Tập thơ có tên Lãng Đãng, hiển nhiên là có nhiều bài tác giả viết trong trạng thái lãng đãng tâm hồn thật, nhưng cái lãng đãng không còn sự bột phát nông nổi nữa; cái lãng đãng của người đó từng nếm trải nhiều bước thăng trầm của đời người, đã đạt đến độ chín của tuổi tri thiên mệnh. (Lê Hoài Nam)
Lãng Đãng gồm 70 bài thơ đã được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, tác giả Mạc Khải Tuân hân hạnh gửi tới Quý độc giả.
1- THƠ NHƯ EM ẤY
Rét gọi mưa về tắm tháng giêng
Đường qua bao bến ghé bao thuyền
Thơ nghe sóng vỗ dôi bờ nước
Mỗi bận triều cường thức trắng đêm
Thơ dõi người đi giữa miệt đồng
Lối mờ... bóng nhạt... rượu tìm sông
Vẳng lời thiên cổ thơ như lúa
Xanh tự đầu xuân đến cuối đông
Điệp điệp buồn vui xa lắng gió
Sâu nông muôn giải suối soi lòng
Thơ như em ấy qua giông bão
Vẫn nụ cười hiền đôi mắt trong.
(Rằm tháng giêng, Quý Mùi- 2003)
2- NGƯỜI THƠ
Không khinh
Không bợ ai
Bầu bạn
Sẻ chia
Muôn ngả...
Cây gặp hạn
Trời giông mưa
Đất âm thầm
Cày sâu
Cuốc bẫm.
Chú lính
Hành khất
Ma trơi
Cao hơn mọi vương triều quỷ ám
Băng mình
Qua nước mắt
Nương làn hương
Ẩn hình
3- GIAO MÙA
Giao mùa se ngọn gió thu
Hồn lau theo bước lãng du tìm trầm
Thảnh thơi cỏ nội, hoa đầm
Xót người phận bạc hoá thân Thị Mầu
Thương bến lở, nhớ nguồn sâu
Đỏ đen phố chợ, tím nâu đường làng
Chuyện xưa mối ruỗng ngai vàng
Hậu cung dựa cột thiếp chàng tụng nhau
Phù sa Châu thổ mỡ màu
Còn xanh cốm với thơm cau nồng nàn...
Tần ngần trước cửa tam quan
Người xưa áo mũ xênh sang hẹn về.
(Ninh Bình-Thái Bình)
4- NINH BÌNH QUÊ MẸ
Ninh Bình quê mẹ yêu ơi
Ngàn xưa lớp lớp đá vôi xây thành
Hoàng Long ngọt, Cúc Phương xanh
Đất thanh lịch của lòng lành nuôi tôi
Từng qua bao biển bao trời
Càng ngời kí ức đầu đời mộng mơ
Bên bờ nước giữa cuộc cờ
Thâu đêm vẫn tỉnh, trăng mờ không mê
Đa mang dạ chẳng phai thề
Mỗi xuân hội mở... tìm về thanh minh
Ơi, Hoa Lư! ơi, Ninh Bình!
Tim ta thắp ngọn lửa thiêng ngàn đời
Đêm xuân men nếp bồi hồi
Nồng sâu hương đất , hương trời Cố đô!
5- LÀNG TA
Làng ta từ thuở vua Đinh
Bóng đa đầu núi, mái đình cửa sông
Một dòng ngọt mát xanh trong
Cúc Phương nguồn mạch Hoàng Long xuôi về
Dẫu nhiều mùa úng chiêm khê
Ốc nhồi cua rốc không chê quê nghèo
Chân đi bao suối bao đèo
Tay còn nguyên vết băm bèo bới khoai
Đầu trần mẹ gội sương mai
Vai trần cha vác dẻo dai cày bừa
Chiều đông phên chắn gió lùa
Đêm hè chiếu trải sân chùa đợi trăng
Ngàn năm thơm thảo đãi đằng
Làng trong cổ tích chưa bằng làng ta.
(Làng Thần Thiệu- 2000)
6- XUÂN NAY
Xuân nay cha thọ bảy tư
Vui cùng xóm họ mà như sân trời
Bể dâu bao chuyện khóc cười
Khí thiêng sông núi, tình đời thảo thơm
Cho ngày chờ cháu trông con
Biết men lối cỏ, biết bòn thóc rơi
Biết tri ân ánh mắt người
Biết mưa trong nắng, biết cười bên hoa
Biết luồng gần, biết bến xa
Biết xưa không cũ, biết hoà không tan
Phúc nhà, lộc nước chan chan
Gửi cùng im lặng thời gian chút lòng
Thực như cá chép hoá rồng
Con xin ước được cha không tuổi già
Và đây xuân ấm vườn nhà
Nhãn cổ thụ lộc cài hoa nối mùa...
(Làng Thần Thiệu * Tháng giêng - 2003)
7- MÙA THU NAY
Mùa thu nay con vào đại học
Văng vẳng đâu đây tiếng khóc
Ngày con chào đời
Văng vẳng đâu đây tiếng cười
Vui mừng họ tộc...
