Nghi lễ Vu lan của Phật giáo truyền vào Việt Nam được người dân Việt Nam đón nhận và duy trì nhưng nó lại được dân gian hóa với cái tên gọi là “Ngày xá tội vong nhân” (xá tội cho những vong hồn bị đầy trong địa ngục). Từ đó ngày lễ “Xá tội vong nhân” được nhiều nơi tin theo thực hiện.
Từ xa xưa người Việt Nam đã có tục thờ cúng Tổ tiên, Ông bà, cha mẹ đó là sự thể hiện tấm lòng tri ân người sinh thành ra mình và nuôi dưỡng dậy dỗ mình khôn lớn, nó đã trở thành truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Việc thờ cúng này được thể hiện trong các gia đình người Việt, và được thực hiện vào các ngày giỗ, tết hàng năm trong mỗi gia đình.
Từ khi Đạo Phật truyền vào Việt Nam, triết lý, Luật lệ, Lễ nghi của Phật giáo được người Việt tiếp nhận, và ngược lại Phật giáo cũng dần được dân gian hóa, trở thành Phật giáo Việt Nam. Văn hóa Phật giáo đã đi vào tiềm thức tư tưởng của người dân Việt Nam. Một trong những ngày lễ quan trọng của Phật giáo trong mỗi năm là ngày Rằm tháng 7 (Âm lịch), với ý nghĩa là ngày lễ “Vu Lan Báo hiếu”. Theo truyền thuyết của Nhà Phật, Tôn giả Mục Kiền Liên phá ngục cứu mẹ. Chuyện kể rằng bà Thanh Đề, thân mẫu của ngài Mục Kiền Liên, là phu nhân của một viên tướng, gia cảnh giầu sang, nhưng lại có tâm ác, luôn có những hành động trái với luân thường đạo lý. Viên tướng, chồng bà không hề hay biết để khuyên ngăn. Con trai bà, ngài Mục Kiền Liên biết rằng mẹ mình luôn tạo ra nghiệp ác, Ngài đã sớm xuất gia đầu Phật để tìm cách cứu chuộc cho thân mẫu mình khi chết khỏi bị đầy vào hỏa ngục.
Bà Thanh Đề chết, Mục Kiền Liên thấy đau lòng vì ác nghiệp của mẹ mình tạo ra khi còn sống, Ngài đã cầu xin Đức Phật cứu giúp. Phật Thích Ca hướng dẫn Tôn giả Mục Kiền Liên đợi ngày các sư kết thúc “khóa An cư”, tổ chức “Tự tứ”, (ngày rằm tháng 7 Âm lịch) đó là ngày các sư hoan hỷ nhất thì xin các sư tụng niệm độ trì cho. Mục Kiền Liên đã làm theo lời Đức Phật chỉ dậy, vong hồn bà Thanh Đề được thoát khỏi hỏa ngục. Từ đó Phật giáo lấy ngày Rằm tháng 7 hàng năm làm ngày lễ quan trọng với tên gọi là ngày “Lễ Vu lan”. (hay Vu lan bồn).
Nghi lễ Vu lan của Phật giáo truyền vào Việt Nam được người dân Việt Nam đón nhận và duy trì nhưng nó lại được dân gian hóa với cái tên gọi là “Ngày xá tội vong nhân” (xá tội cho những vong hồn bị đầy trong địa ngục). Từ đó ngày lễ “Xá tội vong nhân” được nhiều nơi tin theo thực hiện.
Quá trình thực hiện nghi lễ này của Phật giáo Việt Nam lại đã phát triển lên một bước cao hơn với ý nghĩa là ngày lễ “Báo Ân- Báo hiếu”, lại cũng được cụ thể chi tiết ra thành 4 Nội dung lớn trở thành lễ “Báo Tứ trọng Ân đức”. Bốn nội dung này là:
Trước hết là Báo hiếu - Báo ân đối với Bố mẹ, Ông bà, tổ tiên.
Hai là Đối với người thày dậy dỗ.
Ba là đối với những người đã bảo vệ cuộc sống an lành cho mình và những người đó đã phải hy sinh, hoặc những người làm ra của cải vật chất để nuôi sống mình.
Bốn là ơn đối với Quốc gia - Xã hội cái nôi nuôi dưỡng mình.
Với nội dung mang ý nghĩ to lớn, song, nghi lễ này từ trước tới nay không được thống nhất nó tùy thuộc vào từng nơi. Trong dân chúng Việt Nam thường coi đó là ngày vong hồn của tổ tiên ông bà cha mẹ mình được xá tội, vì vậy con cháu phải lo cúng lễ chu đáo, ngoài việc chuẩn bị cỗ bàn để cúng lễ ra còn phải mua sắm cả đồ vàng mã, gồm: tiền vàng, quần áo và những thứ vật dùng thường ngày như trên trần thế để cúng tế rồi đốt đi cho người thân ở nơi chín suối “tiêu dùng và sử dụng”, việc làm này chỉ thực hiện vào ngày Rằm tháng 7 âm lịch, (vì chỉ có ngày này, thì vong hồn cha mẹ, ông bà mới được ra khỏi địa ngục và mới nhận được những thứ ở nơi trần thế “gửi xuống”). Suốt cả cuộc đời trên cõi nhân thế ai mà không có những lúc phạm phải những sai lầm, thậm chí còn phạm phải những sai phạm nghiêm trọng thì khi chết đi con cháu vì thương xót cha mẹ, ông bà mình mà lo lắng là phải.
