TRUNG TÂM BẢO TỒN    
DI SẢN VĂN HÓA TÔN GIÁO
Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hoá Tôn giáo
Menu

Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận vị Pháp chủ đầu tiên của Giáo Hội Phật giáo Việt Nam

Ngày: 16:19:00 28/07/2015

Hòa thượng luôn nhắc nhở tăng chúng, thực hành nghiêm giới luật, tôn trọng Chính quyền các cấp, chấp hành đúng các quy định của Nhà nước và địa phương, nhưng đồng thời, Hòa thượng cũng mạnh dạn kiến nghị những vấn đề mà theo Hòa thượng đó là những điều bức xúc trong tăng chúng. Có lần thì Hòa thượng đến gặp cơ quan chuyên trách của Nhà nước để đề đạt nguyện vọng của tăng ni, có lần Hòa thượng nêu thẳng vấn đề với lãnh đạo Nhà nước.

Đệ nhất Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Cố Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận, thế danh Phạm Đức Nhuận, quê xã Hải Phương, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Hòa thượng là một vị chân tu khả kính, suốt đời vì đạo, vì đời, mà tôi luôn có dịp gần gũi Hòa thượng .

Tôi chưa phải là Phật tử, chỉ là người làm công tác tôn giáo, chuyên trách về Phật giáo một thời gian dài, do đó tôi biết rõ về Hòa thượng. Ở Hòa thượng việc đạo, việc đời được kết hợp hài hòa và quan hệ mật thiết với nhau. Càng gần Hòa thượng, tôi càng thấy kính trọng Hòa thượng hơn.

Ngược dòng thời gian, từ phong trào Phật giáo Cứu quốc trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đến khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, rồi việc thành lập “Hội Phật giáo Thống nhất Việt nam” (ở các tỉnh phía Bắc năm 1958), và hoạt động của Hội trong suốt thời kỳ đến ngày thống nhất Phật giáo cả nước (1981). Mặc dù có vô vàn khó khăn, (ở miền Bắc phải vừa xây dựng xây dựng Chủ nghĩa xã hội, vừa chi viện cho miền Nam đánh Mỹ) nhất là khi giặc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại bằng không quân ra toàn miền Bắc thì khó khăn lại càng chồng chất, nhưng hoạt động của Hội Phật giáo Thống nhất Việt nam vẫn được duy trì. Vì phải khế lý, khế cơ, tùy thời, tùy pháp cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế là một việc hết sức tế nhị và phải rất uyển chuyển, nên đòi hỏi những vị vận hành hoạt động của tổ chức Hội phải hết sức nhậy cảm mới có thể vượt qua được. Tuy có những mặt bị hạn chế nhưng ở thời điểm ấy dưới con mắt của các đoàn khách nước ngoài khi đến thăm Việt Nam luôn có cái nhìn thiện cảm. Mọi hoạt động Quốc tế của Phật giáo Việt nam mà đại diện là Phật giáo ở các tỉnh phía Bắc vẫn diễn ra bình thường, làm cho bạn bè Quốc tế cảm phục, những hoạt động đó đã góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng nước nhà của toàn dân tộc. Như thế, công sức của quý vi lương đống trong Ban lãnh đạo của Hội Phật giáo Thống nhất Việt nam là rất lớn, trong đó công lao của cố Đại lão Hòa thượng Thích Trí Độ (Hội trưởng) không nhỏ, nhưng đồng thời phải kể đến công lao của cố Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận (Phó Hội trưởng) mà tôi muốn nói đến hôm nay.

1. Quá trình tu học, hành đạo của Hòa thượng thì nhiều người đã biết, ở đây tôi chỉ xin nêu lên đôi điều mà tôi được chứng kiến trong quá trình công tác và được nghe những người có trách nhiệm kể lại: Vào đầu thập niên năm mươi của thế kỷ trước, khi ấy cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta đang trong giai đoạn quyết liệt, vùng Hà-Nam-Ninh (tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình) là nơi quân đội Pháp liên tục càn quét, đánh phá, chùa Đồng Đắc nơi Hòa thượng trụ trì thuộc huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình gần khu vực Phát Diệm - Bùi Chu một “Thánh địa” của thực dân Pháp lúc bấy giờ. Chùa Đồng Đắc do Hòa thượng trụ trì (tuy nằm sát khu Phát Diệm) nhưng lúc đó mọi sinh hoạt vẫn diễn ra bình thường và tất nhiên là cơ sở của Cách mạng ở nơi đó cũng được bảo toàn. Bọn tay sai của Pháp ở vùng này biết Hòa thượng là người có uy tín lớn đối với tăng, ni, Phật tử trong vùng là điều bất lợi cho chúng, nên chúng cho tay chân đến vừa vỗ về, mua chuộc, lôi kéo, vừa đe dọa, ép Hòa thượng tham gia tổ chức liên tôn do chúng dựng lên. Biết thế không thể cưỡng lại được, Hòa thượng giao chùa cho tăng chúng tự quản, rồi Hòa thượng về chùa Hòe Nhai thuộc phố Hàng Than, Hà Nội, tiếp tục công việc hoằng pháp độ sinh, tham gia giảng dạy Phật học ở một số chùa và tham gia vào các hoạt động của Phật giáo Cứu quốc tại đây.

