Hiếu kính phải được thực hành ở hai nội dung: Hiếu sinh, hiếu tử theo quan niệm: Sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn. Nghĩa là khi cha mẹ còn sống thì phải chăm lo, phụng dưỡng, khi cha, mẹ qua đời phải lo an táng, mồ yên, mả đẹp, cúng giỗ hàng năm.
1. Từ hiếu gia đến hiếu làng - hiếu nước sự nhập thế của tư tưởng Phật giáo
Cách chúng ta ngày nay hơn 2.500 năm, Đức Thế Tôn từng dạy các đệ tử: “Phải hiếu dưỡng cha mẹ, rộng độ chúng sinh, bảo vệ quốc gia, cung kính Tam bảo”. Đây là tư tưởng báo tứ trọng ân (ân cha mẹ, ân chúng sinh, ân quốc gia, ân tam bảo). Tứ trọng ân bắt đầu từ HIẾU. Trong kinh Nhẫn nhục, Đức Phật dạy: Điều thiện tối cao không gì hơn hiếu, điều ác cùng cực không gì bất hiếu. Với kinh Đại tập Đức phật cho rằng: Gặp thời không có Phật, khéo thờ cha mẹ tức là thờ Phật. Lòng biết ơn trong Phật giáo trước hết là Tâm hiếu. Đức Phật từng dạy: Tâm hiếu là tâm Phật, đạo hiếu là đạo Phật.
Tư tưởng Hiếu của Phật giáo được xem là đạo hiếu. Đó là con đường ứng xử với cha mẹ, ông bà, những người nuôi dưỡng, dạy dỗ mình khôn lớn, nên người. Đó là nghĩa vụ của đạo làm con:
“Một lòng thờ mẹ kính cha.
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”
Điều này phù hợp với quan niệm của Nho giáo: Hiếu đễ là gốc của nhân. Nhân đứng đầu trong ngũ thường: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.
Nhà Nho tài tử Nguyễn Công Trứ quan niệm:
Có trung, hiếu nên đứng trong trời đất.
Nhà Nho, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu có thái độ dứt khoát:
Thà đui mà giữ đạo nhà.
Còn hơn có mắt ông cha không thờ.
Trong kinh Phật thuyết phụ mẫu ân trọng nan báo, Đức Thế Tôn chỉ cho Phật tử rõ đức sinh thành, công lao dưỡng dục của cha mẹ: Mười tháng mang thai, đứng ngồi không yên, như mang gánh nặng, ăn uống chẳng được, như người bệnh lâu; khi đủ tháng, chịu cái bệnh khổ, chốc lát sinh ra, sợ hãi vô cùng, như giết trâu dê, máu chảy khắp đất, chịu khổ như vậy, sinh được con rồi, muốt đắng nhổ ngọt, coi sóc nuôi nấng, giặt rửa đồ dơ, không ngừng vỗ về, bỗng nhiên lạnh nóng, chỗ khô con nằm, chỗ ướt mẹ lăn, ba năm ròng rã, bú nương sữa mẹ, con còn trẻ nhỏ, cho đến trưởng thành, dạy bảo lễ nghĩa, dựng vợ gả chồng, mưu cầu danh lợi, mang nhiều gian nan, chịu khổ trăm bề.
Còn ca dao, tục ngữ nhắc nhở mọi người
Công cha như núi Thái Sơn.
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Đức Thế Tôn không chỉ chỉ ra căn nguyên của hiếu kính cha mẹ mà còn yêu cầu con cái phải báo đáp công dưỡng dục, sinh thành của cha mẹ. Điều này được thể hiện trong kinh Tăng nhất A hàm: “Nếu có người vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ đến ngàn muôn năm, cha mẹ ăn uống, ngồi nằm, bệnh hoạn, cho đến đại tiểu tiện trên vai, người ấy vẫn không đền đáp được ơn cha mẹ. Phải biết ơn nặng của cha mẹ; Cưu mang, sinh sản, bồng ẵm, dạy dỗ, tùy thời chăm sóc, không sái thời tiết, không kể tháng ngày. Vì thế ơn cha mẹ rất khó đền đáp.
