Mạc Khải Tuân tặng tụi tập Lãng Đãng vào cái thời điểm mà thơ ca đang nở rộ. Các câu lạc bộ thơ từ Hà Nội lan tỏa về đến các tỉnh, thi đua nhau bố cáo thành lập. Đã có lúc tôi phát sợ khi được người ta tặng thơ. Mặc cảm đó khiến tôi thờ ơ với tập Lãng Đãng của Mạc Khải Tuân suốt hai năm qua. Sách của anh đặt trang trọng ngay trước bàn viết của tôi mà tôi không ngó ngàng gì đến. Phải qua nhiều lần tiếp xúc, tôi nhận ra hình như ở Mạc Khải Tuân có gì đó không đáng để mình đối xử vô tình đến thế, vậy là tôi không thể không mở tập thơ của anh ra đọc. Đọc xong thì tôi mang chút ân hận, bởi thơ Tuân không hề xoàng xĩnh “nôm na câu lạc bộ” như bấy nay tôi định kiến, trái lại, Lãng Đãng là một tập thơ chững chạc, khỏe khoắn, tỏ rõ tính chuyên nghiệp của một cây bút. (Lê Hoài Nam)
Lãng Đãng gồm 70 bài thơ đã được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, tác giả Mạc Khải Tuân hân hạnh gửi tới Quý độc giả.
13- ĐÊM TRẮNG
Giờ này cha đã thảnh thơi
Thoả giấc thiên thu
Lộng hồn chín suối
Kia vẫn mẹ
Tóc trắng dòng thác xối
Đêm trắng cùng nến trắng... tạ từ cha!
Kia đủ đầy
Trai- gái, rể- dâu xum họp một nhà
Những gương mặt
Những bước chân
Từng đi qua tuổi thơ
Đọc đời qua ánh mắt
Lời dè dặt xen lời lưu loát
Lời gợi mở chen lời lát xát...
Tóc mẹ bay
Đau khói nến nhạt nhòa
Đêm thẳm xanh
Lòng mẹ quặn xót xa
Đây, đã con nhiễm màu toan tính
Đây, vẫn con hồn nhiên chịu trận
Tê tái gió mùa
Xao xác lá khô bay...
Thôi,
Nói mà chi đêm nay
Đã trọn đời mẹ thức.
Cầu cho linh hồn cha siêu thoát
Kìa! Những đứa con mẹ dứt ruột mong chờ?
(Mùa Đông Kỷ Mão- 1998)
14- NGÀY CƯỚI EM
Ngày cưới em
Mắt cha buồn rười rượi
Mải lo vui lòng khách
Mẹ đâu biết nỗi đau se lòng chồng.
Nội ngoại gần xa hoan hỉ tưng bừng
Tuần trăng mật tràn bờ môi mái tóc
Quá say xổi em tôi nào biết được
Lệ không rơi nhưng mắt bố hoen màu...
Trời đất vào xuân
Mây gió tìm nhau
Đến cỏ bợ cũng đẹp như mơ ước
Quá ba mươi tuổi em đâu còn ít
Vẫn ngây thơ trong hơi thở đàn bà
Bạn bè đưa chân mãn cuộc gần xa
Chưa hết vẳng lời hả hê chúc phúc
Vợ chồng em càng nồng thơm ríu rít
Thêm vô tình trước tê buốt lòng cha
Mây trắng chiều bay xa bay xa
Chim én gọi rộn ràng trời biếc
Hạnh phúc mới gieo trồng trên đau rát
Ngày cưới em... ai biết mắt cha buồn?
(Làng Thiệu - 2/2001)
15- CHA VÀ CON
(Cho hai con: TĐ và CM )
- Thưa cha:
Con sẽ tạc tên cha bằng vàng
Trên mái nhà
Thời gian...
Con sẽ viết bài thơ hay nhất
Tôn vinh cha
Con sẽ bằng mọi cách
Để A
Để B
Để X..Y... Z...
- Thôi con!
Nhà ta đang kèo tre vách đất
Mà con đã đâu ham học
Lưỡi lại đang khuyết tật...!
Nếu có thể:
Là thác cứ chảy
Là núi cứ cao
Là rừng xanh và thâm nghiêm
Là suối cứ mát trong và lặng lẽ
...
Đợi khi gặp biển
Khỏi cúi đầu xấu hổ
Nghiêng mình mà tuyên xưng:
- Con của Cha!
