Chúng tôi về viếng thăm quê gốc của Hoàng giáp Trần Hữu Thành ở thôn Đại An, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định nhiều lần, mỗi một lần lại in thêm sâu vào tâm trí chúng tôi ngày một sâu đậm về quê hương bản quán của Hoàng giáp cũng như làm dầy thêm khối tư liệu văn hiến về Hoàng giáp. Trong các lần ấy chúng tôi đặc biệt lưu ý đến lần thứ nhất và lần thứ hai. Lần thứ nhất vào Thứ Bảy, ngày 19 tháng 1 năm 2019. Lần thứ hai vào Thứ Sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2019.
Trong hai lần ấy, đoàn chúng tôi gồm ông Trần Khánh Dư, hậu duệ đời thứ mười của Hoàng giáp, nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo - Ban Tôn giáo Chính phủ, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo; ông Trần Văn Tân, hậu duệ đời thứ mười, Giảng viên Khoa Vật lý Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội); ông Trần Ngọc Lanh cũng đều là hậu duệ đời thứ mười của Hoàng giáp, nhiếp ảnh gia Bùi Khiêm và tôi. Đoàn được thắp hương vái lạy Hoàng giáp tại nhà thờ tổ họ Trần ở thôn Đại An, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.
Trong hai lần thăm viếng này, chúng tôi tìm thêm được một số chứng tích văn hiến mà qua đó có thể giúp cho những người hiện đại chúng ta hình dung rõ hơn về Hoàng giáp.
Cuộc viếng thăm của PGS.TS Phạm Văn Khoái cùng hậu duệ của Hoàng giáp Trần Hữu Thành ngày 19/01/2019 tại thôn Đại An, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.
Đặt vấn đề
Đệ nhị giáp Đệ nhị giáp Tiến sĩ khoa Bính Tuất niên hiệu Đoan Thái năm thứ nhất (1586) - Hoàng giáp Trần Hữu Thành (1558 - 1635) người xã Đào Lãng, huyện Đại An (nay thuộc thôn Đại An, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định). Tư liệu văn hiến ghi về Hoàng giáp gồm nguồn từ các sách Đăng khoa lục và nguồn tư liệu từ các Từ đường thờ Cụ ở các nơi như: ở thôn Đại An, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định với tên Nôm là Đồi; ở xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam với tên Nôm là Đùng; ở thôn Văn Mỹ, xã Yên Trung, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định với tên Nôm là làng Ngòi như bài vị, hoành phi, câu đối, văn bia. Xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định có Khải xã từ (Đền mở xã) có bài vị thờ Hoàng giáp làm phúc thần trong vai trò là một trong những người có công mở xã.
1. Nguồn tư liệu văn hiến về Hoàng giáp Trần Hữu Thành
Tư liệu chính sử ghi về khoa thi Hội của nhà Mạc được tổ chức vào năm Đoan Thái thứ nhất (1586) là Đại Việt Sử ký Toàn thư. Theo đó, "Bính Tuất /Quang Hưng/ năm thứ 9 /1586/ (Mạc, Đoan Thái năm thứ nhất; Minh, Vạn Lịch năm thứ 14). Mùa xuân, họ Mạc mở khoa thi Hội. Cho Nguyễn Giáo Phương đỗ tiến sĩ cập đệ, bọn Phạm Minh Nghĩa 3 người đỗ tiến sĩ xuất thân; bọn Nguyễn Văn Tảo 17 người, đỗ đồng tiến sĩ xuất thân". (Đại Việt Sử ký Toàn thư, bản dịch, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998, tập III, trang 161).
Các tư liệu có ghi tên của Hoàng giáp chủ yếu thuộc các sách đăng khoa lục cũng như các tài liệu văn hiến mà chúng tôi thu thập được qua các đợt điều tra điền dã của chúng tôi tại các vùng đất như Yên Đồng, Ý Yên, Nam Định; Liêm Sơn, Thanh Liêm, Hà Nam; Văn Mỹ, Yên Trung, Ý Yên, Nam Định.
