TRUNG TÂM BẢO TỒN    
DI SẢN VĂN HÓA TÔN GIÁO
Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hoá Tôn giáo
Menu

Nam Định quê hương thứ hai của Tam nguyên Nguyễn Khuyến

Ngày: 12:36:25 08/09/2015

Đất Ý Yên - Nam Định là nơi ông đã được sinh ra và gắn liền tuổi thơ tại nhà ông ngoại, nơi có những người thày hun đúc nên tài năng nhân cách của Nguyễn Khuyến, nơi có người mẹ lý tưởng gắn với một câu chuyện tâm linh, nơi lưu giữ phần mộ ông nội, ông Ngoại của Nguyễn Khuyến và phần mộ ngay của chính ông trên đỉnh núi Phương Nhi.

Nói đến Tam Nguyễn Yên Đổ Nguyễn Khuyến cho đến nay thì ông là một nhà khoa bảng, một danh nhân văn hóa cổ cận đại được giới nghiên cứu văn học đề cập đến khá đặc biệt. Đã có rất nhiều những khảo cứu, những tuyển tập rất công phu về thân thế, sự nghiệp văn thơ của ông. Bên cạnh đó còn có cả một kho giai thoại về cuộc đời làm quan của ông. Như cuốn “Giai thoại Nguyễn Khuyến” của nhà văn nhà giáo Bùi Cường. Nhưng có lẽ công phu hơn cả đầy đủ hơn cà và cách nhìn, cách tiếp cận mới. Một cái nhìn hiện đại về Nguyễn Khuyến đó là tuyển tập “Nguyễn Khuyến đời và thơ” do nguyên Viện Trưởng viện Văn học Việt Nam Giáo sư Nguyễn Huệ Chi làm chủ biên với sự thẩm định của các Giáo sư, học giả đầu ngành văn học cho ý kiến. Điều đặc biệt trong tác phẩm này là lần đầu tiên Giáo Sư Huệ Chi và nhóm biên soạn đã đề cập đến dòng họ Trần bên ngoại của Nguyễn Khuyến. Với những tư liệu khảo sát cụ thể từ hệ phả, Gia phả, bia ký kèm theo những nhận định về sự ảnh hưởng từ thân mẫu của ông đó là cụ bà Trần Thị Thoan. Theo Giáo sư Huệ Chi thì “Bà là người có ảnh hưởng quyết định đến sự nghiệp của Nguyễn Khuyến sau này”. Đồng thời giáo sư Nguyễn Huệ Chi và nhóm biên soạn đề cập đến một việc khá đặc biệt liên quan đến tâm linh đó là “Bà Trần Thị Thoan làm một việc hiếu với bố chồng vào năm Gia Long thứ XVI” (Nguyễn Khuyến đời và thơ trang 90).

Tại sao danh Nguyễn Khuyến lại được nghiên cứu kĩ lưỡng đến như vậy? Bởi vì ông là một tài năng đặc biệt, sống trong hoàn cảnh xã hội đặc biệt, một nhân cách đặc biệt và có những hành động đặc biệt. Mà hành động đặc biệt đó là gì? Theo như Giáo sư sử học Lê Văn Lan “không phải là sự làm quan của ông mà là việc từ quan của ông. Sống trong một hoàn cảnh xã hội như vậy với cách ứng xử của một vị đại nho ông vẫn lập được cái “danh”, giữ được cái “Đức” của người quân tử, đặc biệt là ông rất gần dân, là người bạn của nông dân làng quê. Trong bài viết này tôi không giám lạm bàn sâu vì đã có các bậc trí giả tiền bối làm rồi, mà tôi chỉ đưa ra một số thông tin, một số giữ liệu về Nguyễn Khuyến vì một lí do nào đấy mà các nhà nghiên cứu chưa đề cập đến. Ngõ hầu để những ai yêu kính về danh nhân văn hóa Nguyễn Khuyến được biết, đó là sự ảnh hưởng của quê ngoại Ý Yên Nam Định đến sự nghiệp khoa cử sau này của ông. Một ảnh hưởng đặc biệt có thể nói là quyết định đến tài năng và nhân cách của một danh nhân văn hóa Nguyễn Khuyến ở mọi góc độ.

