TRUNG TÂM BẢO TỒN    
DI SẢN VĂN HÓA TÔN GIÁO
Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hoá Tôn giáo
Menu

Đôi điều về Phật giáo Việt Nam trong bối cảnh ngày nay

Ngày: 10:04:03 12/05/2015

Với truyền thống gắn đạo với đời, đạo pháp với dân tộc, Phật giáo đã tham gia vào nhiều hoạt động xã hội như: Cứu giúp người nghèo, người cô đơn cơ nhỡ, nuôi dạy trẻ mồ côi… 

1. Bởi cơ duyên mà Phật giáo được truyền vào Việt Nam từ khá sớm, đến nay đã trên 2.000 năm, và cũng bởi truyền thống tốt đẹp của người Việt mà Phật giáo sớm hòa nhập với văn hóa - xã hội Việt Nam.

Thời kỳ phong kiến Lý, Trần, Phật giáo đã giữ vai trò là tôn giáo chủ đạo (Quốc giáo), đặc biệt thời Trần với việc ra đời thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã đặt nền móng cho Phật giáo Việt Nam những nét tinh hoa bản sắc riêng.

Cho đến nay, Phật giáo vẫn tiếp tục phát huy giá trị tốt đẹp, cao cả của mình trong nhiều mặt của đời sống xã hội. Có thể khẳng định rằng từ chỗ là tôn giáo được du nhập từ ngoài vào, Phật giáo đã sớm khẳng định mình để trở thành tôn giáo của Việt Nam, và là tôn giáo Việt Nam, Phật giáo đã trở thành một bộ phận trong đời sống văn hóa - xã hội Việt Nam.

2. Trong quá trình tồn tại và phát triển, Phật giáo Việt Nam đã góp phần quan trọng đối với văn hóa cộng đồng, với việc nhận thức về thế giới, về xã hội và về con người, đặc biệt là việc đề cao trách nhiệm của chính con người và của cả dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, tạo sự gắn kết cộng đồng, tạo sức mạnh chung cho cả dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước.

Do vậy, nói đến lịch sử dân tộc Việt Nam không thể không nói đến Phật giáo Việt Nam và ngược lại nói đến Phật giáo Việt Nam không thể không nói đến lịch sử dân tộc Việt Nam.

Sau năm 1975, khi nước nhà được thống nhất, Phật giáo Việt Nam đã ổn định và phát triển trong ngôi nhà chung: Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trong sự đồng hành cùng dân tộc, trong sự đổi mới và phát triển đất nước, trong sự hội nhập và phát triển.

Có thể nói, Phật giáo Việt Nam đã có sự lớn mạnh cả về chất và lượng. Xin được nêu vài con số của Phật giáo Việt Nam hiện nay: Theo phương pháp thống kê hành chính có trên 10 triệu tín đồ (chưa kể số người tin Phật, lễ Phật mà chưa quy Y, hoặc đã được quy Y nhưng chưa có sự thống kê chính xác), có khoảng 42.000 chức sắc, có khoảng 17.000 cơ sở thờ tự, có 4 Học viện và trên 30 trường trung cấp; Phật giáo Việt Nam cũng có quan hệ với nhiều tổ chức Phật giáo ở các nước trong khu vực và trên thế giới.

Với truyền thống gắn đạo với đời, đạo pháp với dân tộc, Phật giáo đã tham gia vào nhiều hoạt động xã hội như: Cứu giúp người nghèo, người cô đơn cơ nhỡ, nuôi dạy trẻ mồ côi… Phật giáo Việt Nam ngày càng khởi sắc không chỉ ở số lượng và quy mô các lễ hội, ở việc xây dựng, tu bổ, tôn tạo cơ sở thờ tự mà còn ở việc nâng cao sự nhận thức về Phật học và thế học cho các tăng ni, ở việc tổ chức các hội thảo về Phật giáo trong lịch sử và hiện tại.

Có thể nói rằng, các tăng ni đang được trí thức hóa theo nhu cầu của bản thân Phật giáo và sự đòi hỏi của tín đồ. Sự phát triển lớn mạnh của Phật giáo Việt Nam hiện nay đã vượt ra ngoài phạm vi quốc gia được thể hiện bằng việc Phật giáo từ Việt Nam được các tăng sĩ Phật giáo Việt Nam truyền bá tới nhiều nước trên thế giới, do vậy vai trò và vị thế của Phật giáo không ngừng được củng cố, nâng cao.

3. Để phát huy tốt hơn nữa vai trò và vị thế của Phật giáo Việt Nam đối với dân tộc trong bối cảnh hiện nay, thiết nghĩ Phật giáo cần phải có sự quan tâm nhiều hơn, có hiệu quả hơn tới việc trang nghiêm giáo hội và sự tôn trọng các sơn môn pháp phái, bởi lẽ không có sự quản lý chặt chẽ của Giáo hội mà trực tiếp là Hội đồng Trị sự thì sẽ dẫn tới những lệch lạc trong tu hành, trong sự thống nhất chung của Phật giáo; song nếu xem nhẹ sơn môn pháp phái sẽ làm cho Phật giáo mất đi tính truyền thống lịch sử, làm phai mờ mối dây gắn kết của mỗi sơn môn và những đặc sắc của sơn môn, điều này có thể làm cho Phật giáo mang nặng tính hành chính, tính hình thức.

Trước những đòi hỏi của hội nhập và phát triển, xu hướng đổi mới trong Phật giáo không thể không đặt ra, vấn đề truyền thống và hiện đại trong việc tu chứng, hành đạo, trong việc hoằng dương Phật pháp, trong công việc hành chính đạo… cũng đang là một thách thức đối với Phật giáo Việt Nam hiện nay. Phải chăng đây chính là biện chứng của sự phát triển Phật giáo Việt Nam, mà sự phát triển biện chứng nào lại không có trong đó mâu thuẫn - mâu thuẫn của quá trình phát triển.

Theo chúng tôi, Phật giáo là tôn giáo của tư duy biện chứng, của sự hòa nhập bên trong và bên ngoài, của sự tùy duyên hóa độ. Do vậy, tin rằng Phật giáo sẽ hóa giải tốt những mâu thuẫn này để ngày càng ổn định và phát triển nhưng vẫn giữ được căn cốt của Phật giáo Việt Nam để đóng góp nhiều hơn nữa đối với dân tộc, với nhân loại và chúng sinh, bởi phục vụ chúng sinh chính là cúng dường chư Phật.

Trương Hải Cường, PGĐ, Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo.

Các bài viết khác