Trong Kinh Tâm địa quán, Đức Phật cho rằng: Quả đất người đời cho là nặng, mẹ hiền ơn nặng quá nhiều hơn. Núi Tu Di người đời cho là cao, cha hiền ơn cao quý hơn nhiều.
Còn tục ngữ, ca dao thì khẳng định:
Ba năm bú mớm còn thơ.
Kể công cha, mẹ biết cơ ngần nào.
Dạy rằng chín chữ cù lao.
Bề sông không ví, trời cao không bì.
Hiếu kính phải được thực hành ở hai nội dung: Hiếu sinh, hiếu tử theo quan niệm: Sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn. Nghĩa là khi cha mẹ còn sống thì phải chăm lo, phụng dưỡng, khi cha, mẹ qua đời phải lo an táng, mồ yên, mả đẹp, cúng giỗ hàng năm.
Hiếu của Phật giáo trong quá trình thâm nhập ảnh hưởng sâu đậm vào đời sống người Việt đã làm nền tảng để mở rộng quan niệm hiếu với làng, hiếu với nước. Bởi trong xã hội truyền thống của người Việt đặt trên 3 nền tảng quan hệ: NHÀ - LÀNG - NƯỚC. Ba tầng bậc này gắn quyện với nhau trong một chỉnh thể dân tộc. Để rồi qua đó là sự đòi buộc con người Việt Nam phải sống với, sống cho, sống vì ba nền tảng trên.
Người Phật tử là con dân đất Việt, là con người của cộng đồng, của xã hội nên luôn ý thức về cộng đồng, về xã hội, tự nhận thấy trách nhiệm và vai trò trong đó có vai trò đối với làng - nước. Hiếu với làng là sự mở rộng tứ trọng ân. Bởi trong tứ trọng ân không có ân với làng, chỉ có ân với quốc gia. Đó chính là tính khế lý, khế cơ và tinh thần nhập thế của Phật giáo.
Người Việt nhân cách hóa làng và nước như một thực thể người. Làng, nước đều có hồn, có cốt. Nếu gia đình có tổ tiên thì làng có tổ làng, nước có tổ nước. Tổ làng là những người có công với làng: khai sơn phá thạch, lập làng; truyền nghề cho làng (như nghề tiện, nghề đúc đồng, nghề kim hoàn, nghề rèn…) hoặc là những anh hùng lịch sử quên mình chống ngoại xâm bảo vệ làng nước. Họ được dân làng tôn là thần - Thần Thành hoàng làng, được triều đình phong kiến công nhận ban sắc phong để dân làng thờ cúng. Ngày “hóa” của Thành hoàng làng cả dân làng cùng có trách nhiệm cúng giỗ tổ làng. Ngày này con em trong làng dù làm ăn phiêu dạt nơi đâu đều trở về tham gia cúng giỗ.
Một trong những nét đặc thù của đời sống tâm linh người Việt ấy là quan niệm, ý thức về dân tộc, quốc gia, cộng đồng, dân Việt cùng chung một tổ nước, quốc tổ Hùng Vương. Vì vậy mà có ngày giỗ tổ nước - quốc tổ. Đất nước mà cộng đồng dân Việt sinh sống là Tổ quốc. Từ xa xưa con em dân Việt nhắc nhở, lưu truyền:
Dù ai đi gần về xa,
Nhớ ngày giỗ Tổ, tháng Ba mồng Mười,
Dù ai đi ngược về xuôi,
Nhớ ngày giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba.
Đây là dịp con em dân Việt trăm miền nô nức trảy về miền đất thiêng - Núi Hy Cương - Lâm Thao - Phú Thọ nơi có đền thờ Mười tám đời Vua Hùng - Nơi cội nguồn Dân tộc để chiêm bái Quốc Tổ, thực hiện tâm hiếu đối với Tổ quốc.
Cho đến nay phần lớn người dân Việt đều quan niệm mình thuộc về một làng (bản, buôn, ấp) dù đi làm ăn xa, dù đã định cư ở thành thị hay ở nước ngoài. Bởi họ hay chí ít cha ông họ “sinh ra từ làng” là “người con của làng”. Làng là nơi chôn rau (nhau) cắt rốn.
