Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, trong diễn văn đọc tai buổi khai mạc Đại lễ Phật đản năm 2008 đã nêu: “Với đông đảo quý vị có mặt ở đây hôm nay, tôi hy vọng mỗi người là sứ giả của thiện chí, của hòa bình, từ Đại lễ này được tiếp thêm sức mạnh, sự quyết tâm để tiếp tục nêu cao chánh pháp của Đức Phật trong đời sống xã hội, vì tương lai tươi sáng và tốt đẹp của toàn nhân loại”.
Phật giáo là tôn giáo có mặt ở Việt Nam từ rất sớm, bản thân Phật giáo không tự đặt vấn đề về đối ngoại bởi lẽ trong quá trình truyền bá, Phật giáo đã phải tìm cách thích nghi với các nền văn hóa khác nhau để hoằng dương Phật pháp. Song khi Phật giáo vào Việt Nam và nhất là khi thành Phật giáo Việt Nam thì quan hệ giữa Phật giáo Việt Nam với các nước khu vực và quốc tế là là quan hệ đối ngoại, mà ngày nay ở Việt Nam gọi là đối ngoại nhân dân [1,9]. Là một thành phần của xã hội Việt Nam (có thời kỳ Phật giáo được coi là quốc giáo) Phật giáo đã có đống góp không nhỏ vào quan hệ đối ngoại của Việt Nam đối với các nước khu vực và trên thế giới. Bài viết này xin trình bầy một cách khái lược về đối ngoại của Phật giáo Việt Nam với tư cách là đối ngoại nhân dân trong lịch sử và hiên nay.
1. Với tư cách là một hiện tượng xã hội, một tiểu hệ thống kiến trúc thượng tầng quan hệ đối ngoại của Phật giáo được thể hiện ở hai khía cạnh (hay hai tư cách): Đối ngoại nhân dân bởi (của) Phật giáo và đối ngoại của nội bộ của Phật giáo, tuy nhiên sự phân chia này cũng chỉ là tương đối.
Phật giáo là tôn giáo ngoại nhập và từ chỗ là tôn giáo ở Việt Nam dần trở thành tôn giáo Việt Nam (Phật giáo Việt Nam), do vậy tự bản thân Phật giáo Việt Nam đã thực hiện chức năng đối ngoại trước hết với hai quốc gia mà Phật giáo được truyền vào Việt Nam là Ấn Độ và Trung Hoa và có thể kể thêm Căm pu chia. Ở đây cũng cần lưu ý rẳng Phật giáo là một tôn giáo thế giới, với hai chức năng cơ bản của một tôn giáo thế giới là tính toàn cầu và tính truyền bá rộng rãi [8,61] do đó trong quá trình phát triển, Phật giáo luôn thực hiện công việc đối ngoại, hội nhập. Trong suốt thời kỳ của xã hội phong kiến, Phật giáo Việt Nam đã trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào công việc đối ngoại mà thiền sư Khuông Việt (933 -1011) là một ví dụ [3.43-44]. Cũng cần lưu ý rằng trong thời kỳ Phật giáo được coi là quốc giáo (thời kỳ Lý - Trần), thì đối ngoại của nhà nước phong kiến Việt Nam cũng dựa trên căn cốt của tinh thần Phật giáo. Các nhà sư Việt Nam với vốn học (thế học và Phật học - theo cách nói ngày nay) uyên bác, với tinh thần dân tộc và tư duy biện chứng sâu sắc và mền dẻo nên khi tham gia vào đối ngoại Phật giáo đã có những đóng góp không nhỏ cho dân tộc không chỉ ở thời kỳ Phật giáo là quốc giáo mà cả ở thời kỳ Nho giáo giữ vai trò chủ đạo.
2. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Đế quốc Mỹ xâm lược giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, Phật giáo Việt Nam ngoài việc các nhà sư tham gia trực tiếp chiến đấu giành độc lập dân tộc theo tinh thần của Đức Thích ca mâu ni “Lúc này ta không vào địa ngục thì ai vào địa ngục” và “Cởi áo ca sa khoác chiến bào” [6 và 2, 247, 282-283], thì Phật giáo Việt Nam ở cả Bắc, Trung, Nam đều lên tiếng khẳng định cuộc kháng chiến chính nghĩa của cả dân tộc trên nhiều diễn đàn khu vực và quốc tế đã góp phần tạo sự ủng hộ của các lực tiến bộ trên thế giới cho cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc thống nhất đất nước, trong đó có các tổ chức Phật giáo khu vực và quốc tế.
3. Phật giáo nhất là Phật giáo Việt Nam là tôn giáo nhập thế song phải hiểu nhập thế từ giáo pháp, giáo nghĩa căn bản của đạo Phật. Bởi từ thâm sâu của giáo pháp, giáo nghĩa này (hay từ rốt ráo của Phật giáo) là giải thoát (thoát khỏi cả cái khổ và cái vui trần thế, bởi cái vui cũng chỉ là tạm thời) và an lạc chứ không phải chỉ là thoát khổ cầu an. Theo nghĩa ấy thì nhập thế nói chung và đối ngoại nói riêng có mục đích là đem lại sự giải thoát và an lạc cho mọi người, trong đó có con người Việt Nam, đây có thể là một đặc trưng quan trọng của đối ngoại Phật giáo, và cũng là ưu thế của loại hình đối ngoại này. Song nếu xét ở phạm vi xã hội trần thế với tinh thần khế hợp của Phật giáo thì đối ngoại của Phật giáo nhằm đưa lại sự hòa bình, sự hiểu biết cho mọi người và cho muôn loài.
