TRUNG TÂM BẢO TỒN    
DI SẢN VĂN HÓA TÔN GIÁO
Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hoá Tôn giáo
Menu

Lễ Vu Lan - Báo Hiếu giá trị đạo đức của Phật giáo vần được bảo tồn và phát huy

Ngày: 18:55:39 15/10/2015

Chúng ta phải chung tay xây dựng ngày lễ Vu Lan - báo hiếu của Phật giáo thành một lễ hội mang tính Quốc gia, trong đó vai trò nòng cốt là Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Các giới chức tăng ni của Giáo hội là người trực tiếp tổ chức và dẫn dắt phật tử, tín đồ của mình hướng thiện theo đúng chuẩn mực ý nghĩa của lễ Vu Lan - báo hiếu. 

I/ Hiếu - là nền tảng gốc rễ của mọi giá trị đạo đức

Mối tình cảm đặc biệt gắn bó thiêng liêng của cha mẹ và con cái, giữa các thành viên anh chị em trong một gia đình vốn là một thuộc tính tự nhiên của loài người. Tuy nhiên thuộc tính cao quý ấy vốn không phải nào cũng được duy trì giữ gìn trong suốt cuộc đời mỗi con người hoặc ở tất cả mọi con người.

Trong quá trình vận động của cuộc sống, mối tình cảm thiêng liêng đó lại bị chi phối bởi các mối quan hệ tình cảm nơi khác phát sinh như vợ, con... hoặc chịu sự áp lực của cuộc sống, hoặc lòng tham danh lợi và những nguyên nhân khách quan khác tác động. Sự trỗi dậy của bản tính hoang dã của phần con trong con người nào đó bộc phát, khi mà ranh giới giữa cái thiện và cái ác trong con người  vốn đã rất mong manh. Từ sự tác động của các nguyên nhân đó khiến cho mối quan hệ tình cảm tốt đẹp giữa cha mẹ, con cái, anh em không những không duy trì được, mà còn trở nên mâu thuẫn, xung đột, thậm chí còn gây ra những hậu quả xót xa cho gia đình và xã hội. Nhận thức được tầm quan trọng mang tính nền tảng cốt yếu của mọi giá trị đạo đức cho nên từ xa xưa các nhà hiền triết, nhất là ở phương Đông đã đề cao giá trị của chữ “hiếu”, đã đưa ra những luận thuyết thông qua các thể loại Kinh Sách, nhằm minh triết cho mọi người hiểu và đề cao việc hiếu nghĩa với đấng sinh thành, dưỡng dục của mình. Chẳng thế mà với tư tưởng Nho giáo như “Người ta trăm nết thì hiếu đứng đầu”, “Cha mẹ làm điều gì trái con cái can gián không được thì khóc lạy mà theo”.

“Phụ mẫu tại đường bất khả viễn du”... Theo Nho giáo thì chữ hiếu được quán triệt như một giá trị tuyệt đối. Còn trong các tôn giáo và tín ngưỡng địa phương, thì việc đề cao giá trị hiếu nghĩa cho dù ở các mức độ khác nhau, và cách tiếp cận có khác nhau, nhưng tựu chung cũng quan niệm như một giá trị phổ quát. Ở nước ta, tục thờ mẫu minh chứng cho sự tôn kính người mẹ với nhân vật trung tâm là Mẫu Liễu Hạnh. Đỉnh cao là tục thờ vua cha Lạc Long Quân và mẫu Âu Cơ “Cha Rồng mẹ Tiên”, hoặc tục thờ cúng Vua Hùng. Nhưng đặc trưng hơn cả và có sức lan tỏa sâu rộng hơn cả là lễ Vu Lan - báo hiếu (Rằm tháng Bảy hàng năm), cùng với tục cúng chúng sinh của Đạo Phật. Theo tư tưởng giáo lí của đạo Phật, Kinh Phật dạy rằng: “Kính Phật thánh thì kính cha mẹ trước”, hoặc “Cha mẹ là Phật sống trong nhà”. Chính vì thế mà trong dân gian lưu truyền câu răn dạy con cháu “Những người chửi mẹ mắng cha, đánh chó cuống chổi leo qua cầu vồng/Chết xuống âm phủ leo qua cầu vồng”.

