TRUNG TÂM BẢO TỒN    
DI SẢN VĂN HÓA TÔN GIÁO
Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hoá Tôn giáo
Menu

Vu Lan báo Hiếu của Đạo phật với xã hội Việt Nam hiện nay

Ngày: 10:11:02 16/10/2017

Theo thiển ý của chúng tôi, ngày Vu Lan nên trở thành ngày tri ân và báo ân rộng rãi trong xã hội. Đây là ngày bắt nguồn từ tính tôn giáo, nhưng phù hợp với truyền thống và đạo lý của người Việt. Bởi vậy nên có sự điều chỉnh trong phạm vi và quy mô nhất định để phát huy được ý nghĩa tích cực của ngày này rộng khắp trong xã hội.

Chủ đề của Hội thảo do Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo thuộc Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức đặt ra cho chúng ta khá nhiều vấn đề trước thực trạng hiện nay.

Nói về nguồn gốc, Vu Lan xuất phát từ truyền thuyết: Bồ tát Mục Kiền Liên đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Theo kinh Vu Lan thì Mục Kiền Liên là một trong mười đại đệ tử của Đức Phật, đã tu thành công nhiều phép thần thông. Mẫu thân của ông là bà Thanh Đề đã qua đời, vốn là người con hiếu thảo, khi đã đắc thần thông, ông tưởng nhớ và muốn biết mẫu thân hiện như thế nào nên đã dùng thần thông để soi tìm. Ông thấy mẹ mình, mang thân ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở vì khi sống ở trần gian bà Thanh Đề gây nhiều nghiệp ác. Thương mẹ, ông đã đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ. Tuy nhiên, do đói ăn lâu ngày và tâm tính cũ chưa hết nên mẹ của ông khi ăn đã dùng một tay che bát cơm của mình sợ các cô hồn khác đến tranh cướp, vì tâm tham không dứt, nên khi thức ăn đưa lên miệng đã hóa thành lửa đỏ.

Thương mẹ, nhưng Mục Kiền Liên bất lực nhìn mẹ trong đau khổ. Mục Kiền Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: Dù ông thần thông quảng đại cũng không đủ sức cứu mẹ ông. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng Bảy, sau ba tháng an cư của chư tăng là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó.

Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng: chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu-Lan-Bồn Pháp). Từ đó, ngày lễ Vu Lan ra đời. Vu Lan trở thành ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ, thành tâm trả công ơn cha mẹ và tổ tiên. Trong một số nước Á Đông, ngày lễ này thường được tổ chức vào ngày 15 tháng 7 (Âm lịch), để tỏ hiếu với cha mẹ, ông bà và cũng để giúp đỡ những linh hồn đói khát.

Vào ngày này, các gia đình thường cúng hai mâm: Cúng tổ tiên tại bàn thờ tổ tiên và cúng chúng sinh ở sân trước nhà hoặc trên vỉa hè (nếu đường rộng), thời gian cúng có thể là vào buổi sáng, trưa hoặc chiều. Trên mâm cúng tổ tiên, lễ vật là một mâm cỗ mặn, tiền vàng và đồ mã vật dụng dành cho người cõi Âm làm bằng giấy tượng trưng từ những vật truyền thống như quần áo, giày dép... Trên mâm cúng chúng sinh thì lễ vật gồm có: quần áo chúng sinh, các loại đồ ăn như: bỏng ngô, chè lam, tiền vàng, cốc nước lã hoặc rượu, gạo trộn lẫn với muối (cốc này sẽ được rắc ra vỉa hè hoặc sân nhà về bốn phương tám hướng sau khi cúng xong cho cô hồn), ngô, khoai lang luộc, cháo hoa... và những lễ vật khác dành cho những cô hồn, ma đói không nơi nương tựa.

Lễ Vu Lan ở Việt Nam không những nhắc nhỡ việc báo hiếu cha mẹ mà còn bao hàm ý nghĩa tìm về cội nguồn để biết ơn và báo ơn. Việc làm ấy phù hợp với truyền thống: “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của người Việt Nam từ xưa tới nay, Chính vì thế mà Lễ Vu lan của Phật giáo đã được đông đảo nhân dân đón nhận. Ở nhiều làng quê, từ xa xưa việc cúng Rằm tháng Bảy bao giờ cũng được thực hiện trước ở chùa để tri ân Đức Phật, rồi mới đến cúng tại gia để báo hiếu đấng sinh thành. Lễ này thường được làm vào ban ngày, không làm vào ban đêm, khi Mặt Trời đã lặn.