Người ta như giọt nước
Ao ước ngọt trong từ nguồn.
Tháng ngày bận vội như sông
Nước xuống triều lên bao lần không kịp nhớ
Tuổi mười tám đến với con , như giấc mơ cha ngày bé
Vui buồn thêm xốn xang
Con ơi!
Để có ngàn năm ấm xóm yên làng
Chùa Thiệu, đình Thần nối đời thơm hương khói
Nhắc nhớ bao người tự quên tên quên tuổi...
Làm việc hết mình siêng năng học hỏi.
(Đinh ninh:
Một hòn đát nỏ, hơn chán vạn giỏ phân vô ích! )
Cha chép lời cảm kích
Ngày con rời nhà
Ngày con lên đường xa
Thao thức... ân cần sự sống
Những cánh rừng già rụi xuống
Đen đúa
Âm thầm cháy bỏng
Lửa từ than
Sáng đêm!
(Khánh Thành- 8/2001)
8- THƠ CHO CON GÁI
Hôm nay sinh nhật con
Đón tuổi trăng mười sáu
Bố viết đôi vần thơ
Gửi gắm niềm yêu dấu
Con ơi, con có thấy
Chim từng mỏi cánh bay?
Con ơi, con có thấu
Biển sóng lừng chân mây?
Đấy là mẹ, là bố
Như đời chim, biển đầy;
Lại hiến mình như đất
Mơ rừng lên biếc cây!
Bố muốn cùng con ngắm
Người bái nhành hoa mai
Dù sương dầm, nắng dãi
Vẫn mở lòng khoan thai.
Trời sớm nay như mộng
Nắng rỡ ràng muôn cây
Mùa lừng thơm hương cốm
Trao mời muôn lòng say.
Bố muốn nghe, muốn hỏi
Muốn nhủ khuyên sẻ chia
Để muốn con giống mẹ...
(tx TĐ- tx NB - 10/6/2002)
9- VUI ĐỒNG MÔN
Tớ mới lên làm xếp
đủ mặt người cậy trông.
Mình vẫn theo doanh nghiệp
còn mất luôn kề hông
Thằng ấy bên ngoại vụ
dự án nhiều mênh mông.
Nó mà xong tiến sĩ
cổ kim sách mấy chồng?
Hắn say nghề cảnh sát
thả... bắt... người dễ không(!)
Bạn đã phong đại tá
vợ hiền, con lại ngoan.
Mi dính nghề tài chính
không tham còn nghèo.
Cậu nối nghiệp nhà thuốc
thương người cam gieo neo.
Ông vẫn nghề dạy học
ưu thời cùng lương dân
Mày có duyên báo chí
tinh ý lại nhanh chân.
Mấy đứa nhà làm ruộng
Ngày càng thêm khó khăn.
Tao vớ đời công chức
láng cháng mà cứ... ăn.
...
Ta bây giờ phiêu lãng
Ru mình trong nắng hong
Gío mưa ngoài ham hố
Họ bảo: mà đồ ngông...(!)
(15/10/2002)
10- VỀ QUÊ
Quá nửa đời người
lang bang mưu sinh
Miệng nói thương quê
dạ nhói thương mình
Biết mấy buồn vui
bao nhiêu được mất
Tấm thân hành khất
giữa dòng cộng sinh...
Muốn nói thật nhiều
thôi, đành lặng thinh!
(Hà Nội - Hoa Lư * 19/8/2002)
11- CON BIẾT KHÔNG
Thành thị như nào con biết không
là nơi xa lắc đất cha ông
buồn vui mở khép như trang sách
gom đủ hiền nhân lẫn thú ngông.
Cha chút cơ duyên đến thị thành
đời yêu gửi đợi lối vinh danh
thế rồi như thể mưa trong nắng
như thể gió ngàn trăng lướt nhanh.
Thành thị mai ngày con tiếp chân
ruổi rong, khôn dại, ngọt thơm dần
còn mang trong trẻo nguồn xưa tắm
liệu thoả tung hoành giữa oái oăm!
(Hà Nội, 1982- 2001)
12- ĐẾN CHÙA XIN CHỮ
Tìm đến chùa xin chữ
bậc đạo cốt chân tu
về tặng con học thuốc
lo nghệ tinh nhân từ
Nào ngờ khách đông quá
toàn muốn sớ cầu may
nào thiện nam tín nữ
ai cũng đòi viết ngay
Lẽ nào vào đến đây
còn tranh nhau sau trước
lẽ nào cậy quen biết
để ưu tiên lần này
Thế là phần cả nể
phần thương thầy mỏi tay
việc mình đành gác lại
cho đến tận hôm nay.
Tự nhủ biết chờ đợi
cũng là tu tâm rồi
ngước nhìn lên Tam Bảo:
Phật như đang mỉm cười(!)
(Hưng Long Tự- Xuân 2003)
Cùng trong tập thơ Lãng Đãng, mời Quý vị xem tiếp:
- Bài từ 13 đến bài 26 xin xem ở đây
- Bài từ 28 đến bài 46 xin xem ở đây
Mạc Khải Tuân