(Côn Đảo- Hoa Lư * Xuân 2001)
16- GỐC ĐẠI GIÀ ƯU TƯ
Tháng Tư này,
Đại tướng đến Mường Phăng
Thăm lại Mường Thanh sau 50 năm chiến tích... (*)
(Đại tướng khóc!
Giọt nước mắt khô...
Không mấy ai thấy được
Chỉ gốc đại già nghĩa trang lặng lẽ nhìn)
Bốn phương về trong sắc hoa Ban
Trong rạo rực cờ hoa và tiếng hát
Vẫn không khỏi buồn đau...
(Đại tướng đâu buồn vì sức già tuổi tác;
Mà đau bởi cuồng phong, thảm kịch cõi người!
Đồng đội như vẫn ngồi đợi Đại tướng thuở xa xôi
Lệnh xuất trận vẫn ản tàng đâu đó
Nhưng xuất trận lần này không để tìm cửa mở(**)
Mà tìm hướng thọc sâu(**) về xanh phía chân trời.
(Đồi A1- ĐBP * 5/2004)
(*) Ngày 19/4/2004 Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở lại thăm căn hầm chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng.
(**) Những từ thường dùng trong quân sự.
17- THI KHÚC GỬI GIÓ
(Tặng L.T.H )
Thế gian chả níu kéo chi
Một khi gió cứ tìm đi vô hồi
Mặc như muôn sự tại giời
Còn đây chun chút nợ người... lá răm...
Nợ dâu tơ bứt ruột tằm
Nợ tóc sổ lông*... câu hát vòng vo
Nợ sông khách nhớ ông đò
Nợ bùn đất khất thơm tho chiếu giường
Nợ hờn giận, nợ nhớ thương
Nợ hoa đầu núi, nợ hương đầu đời...
Khúc này, gửi gió... gió ơi!
Bể dâu càng lắm càng ngời nước mây
Bồi hồi... tay lại nắm tay
Lắng nguồn lắng suối, lắng cây... lắng mình!
(Kì Lân Sơn * 2/2003)
(*) ý thơ L.T.H trong bài...
18- NGUYỆN CẦU
Cho tôi làm cơn gió
mát tận miền hoang vu
Cho tôi làm lá thu
sánh thơm vàng trái ổi
Cho tôi làm cánh ong
bốn mùa hương rong ruổi
Cho tôi làm ngọn khói
vấn vít tre đầu làng
Cho tôi làm, tôi làm:
một vần thơ mặc khải
nơi đồng chiêm khắc khoải
nơi đường quê rộn ràng!
(15/10/ 2000)
19- VẤN AN CỤ VŨ THOAN
Cụ không ở lại được sao
Hay vì đã chán ầm ào thế gian
Mà mơ tìm cõi Niết bàn
Mà mong quẳng gánh đa đoan nẻo trần?
Cụ ơi, vũ trụ xoay vần
Mấy muôn năm chuyện thế nhân không già
Giêsu - Khổng Tử - Thích Ca
Cũng đành lặng ngẫm yêu ma cõi người
Đông-Tây xậm xọe khóc cười
Hèn-sang, thật-giả... bời bời xót xa
Mà kia vạn vạn thiên hà
Chưa đâu hơn trái đất ta đang ngồi
Có buồn vui, có giống nòi
Không hoang lạnh những khoảng trời vô sinh
Còn non, còn nước, còn tình
Chín nhăm tuổi cụ còn minh mẫn đời
Xin khoan khoan cụ Thoan ơi!
Giấc Nam Kha* chắc hẹn rồi... vội chi!
(4/2/Quý Mùi- 2003)
(*) Còn gọi là Giấc Hoè, theo tích cổ... để nói quyền lực, tiền bạc cũng chỉ là ảo ảnh, đời người ngắn ngủi như giấc mộng vậy.
20- THĂM ĐỀN NGUYỄN CÔNG TRỨ
Ngày về vườn bưởi đang hoa
Trái thơm... tưởng bóng trăng qua trước thềm
Sông Ân chèo khoả sóng mềm
Dọc đường Tôn Đạo mắt duyên em nhìn
Hồn thơ thức ngủ trong tim
Bóng Người mở đất khuất chìm phù sa...
Lúa đồng trải tít tắp xa
Cói xanh về trước hiên nhà cói thơm
Chẳng đành hai tiếng: Nhớ ơn!
Mà rưng rưng... lấy chi hơn tạ lòng?
Đất nâu nối vụ gieo trồng
Khí thiêng mở lối người giong bước người!
(Quang Thiện- Hướng Đạo * 3/2004)
21- NHÂN SĨ
(Tưởng nhớ viện sĩ T.T.B & tri âm cùng bác sĩ, nhà thơ V.Q.P)
I
Tôi bật khóc..