2. Sau ngày miền Bắc được hoàn toàn giải phóng (năm 1954). Các vị cao tăng ở các tỉnh phía Bắc đã đề xuất vận động Thống nhất Phật giáo, thành lập một tổ chức Phật giáo chung ở miền Bắc, Hòa thượng lại cùng với các vị cao tăng thành lập Ban Vận động, và Hòa thượng là một trong những vị chủ chốt của cuộc vận động này. Trong hơn một năm tiến hành vận động, đến tháng ba năm1958, cuộc vận động Thống nhất Phật giáo ở các tỉnh phía Bắc đã được thành tựu, “Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam” được thành lập. Tại Đại hội Thống nhất Phật giáo Việt Nam lần đầu tiên này, Hòa thượng được Đại hội suy tôn vào Ban Chứng Minh Đạo sư kiêm giữ chức Phó hội trưởng Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam (Hòa thượng Thích Trí Độ, giữ chức Hội trưởng).

Là người bên cạnh Hòa thượng Hội trưởng nhưng Hòa thượng Thích Đức Nhuận có một vai trò rất quan trọng là quy tụ và đoàn kết tăng ni, Phật tử ở các tỉnh phía Bắc hoạt động trong Hội và giữ mối quan hệ với Phật giáo ở các tỉnh phía nam, đồng thời làm cho các đoàn khách quốc tế đến thăm Việt Nam có cái nhìn thiện cảm. (vì sự có mặt cử một vị cao tăng có uy tín lớn trong hàng tăng chúng ở miền Bắc). Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam hoạt động đã có những đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trải qua 3 kỳ đại hội, Hòa thượng luôn được Đại hội tín nhiệm suy tôn vào Ban Chứng minh Đạo sư và suy cử vào vị trí Phó Hội trưởng Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam, kiêm giữ chức giám luật. Quá trình đảm nhiệm những trọng trách nói trên, Hòa thượng đã cùng với Hòa thượng Hội trưởng luôn tìm cách đưa hoạt động của Hội vào nền nếp, nhất là công tác giáo dục tăng ni, đào tạo tăng tài. Ngay sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (năm 1975), Hội đã xin phép Nhà nước cho mở các lớp bồi dưỡng đào tạo tăng ni khẩn cấp. Những lớp học ba tháng, sáu tháng liên tục được mở ra. Hòa thượng Thích Đức Nhuận luôn được Hòa thượng Thích Trí Độ (Hội trưởng) ủy thác giữ trọng trách trong việc giáo dục đào tạo này. Những học tăng của các khóa học nói trên, sau đó đã đảm nhiệm tốt những nhiệm vụ quan trọng ở các cấp của Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam, đến nay nhiều vị đã viên tịch, một số vị hiện còn đang giữ trọng trách trong Giáo hội Phật giáo Việt nam.

Năm 1977, Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam được Nhà nước cho phép mở trường đào tạo tăng tài với thời gian dài hơn. Mỗi khóa học là ba năm. Nhằm mục đích đào tạo một lớp tăng ni trẻ làm nòng cốt cho hoạt động của Hội trong giai đoạn mới. Trường được lấy tên là “Trường Tu học Phật pháp Trung ương”, địa điểm đặt tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, Trụ sở của Hội. Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận, phó Hội trưởng Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam, ngoài việc kiêm giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng còn đảm nhiệm giảng dậy một số môn quan trọng, như Luật học…

Khi Đại lão Hòa thượng Thích Trí Độ viên tịch (năm 1978), Hòa thượng Thích Đức Nhuận được Hội suy cử lên thay thế vị trí “Hội trưởng” Hội Phật giáo Thống nhất Việt nam. Kiêm giữ chức Hiệu trưởng trường Tu học Phật pháp Trung ương. Với cương vị mới này, Hòa thượng lại cùng với quý vị trong ban Thường trực Trung ương Hội thúc đẩy các hoạt động của Hội. Đối với công việc đào tạo tăng tài và nghiêm trì giới luật, một trong những Phật sự mà Hòa thượng luôn coi là hết sức quan trọng. Hòa thượng luôn nhắc nhở tăng ni tu học và hành đạo phải đúng với chính pháp đạo Phật.

