Không phải gần đây, khi di sản "thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể nhân loại thì hiện tượng lên hầu đồng của tín ngưỡng thờ Mẫu mới được nói đến nhiều. Vốn dĩ, hiện tượng này vẫn được quan tâm, được nghiên cứu và diễn ra hàng ngày, bởi đây là tín ngưỡng dân gian của người Việt, nó đã ăn sâu và tiềm thức của mỗi người, là dòng chảy tâm linh xuyên suốt từ xưa tới nay.
Lên đồng (hầu bóng) là một trong những nghi thức đặc trưng và điển hình theo tục thờ Mẫu, đây là nghi lễ gắn với tín ngưỡng nguyên thủy. Hầu đồng là nhập bóng cùa Thần linh và tâm linh của người hầu tạo nên sự giao hòa giữa tâm linh và thần linh, người hầu đồng có trang phục và lễ vật thích hợp với từng nội dung từng giá hầu, người hầu bóng có sự biểu cảm tính cách, phong thái, hành trạng của từng vị thần linh. Đặc biệt trong hầu đồng không thể thiếu yếu tố hát cung văn. Mỗi giá hầu đều có cung văn âm nhạc ca xướng, lời văn phù hợp từng giá, nội dung là tóm lược tiểu sử, hành trạng, ca ngợi công lao của từng vị thần linh nhập đồng.
Về ý nghĩa, đây là hiện tượng tín ngưỡng hoàn toàn mang tính hướng thiện. Bởi lẽ, ở mức độ lớn khi Thần Tiên giáng đàn thường đáp lại những lời thỉnh cầu với niềm tin của tín thỉnh giả như “quốc phú, dân cường; quốc thái dân an”, mức độ hẹp như dòng tộc, xóm làng được phú quý an khang, phúc lộc thọ trường; mức độ cá nhân thì cũng hướng tới cầu sức khỏe, tiền tài, may mắn, thành công. Có chăng, cũng có sự cầu xin bất thiện, sự giả ban bất chân của một số người lợi dụng và niềm tin của người khác nhưng chẳng vì như thế mà đánh đồng, làm giảm giá trị và quan niệm về hiện tượng này.
Từ góc nhìn văn hóa đó, ta tiếp cận hiện tường này để hiểu đúng giá trị, vai trò và ý nghĩa nó.
Hầu đồng là sự kết hợp các yếu tố: Thanh đồng, âm nhạc và nội dung ca từ mà quan trọng nhất là thanh đồng, người được cho là có căn duyên với cửa Thánh, được nhà ngài chọn để thay mình ban phát phúc lộc, dạy bảo đến muôn người.
Diễn sân khấu của một thanh đồng tại huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. Ảnh: Bình Yên
Để tìm căn nguyên của những thanh đồng:
Trước hết, về thanh đồng: liệu có phải ai muốn làm thanh đồng, làm ghế cho thánh đều được ko? Từ góc nhìn nghiên cứu cũng như người trong cuộc, họ phải là những người có căn quả.
Là người có căn quả hầu đồng phải hội tụ 3 yếu tố như: Khi đến các đền, phủ có cảm giác khác lạ, thay đổi trong người; Trong cuộc sống có nhiều lần gặp sự vất vả, bất trắc mà không phải nguyên nhân tự thân gây ra, không thể giải thích được; họ thường mơ thấy các vị trong thế giới thần linh hiển hiện mách bảo, nhắc nhở. Có nhiều người hầu đồng là truyền thống gia đình, một nhà có trên dưới 5 thế hệ “hầu” thánh. Một số người thì cầu mong sự bình an cho những người thân, kinh doanh buôn bán được thuận lợi, giải tai họa, cầu yên bình… Đặc biệt, phần lớn là muốn cân bằng những đau đớn, buồn tủi và mất mát không thể bù đắp như mất người thân, tổn thương tình cảm vợ chồng.