1.1. Nguồn tư liệu đăng khoa lục
Nguồn 登科錄 Đăng khoa lục là các bộ sách viết bằng chữ Hán ghi chép về các vị đỗ đạt qua các khoa thi mà chủ yếu là các khoa thi Hội hiện đang được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm như: 歷朝登科 Lịch triều đăng khoa, 大越歷代登科 Đại Việt lịch đại đăng khoa, 登科錄搜講 Đăng khoa lục sưu giảng, 列縣登科備考 Liệt huyện đăng khoa bị khảo, v.v… Trên cơ sở các nguồn tư liệu này, một nhóm các nhà nghiên cứu ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã biên soạn ra bộ sách Các nhà khoa bảng Việt Nam (1075-1919) do Phó giáo sư Tiến sĩ Ngô Đức Thọ chủ biên, Nhà xuất bản Văn học, 1993. Trong bộ sách này, Hoàng giáp Trần Hữu Thành được ghi ở trang 494 như sau:
"Trần Hữu Thành 陳有成 (1558 - ?). Người xã Đào Lãng, huyện Đại An - Nay thuộc xã Yên Đồng huyện Ý Yên tỉnh Nam Hà. 29 tuổi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Bính Tuất niên hiệu Đoan Thái I (1586) đời Mạc Mậu Hợp. Làm quan đến Đề hình giám sát ngự sử. Theo về nhà Lê. LTĐK, (II, 59a); LĐĐK, 42b; LHĐK (IV,98b)".
Những ghi chép ngắn ngủi mang tính "đăng khoa lục" như những dòng lược sử mà ở một mức độ nào đó có thể giúp cho những người hiện đại chúng ta hình dung một cách đại quan nhất về một nhà khoa bảng họ Trần - Hoàng giáp Trần Hữu Thành.
PGS.TS Phạm Văn Khoái tìm hiểu thông tin về chi tộc ở thôn Đại An, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định tại gia đình ông Trần Văn Đông ngày 19/01/2019.
1.2. Từ đường chi Họ Trần ở thôn Đại An, xã Yên Đồng, Ý Yên, Nam Định
Chi họ Trần ở thôn Đại An có 16 hộ. Các ông Trần Văn Đông (Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam, cán bộ Huyện đội đã nghỉ hưu), ông Trần Văn Hưởng, bác sĩ Trần Hữu Vịnh và nhiều ông bà của chi họ Trần ở đây có kể lại rằng, Từ đường cũ của chi họ Trần tại thôn Đại An, xã Yên Đồng ngày xưa được nằm ngay trên nền đất bây giờ vốn to đẹp và trang nghiêm lắm. Diện tích là một sào mười thước, quay hướng Đông, có cây mít rất sai quả nhưng ít khi được thu hái vì quả mít thường bị vỡ khi sắp chín. Các thế hệ cháu con họ Trần ở đây cứ vào các tiết lễ lại đến đây thắp hương chiêm bái đức Thượng Tổ của mình. Đến khoảng những năm 1968, 1970, Từ đường cũ vẫn còn.
Thế nhưng theo thời gian, vào những năm 1970, 1971 do bị bão gió và trong hoàn cảnh chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, trai tráng trong chi họ đi chiến đấu ở chiến trường xa, ở nhà gặp quá nhiều khó khăn, nhà thờ bị sập đổ, nên phải dỡ đi. Cũng may thay, cháu con của Hoàng giáp đã giữ lại được ngai thờ bằng gỗ trên đó có khắc bài vị thờ cho dù ngai gỗ bị rời ra cũng như đã chép lại được hệ thống câu đối của nhà thờ.
Trên cái nền cũ ấy, sau này cháu con mới dựng lại nhà thờ. Lần dựng thứ nhất là vào năm Kỷ Sửu, 1995. Trong lần dựng mới này, may nhất là ngai thờ trên đó có bài vị thờ Hoàng giáp Trần Hữu Thành vẫn còn giữ lại được cho dù ngai gỗ bị rời ra đã được rước lại đặt trên ban thờ. Để có việc này, ông Trần Văn Đông đã nhờ một người bạn có nghề làm đồ thờ gắn lại và sơn thiếp lại.
Lần tu sửa thứ hai là vào năm 2015. Một số câu đối chữ Hán cháu con vẫn còn nhờ người chép lại được khi Từ đường bị dỡ đi vào những năm 1970, 1971 đã được mang ra thuê thợ làm đồ thờ khắc lại.
Thật là may mắn cho cháu con họ Trần ở đây vì dù vừa "trải qua một cuộc bể dâu" nhưng ngai thờ với bài vị vẫn còn. Bài vị thờ Hoàng Trần Hữu Thành mà từng nét chữ Hán trên đó còn roi rói một lối viết tự nhiên của một thời xa vắng văn hóa chữ Hán còn đậm trên từng đường nét là một trong những chứng tích quan trọng nhất về sự tích và công trạng của Hoàng giáp. Có thể nói đó là những dòng chữ tuy ngắn ngủi nhưng lại khái quát nhất về chân dung của Đệ nhị giáp Tiến sĩ (Hoàng giáp) khoa Bính Tuất niên hiệu Đoan Thái triều Mạc (1586). Hoàng giáp là bảng vàng. Đỗ tiến sĩ xuất thân là chính bảng tiến sĩ tức là chính danh bảng vàng.
Sau khi đỗ, Hoàng giáp được triều Mạc bổ giữ chức Đề hình Giám sát Ngự sử. Sau khi triều Mạc để mất Thăng Long thì Hoàng giáp theo về với nhà Lê với chúc vụ trên.
Qua chức vụ này mà Hoàng giáp đã đảm nhận, các thế hệ cháu con họ Trần ở đây cũng như mọi người hiện đại có thể từ các phẩm chất của một người đảm nhận chức Đề hình Giám sát Ngự sử phải có, các nhiệm vụ mà những người ở chức quan này đã trải để từ đó mà hình dung, tái hiện và tái lập lại chân dung Hoàng giáp Trần Hữu Thành.
Bài vị thờ cụ Trần Hữu Thành tại Từ đường ở thôn Đại An, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.
Bài vị thờ cụ Trần Hữu Thành được viết như sau:
端泰丙戌科、第二甲進士出身、提刑鑑察御史、陳公有成位 Đoan Thái Bính Tuất khoa, Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, Đề hình Giám sát ngự sử, Trần công Hữu Thành vị - Bài vị thờ của Ông Trần Hữu Thành, đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ khoa Bính Tuất niên hiệu Đoan Thái, giữ chức Đề hình Giám sát Ngự sử.
Ngai thờ có bài vị tuy mới được sơn thiếp lại cách đây mấy năm nhân chi họ Trần ở đây dựng lại Từ đường vào năm Kỷ Sửu (1995) nhưng hình dáng ngai và những chữ Hán ghi bài vị của Cụ Trần Hữu Thành thì vẫn giữ nguyên phong vị và các đường nét mang thần thái cổ. Chữ Hán vẫn còn nguyên sắc đẹp, trang nghiêm, hùng tú mang phong vị thư pháp chữ Hán của mấy trăm năm trước.
Bên cạnh bài vị là hai đôi câu đối tuy mới được khắc lại nhưng văn từ, ý nghĩa vẫn là của thời xưa. Cùng với bài vị, các cặp câu đối này đã tham gia vào làm rõ nghĩa cho công tích, sự nghiệp của Cụ:
奕世簪英家始祖、
千秋橋岳國勳臣。
Dịch thế trâm anh gia thủy tổ
Thiên thu kiều nhạc quốc huân thần.
Đời nối trâm anh, nhà thủy tổ,
Cây cao nghìn thuở bậc huân thần.
琼苑騷坛兄甲榜、
秋霜烈日表貞心。
Quỳnh Uyển, Tao Đàn huynh giáp bảng,
Thu sương liệt nhật biểu trinh tâm.
Quỳnh Uyển, Tao Đàn đầu bảng giáp,
Sương thu, nhiệt nóng tỏ lòng trinh.
Bài vị, hoành phi, câu đối ở Từ đường chi họ Trần tại thôn Đại An, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.
1.3. Từ đường chi Họ Trần ở thôn Đùng, Liêm Sơn, Thanh Liêm, Hà Nam
Về đến thôn Đùng, xã Liêm Sơn, Thanh Liêm, Hà Nam, chúng tôi được các cụ, các ông trong chi họ Trần ở đây đón tiếp như cụ Trần Đình Kình, cụ Trần Đình Hội, ông Trần Công Pha (chi trưởng họ Trần ở đây). Chi họ Trần ở đây có khoảng 40 hộ. Chi này có ngôi mộ Cụ bà Tô Thị Tu. Tên Từ đường họ Trần ở đây được viết bằng chữ Quốc ngữ vào năm 1997: TRẦN TỪ ĐƯỜNG. Hoành phi 2 viết bằng chữ Hán là 奉祖堂 PHỤNG TỔ ĐƯỜNG.
Ở đây có cặp câu đối nói về công lao nuôi dưỡng của mẹ cũng được viết bằng chữ Quốc ngữ: "Cúc dục ân thâm, Thương Hải đại. Sinh thành nghĩa trọng Thái Sơn cao. Ơn sâu nuôi nấng, tày Thương Hải. Nghĩa nặng sinh thành, tựa Thái Sơn".
PGS.TS Phạm Văn Khoái tìm hiểu thông tin về chi tộc ở thôn Đùng, xã Liêm Sơn, Thanh Liêm, Hà Nam ngày 19/01/2019.
1.4. Các Từ đường của Họ Trần thôn Văn Mỹ, Yên Trung, Ý Yên, Nam Định
Có đến ba phần tư số hộ ở Văn Mỹ, Yên Trung, Ý Yên, Nam Định thuộc về họ Trần. Trưởng họ là cụ Trần Văn Phúc thuộc thế hệ thứ mười. Chi họ Trần ở Văn Mỹ có nhiều ngành. Ngoài ra, họ Trần còn có ngành cụ Trần Văn Tứ ở làng Phường gồm 40 hộ. Mỗi ngành ở đây lại có nhà thờ của ngành mình.
Từ đường chi chính họ Trần có tấm bia đá 陳族碑記 Trần tộc bi kí mà dòng lạc khoản có ghi "皇朝保大萬年之貳丁卯孟冬中浣穀旦碑記 Hoàng triều Bảo Đại niên chi nhị, Đinh Mão, Mạnh đông, trung hoán, cốc nhật". Bia dựng vào ngày tốt, tiết trung hoán (giữa tháng) tháng đầu đông (tháng Mười âm lịch), năm Đinh Mão, niên hiệu Bảo Đại năm thứ hai (1927).
Văn bia này đã khái quát về chi họ Trần ở đây. "Kính nghĩ, họ Trần ta nối đời long thịnh đã từ lâu lắm rồi. Cụ Thượng tổ họ ta phát tích từ xã An Hạ, huyện Đại An. Cụ tiên tổ xây dựng ở đất này, xưa là Hoàng Xá mà nay là Văn Xá. Khoa bảng nối đời truyền diễm lệ. Hào hoa lớp lớp kế theo nhau. Họ tộc vì thế ngày một phồn thịnh, tài nguyên ngày một thêm giàu. Đó đều là do âm đức tổ tông tích lũy phù trợ mà được như thế đấy".
"Từ đường họ ta dựng ở đất này đã lâu lắm rồi. Ngày tháng qua đi, gió mưa vùi dập, đau xót lòng người. Người tới lễ bái ai nhìn cũng không thể không tỏ cảm xúc bùi ngùi, dấy lên hưng cảm".
"Nay cháu đời thứ bảy của chi Giáp, cựu lí trưởng Trần Đình Siêu và vợ là Lê Thị Viễn tính với trưởng tộc là Trần Văn Triệu, tu sửa làm mới một phiên. Mái lợp ngói, tường xây gạch. Đẹp lại càng thêm đẹp, qui mô xưa được mở rộng thêm. Thêm hợp thêm hoàn, quách thức lâu đài thêm tráng lệ. Cũng là nói, người uống nước nên nhớ đến nguồn, ngồi dưới bóng dâm nên nhớ đến gốc vậy. Còn như làm cho rộng thêm thì thật là còn phải chờ các thế hệ cháu con sau này làm thêm cho đẹp. Làm xong bèn ghi vào đá để còn được lưu truyền mãi mãi.