Trong những năm đất nước đang có chiến tranh, ở miền Bắc có cuộc Vận động Thực hiện nếp sống mới, Hòa thượng thấy cuộc vận động này là thiết thực và đúng với tinh thần giáo lý nhà Phật, Hòa thượng đã cùng với Ban Thường trực Trung ương Hội soạn thảo một chương trình “Cải tiến Lễ nghi tôn giáo”, và công bố rộng rãi ra toàn xã hội biết, và phổ biến, quán triệt đến các cấp của Hội, xuống tới cơ sở các chùa để thực hiện, đồng thời Hòa thượng cùng với các vị trong Ban Thường trực Trung ương và Ban Nghi lễ của Hội soạn thảo ra các Thời khóa bằng tiếng Việt, thay vì bằng chữ Hán vẫn dùng trước đây. Những sớ sách như: Sớ Cầu an, Sớ Cầu Siêu, Điệp Quy y… Được Hội Phật giáo Thống nhất Việt nam (ở miền Bắc) soạn bằng Quốc ngữ và xuất bản phát hành sử dụng rộng rãi ở các Chi hội Phật giáo ở các tỉnh phía Bắc. (những nội dung của cuộc cải tiến lễ nghi này nếu ngày nay tiếp tục được thực hiện thì tốt biết mấy).

Năm 1980, Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam được Nhà nước cho phép mở “Trường Cao cấp Phật Học Việt Nam”. Thời gian của mỗi khóa học là 4 năm, với mục đích là để tăng, ni sinh đã tốt nghiệp chương trình của Trường Tu học Phật pháp Trung ương có điều kiện học tiếp lên chương trình Cao cấp để có trình độ cao, đáp ứng các Phật sự quan trọng trong hoạt động của Hội. Sau năm 1981, Trường Cao Cấp Phật học Việt nam của Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam được chuyển giao sang Giáo hội Phật giáo Việt Nam quản lý, điều hành. Trường là cơ sở nền móng đầu tiên trong hệ thống giáo dục, đào tạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Trường Cao cấp Phật học của Hội Phât giáo Thống nhất Việt Nam được phép khai mở, Khóa học được bắt đầu từ cuối năm1981. Các tăng ni sinh của trường Tu học Phật pháp Trung ương, được học tiếp chương trình cao cấp Phật học (4 năm), sau khi tốt nghiệp đã được điều động về Văn phòng Trung ương Giáo hội và một số địa phương làm phật sự. Hiện nay nhiều người đang giữ trọng trách trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Trong các khóa đào tạo dù ngắn hạn hay dài hạn, Hòa thượng cũng luôn quan tâm nhắc nhở phải chú trọng giữ gìn giới luật và phải kết hợp học chữ Hán. Theo Hòa thượng thì Kinh sách Phật giáo chủ yếu bằng chữ Hán, nếu không thông thạo chữ Hán thì khi đọc vào Kinh sách sẽ không hiểu hết được nghĩa lý của Kinh điển (tôi được nghe Hòa thượng nói rất kỹ về điều này tại Đại hội nhiệm kỳ của Thành hội Phật giáo thành phố Hà Nội năm 1987).

3. Đầu Xuân Canh Thân (1981) các vị Giáo phẩm đứng đầu các tổ chức, hệ phái Phật giáo Việt nam trong cả nước có cơ duyên hội ngộ tại thành phố Hồ chí Minh, trong dịp này, cùng với không khí sôi động của các tổ chức, đoàn thể quần chúng về sự vận động thống nhất tổ chức trong phạm vi cả nước, nhân đó một số vị giáo phẩm đề xuất mở một Cuộc Vận động rộng rãi trong Phật giáo để thành lập một tổ chức Phật giáo chung trong cả nước theo ước nguyện của các vị tiền tổ trong cuộc vận động Chấn hưng Phật giáo ở đầu thế kỷ XX. Một cuộc gặp mặt lịch sử được diễn ra, đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận, Hội trưởng Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam (ở miền Bắc) được các vị giáo phẩm cung thỉnh đứng đầu Ban Cố vấn Chứng minh của “Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam”. Biết là công việc khó khăn, nhưng Hòa thượng vẫn hoan hỷ đảm nhận trọng trách mà hàng giáo phẩm trong Phật giáo cả nước ủy thác.