Theo chia sẻ của thanh đồng TH (Từ Liêm - Hà Nội) cho hay: “một số trường hợp người có căn đồng nhưng “phạm” không ra hầu nên bị “hành”. Mà bị “hành” ở đây là mất cân bằng trong cuộc sống, làm những điều mà người bình thường không bao giờ làm vì cho là “hành xác”, nhục thân…” Bản chất người Việt đều có tín tâm bởi ai cũng thờ cúng ông bà, tổ tiên. Khi gặp những vấn đề trắc trở trong cuộc sống không thể vượt qua cần có tín niệm để dựa vào, khi đó hầu đồng sẽ là một cứu cánh.
Theo thanh đồng T.H (Cầu Giấy – Hà Nội): “đối với người hầu, trước 3 ngày ra hầu, thanh đồng phải tắm gội, chay tịnh, giữ thân trong sạch. Ngày lên hầu, thanh đồng khi nhập phủ phải tĩnh tâm, lắng đọng quên hết mọi tục niệm quanh thân, bỏ qua hết những đau khổ, hiềm khích để vào hầu Thánh. Nếu không làm được những điều này, thanh đồng sẽ không thể có vấn hầu thành công cũng không thể tìm được sự giải thoát cho tâm linh cũng như tìm đến nguồn cội tín niệm vào thánh Mẫu mà bản thân mình theo đuổi, trong quá trình hầu đồng, thanh đồng thực hiện những nghi thức, hành động diễn tả lại các điển tích, công trạng của các Mẫu, đức Thánh”. Bên cạnh đó là thưởng thức trà, rượu, thuốc, tranh, nhạc, thơ phú, hát xướng, lời khen nịnh của con nhang đệ tử, thân bằng quyến thuộc. Trong cái không gian đầy màu sắc tâm linh đó, người hầu đồng được trở lại với bản tính của con người, được hưởng thụ một không gian tràn ngập vui vẻ, ấm áp. Các thanh đồng có thâm niên như Đồng thầy XT (Vụ Bản - Nam Định), Đồng thầy LG (Cầu Giấy - Hà Nội) cho biết: khi được Thánh nhập, cảm giác khác lạ, và phần lớn vẫn nhận biết được xung quanh nhưng lại không thể điều khiển hành vi của mình, nhưng thời gian Thánh giáng áp diễn ra nhanh”. Sau một vấn hầu, thanh đồng thường chịu ảnh hưởng của Thánh nhập trong một thời gian, ngắn thì một hai ngày, dài thì cả tuần lễ. Những cử chỉ, hành động, suy nghĩ, cách giao tiếp rất giống với vị thánh mà thanh đồng hợp căn hợp cốt mà không ai giải thích được nguyên nhân. Bởi lúc đó thanh đồng chỉ là cái “cốt”, cái thân xác trống rỗng, cái “ghế” để hồn (hay bóng) của thánh nhập vào. Mỗi buổi lên đồng thông qua việc thăng hay giáng, các vị thánh đã thực hiện hành trình từ cõi hư vô về tái sinh trên thân xác của các ông bà đồng thông qua các hành động mang tính nghi lễ: múa phán truyền, ban phát lộc, trừ tà chữa bệnh.
Để các vị thánh có thể nhập hồn vào thân xác các thanh đồng, thì trước hết phải thông qua các hình thức bổ trợ trước và trong nghi lễ, các thanh đồng phải tự đưa mình vào trạng thái, không gian, âm thanh phù hợp như: tiếng nhạc, màu sắc, điệu múa, hương hoa và các chất kích thích như rượu, thuốc lá, trầu cau. Từ cách tiếp cận đó, ta có thể thấy thanh đồng vốn là những người có căn duyên, được nhà thánh báo mộng và chọn làm người thay mình để tuyên dương, ban phát tài lộc, dạy bảo cho những điều thiện lương, hướng con người ta vào tâm lý tốt đẹp.
PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng Thư ký Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tặng Bằng khen tới Thạc sĩ Nguyễn Đức Bá đã có đóng góp tích cực trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc (2011-2016) tại lễ kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo. Ảnh: Bình Yên.