Việc đốt vàng mã đã được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa nói đến và đặc biệt là quý vị giáo phẩm trong Phật giáo đã nói nhiều về vấn đề này, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có văn bản hướng dẫn, nhưng không những không giảm đi mà còn ngày một gia tăng, nhất là gần đây khi đời sống của nhân dân được nâng lên, thì việc cúng lễ này càng trở nên khác lạ. Một số gia đình khá giả họ còn mua sắm cả những thứ đồ mã, như: nhà lầu, xe hơi, xe máy, hoặc ngựa giấy đắt tiền để đốt cho người thân quá cố. Chi phí vào việc này không phải chỉ là tiền triệu mà là số tiền lớn chứ không phải nhỏ. Con cháu nhà giầu làm vậy, con cháu nhà nghèo cũng phải suy nghĩ, từ đó đã tạo cho những kẻ cơ hội kiếm tiền bất chính lợi dụng phát triển mê tín dị đoan.
Việc tri ân đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên là việc làm cần phải được khuyến khích, nhưng ngoài việc tri ân đối với người quá cố thì trước hết phải tri ân đối với những người còn đang sống (cha mẹ, ông bà) để họ yên lòng.
Những năm gần đây báo chí đã nói khá nhiều đến việc con cháu đối xử tệ bạc với cha me, ông bà, có những chuyện thật đau lòng mà mọi người đã biết, tôi xin không nhắc lại. Ở đây tôi chỉ xin nói mẩu chuyện nhỏ: Tôi có quen một ông cụ đã từ hơn chục năm nay, gia cảnh cụ cũng khá giả lại dân chính gốc ở huyện ngoại thành Hà Nội, đất đai rộng rãi, cụ làm nghề truyền thống của gia đình là nghề làm chậu hoa cây cảnh nên cụ cũng sớm tính đến chuyên duy trì nghề này bằng việc có đất đai rộng làm vật tư sản xuất, khi bất động sản lên giá, mấy người con của cụ đòi chia đất, cụ là con người tính khí nhẹ nhàng có vẻ an nhiên, tự tại nên khi chia đất cho các con, cụ không nghĩ đến việc dành phần riêng cho mình, người con út làm ăn ở xa, mảnh đất chia cho nó lại chính là ngôi nhà của hai cụ đang ở, khi biết đất đai có giá, người con út quay về và yêu cầu ông bà giao đất, thì hỡi ôi ông bà đương nhiên phải ra đường! Ba bốn người con trai chẳng thằng nào mời bố mẹ về nhà nó ở cả, may thay có người con gái cũng còn có chút lương tri đã xây thêm trên căn nhà của mảnh đất được chia của mình một tầng nhà nữa làm chỗ cho bố mẹ ở tạm lúc cuối đời và thế là ông bà có chỗ trú chân. Đó là một sự đau lòng.
Về nghi thức tổ chức ngày lễ Vu Lan Báo hiếu trong các chùa mỗi nơi làm một khác, không thống nhất, thường là tổ chức lễ “Trai đàn chẩn tế”, cúng siêu độ cho các cô hồn tại các chùa, hoặc từng gia đình có yêu cầu riêng, văn cúng nhiều năm nay ở một số chùa miền Bắc thường lấy “Văn tế Thập loại chúng sinh” của cụ Nguyện Du làm nội dung chính. Ở các tỉnh phía Nam lại có những nghi thức khác. Những năm đầu của thập niên 70 của thế kỷ trước (Thế kỷ XX) xuất hiện một nét mới đó là: trong ngày lễ Báo ân - Báo hiếu ngoài nhưng nghi thức thông thường trong Phật giáo ra còn có một nét rất đặc biệt đó là những người đến chùa dự lễ, (nhất là giới trẻ) mỗi người đều được cài lên ngực áo một bông hoa Hồng nhỏ (người còn mẹ thì được cài bông Hồng đỏ, người không còn mẹ thì được cài bông Hồng trắng) để mọi người nhớ về người mẹ của mình. Đây có lẽ là một nét mang ý nghĩa nhân văn cao cả..
Lễ Vu Lan Báo hiếu theo đúng truyền thống Nhà Phật là một nét đẹp, nó làm cho mọi người tự cảnh tỉnh với chính mình mà rèn luyện đạo đức, lối sống, nhất là trong tình hình hiện nay khi mà đạo đức xã hội đang xuống cấp nghiêm trọng. Nghi lễ này nên chăng cần được tổ chức quy mô hơn với hình thức phong phú hơn ở tất cả các chùa trong cả nước để trở thành như ngày Hội truyền thống về sự giáo dục đạo đức nhân cách con người.
Mọi người ai rồi cũng sẽ già đi, nếu Lễ Vu Lan được tổ chức hàng năm theo một Nghi thức trang trọng, những người già cả trong gia đình (Ông bà, Cha mẹ) với ngày lễ đó được con cháu dắt đến chùa làm lễ cầu phúc sau khi dự lễ xong về nhà tùy mức độ gia cảnh mà có mâm cơm cúng lễ gia tiên rồi cả nhà ăn uống vui vẻ tưởng cũng làm ấm lòng các bậc cha mẹ lắm lắm, đó cũng là một biện pháp giáo dục con cháu một cách có hiệu quả nhất.
Nếu nghi lễ này được tổ chức thành ngày “Hội Vu Lan - Báo Hiếu” chắc sẽ làm cho xã hội ta ngày càng tốt đẹp hơn.
Trần Khánh Dư, nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ.
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo.
Ảnh: Bình Yên.