1. Bắt đầu là một giấc mơ kỳ lạ, sự việc này lưu truyền ở dòng họ bên ngoại và có ghi ở gia phả họ Nguyễn Yên Đổ do chính Nguyễn Khuyến ghi lại. Truyện như sau:

Cha của Nguyến Khuyến là cụ Nguyễn Tông Khởi kết hôn với mẹ ông là cụ Trần Thị Thoan, con gái của một sinh đồ nhà Lê (có sách nói là cử nhân), là cụ Trần Hữu Tập ở làng Văn Khê xã Văn Xá huyện Ý Yên tỉnh Nam Định. Nay là thôn Văn Mỹ (Ngòi) xã Yên Trung - Ý Yên - Nam Định. Xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo và bên ngoại của cụ bà cũng không lấy gì làm giàu có cho lắm, lại thêm tốn kém cho việc khoa cử của bố ông. Bởi lẽ bố ông lận đận 3, 4 kỳ thi mà cũng chỉ đỗ tú tài gọi là cụ Mền Khởi. Mặc dù mẹ ông là người đảm đang song cũng không thể bù đắp nổi tốn kém thi cử của chồng. Lại thêm hiếm muộn về đường con cái. Hai cụ bèn bàn nhau về nương nhờ bên ngoại là cụ đồ Tập. Chồng thì giúp cha vợ việc dạy học và còn phải tiếp tục theo học thêm. Vợ thì đảm đang cày cấy, mò cua, bắt ốc trông coi việc đồng áng. Rồi một đêm bà nằm mơ là đang bắt cua ở cánh đồng Nam làng Văn Khê (Làng Ngòi) có tên là cánh đồng mồ, trên cánh đồng có một khu gồ để mộ gọi là gồ Nam Trại, gồ có hình dáng cái nghiên và bút nên còn có tên là gồ bút mực. Thì thấy một cụ già quần áo trắng, râu tóc trắng phơ chống gậy gọi bà và bảo: này con, ta cho con chỗ đất kia mà để mộ tổ sẽ được hưởng lộc đấy. Bà đưa mắt nhìn theo hướng ông cụ chỉ chỗ đất rồi quay lại định cảm tạ thì không thấy cụ già đâu nữa. Cũng là lúc bà thức giấc, nằm mãi không sao ngủ tiếp được, bà trở dậy dọn dẹp chờ trời sáng để thuật lại cho bố đẻ và chồng nghe. Nghe xong cụ đồ và chồng đều cho rằng là chuyện mộng mị không đâu. Thế nhưng đêm hôm sau bà lại nằm mơ thấy đang bắt cua ở cánh đồng ấy và lại gặp cụ già hôm qua, rồi cụ nói: ta đã chỉ cho con chỗ đất để mộ mà sao con không để? Nếu không sẽ có người để mất đấy. Thế rồi cụ già biến mất tự lúc nào không hay sáng ra bà thuật lại sự việc kỳ lạ với chồng và bàn với ông đem mộ bố chồng từ An Đổ về đấy. Thấy chồng còn do dự thì lúc này bà như có một niềm tin mãnh liệt, bà quyết tâm làm. Ông chồng thấy vậy cũng đành phải nghe theo. Đêm hôm sau mưa cuối thu sang đông, trời se lạnh 2 ông bà trở về quê nội ở Yên Đổ đợi cho trời tối khuya 2 người bí mật đào mộ bố chồng đem hài cốt về. Thấy chồng có vẻ run hãi bà liền bảo chồng cầm mai lẽo đèo theo sau còn bà vác hài cốt bố chồng lên vai đi suốt đêm để về đặt mộ kịp trước khi trời sáng như lời cụ già báo mộng. Điều kỳ lạ thay sang đến năm sau thì bà có thai và đã sinh ra Nguyễn Khuyến. Nguyễn Khuyến đã trở thành một tài năng đặc biệt, ngôi mộ tổ ấy là ông Nội của Nguyễn Khuyến là cụ Nguyễn Tông Tích (Tôn Khoản) hiện vẫn còn nguyên vị trí ở Cánh gò Nam Trại, Nam làng văn Mỹ xã Yên Trung - Ý Yên - Nam Định.

2. Nơi sinh và ảnh hưởng về con đường học vấn của Nguyễn Khuyến.

Nguyễn Khuyến được sinh ra, cất tiếng chào đời tại Ông ngoại (tức cụ đồ Trần Hữu Tập) được ông Ngoại nuôi nấng dạy giỗ đến năm lên 9 tuổi mới cùng cha mẹ trở về Yên Đổ - Bình Lục - Hà Nam. Lại nói về thân mẫu của Nguyễn Khuyến, cụ Trần Thị Thoan được sinh ra trong một dòng họ có truyền thống Khoa cử ông tổ đời thứ tư là Hoàng Giáp Trần Hữu Thành (Đỗ năm 1586 làm quan đến Chức Đề Hình giám sát Ngự sử đời Vua Mạc Mậu Hợp) bởi thế cho nên sau khi chồng mất sớm bà phải tần tảo khuya sớm nuôi các con và phụng dưỡng mẹ chồng nhưng với quyết tâm của bà là sự học của Nguyễn Khuyến phải tựu thành. Cũng vì lẽ đó mà Nguyễn Khuyến rất có hiếu với mẹ.