Song, cũng bàn thêm rằng, trong không ít nghi lễ lên đồng ngày nay, mức độ ngây ngất của thanh đồng không đủ chiều sâu, nên có thể dễ nhận thấy hành động của họ đậm tính biễu diễn như cười đùa, nói chuyện với những người xung quanh, hay đọc tin nhắn điện thoại trong lúa hầu...
Thứ nữa, không thể thiếu trong các buổi lên đồng đó là lời văn được các cung văn diễn xướng có âm thanh nhạc cụ bổ trợ.
Mỗi một giá hầu đều có nội dung ca văn và âm nhạc khác nhau; nội dung ca từ văn như đã nói, thường là bao hàm trình bày lí lịch, hành trạng, ca ngợi công lao của vị thánh tiên liên quan đến giá hầu đó.
Chẳng hạn như lời văn ca xướng ông Hoàng Mười:
Ông Hoàng Mười, sinh thời vốn là tướng Nguyễn Xí thời Lê giúp Lê Lợi, viên quan trấn thủ đất Nghệ An, có công lao lớn với nước với dân, sau khi mất rất hiển linh và được dân lập đền thờ ở Nghệ An. Nổi danh là thanh cao, hào hoa, phong nhã: Ông thuộc địa phủ mặc áo màu vàng.
Thế nên có ca văn rằng:
“Ông Hoàng Mười trấn thủ Nghệ An,
Về huyện Thiên Bản làm quan Phủ Dầy
Trời Nam có đức Hoàng Mười
Phong tư nhất mực tuyệt vời không hai
Nền trí dũng bậc nhân tài
Văn thao võ lược tư trời thông minh
Tiêu dao di dưỡng tang tình
Thơ tiên một túi phật kinh trăm tờ
Khi phong nguyệt lúc từ bi
Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên..” (Văn chầu ông Hoàng Mười)
Sau khi ông giáng đàn thì con nhan đệ tử sẽ lên xin được che chở, cầu thỉnh được phù hộ lộc tài, thăng quan tiến chức hay học hành thi cử đỗ đạt, và sau đó nhận lộc của ông như tiền, bánh kẹo hoa quả. Khi cung văn xướng lên “xe loan thánh giá hồi cung” thì nghĩa là ông đã thăng.
Giá ông hoàng Bơ thì lời văn ca xướng rằng:
Sáng tựa gương trần ai chẳng bụi
Bầu rượu tiên, thơ túi xênh xang
Vua ban áo trắng đai vàng
Võ hài chân dậm vai mang đôi hèo”
Còn nội dung các giá đồng cô thì lại ít kể sự tích hơn, còn thì ca ngợi vẻ đẹp, đức hạnh là chủ yếu:
Đồi xanh bướm lượn hoa cười
Rừng xanh cô lượn xướng cợt người hành hương
Quần là áo lượt, hào sảo xinh tươi
Đôi sơn đăng sáng tỏa lưng trời
Nhác trông lên sáng tỏa hào quang
Thắt lưng đai, lược dắt hoa cài
Sơn đăng cô sáng tỏa gần xa” (Văn chầu Cô Đôi)
Còn văn ca ngợi cô Chín:
Cô Chín quạt cho gió lộng sơn hà
Quạt cho nam nữ trẻ già đều vui
Cô Chín quạt cho hoa nở núi đồi
Quạt cho mát rượi lòng người thế gian” (Văn chầu cô Chín).
Cô Chín có biệt tài trị bệnh cứu người nên lúc cô giáng, trong cái không khí giao hòa, có âm nhạc làm mờ ranh giới giữa con người và thần thánh; trong lời ca tiếng nhạc ca xướng tôn khen đó các con nhang đệ tử, tín chủ lại dâng lễ thỉnh cầu cô chữa bệnh.