Với người dân một nước được xem là đồng bào, là anh em ruột thịt. Bởi họ được sinh ra từ Mẹ Âu Cơ, Bố Lạc Long Quân, cùng trong một bọc trăm trứng. Họ là con Rồng, cháu Tiên, cùng chung một Quốc Tổ. Cùng là “Con dân Đất Việt”. Thời kỳ dân tộc ta tiến hành cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và một thời gian sau ngày miền Bắc đi lên Chủ nghĩa xã hội, trước những sự kiện quan trọng lễ mít tinh, ngày Quốc khánh… người dân thường lập Bàn Thờ Tổ Quốc. Cũng đỉnh đồng, lư hương, cũng hương khói ngào ngạt, cũng mâm ngũ quả và cũng vái lạy “Hồn thiêng sông núi”.
Vậy là Hiếu của Phật giáo được mở rộng từ hiếu với cha mẹ, tổ tiên đến hiếu với làng, hiếu với nước. Tổ Tiên, tổ Làng, tổ Nước đều được tôn thờ, chiêm bái. Nếu như bất hiếu với tổ tiên sẽ bị gia đình, gia tộc, chê bai, từ bỏ “bỏ họ” thì bất hiếu với làng, chống lại làng sẽ bị làng đuổi khỏi làng trở thành kẻ “bỏ làng”. Kẻ phản bộ Tổ quốc bị người dân xem là hạng người “rước voi về giày mả tổ” là kẻ vong quốc ân bị lên án và nguyền rủa.
2. Hiếu gia - hiếu làng - hiếu nước những giá trị xã hội
Trong xã hội hiện đại, hiếu gia, hiếu làng, hiếu nước có sự vận động để rồi sản sinh ra những giá trị mới.
2.1. Báo hiếu là sự nỗ lực vươn lên của mỗi con người nhằm đền đáp gia đình, làng, nước
Báo hiếu đối với cha, mẹ ngoài việc phụng dưỡng, chăm lo cha mẹ lúc về già ốm đau, bệnh tật, khi qua đời lo an táng mồ yên, mả đẹp, cúng giỗ, thì quan niệm báo hiếu ngày nay là con cái phải học hành tấn tới, nên người. Với người Kh’mer Nam Bộ theo Phật giáo Nam tông, con trai khi bước vào tuổi khôn lớn theo quan niệm truyền thống vào chùa đi tu để báo hiếu bố mẹ. Ngày nay có một bộ phận chọn cách báo hiếu cha mẹ bằng việc chăm chỉ học hành, tu dưỡng bản thân, quyết tâm lập nghiệp. Quan niệm của người Việt con có hiếu, báo ân cha mẹ cũng trong một chiều kích như trên. Con cái phải tu chí học hành, ăn ở hiền lành đức độ, biết kính trên nhường dưới, nỗ lực vươn lên trong học tập, tự lực cánh sinh, lập nghiệp lo cuộc sống cho mình, dành thời gian phụng dưỡng cha mẹ. Con cái phải nối tiếp sự nghiệp của cha mẹ, làm rạng danh Tiên Tổ. Ngày nay khi mà có một bộ phận con cái ở thành thị, do mải làm ăn nên sao nhãng bổn phận làm con chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ. Để “rảnh tay”, họ lại đưa cha mẹ vào sống ở những nhà dưỡng lão rồi theo định kỳ vào thăm. Đã có những người con táng tận lương tâm đuổi bố mẹ ra khỏi nhà, thậm chí còn giết cha, mẹ lấy tiền ăn chơi. Vì vậy, hơn bao giờ hết báo hiếu với cha mẹ một mặt cần tạo ra những giá trị mới (như đề cập ở trên), mặt khác phải tiếp tục duy trì những giá trị truyền thống thể hiện qua lời dạy của Đức Phật cũng như quan niệm nhân gian.