Còn nói đến sự học của Nguyễn Khuyến thì ông đã học tới 3 người thày ở Ý Yên.

Người thày thứ nhất, người đặt viên gạch nền móng đầu tiên cho con đường học vấn của ông không ai khác chính là ông ngoại - cụ đồ Trần Hữu Tập.

Người thày thứ hai mà ông thụ học là Tiến Sỹ Đốc Học Tỉnh Nam Định Hoàng Kim Chung người làng Đô Hoàng xã Yên Thành - Ý Yên - Nam Định ngày nay. Một người rất giỏi văn chương đã từng được ông Vua hay chữ như Tự Đức còn phải ban khen.

“Văn chương Nam Định đã tường

Còn e hai tiếng chuông vàng Ý Yên”

(Kim Chung tức là chuông vàng) một dòng họ có truyền thống khoa cử mà hậu duệ của ông sau này là các ông Hoàng Nhượng Tống yếu nhân trong Quốc dân Đảng. Hoàng Trung Tích nguyên trưởng ty Giáo dục Nam Hà. Hoàng Đình Huống nguyên Trưởng ty Lâm nghiệp Phú Thọ và là cha đẻ của nhà thơ Liệt sỹ Hoàng Minh Chính với bài thơ “Đi học” nổi tiếng đã được nhạc sĩ Bùi Đình Thảo phổ nhạc.

Người thày thứ ba là Hoàng Giáp Phạm Văn Nghị, một chí sỹ yên nước người xã Yên Thắng huyện Ý Yên - Nam Định. Ông đã từng mộ quân xin với triều đình được đánh Pháp, nguyện vọng của ông không được triều đình chấp thuận và bắt ông phải giải giáp binh sỹ vì lúc này triều đình đã có chủ trương đầu hàng Pháp.

Có lẽ vì nặng tình với quê mẹ Ý Yên nên trước khi mất Nguyễn Khuyến dặn con cháu để mộ mình trên đỉnh núi Phương Nhị thuộc xã Yên Lợi - Ý Yên - Nam Định hướng mộ nhìn về Từ Đường quê nội Ở Yên Đổ. Từ vị trí mộ như một điểm trung tâm Phía Đông Bắc nhìn về từ đường quê nội cách khoảng 14 km, Phía Tây Bắc cách quê ngoại khoảng 5 km. Phía Nam cách quê Thày Phạm Văn Nghị ở Yên Thắng khoảng 11 km. Phía Tây cách quê Thày Hoàng Kim Chung khoảng 6 km và phía Đông Nam Cách quê bạn đồng môn là Tam Nguyên vị xuyên Hàng Bích San khoảng 16 km. Phải chăng đây có phải là chủ ý của Nguyễn Khuyến từ đỉnh núi Phương Nhi như một điểm trung tâm nhìn về quê nội, quê mẹ và quê các Thày dạy của mình. Nếu đúng như vậy thì âu cũng là tấm lòng hiếu kính của ông đối với công cha nghĩa mẹ ơn thày. Đất Ý Yên - Nam Định là nơi ông đã được sinh ra và gắn liền tuổi thơ tại nhà ông ngoại, nơi có những người thày hun đúc nên tài năng nhân cách của Nguyễn Khuyến, nơi có người mẹ lý tưởng gắn với một câu chuyện tâm linh, nơi lưu giữ phần mộ ông nội, ông Ngoại của Nguyễn Khuyến và phần mộ ngay của chính ông trên đỉnh núi Phương Nhi. Mượn lời nhà giáo đã nghỉ hưu hiện sống tại Thị trấn Bình Mỹ - Bình Lục - Hà Nam và là chắt ngoại của cụ Tam Nguyên Nguyễn Khuyến. Ông nói “Ý Yên mới là quê đích thực theo nghĩa chôn nhau cắt rốn, còn Yên Đổ là nơi ở mà thôi”. Theo tôi nói như vậy có thể chưa thật khả dĩ nhưng có thể nói Ý Yên Nam Định là quê hương thứ hai của danh nhân văn hóa Nguyễn Khuyến theo mọi nghĩa.

Trần Diên Linh, Văn Mỹ - Yên Trung - Ý Yên - Nam Định.

Ảnh: Bình Yên.

Các bài viết khác