Có thể thấy, nội dung ca từ là những trong lời văn được phổ nhạc đều là những câu chữ mô tả lịch sử, hành trạng, ca ngợi mĩ miều của từng vị thánh tiên, âm nhạc cao thâm, hào hùng, hay du dương thanh tịnh cũng tùy và từng giá, phù hợp tính cách từng nhân vật nhằm tạo không gian gần gũi, thân thiết cho sự xuất hiện, giáng lâm của họ. Các vị thánh từ thế giới hư vô thực hiện các cuộc hành trình của mình, hiển hiện trước con mắt người trần qua nghi lễ lên đồng đều là các vị phúc thần tức là các thần linh dù có gốc tích là thiên thần hay nhân thần thì lúc sinh thời đều có công lao với dân với nước, khi hóa thì hiển linh phù hộ, bảo trợ cho sự bình yên, tốt lành cho cộng đồng, do vậy được người đời tôn vinh thờ phụng. Các vị thánh tiên nhập hồn vào thanh đồng là để làm việc thiện như: chữa bệnh, trừ tà ma, mang lại phúc lộc cho mọi người; và sinh thời đều là những người chính trực liêm minh, thanh tao cao khiết, ngời ngời tư cách đạo đức được người đời kính ngưỡng tôn thờ, thế nên việc ban phát ân trạch cũng là những điều chính đạo, theo lẽ phải và giúp đáp cho người thiện lương, cho lời cầu xin chính đáng; chứ chẳng phải vì lễ mỏng dày mà ban phát điều sai nghịch, bất thiện cho lời câu xin lười biếng thụ hưởng lợi lộc, thể chẳng phải là tổn hại đến cái đức, cái danh cao vời của bậc thánh tiên hay sao?!.
Lên đồng là một nghi lễ tôn giáo tín ngưỡng của thờ Mẫu Tứ phủ và thanh đồng là những người thay mặt cho thánh tiên, được Thánh Tiên mượn cốt, coi như ghế ngồi để ban hành việc thiện, giúp đỡ con người hướng tới giá trị chân-thiện-mỹ, họ là những người lưu truyền văn hóa tín ngưỡng văn hóa bản địa, xét bản nguyên và tổng thể họ không phải là những người mê tín nhảm nhí, là những người có căn quả và luôn nghĩ đến nhân quả. Không nên nghĩ họ là những người có tính bốc đồng, ăn mặc lòe loẹt dù khi diễn xướng, thể hiện hình thức tín ngưỡng này họ phải có trang phục vũ đạo, vì như đã nói để cho phù hợp với tính cách, phong thái của từng vị Tiên Thánh. Bỏ qua một số ít lợi dụng vì mục đích tư lợi, biểu diễn mang tính hình thức thì phải nhìn nhận thanh đồng là những người thực hành nghi lễ của tôn giáo dân gian. Với họ, bản thân mình như là con cửa thánh, tìm được những sự đồng cảm, thỏa mãn nhu cầu tâm linh, phục vụ thánh qua việc lên đồng, hầu đồng.
Đánh giá kết luận về hiện tượng này, dẫn lời GS.TS Frank Proschan (viện Smithsonian, Washington DC, Mỹ) đã từng nói:
“Đối với một nhà Folklore hoặc một nhà nhân học, thì hình thức biểu diễn văn hóa của lên đồng chính là nguồn tư liệu quý giá bộc lộ quan niệm của bản thân người Việt Năm về lịch sử của họ, về di sản văn hóa, về vai trò của giới và bản sắc tộc người. Hơn bất kì một quyển sách, một bức tranh hay bức tượng nào, lên đồng là một bảo tàng sống. Người Việt đã triễn lãm nền văn hóa Việt cho người Việt và người nước ngoài. Những người tham gia hầu đồng chính là những bảo tàng, những người bảo vệ cho văn hóa Việt Nam. Việc làm của họ đảm bảo cho các thế hệ tương lai vẫn sẽ tiếp tục có cơ hội chiêm ngưỡng những khía cạnh khác nhau của văn hóa Việt Nam mà chúng đang dần bị nhạt nhòa đi trong đời sống xã hội hàng ngày, chỉ còn hiện diện trong điện thần của đạo Mẫu. Họ xứng đáng được đánh giá cao bởi những nỗ lực bảo tồn những giá trị truyền thống và họ cũng nên được khuyến khích để duy trì hình thức văn hóa này cho các thế hệ tương lai”.
Nguyễn Đức Bá, Thạc sĩ
Phó Trưởng phòng Chuyên môn - Tổng hợp
Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo.