá Tôn giáo
Menu

Dòng họ Hoàng giáp Trần Hữu Thành tổ chức Hội thảo là sự Tri ân với Tổ Tiên theo tinh thần Tứ Trọng Ân Đức của nhà Phật

Ngày: 17:11:51 04/01/2021

Như đã đã đưa tin, ngày 12 tháng 7 năm 2020 Hội đồng gia tộc Hoàng giáp Trần Hữu Thành cùng Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo phối hợp để tổ chức thực hiện Hội thảo Khoa học Danh nhân Văn hóa Hoàng giáp Trần Hữu Thành (1558-1635) được tổ chức tại Nhà Văn hóa UBND xã Yên Trung, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Dưới đây là lời phát biểu của Hòa thượng Thích Tâm Vượng tại Hội thảo Khoa học này (tên bài phát biểu do Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo đặt), xin hân hạnh giới thiệu cùng Quý vị.

 

Đức Phật có dạy, người có tâm chân thành thì thiện khí ngưng tụ, làm việc thiện thì trời Phật phù giúp đó là phúc, phúc do tâm tạo. Tâm tại Phật, Phật ở trong tâm chúng ta. Cho nên chúng ta phải siêng năng làm việc thiện, tu phúc để lại phú quý lộc thọ cho con cháu mai sau. Nho học thì có vũ khúc lâm môn, nó là phú quý và khang minh. Có phúc thì giàu, có phúc thì sang, có phúc thì thọ, có phúc thì khang (tức là có sức khỏe) và có phúc thì an tọa (không bị người ta chửi bới, nguyền rủa, mắng nhiếc,…). Muốn có phúc thì phải tu, mà tu theo Đức Phật nói là tu bát phúc điền, kính phật, kính hiền thánh.

 

Hiện nay, ở các chùa miền Bắc, ở ngôi Tam Bảo ngoài có Phật ra thì còn có thánh, có vua, có quan. Trong chùa có cả 1 phủ thờ mẫu, có đền thờ các vị anh hùng dân tộc, đó là các bậc thánh nhân thế gian được kính trọng. Được kính trọng là được lễ bái, được cúng dàng và học tập làm theo tư tưởng đạo đức của các ngài. Đó là những người có phúc kính nhân thế gian,… cho đến kính trọng các tổ chức hiệp hội và dòng họ.

 

Thánh nhân xuất thế gian như GS Lê Văn Lan nói trong một chương trình ở chùa Hoằng Pháp (Hải Phòng) là như những vị sư đi tu không còn vướng víu những chuyện ở đời nữa thì gọi là xuất thế gian. Xuất thế có ba nghĩa. Một là xuất thế tục gia tức là ra khỏi nhà kia từ nói năng, ăn uống, đi đứng, nằm ngồi khác hẳn thế gian. Hai là, xuất phiền não gia tức là không còn phiền não nữa, khen cũng không vui mà chê cũng chả buồn. Ba là tam giới gia tức là tu được ra khỏi nhà tam giới, nhà tam giới gồm 3 cõi (cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc giới).

 

Ở Việt Nam chúng ta có 3 vị thánh nhân xuất thế gian được nhà Lý phong, tiêu biểu đó là, thứ nhất là Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không ở chùa Cổ Lễ (nơi tôi đang tu học), thứ hai là Đức Thánh Tổ Từ Đạo Hạnh (Thạch Thất, Hà Nội), thứ ba là Đức Thánh Tổ Giác Hải Thiền Sư ở chùa Diên Phúc (Giao Thủy, Xuân Trường, Nam Định). Ba vị này ở thời nhà Lý, sau khi nhập được trí thần thông rồi, ba vị này về nước và được vua phong là Thánh Tổ.

Hòa thượng Thích Tâm Vượng phát biểu tại Hội thảo Khoa học Danh nhân Văn hóa Hoàng giáp Trần Hữu Thành (1558-1635) tổ chức tại Nhà Văn hóa UBND xã Yên Trung, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định ngày 12 tháng 7 năm 2020.

 

Bốn phúc điền tri ân trước hết là con người ta phải có hiếu, biết ơn công đức sinh thành của cha mẹ, của ông bà, của tổ tiên. Tri ân tổ tiên nối tiếp các đời mới có ông bà cha mẹ thì mới có mình. Tri ân Tổ quốc nơi ta sinh sống; Tri ân xã hội nơi cung cấp cho ta cuộc sống; Tri ân thày tổ người giáo dưỡng ta, rèn luyện ta thành người hữu ích cho xã hội. Nhưng cái gốc là tri ân tổ tiên, ông bà cha mẹ là các thế hệ nối đời sinh và nuôi dưỡng ta.

 

Hôm nay, chúng ta dự Hội thảo Khoa học Danh nhân Văn hóa Hoàng giáp Trần Hữu Thành (1558-1635) là Cụ Tổ của cụ Trần Khánh Dư, nguyên là Vụ trưởng Vụ Phật giáo - Ban Tôn giáo Chính phủ cùng công tác với thời kỳ Hòa thượng Thích Thế Long (là sư phụ của tôi ở chùa Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, Nam Định) Phó Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa VII, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Chủ tịch Phật giáo châu Á vì Hòa bình. Hôm nay về dự Hội thảo, thay mặt Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nam Định và Tổ đình Phật giáo chùa Cổ Lễ, tôi xin tán thán và tuyên dương công đức dòng họ Hoàng giáp Trần Hữu Thành đã làm được công việc vô cùng ý nghĩa đại tâm đại tướng này.

 

Hòa thượng Thích Tâm Vượng

Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam;

Viện chủ Tổ đình Phật giáo chùa Cổ Lễ, thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định;

Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo.

 

Các bài viết khác