Vào thời điểm ấy, đất nước vừa mới được giải phóng, công cuộc thống nhất đất nước vừa mới được thực hiện, công việc của toàn xã hội đang bề bộn, đất nước lại đang phải trải qua thời kỳ hết sức khó khăn về kinh tế. Trong bối cảnh như vậy, việc vận động Thống nhất Phật giáo, để thành lập một tổ chức Phật giáo chung là một vấn đề không phải đơn giản. Cũng phải nói thẳng ra rằng ngay sau khi mới hình thành danh sách “Ban Vận động” đã vướng phải sự trục trặc, tiếp theo là có nhiều ý kiến về quan điểm, về hình thức tổ chức bộ máy, về sắp xếp nhân sự… Không chỉ có những khó khăn trong nội bộ Phật giáo, mà ngoài xã hội cũng có nhiều ý kiến về vấn đề này. Tôi được biết rất rõ vào thời điểm ấy mặc dù có nhiều sự tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến Hòa thượng, nhưng Hòa thượng đã xử lý một cách uyển chuyển làm cho tình hình dịu đi. Có trường hợp thì Hòa thượng nhẹ nhàng thuyết phục, có trường hợp thì Hòa thượng có thư để cảm hóa, do đó những thông tin trái chiều dần dần được hạn chế. Công cuộc Vận động có lúc tưởng chừng như bế tắc, nhưng rồi cũng lại vượt qua được. Có lẽ, đúng như một số tăng ni, Phật tử thường nói: nhờ có uy đức của Hòa thượng mà trên thì Nhà nước ủng hộ, dưới thì tăng chúng hướng về, nên cuộc Vận động Thống nhất chỉ sau gần hai năm với sự nỗ lực của các vị Cao tăng Thạc đức và tăng tín đồ trong cả nước cùng với sự trợ duyên của Nhà nước đã thành tựu một cách viên mãn. Một tổ chức chung của Phật giáo cả nước được thành lập mang tên là “Giáo hội Phật giáo Việt Nam”. Hòa thượng được toàn thể Đại hội suy tôn vào ngôi vị cao nhất của Giáo hội, ngôi vị “Pháp chủ” Giáo hội Phật giáo Việt Nam”.

 4. Hòa thượng luôn nhắc nhở tăng chúng, thực hành nghiêm giới luật, tôn trọng Chính quyền các cấp, chấp hành đúng các quy định của Nhà nước và địa phương, nhưng đồng thời, Hòa thượng cũng mạnh dạn kiến nghị những vấn đề mà theo Hòa thượng đó là những điều bức xúc trong tăng chúng. Có lần thì Hòa thượng đến gặp cơ quan chuyên trách của Nhà nước để đề đạt nguyện vọng của tăng ni, có lần Hòa thượng nêu thẳng vấn đề với lãnh đạo Nhà nước. Nhiều người còn nhớ, ngay sau khi Đại hội thống nhất Phật giáo thành công (chiều ngày 07 tháng 11 năm 1981), các đại biểu dự Đại hội đến chào Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng tại Phủ Chủ tịch để báo cáo kết quả Đại hội với Thủ tướng. Thủ tướng đã thay mặt Nhà nước chúc mừng thành công của Đại hội và chúc mừng Hòa thượng vừa được Đại hội suy tôn lên ngôi vị cao nhất của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thủ tướng cũng mong rằng trên cương vị mới của mình, Hòa thượng động viên tăng ni Phật tử Việt Nam ở trong và ngoài nước đoàn kết cùng nhau xây dựng đất nước, xây dựng Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày một vững mạnh. Thủ tướng vừa dứt lời thì Hòa thượng đã thong thả đứng lên chắp tay niệm Phật và cám ơn Thủ tướng đã có lời chúc tốt đẹp và cũng ủy thác trách nhiệm nặng nề; Hòa thượng cũng rút trong túi ra một bản kiến nghị trình lên Thủ tướng, xin Thủ tướng chấp thuận và chỉ thị cho các cấp Chính quyền ủng hộ cho Phật giáo ở địa phương thực hiện, có được như thế thì Hòa thượng mới giám nhận trách nhiệm trước tăng ni, Phật tử và trọng trách mà Thủ tướng ủy thác (Kiến nghị gồm ba vấn đề lớn mà ngày nay những điều đó đã được thực hiện một cách tốt đẹp. Có thể nói rằng những điểm trong Kiến nghị này ở vào thời điểm đó đưa ra là hơi “sốc”- Ba vấn đề là: Xin mở hệ thống trường đào tạo; Người thừa kế; Tự do tín ngưỡng).