Phật giáo là tôn giáo bất tranh, giáo lý Nhà Phật cần phải được hiểu và tin, cần phải hành và giác, do vậy đối ngoại của Phật giáo dù là đối ngoại nhân dân hay đối ngoại của bản thân tổ chức Phật giáo - như là công việc nội bộ của Phật giáo - với giáo thuyết và mục đích của nó không cần đến sự khoa trương hình thức do vậy sự tác dụng của nó làm cho nó khác với những hình thức đối ngoại quan phương mà hiệu quả của nó khó có thể khể ra được và bản thân những nhà sư khi thực hiện công việc này cũng không muốn sự biểu lộ như là một thành tích, bởi với họ nhập thế mà không cần đến sự tán dương trần thế.
4. Trong quá trình hội nhập và phát triển hiện nay vấn đề đối ngoại nhân dân ở Việt Nam theo phương châm chủ động, sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả đã được khẳng định trong Báo các chính trị của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng Cộng sản Việt Nam và đã đạt được những kết quả tốt đẹp như Báo cáo Chính trị của Đại hội Đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VII: “Trong nhiệm kỳ qua, công tác đối ngoại nhân dân của Mặt trận Tổ quốc và các thành viên ngày càng phối hợp chặt chẽ hơn với công tác đối ngoại của Đảng và công tác ngoại giao của Nhà nước, góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển ở nước ta, đã tạo ra hình ảnh phong phú về chính sách đối ngoại mở rộng, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, nâng cao được uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế” [1,11]. Trong cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn công tác Mặt trận” cũng khẳng định: “Đi đôi với những hoạt động đối ngoại nhân dân của các tổ chức thành viên của Mặt trận, cần quan tâm đến hoạt động của các trí thức, các doanh nhân, nhân sỹ, chức sắc tôn giáo tiêu biểu, các nhà hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội, từ thiện, nhà nghiên cứu, nhà báo, vận động viên. Đây là lực lượng có tầm ảnh hưởng quan trọng trong đời sống xã hội nói chung, với những lực lượng xã hội, nhóm xã hội nhất định nói riêng, thậm chí có ảnh hưởng đến tầm quốc tế” [4, 237]. Và Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã chủ động trong việc phân công, phân nhiệm để thực hiện công việc đối ngoại và quan hệ quốc tế và khẳng định “Tiếp tục phối hợp và liên kết chặt chẽ hơn nữa với Ban thường trực Hội đồng Trị sự, các Ban, Viện Trung ương, Ban Trị sự và Ban Phật giáo Quốc tế tại các Tỉnh, Thành hội trong các mặt công tác quan hệ quốc tế” [7].
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, trong diễn văn đọc tai buổi khai mạc Đại lễ Phật đản năm 2008 đã nêu: “Với đông đảo quý vị có mặt ở đây hôm nay, tôi hy vọng mỗi người là sứ giả của thiện chí, của hòa bình, từ Đại lễ này được tiếp thêm sức mạnh, sự quyết tâm để tiếp tục nêu cao chánh pháp của Đức Phật trong đời sống xã hội, vì tương lai tươi sáng và tốt đẹp của toàn nhân loại” [5,17].
Những định hướng, hoạt động và kết quả của đối ngoại nhân dân nói chung và đối ngoại của Phật giáo nói riêng, một mặt đã khơi dậy, đã trở về với việc phát huy sức mạnh của toàn dân tộc (trong đó có Phật giáo), mặt khác cũng đang đặt ra và phải đối diện với những vấn đề mới trong quá trình hội nhập hiện nay. Song những bài học của lịch sử Phật giáo trong đối ngoại như sự mền dẻo, yêu chuộng hòa bính, vì đạo pháp, vì dân tộc, sự thương yêu và xóa bỏ hận thù sẽ vẫn là bài học quý báu trong công việc đối ngoại nhân dân của Phật giáo Việt Nam hiện nay./.
Trương Hải Cường, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Tài liệu trích dẫn:
1. Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VII, Hà Nội, 2009;
2. Nguyễn Đại Đồng (2008), Biên niên sử Phật giáo miền Bắc, NXB Tôn giáo (tr 282-283)
3. Giáo hội Phật giáo Việt Nam (Phân viện nghiên cứu Phật học), Thiền uyển tập anh, NXB Giáo dục, 1990;
4. Vũ Trọng Kim - chủ biên (2009), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn công tác Mặt trận, NXB Chính trị Quốc gia;
5. Kỷ yếu Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc 2008, NXB Tôn giáo
6. Gặp lại những người “cởi áo cà sa khoác chiến bào”, http://vietnamnet.vn/psks/baoban/2007/07/723516/
7. http://phatgiaovnn.com/upload1/modules.php?name=News&op=viewst&sid=741
8. Nguyễn Hữu Vui, Trương Hải Cường (2003), Tập bài giảng tôn giáo học (Chương trình đại cương), NXB Chính trị Quốc gia.
(Bài in trong kỷ yếu hội thảo quốc tế Quốc sư Khuông Việt và Phật giáo Việt Nam đầu kỷ nguyên độc lập, do ĐHQGHN, Trường ĐHKHXH&NV và Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội đồng tổ chức 3/2011; Trang 367-369)