Báo hiếu đối với những người “sinh ra từ làng”
Trong điều kiện kinh tế thị trường đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều tỉ phú ở làng. Đó là những người nông dân không chỉ cần cù hăng say trong lao động sản xuất mà còn biết học hỏi, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vươn lên làm giàu cho bản thân và tạo công ăn việc làm cho bà con chòm xóm. Họ biết lai tạo những giống cây, con mới. Những nhà sáng chế là nông dân khiến các nhà khoa học cũng phải ngạc nhiên. Những làng nghề có thời kỳ tưởng chừng mai một đã được những người con của làng khôi phục, phát triển, mở rộng duy trì tổ nghiệp. Không ít người con ra đi từ làng khi thành danh có điều kiện đã trở về quê trợ giúp quê nhà với các dự án về phát triển sản xuất, vệ sinh môi trường, y tế, giáo dục hoặc xóa đói giảm nghèo… Đó chính là những việc làm xuất phát từ “hiếu tâm” của những người con sinh ra từ làng.
Báo hiếu đối với Tổ quốc
Không chỉ trong chiến tranh, trong thời kỳ dân tộc ta tiến hành xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, người con đất Việt tùy theo địa vị và hoàn cảnh của mình luôn biết phấn đấu hy sinh vì sự toàn vẹn lãnh thổ, phấn đấu cho mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Họ luôn lắng nghe khi Tổ quốc gọi tên mình, vượt trùng khơi bảo vệ chủ quyền biển đảo mà không sợ gian khổ, hy sinh. Người con đất Việt ở nước ngoài rời Tổ quốc ra đi làm ăn sinh sống, phần nhiều trong số họ luôn đau đáu ngày trở về quê hương xứ sở chung tay xây dựng đất nước. Bởi trong họ vẫn luôn tuôn chảy dòng máu Lạc Hồng. Với họ, Vua Hùng vẫn là Quốc Tổ.
2.2. Báo hiếu là giữ gìn hồn cốt gia đình - làng - nước
Với gia đình là duy trì hiếu với cha mẹ, anh em hiếu đễ, hòa thuận, vợ chồng giữ mối lương duyên, thương yêu đùm bọc và trợ giúp nhau về tình cảm cũng như về vật chất. Nhiều dòng họ có quỹ khuyến học tạo cơ hội cho con em dòng tộc có điều kiện vươn lên học hành khoa cử, lập nghiệp, quỹ xóa đói giảm nghèo giúp đỡ gia đình khó khăn vượt khó vươn lên. Không ít dòng họ xây dựng quy ước quy định nếp sống mới về tang ma, cưới xin, chống cờ bạc, nghiện hút, giữ gìn an vui trong từng gia đình và trong mỗi dòng họ. Một số việc làm của con em trong gia tộc và họ tộc vi phạm an ninh trật tự, vi phạm đạo đức, lối sống họ tộc nhắc nhở, hòa giải, vận động thuyết phục để hoàn lương.
Với làng xóm là việc duy trì phát huy phong hóa, những tập tục tốt đẹp của làng. Như tục mừng thọ, khuyến học, khuyến nông là lối sống hòa mục trong làng, ngoài xóm, giữ gìn mối giao hảo theo một quan niệm “bán anh em xa mua láng giềng gần” hàng xóm “tối lửa, tắt đèn có nhau” hay “một sự nhịn chín sự lành”. Đã có không ít gia đình hiến đất làm đường, hiến đất xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo hoặc các công trình phúc lợi công cộng khác. Tất cả cùng nhau xây dựng nông thôn mới. Nhiều làng lập văn bia (có thể ở đình, đền hoặc chùa) tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ là con em của làng để dân làng hằng năm hương khói. Đồng thời, làng còn dựng văn bia ghi danh con em trong làng đỗ đạt từ cử nhân trở lên. Ngày hội làng, Trưởng ban Tổ chức tuyên đọc năm đó làng mình có bao nhiêu người đỗ đạt, thành danh.