Ở Việt Nam, lễ Vu Lan còn được Việt hóa với bài “Văn tế thập loại chúng sinh” của Đại thi hào Nguyễn Du. Các nhà sư dùng làm văn tế cúng chúng sinh trong lễ Vu Lan. Một bài văn tế thấm đẫm tinh thần Phật giáo - cảm thông, vị tha và giác ngộ. Tại sao Phật giáo lại đề cao đạo đức hiếu đễ như vậy? Bởi lẽ, một kẻ không hiếu đễ với bậc sinh thành dưỡng dục mình, thì kẻ đó cúng Phật Thánh cũng chỉ là tham lam giả tạo, vụ lợi mà thôi. Đó lại chính là mầm họa gây nhiễu loạn cho xã hội. Theo nhận thức quả quyết của tôi, một người có hiếu với cha mẹ, tình nghĩa với anh em tất là một con người sống đạo đức thuận hòa trong xã hội và không thể khác được. Nếu xã hội có được nhiều con người có tư tưởng đạo đức như thế, tất cái xã hội đó sẽ hài hòa và là gốc rễ của sự phát triển bền vững của xã hội đó.

II/ Vai trò của Lễ Vu lan - Báo Hiếu đối với xã hội Việt nam hôm nay

Đối với xã hội Việt Nam hiện đại, chúng ta đi ngược thời gian về những năm đầu của chế độ. Rất tiếc đã có thời gian khá dài, do ảnh hưởng tư tưởng quá tả, có lúc có nơi tới mức cực đoan. Người ta áp đặt và giải quyết mọi vấn đề trái với luận thuyết duy vật biện chứng một cách cứng nhắc. Thậm chí, còn phủ nhận hầu hết các giá trị trước đó, cái gì đã cũ đều cho là sản phẩm của Nho giáo, phong kiến hủ lậu cần phải từ bỏ; tôn giáo là thuốc phiện, là ru ngủ dân chúng - mọi thứ liên quan đến tôn giáo đều bị đánh đồng là mê tín dị đoan, cần phải lên án và phá bỏ. Tình cảm cá nhân, gia đình, đôi lứa không được đề cao, thậm chí còn bị lên án là yếu đuối, ủy mị, là cá nhân ích kỉ. Có khi lại đề cao cái gọi là “tình yêu lớn lao” nhưng “viển vông” và “lộng tưởng” mà sau này suy ngẫm lại thì không thể chấp nhận được. Bởi lẽ, người ta đã quên rằng, cái cũ chính là nền tảng, là thai nghén của cái mới. Các tôn giáo lớn là đời sống tâm linh đã tồn tại mấy nghìn năm và vẫn đang hiện hữu sừng sững giữa cái thế giới cực văn minh công nghệ cao ngày nay. Ngay cả các tín ngưỡng địa phương cũng đã từng tồn tại chí ít tới bốn, năm trăm năm, tự thân các tôn giáo đã khẳng định sự vĩnh hằng của đời sống tâm linh. Đối với người Việt, tục thờ cúng cha mẹ, tổ tiên cũng đã có từ mấy ngàn năm và có giá trị giáo dục đạo lí cực cao. Tình cảm cá nhân mỗi con người là thiên tính tự nhiên. Mỗi cá nhân, mỗi gia đình là tế bào cấu thành nên cơ thể xã hội. Tế bào khỏe, trong lành thì cơ thể xã hội cường tráng, bền vững. Kẻ nào không yêu cha mẹ mình, thì làm sao có tình yêu quê hương? Đã không yêu quê hương, thì làm sao có được tình yêu Tổ quốc? nói gì đến tình yêu nhân loại, tình quốc tế cao cả còn rất xa vời… Kẻ nào không yêu anh em, thì làm sao có thể yêu được láng giềng của mình?

Chính các căn nguyên đó đã làm cho các chuẩn mực đạo đức phai nhạt. Đạo đức xã hội xuống cấp, cộng với sự tác động của các nhân tố tiêu cực trong thời hội nhập kinh tế thị trường. Tư tưởng thực dụng và đề cao tự do cá nhân một cách thái quá, làm cho mối dây tình cảm giữa các thành viên trong gia đình, quan hệ giữa người với người trong xã hội trở nên mong manh, dễ đổ vỡ. Ở đâu đó, người già vẫn ngày một cô đơn, thiếu sự quan tâm chăm sóc về mặt tinh thần từ con cái, con người đã trở nên vô cảm, thiếu trách nhiệm với xã hội. Còn nữa, đâu đó trong giới trẻ ngày nay, một bộ phận không nhỏ vẫn đang chịu sự ảnh hưởng tiêu cực của công nghệ thông tin qua đời sống ảo từ không gian mạng internet. Cùng với sự giáo dục đạo đức chưa được chú trọng đúng mức đã làm băng hoại đạo đức, gây hậu quả đau xót cho gia đình và xã hội. Nhưng may mắn là Phật Giáo vẫn còn như mạch suối ngầm, chảy không ngừng để nuôi dưỡng tư tưởng con người hướng thiện. Ngày nay được sự quan tâm về đường lối chính sách của Đảng và nhà nước đã tạo điều kiện cho Phật giáo nói riêng và các tôn giáo, tín ngưỡng khác nói chung phát huy được giá trị đạo đức của tôn giáo mình.