Hơn đau buồn mất mát
Nỗi xót xa..
Cái ác nhập lòng tham
Phải tại ghế, tại thời, tại thế?
Hay bởi lòng người
cong quanh
dối gian!
II
Người chữa lành bệnh tim cho người khác
Bỗng ra đi đột ngột...
Nhịp tim ngừng!
Đã ngưng tụ nghĩa là không tận diệt
Chỉ nỗi buồn:
Vô cảm...
Mông lung !
(Hoa Lư- Hà Nội * 2/4/2004)
22- TIẾNG VỌNG
Mỗi chúng ta sẽ như tờ nhật báo
Qua một đêm thành bao gói tức thì
Có thể đã một lần được đọc hoặc nguyên si
Mỗi chúng ta sẽ như đám cháy
Dẫu cuồng nhiệt bao nhiêu cũng đất lạnh tro tàn
Có thể là những cánh rừng Tràm hay toàn thứ tai ương
Mỗi chúng ta sẽ như hạt muối
Chút mặn mòi chưng cất tự biển khơi
Có thể mải tiệc vui... chẳng ai thèm để ý
Mỗi chúng ta sẽ như sao trời như hạt lúa
Có thể thế này có thể thế kia;
Dẫu chúng ta có trở thành bất tử
Cũng chớ tưởng thế này còn có thể thế kia!
(Hà Tây- Hà Nội - Ninh Bình, 10/4/ 1976- 10/4/2004)
23- HỎI
Giá em biết đôi khi phù phiếm
một kiểu mốt thời trang cám dỗ, đốt tiền.
Giá em biết chỉ là tay hợm hĩnh
mỗi lần nghe ai đó nói huyên thuyên
Thì khắc biết đất đồng chiêm chua úng
đã nuôi ta khôn lớn đến dường này
đã dạy ta không chỉ ngồi trên lớp
mà âm thầm sần xước khắp vân tay
Còn được biết có bao điều thú vị
ẩn tàng nơi núi thẳm rừng sâu
giản dị bóng tre trùm mái rạ
với cụ già chậm rãi thả chòm râu
Cần phải biết cả những điều bí ẩn
tỷ dụ như căn cớ đổ vương triều
tỷ dụ vì sao cha ít khóc
tỷ dụ người lạ hoắc biết ta đau
Ai thầm biết giùm ta hằng mải miết
gắng vượt mình mong trái ngọt mùa sau
người dân biển mò trai tìm ngọc
muối mặn lòng hơi nước mát về đâu?
(Đền Vân Thị- Cát Bà * 2002- 2005)
24- CHỢ QUÊ
Chợ quê dầu dãi bên đường
Sớm trưa chiều tối người vương bước người
Chợ quê còn đó bao đời
Cô đi bán gạo, mợ ngồi bán tôm...
Bé em tìm trái bi tròn
Cụ bà chọn nải chuối goòng thắp hương
Ai người cầu thực tha phương
Chợ quê mờ tỏ mảnh gương tâm hồn(!)
(1983- 1994)
25- NGƯỜI QUÊ
Có gì mua, không thì thôi
Em đi chợ tỉnh thăm chơi ý mà
Người- quê- em vốn thật thà
Đẩy đưa chúa ghét, ậm à không ưa
Hàng tôm gièm cá chê cua
Hàng cơm cay mặn ngọt chua om xòm
Lại kia hàng sứ, hàng hòm
Hàng mã, hàng sắt lôm côm bà rằn...
Chợ tỉnh rõ khác chợ làng
Gọi mời ráo hoảnh từng tràng ả ôi
Em đi chợ tỉnh xem chơi
Trăm xanh ngàn tía... eo ơi vẫn buồn
Ngại vì kẻ chợ nghề buôn
Lăm lăm thu vén... mà luôn thay lòng!
(Xích thổ- 6/2002)
26- GỬI
Này lực sĩ,
Anh chỉ vô địch...
ở sân chơi mình thôi
Dè chừng kẻo đo ván xới khác
Mỗi người đều có chốn để nhất
Miễn sánh cùng thiên nhiên!
(Thảo Cầm Viên)
Cùng trong tập thơ Lãng Đãng, các bài đã đăng:
- Từ bài 1 đến bài 12 xin xem ở đây
- Từ bài 13 đến bài 26 xin xem ở đây
- Từ bài 28 đến bài 46 xin xem ở đây
- Từ bài 47 đến bài 70 xin xem ở đây
Mạc Khải Tuân