5. Trong quá trình giữ ngôi vị Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, (từ tháng 11-1981 đến tháng 12 năm 1993) Hòa thượng luôn quan tâm đến sự đoàn kết hòa hợp trong Giáo hội. Mỗi khi có vấn đề gì gợn lên, Hòa thượng đều kịp thời uốn nắn bằng nhiều hình thức, khi thì nhẹ nhàng nhắc nhở khi thì có Thông điệp gửi các cấp Giáo hội kêu gọi giữ gìn nếp sống Thiền gia, Lục hòa cộng trụ, đoàn kết xây dựng Giáo hội vững mạnh, góp phần xây dựng đất nước thanh bình an lạc. Và cứ thế, với uy đức bao trùm của Hòa thượng, cộng với sự trợ duyên từ bên ngoài, mọi sự rồi cũng vượt qua nhanh chóng Tôi đã từng được nghe một vị cao tăng có vị trí cao trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam ca ngợi công đức Hòa thượng khi nói đến việc xây dựng Giáo hội như sau: Nhờ có “Ôn” Đức Nhuận là cây Đại thụ trong hàng giáo phẩm đứng ra làm trụ cột nên việc Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam trong cả nước mới sớm được thành tựu. Quy tụ được đông đảo tăng ni về một mối, và mới giữ vững được sự đoàn kết thống nhất của Giáo hội. Vị cao tăng này cũng nói thêm rằng Sơn môn Đồng Đắc từ lâu đã nổi tiếng mẫu mực về việc giáo dục tăng ni đào tạo tăng tài trong Phật giáo cả nước.

6. Một thông tin khác làm tôi cứ suy nghĩ mãi. Chuyện là thế này: Hồi ấy vào giữa năm 1980, nhân nói đến hoạt động của Ban Vận động Thống nhất Phật giáoViệt Nam và vai trò cá nhân trong tổ chức, một vị quan chức đã nói: trước đây, ông Đức Nhuận là người không dễ mà thuyết phục được, không phải nói gì ông ấy cũng nghe theo nên nhiều người cho rằng Ông ấy là người “chống đối” không cộng tác, nhưng bây giờ ngược lại, lại có tác dụng tích cực, có lẽ nhờ có bản lĩnh và phong cách đó mà quy tụ được tăng ni Phật tử.

Cũng cần nói thêm một việc có ý nghĩa lợi đạo ích đời nữa là vào giữa thập niên 80 của thế kỷ trước có một vị Thượng tọa ở nước ngoài về có đề đạt ý kiến muốn xin Hòa thượng với uy đức của mình có thư cho một nhân vật có tầm cỡ là người Việt Nam ở nước ngoài, mà người này có biết Hòa thượng và rất hâm mộ Hòa thượng, thông qua một số bạn bè của ông ta và cũng chính do cả Thượng tọa giới thiệu. Nếu được Hòa thượng có thư cảm hóa và dẫn dắt để nhân vật này quy y Tam Bảo thì rất có lợi (theo vị Thượng tọa đó thì nhân vật này cũng có thiện tâm và có hướng quy y Tam Bảo). Được biết việc này, Hòa thượng đã vui vẻ nhận lời, và công việc được triển khai một cách thuận lợi. Sau khi được Hòa thượng trao truyền giới luật quy y Tam Bảo, tình thày trò giữa Hòa thượng và vị Phật tử ở nước ngoài trở nên gắn bó, có tác động tốt đến sự đoàn kết Phật tử Việt kiều ở nước ngoài.

Tôi ghi lại đôi điều trên đây cũng là để thể hiện tấm lòng tưởng nhớ đến một vị cao tăng mà tôi hằng trân trọng.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập đến nay tròn 30 năm, Giáo hội đang chuẩn bị để kỷ niệm sự kiện lịch sử trọng đại này, tưởng cũng nên ôn lại công lao của tiền nhân, lấy đó để mà soi rọi.

Trần Khánh Dư, nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ.

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo.

Ảnh: Bình Yên.

Các bài viết khác