TRUNG TÂM BẢO TỒN    
DI SẢN VĂN HÓA TÔN GIÁO
Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hoá Tôn giáo
Menu

Lễ hội truyền thống chùa Cổ Lễ

Ngày: 15:37:01 23/10/2018

"Dù ai buôn bán trăm nghề/ Mười tư tháng chín thì về hội Ông" câu ca đã đi vào tiềm thức của nhân dân trong vùng về Lễ hội truyền thống tiêu biểu của tỉnh Nam Định. Cuộc thi bơi chải của 5 dòng họ trong thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh là một điểm nhấn của lễ hội. Trong lễ hội năm nay, chùa Cổ Lễ vinh dự đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh truy tặng Hòa thượng Thích Thế Long, Phó Chủ tịch Quốc hội khóa VII, đã có công lao to lớn, có nhiều thành tích xuất sắc, đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.

q

PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam và Ông Trần Khánh Dư, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo về dự lễ hội.

Về dự Lễ hội truyền thống chùa Cổ Lễ có đại diện của các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương và quý khách xa gần. Năm nay, lễ hội được tổ chức trong 4 ngày (từ ngày 13 đến 16 tháng 9 âm lịch), kỷ niệm 1011 năm ngày Đản sinh đức Thánh tổ Nguyễn Minh Không. Trước đó là lễ rước Huân chương Hồ Chí Minh truy tặng Hòa thượng Thích Thế Long và rước kiệu 5 cửa họ về chùa.

Trong không khí trang trọng, tôn nghiêm trước Phật đường Tổ đình chùa Cổ Lễ, ông Dương Văn Hữu, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND thị trấn Cổ Lễ, Trưởng Ban Tổ chức khai mạc lễ hội và điều hành lễ truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh.

Ông Dương Văn Hữu đọc Quyết định số 2659/QĐ-CTN ngày 22 tháng 12 năm 2017 của Chủ tịch nước về việc Truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh.

Ông Đặng Xuân Hùng, Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Nam Định thừa ủy quyền lên trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh tới Thượng tọa Thích Tâm Vượng, trụ trì chùa Cổ Lễ.

Hoà thượng Thích Thế Long, vị danh tăng họ Phạm đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cứu nguyện chúng sinh, hoằng dương đạo pháp với quan niệm “Phật pháp bất ly thế gian pháp”. Sinh thời, Hòa thượng đã được Đảng, Nhà nước, Nhân dân và tín đồ Phật tử tín nhiệm bầu giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Giáo hội và cơ quan nhà nước: Phó Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khoá VII, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS GHPGVN, Phó Chủ tịch Phật giáo Châu á… đồng thời, Hòa thượng có công lao to lớn trong việc thống nhất Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Thượng tọa Thích Tâm Vượng, Viện chủ Tổ đình Phật giáo chùa Cổ Lễ thành kính tri ân và trân trọng cảm ơn đến toàn thể đại biểu, nhân dân tham dự và đánh trống khai hội.

Thượng tọa Thích Quảng Hà, PCT HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Nam Định phát biểu chúc mừng lễ hội và tặng hoa tới Thượng tọa Thích Tâm Vượng.

TS Bùi Thanh Hà, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tôn giáo Chính phủ tặng hoa chúc mừng lễ hội tới Thượng tọa Thích Tâm Vượng.

PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tặng hoa chúc mừng lễ hội tới Thượng tọa Thích Tâm Vượng.

Ông Ngô Ngọc Vũ, Phó Trưởng ban Ban Dân vận Tỉnh ủy; ông Đặng Lê Ca, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Ban Tôn giáo tỉnh Nam Định tặng hoa chúc mừng lễ hội tới Thượng tọa Thích Tâm Vượng.

Đại tá Phạm Văn Thớ, Trưởng phòng PA88, Công an tỉnh Nam Định; PGS.TS Trần Đức Minh, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Nam Định tặng hoa chúc mừng lễ hội tới Thượng tọa Thích Tâm Vượng.

Ông Đỗ Đức Bình, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Cổ Lễ, Trưởng tiểu Ban Bơi chải thông qua Quy chế Bơi chải tại lễ hội.

Đến với Lễ hội truyền thống chùa Cổ Lễ có 5 đội thi bơi chải cũng chính là 5 dòng họ trong thị trấn là: Họ Nguyễn, Phan, Lê, Dương và Dương Đào Phạm (Dương nhì). Điểm khác biệt của hội thi bơi chải trong lễ hội đó là trên mỗi chải có tới 16 người (trong khi các chải khác trong tỉnh chỉ có 15 người). Năm nay, có 4 đội tham gia bơi chải được phân biệt bởi trang phục xanh, đỏ, tím, vàng và thi trong 4 ngày, mỗi ngày bơi chải 4 lượt với chiều dài khoảng 10km. Cùng với thi bơi chải là các hoạt động thi đấu cờ tướng, tổ tôm điếm và biểu diễn nghệ thuật tại Nhà văn hóa huyện Trực Ninh.

Các đội bơi chải tập trung tại lễ khai mạc, lắng nghe Quy chế Bơi chải và thi bơi ngày đầu tiên.

Chùa Cổ Lễ (Quang Thần tự) trải qua bao nhiêu biến cố thăng trầm của lịch sử, được trùng tu, kiến tạo trở thành niềm tự hào của Phật giáo tỉnh Nam Định, một di tích lịch sử cách mạng và văn hóa, một danh lam ở vùng Đồng bằng sông Hồng, một địa chỉ văn hóa đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân và khách thập phương.

Lễ hội truyền thống chùa Cổ Lễ đã trở thành một trong những lễ hội tiêu biểu của tỉnh Nam Định còn lưu giữ được nhiều nghi thức truyền thống giàu tính nhân văn, góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Nếu có dịp du khách thập phương hãy ghé chùa Cổ Lễ để chiêm bái các pho tượng cổ, ngắm nhìn kiến trúc độc đáo của ngôi chùa, tận hưởng không gian thoáng đãng tĩnh lặng và cảm nhận những nét văn hóa của người dân nơi đây.

Tuy mới thành lập nhưng Câu lạc bộ Thư pháp Xuân Hồng thuộc Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo cũng kịp góp vui cùng lễ hội.

Nguyễn Thị Chung

Ảnh: Bình Yên.

Các bài viết khác