Còn như phái nào cúng tiến bao nhiêu thì được ghi ở sau đây".
PGS.TS Phạm Văn Khoái tìm hiểu thông tin về chi tộc ở thôn Văn Mỹ, Yên Trung, Ý Yên, Nam Định ngày 19/01/2019.
2. Phác thảo chân dung về Hoàng giáp Trần Hữu Thành
Những tư liệu văn hiến trên đây là những cơ sở tư liệu văn hiến quan trọng cho phép hậu thế hồi ức và phác thảo những nét chấm phá cơ bản nhất cho một bức chân dung về Hoàng giáp Trần Hữu Thành theo một số nội dung chủ yếu sau đây:
1. Tư liệu văn hiến về Hoàng giáp Trần Hữu Thành và vấn đề phác thảo chân dung Hoàng giáp nhằm khẳng định những tư liệu văn hiến quí giá về Hoàng giáp hiện còn để từ đó theo phương pháp đồng hóa trị mà hình dung về chân dung Hoàng giáp.
2. Hoàng giáp Trần Hữu Thành trong dòng chảy của lịch sử nhằm nêu lên một số nét cơ bản về thời đại mà Hoàng giáp sống, đóng vai trò như một cái nền xã hội và lịch sử cho mọi sự hình dung về Hoàng giáp.
3. Hoàng giáp Trần Hữu Thành trong sự song hành của hai hệ thống khoa cử đương thời: khoa cử nhà Mạc và khoa cử thời Lê Trung hưng và cơ sở khoa cử của nó nhằm lên một số nét cơ bản về hai hệ thống khoa cử đương thời làm tiền đề cho mọi sự lựa chọn của sĩ tử lúc bấy giờ cũng như sự lựa chọn của Hoàng giáp Trần Hữu Thành trong việc chọn triều đại để đi thi và phục vụ sau khi đỗ đạt. Đó cũng là một trong những cơ sở cho sự tái lập chân dung Hoàng giáp và bước đầu cho sự nhận thức và giải thích việc Hoàng giáp thi ở triều Mạc, vừa làm quan ở triều Mạc, vừa làm quan ở triều Lê Trung hưng.
4. Hoàng giáp Trần Hữu Thành và khoa Bính Tuất niên hiệu Đoan Thái năm thứ nhất (1586) nhằm đề cập đến khoa Bính Tuất niên hiệu Đoan Thái năm thứ nhất khoa mà Hoàng giáp Trần Hữu Thành ứng thí và đỗ đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân theo một số các chỉ số qua các tài liệu đăng khoa lục.
5. "Quỳnh Uyển", "Tao Đàn", bậc đàn anh trong hàng khoa giáp - văn tài và danh hiệu khoa bảng của Hoàng giáp Trần Hữu Thành nhằm làm rõ những vấn đề chữ nghĩa từ vế đối ở Từ đường thờ Hoàng giáp cũng như văn tài và danh hiệu khoa bảng của Hoàng giáp. Văn tài khoa bảng của Hoàng giáp là văn tài "nhả ngọc phun châu" theo các yêu cầu trắc nghiệm của văn chương khoa cử.
PGS.TS Phạm Xuân Khoái cùng các hậu duệ của Hoàng giáp Trần Hữu Thành chụp ảnh lưu niệm tại Trần Từ đường ngày 19/01/2019.
6. Danh hiệu khoa bảng của Hoàng giáp Trần Hữu Thành được tôn vinh theo định chế đỉnh cao của khoa cử thời vua Lê Thánh Tông (1460-1497) nhằm góp phần làm sáng rõ sự suy tôn học hạnh và học nghiệp của Hoàng giáp được thể hiện qua vế đối ở Nhà thờ thờ Hoàng giáp mà trong đó có nhiều từ ngữ cũng như cách diễn đạt hướng vào thời Lê Thánh Tông như: "琼苑騷坛兄甲榜、Quỳnh Uyển, Tao Đàn huynh giáp bảng. Quỳnh Uyển, Tao Đàn đầu bảng giáp".