Vu Lan - một hoạt động mang ý nghĩa tốt đẹp, thể hiện tình cảm và trách nhiệm của những người con đối với cha, mẹ hay nói chung là với đấng sinh thành. Nếu rộng hơn là trách nhiệm với những gì đã góp phần sinh ra ta và giúp ta trưởng thành khôn lớn. Lễ Vu Lan hiện nay càng có ý nghĩa hơn khi văn hóa xã hội, đạo đức con người, lối sống xã hội đang có quá nhiều vấn nạn:

Những Trung tâm nuôi dưỡng người già tại một số đô thị lớn đang đông chật những người bị con cái xa lánh, hắt hủi. Trong số những người bất hạnh ấy ngay tại cuộc sống ở trần gian, họ tốt hơn bà Thanh Đề bởi họ là những người chịu thương chịu khó, lam lũ chăm sóc nuôi dưỡng con cái. Nhưng khi con cái họ thành đạt thì sự quan tâm tới cha, mẹ chính là số tiền hàng tháng họ trả cho Trung tâm chăm sóc người già, cay nghiệt hơn có những người con còn không đoái hoài tới cha, mẹ. Thật tiếc thay con cái họ không có được cái đức của Mục Kiền Liên. Những người ứng xử với cha, mẹ như thế, liệu họ có nghĩ một ngày nào đó con cái họ sẽ ứng xử với họ như thế. Vấn nạn để lại hệ lụy lớn hơn nữa đó là sự băng hoại đạo đức của không ít thanh thiếu niên hiện nay. Vô cảm trước trách nhiệm với xã hội, vô cảm với tình cảm của cha, mẹ. Quen thói hưởng thụ vật chất, quen với sự đòi hỏi. Nếu không được giáo dục đúng mức, số thanh thiếu niên bị vô cảm, vô trách nhiệm ngày càng nhiều và xã hội sẽ đi về đâu.

Ở khía cạnh khác, do thiếu ý thức, do lòng tham lợi nhuận và do tính vô cảm của nhiều người mà hiện nay trong cuộc sống để lại quá nhiều tệ nạn gây khủng hoảng trầm trọng cho bà Mẹ - Trái đất. Tệ nạn khai thác rừng tới mức triệt hạ để lấy gỗ, ngăn lấp sông để làm thủy điện, phá núi lấy vật liệu xây dựng, khai thác tài nguyên… đã làm cho bề mặt trái đất biến dạng. Những nhà máy với nguyên liệu, phế thải độc hại, những con người hàng ngày sử dụng vứt rác phế thải bừa bãi… làm ô nhiễm môi trường sống, ô nhiễm bề mặt trái đất, tạo nên hệ lụy khôn lường gây tác hại lâu dài cho cuộc sống con người. Những căn bệnh hiểm nghèo lây lan thành nạn dịch, những vụ lũ lụt nghiêm trọng, những vùng sa mạc hóa ngày càng rộng hơn, sự nóng lên của vỏ trái đất cùng sự ô nhiễm mang tính toàn cầu… đang trở thành vấn nạn của mỗi gia đình, mỗi địa phương và cả nhân loại hôm nay và tương lai nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời và hiệu quả.

Gần đây do tư tưởng “phú quý sinh lễ nghĩa” đang xuất hiện tệ nạn lãng phí đến vô lý. Trong ngày Rằm tháng Bảy nhiều người báo hiếu bằng cách cúng đồ mã cho người chết là những: tivi, tủ lạnh, máy giặt, ô tô, xe, mũ, áo, người giúp việc, thậm chí cả nhà cao tầng, quạt điện, điều hòa, di động, IPhone... để cho người cõi âm có được một cuộc sống tiện nghi giống như người trần thế. Cúng bái linh đình và dâng vàng mã thật nhiều diễn ra ngày càng quy mô hơn như muốn chứng tỏ “Không thua kém ai”. Sự thái quá trong tri ân, báo ân ấy vừa tốn kém, lãng phí, vừa thiếu hiểu biết. Tốn kém, thiếu hiểu biết vì đốt tiền, nhưng cha mẹ, người thân hẳn đã được hưởng, trong khi đó còn biết bao nhiêu người nghèo cần được giúp đỡ để cuộc sống tốt đẹp hơn thì không làm.

Tri ân, báo ân cha, mẹ không chỉ có ở Việt Nam mà nhiều nước văn minh trên thế giới cũng có. Phương Tây có ngày Mother's day (ngày của mẹ), Father's day (ngày của cha) cũng mang ý nghĩa báo hiếu đấng sinh thành, đồng thời nhắc nhở con người tìm về nguồn cội. Nhưng họ thực hiện đơn giản mà thiết thực: Một bức thư, một tấm danh thiếp thể hiện tình cảm với đấng sinh thành, nếu người con ở xa không thể về gặp cha, mẹ. Hoặc một bông hoa, một món quà rất nhỏ mà chứa chan tình cảm và ý nghĩa… Và việc đó trở thành ngày “Hội” của cả xã hội, bởi thế ai là con đều có trách nhiệm, ai là cha, mẹ, đều tự hào về con cái của mình. Điều đó khác với Việt Nam ta chỉ khi cha mẹ chết rồi con cái mới lấy ngày giỗ làm ngày tưởng niệm tri ân… những việc làm đó âu cũng là một nét đạo lý tốt đẹp, nhưng với cha mẹ đã khuất thì việc làm đó muộn rồi, bởi cha mẹ liệu còn thấy được tình cảm con cái dành cho.