Lễ Vu Lan - báo hiếu và cúng chúng sinh của đạo Phật có một giá trị đạo đức đặc biệt, ngày nay đã được thực hiện hầu hết ở các chùa trên toàn quốc và rất đông các phật tử và những người dân hướng thiện tham gia. Qua đây chúng ta nhận ra chân giá trị của giáo lí Phật giáo còn đang hiện hữu, rất đời thường, nhân bản và nhân văn, là một minh chứng nhập thế của đạo Phật. Tuy nhiên, việc tổ chức lễ Vu Lan - báo hiếu không có sự thống nhất trong hệ thống của Phật giáo, nên nhiều nơi thực hiện còn sai lạc, rườm rà chưa đúng với ý nghĩa tốt đẹp đích thực của lễ Vu Lan báo hiếu. Do nhận thức lệch lạc, thiếu hiểu biết, do khủng hoảng niềm tin vào xã hội và cả chính bản thân mình, có phật tử, tín đồ bấu víu vào đời sống tâm linh, đặt niềm tin tuyệt đối vào thế lực siêu nhiên đã khiến không ít người trong số họ trở nên u mê, cuồng tín mang màu sắc mê tín dị đoan. Vì họ cho rằng, thần thánh, phật tiên có thể giải quyết được tất cả mọi vấn đề. Điều đáng lo ngại ở đây là sự u mê ấy phát sinh ở ngay cả trong những người có học vấn cao, thậm chí cả những vị quan chức nhà nước. Song hành với họ là những người lợi dụng tín ngưỡng và những kẻ ăn theo, lợi dụng tâm lí ấy để buôn Thần bán Phật, dùng những chiêu trò quái gở, thủ thuật gian tà để lừa gạt kiếm lợi, làm tốn kém của cải của các gia đình, có người khuynh gia bại sản, điều này làm giảm hiệu quả của bộ máy công quyền nhà nước, làm lệch lạc biến tướng lễ hội Vu Lan, gây tác động tiêu cực cho đời sống xã hội.

Muốn giải quyết được vấn đề này, chúng ta phải chung tay xây dựng ngày lễ Vu Lan - báo hiếu của Phật giáo thành một lễ hội mang tính Quốc gia, trong đó vai trò nòng cốt là Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Các giới chức tăng ni của Giáo hội là người trực tiếp tổ chức và dẫn dắt phật tử, tín đồ của mình hướng thiện theo đúng chuẩn mực ý nghĩa của lễ Vu Lan - báo hiếu. Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Tôn giáo là đơn vị chủ thể cố vấn cho Giáo hội và là cầu nối giữa Giáo hội và các cơ quan quản lí nhà nước, tạo điều kiện tốt nhất cho việc xây dựng lễ Vu Lan - báo hiếu trở thành một lễ hội thường niên mang tính quốc gia, với những tiêu chí nghi lễ chuẩn mực của Giáo hội Phật giáo qui định, để lễ hội phát huy được giá trị đạo đức đặc sắc nuôi dưỡng thường xuyên nền tảng đạo đức trong mỗi con người như thể mưa dầm thấm sâu vậy.

Nếu chúng ta không đồng tâm hiệp lực, chung tay xây dựng Lễ Vu Lan - báo hiếu thành một lễ hội để tăng sức lan tỏa sâu rộng trong dân chúng, mà chỉ dừng ở việc bảo tồn duy trì như hiện nay, thì chẳng khác nào giấu vàng dưới đất cất ngọc trong hòm, âu cũng chẳng có giá trị gì đáng mấy./.

Trần Diên Linh, Văn Mỹ, xã Yên Trung, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.

Ảnh: Bình Yên.

Các bài viết khác