7. Bến bờ học vấn của Hoàng giáp Trần Hữu Thành nhằm hình dung lên những điểm cơ bản nhất về học vấn của Hoàng giáp Trần Hữu Thành trên sở trình bày cái nền học vấn truyền thống nói chung. Qua việc trình bày này, các thế hệ cháu con của Hoàng giáp cũng như người hiện đại có những cơ sở nhất định cho sự hình dung về học vấn của Hoàng giáp Trần Hữu Thành.
8. Đề hình Giám sát Ngự sử - chức quan được đặt vào thời vua Lê Thánh Tông, nhằm tìm hiểu và đề cập đến chức quan này từ Quốc sử nhất là Đại Việt Sử ký Toàn thư để người hiện đại có thể hình dung một cách cụ thể hơn về chức vụ mà Hoàng giáp Trần Hữu Thành đảm nhận trong mối liên hệ với sự phác thảo chân dung Hoàng giáp Trần Hữu Thành về phương diện quan nghiệp.
9. "Sương thu, nhiệt nóng tỏ lòng trinh" - Tinh thần, phẩm chất và sự nghiệp của Hoàng giáp Đề hình Giám sát Ngự sử Trần Hữu Thành nhằm hình dung lên những điểm cơ bản nhất sự nghiệp làm quan của Cụ trong chức vụ "Đề hình Giám sát Ngự sử", một chức quan được đặt ra dưới thời Lê Thánh Tông và được dùng trong một khoảng thời gian khá dài cả ở triều Lê sơ cũng như triều Mạc và triều Lê Trung hưng. Cả học hạnh, học nghiệp và quan nghiệp của Cụ đều được hình dung theo các tiêu chí đỉnh cáo thời vua Lê Thánh Tông, một trong những thời thịnh trị nhất của lịch sử nước ta là một sự hình dung được bắt nguồn trong sự nhận thức của các thế hệ cháu con của Hoàng giáp từ xa xưa vừa là một sự hình dung hợp lý, vừa là một niềm tự hào, vừa là một sự trân trọng đối với một vị Hoàng giáp là Cao Cao Tổ Khảo của các chi họ Trần ở nhiều nơi mà nhất là ở làng Đại An, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định; thôn Đùng, xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam; thôn Văn Mỹ, xã Yên Trung, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.
Lần đầu về thăm các chi trong dòng họ Hoàng giáp Trần Hữu Thành, PGS.TS Phạm Văn Khoái đã tìm được một số chứng tích văn hiến mà qua đó có thể giúp cho những người hiện đại chúng ta hình dung rõ hơn về Hoàng giáp.
10. "Dịch thế trâm anh gia thủy tổ, Thiên thu kiều nhạc quốc huân thần - Trâm anh, thủy tổ nhà ta đó, Cây cao muôn thuở bậc huân thần." Với mức độ đại quan nhất đề cập đến nguồn gốc và truyền thống gia đình đã làm nên cái nền để bậc "Cao cao Tổ khảo" họ Trần - Hoàng giáp Trần Hữu Thành có được các phẩm chất về học hạnh, học nghiệp mà các thế hệ con cháu các đời ngợi ca. Nhờ có truyền thống gia đình như thế nên Ngài đã rèn luyện và tu dưỡng và đã xứng đáng với các bậc tiền nhân. Rồi chính Ngài cũng đã trở thành "bậc huân thần", "cây cao bóng cả" của các chi nhánh dòng họ cũng như cho quê hương bản quán và quốc gia. Tinh thần và ý nghĩa này đã được nêu trong chính cặp đối ngay trong Từ đường họ Trần ở An Hạ, Yên Đồng, Ý Yên, Nam Định. Cặp đối ấy vừa biểu thị niềm tự hào của các thế hệ cháu con của Hoàng giáp về gia thế họ Trần đã sản sinh ra Hoàng giáp nói chung cũng như vừa tự hào về bậc Cao Cao Tổ khảo của mình là Hoàng giáp Trần Hữu Thành nói riêng.