Trong nhiều năm gần đây ở Việt Nam, ở nhiều chùa vào dịp Rằm tháng Bảy có tổ chức lễ Vu Lan ở chùa, việc làm này đã nhắc nhở trách nhiệm của con cái đối với đấng sinh thành qua hình thức bông hoa hồng cài áo: Sau khi nói về ý nghĩa lễ Vu Lan, về hiếu hạnh của con cái với đấng sinh thành tiếp đến là lễ cài bông hồng: ai còn cha, mẹ được cài bông hồng màu đỏ, ai không may mất cả cha và mẹ được cài bông hồng màu trắng. Chỉ nhìn vào bông hồng trên áo mà biết được người nào còn cha, mẹ, người nào cha, mẹ đã qua đời. Người còn cha, mẹ thì vui mà cố giữ đạo hiếu mong sao cha, mẹ sống mãi để năm sau còn được cài bông hồng đỏ. Người mất cha mẹ cũng bùi ngùi tự nhủ mình phải thể hiện hiếu hạnh với cha, mẹ đã khuất, hầu mong để phúc lại cho con cháu sau này cho con cháu được mãi cài bông hồng màu đỏ. Lễ Vu Lan ở chùa với bông hồng cài áo thật đơn giản mà ý nghĩa, sâu sắc. Nó có thể được bắt nguồn học tập từ một nghi lễ báo ân ở đâu đó, nhưng khi vào Việt Nam đã thể hiện được nét riêng phù hợp với đời sống của người Việt Nam. Song trước thực tế hiện nay, lễ Vu Lan ở chùa chưa phải nơi nào cũng đã làm được như thế. Một số chùa còn nặng về dâng cúng lễ vật, mà chưa chú ý tới giáo dục trách nhiệm, đạo đức của con cái với đấng sinh thành. Không ít vị trụ trì chùa tổ chức lễ Vu Lan, nhưng hướng tín đồ tới việc dâng cúng lễ vật mà không chú ý tới việc giáo dục đạo đức lối sống thông qua chuyển hóa nhận thức và thay đổi hành động thiết thực. Thiết nghĩ việc làm ấy cần thay đổi cho phù hợp với sự phát triển của xã hội trong giai đoạn mới, phù hợp với văn minh của thời đại mà vẫn giữ được truyền thống của con người và dân tộc Việt Nam.

Trong dịp Lễ Vu Lan năm nay, Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo thuộc Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức Hội thảo này, hy vọng tại hội thảo sẽ có nhiều ý kiến đóng góp để xây dựng hoặc đề xuất một mô hình Vu Lan cho phù hợp mà ý nghĩa. Theo thiển ý của chúng tôi, ngày Vu Lan nên trở thành ngày tri ân và báo ân rộng rãi trong xã hội. Đây là ngày bắt nguồn từ tính tôn giáo, nhưng phù hợp với truyền thống và đạo lý của người Việt. Bởi vậy nên có sự điều chỉnh trong phạm vi và quy mô nhất định để phát huy được ý nghĩa tích cực của ngày này rộng khắp trong xã hội. Muốn làm được điều đó từ tôn giáo cho tới xã hội cần có nhận thức và sự thay đổi cho phù hợp.

Đối với Phật giáo, tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong quy định về nghi lễ nên hướng tới “Quy định chung cho ngày Vu Lan” qua việc tăng dần nhận thức, hành động có trí tuệ, giảm bớt dâng cúng lễ vật, hạn chế dần đốt vàng mã. Tăng việc thuyết pháp về ý nghĩa Vu Lan báo hiếu, tổ chức nhiều hoạt động sâu rộng về văn hóa, văn nghệ Phật giáo, tổ chức lễ cài bông hồng, hoặc chọn hình thức phù hợp với phong tục điều kiện của địa phương ít tốn kém mà ý nghĩa.

Đối với chính quyền, nên tạo điều kiện cho các chùa tổ chức những hoạt động trong mùa Vu Lan, khuyến khích hoạt động thiết thực, ngăn ngừa các hoạt động đi ngược với đạo lý truyền thống, lãng phí, mê tín. Khuyến khích lối sống văn hóa, đạo đức uống nước nhớ nguồn./.

TS. Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ.

Ảnh: Bình Yên.

Các bài viết khác