Đối với quốc gia là việc mỗi người tham gia vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, chống văn hóa ngoại lai phá vỡ truyền thống văn hóa dân tộc. Giới trẻ ngày càng đông tìm đến dân ca, dân vũ như hát Quan họ, hát Xoan, Ca trù, Đờn ca ài tử, hát Chèo… để giữ gìn những mảng hồn dân tộc. Vả lại, việc giữ gìn hồn cốt gia tiên của làng, cũng góp phần quan trọng vào việc giữ gìn hồn cốt dân tộc, quốc gia.
2.3. Báo hiếu là giữ gìn mối giao hảo gia đình, làng, nước trong một mục tiêu đại đoàn kết dân tộc
Trong điều kiện kinh tế thị trường, hầu hết các gia đình người Việt đều có con em đi làm ăn xa, nên đã chọn ngày giỗ cha, mẹ, ông bà là ngày đoàn tụ. Ngày này con cháu tụ họp làm giỗ, cũng là ngày đại gia đình cùng ăn bữa cơm thân mật, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, con cháu giao hảo. Đối với gia tộc là việc lập gia phả, tìm về họ tộc gốc, xây sửa nhà thờ họ để quy tụ anh em con cháu trong dòng tộc. Ngày giỗ tổ họ là ngày đoàn viên, nhận anh nhận em, trợ giúp lẫn nhau trong điều kiện có thể.
Làng quê sau Đổi mới đều đã khôi phục hội làng. Phần lớn con em trong làng đi làm ăn xa đều trở về dâng hương bái tổ họ - Thành hoàng làng. Hội làng là nơi quy tụ cộng đồng, là dịp để dân làng cộng cảm, trao truyền những làn điệu dân ca dân vũ, cùng dự một bữa cơm thân mật. Đó là ngày mà những hiềm khích, những khúc mắc của người dân với nhau bị bỏ lại đằng sau để giao hảo, hòa đồng, cho lòng trong sạch để chiêm bái tổ làng với mọi người dù khác nhau về tổ họ nhưng lại cùng chung một tổ làng.
Đối với quốc gia, năm 2006, Nhà nước chính thức chọn ngày 10 - 3 Âm lịch hàng năm là ngày giỗ Quốc Tổ - Hùng Vương. Những năm chẵn quốc giỗ theo hình thức quốc gia, những năm lẻ tỉnh Phú Thọ được ủy quyền tổ chức. Trên thực tế không phải bắt đầu từ năm 2006 người dân Việt mới tổ chức giỗ Quốc Tổ. Truyền thống này đã có từ lâu đời. Vào ngày quốc giỗ người dân Việt từ khắp mọi miền Tổ quốc và không ít người con Việt làm ăn sinh sống ở nước ngoài cũng tìm về dâng lễ. Tất cả trở về Đất Tổ, không chỉ để tỏ lòng thành kính đối với “Các Vua Hùng đã có công dựng nước”, mà còn để thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh : “Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Ngày giỗ tổ tiên, tổ làng, tổ nước còn mang một giá trị sâu xa hơn, đó là đoàn kết cộng đồng nhà - làng - nước trong một mục tiêu đại đoàn kết dân tộc, là dịp để mọi người “Nối vòng tay lớn”:
Từ Bắc vô Nam nối liền nắm tay
…
Biển xanh, sông gấm nối liền một vòng tử sinh
(Bài hát của Trịnh Công Sơn).
Như vậy, Vu Lan - Báo hiếu trong thời đại mới, những tinh cốt một mặt vẫn được duy trì, mặt khác vãn tiếp tục sản sinh ra những giá trị mới. Nếu trong “tứ trọng ân” chỉ có ân quốc gia, thì Phật giáo vào Việt Nam với tinh thần “khế lý, khế cơ” đã có thêm một dạng ân làng.
Báo hiếu cha mẹ được Đức Phật chỉ ra, được dân Việt lấy đó làm nền tảng, làm quy chiếu, để thực hiện báo hiếu với làng, với nước. Điều này cho thấy giá trị và sức sống thường hằng của Vu Lan - Báo Hiếu./.
PGS.TS. Nguyễn Hồng Dương, Viện Nghiên cứu Tôn giáo.
Ảnh: Bình Yên.