11. "Sống làm tướng giỏi, chết làm Thần. Phúc để trong dân công tại thế" nhằm giới thiệu đến Bức thần vị Hoàng giáp Trần Hữu Thành được thờ ở Khải xã từ (Đền mở xã) ở xã Nghĩa Thái, Nghĩa Hưng, Nam Định. Nhân dân Nghĩa Thái, Nghĩa Hưng, Nam Định đã dựng miếu thờ Quan Nghè Trần Hữu Thành và đặt bức Thần vị thờ Ngài trong Miếu thờ mở xã của xã. Ở đây, Ngài đã được suy tôn là bậc "tiên công kế thành" mở ra vùng đất của xã Nghĩa Thái ngày nay. Đó là một trong những biểu tượng cho sự đánh giá của xã hội, nhân dân, dân gian, lịch sử về công lao của Ngài với dân với nước. Ngài đã được thờ làm một bậc Phúc thần của xã. Đó thực là một trong những minh chứng tô đẹp thêm chân dung Ngài, một người "Sống làm tướng giỏi, chết làm Thần. Phúc để trong dân, công tại thế". Đền thờ Quan Nghè Hoàng giáp Trần Hữu Thành trong quá khứ và Thần vị của Ngài trong Đền mở xã của xã Nghĩa Thái là một trong những biểu tượng về một hệ thống các Tượng đài suy tôn Ngài trong dân gian, trong tâm thức con người.
Sự hình dung có tính chấm phá và phác thảo trên đây về bức chân dung Hoàng giáp Trần Hữu Thành được nêu trên đây chủ yếu được xây dựng theo mối liên hệ tương quan trên cơ sở các tư liệu văn hiến và tài liệu lịch sử. Điều ấy có nghĩa là, cho dù tư liệu trực tiếp ghi về Hoàng giáp mà người hiện đại chúng ta biết được còn bị hạn chế và đang trên con đường tìm hiểu và phát hiện thêm, việc hình dung và tái lập chân dung về Hoàng giáp chủ yếu đã được thực hiện theo phương pháp định hóa trị và giá trị để tìm ra các đồng hóa trị. Đây là một trong những phương pháp của hóa học được vận dụng cho việc hình dung và tái lập chân dung Hoàng giáp Trần Hữu Thành. Theo nghĩa đó và cách làm như thế, việc đỗ đạt và có được danh hiệu học vị Hoàng giáp thì Hoàng giáp Trần Hữu Thành sẽ có những phẩm chất có chung của cấp độ Hoàng giáp nói chung. Mọi hình dung về Hoàng giáp đã được dựa theo hệ thống các giá trị các đương thời và được đánh giá và xem xét trong các mối quan hệ với hệ các giá trị truyền thống nói chung. Các vấn đề về học vấn, học hạnh, học nghiệp, quan nghiệp, sự nghiệp của Hoàng giáp đã được xác lập theo các vấn đề của học vấn học hạnh, học nghiệp, quan nghiệp đương thời. Từ học vấn, học hạnh, học nghiệp, quan nghiệp đương thời mà hình dung đến học vấn, học hạnh, học nghiệp, quan nghiệp của Hoàng giáp Trần Hữu Thành.
Việc sử dụng phương pháp định vị các giá trị theo hóa trị và đồng hóa trị của các tập hợp còn được làm phong phú thêm bằng các minh chứng văn tự, văn bản, minh văn, văn khắc có tính minh trưng văn hiến cao như hệ thống Thần vị, hoành phi, câu đối, văn bia đang được lưu giữ ở trong hệ thống Từ đường các chi họ Trần của Hoàng giáp Trần Hữu Thành ở làng An Hạ, Yên Đồng, Ý Yên, Nam Định; ở làng Văn Mỹ, Yên Trung, Ý Yên, Nam Định cũng như ở Đền Mở xã của xã Nghĩa Thái, Nghĩa Hưng, Nam Định.
PGS.TS Phạm Văn Khoái
Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội.