TRUNG TÂM BẢO TỒN    
DI SẢN VĂN HÓA TÔN GIÁO
Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hoá Tôn giáo
Menu

Nam Mô Cao Đài Tiên ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát

Ngày: 18:39:50 15/10/2015

Và vì cha mẹ là người sinh ra ta, nuôi nấng dạy dỗ ta từ thuở ấu thơ cho đến khi về già. Công lao đó của cha mẹ thật bao la, tựa non, tựa bể. Chính vì vậy, để phần nào đền đáp lại cái ơn nghĩa đó, chúng ta “Một lòng thờ mẹ, kính cha; Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ gọi tắt là Đạo Cao Đài được ơn Ơn Trên ĐỨC NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ (gọi tắt là ÔNG TRỜI), dùng huyền diệu cơ bút khai mở tại miền Nam Việt Nam từ năm 1926 đến nay. Với Tôn chỉ Tâm Giáo quy nguyên, Ngũ Chi hiệp nhất, nghĩa là Tôn thờ và tuân theo Giáo Lý tinh túy của 3 nền Tôn Giáo NHO, THÍCH, ĐẠO và thực hành theo ngũ chi Đại Đạo là NHƠN ĐẠO, THẦN ĐẠO, THÁNH ĐẠO, TIÊN ĐẠO, PHẬT ĐẠO.

Người tín đồ Đạo Cao Đài thực hành 2 giai đoạn tu hành:

1/ Nhơn Đạo Đại Đồng.

2/ Thiên Đạo Giải thoát.

Trong Thánh Ngôn Đức Đại Từ Phụ dạy: “Nhơn Đạo chưa tròn thì không bước lên Thiên Đạo được:

Trong phần Nhơn Đạo thì Đạo Cao Đài cũng như Đạo Phật đều dạy: Con người phải lấy chữ HIẾU làm đầu. Hàng năm, Đạo Cao Đài có 2 ngày lễ gọi là giỗ hội đó là:

-      Ngày Rằm tháng 7 (âm lịch) là ngày Giỗ hội cúng Tổ tiên ông bà, cha mẹ của toàn thể tín đồ Đạo Cao Đài.

-      Ngày Rằm tháng 10 (âm lịch) là ngày Giỗ hội các chức sắc của Đạo Cao Đài.

Là một Tôn Giáo phát sinh và phát triển tại đất nước Việt Nam. Giáo lý của Đạo Cao Đài đều đồng nhất với Giáo lý của đạo Phật dạy dỗ người tín đồ lấy tình thương yêu con người (và cả muôn loài) làm đầu, biết mến quê hương, thảo cha mẹ, nghĩa vợ chồng. Chính vì vậy, trong các kinh điển của mình Đức Phật dạy về đạo hiếu nhiều không kể xiết. Nào đời nay đã có hiếu. Nào kiếp trước cũng đã có hiếu. Nào hiếu về cung dưỡng cha mẹ. Nào hiếu về độ siêu cho cha mẹ...

Sự hiếu nghĩa của con cái đối với cha mẹ không chỉ được thể hiện trong sự cung phụng về vật chất mà còn trong lĩnh vực tinh thần. Cha mẹ cần tình cảm và sự chăm sóc của con cái: “Trẻ cậy cha, già cậy con”. Vì thế, bên cạnh việc lo chu đáo “miếng cơm, manh áo” cho cha mẹ, chúng ta cần phải “sớm viếng, tối thăm”, trò chuyện, vấn an cha mẹ để cha mẹ thất sự vui vẻ an hưởng tuổi già. Nhất là khi cha mẹ đau yếu, phải “hết lòng chăm sóc từ miếng ăn, nước uống, trên sắc mặt lúc nào cũng vui tươi, cầu cho cha mẹ may mắn “gặp thày, gặp thuốc” bệnh chóng khỏi. Bổn phận làm con, làm được như thế, gọi là báo Hiếu.

Nghĩa là Hiếu thảo với ông bà, cha mẹ khi còn sống: đó là phải nuôi dưỡng, chăm sóc, ấn an cha mẹ, quan tâm đến tâm tư tình cảm của bậc sinh thành, không chỉ là sự quan tâm về vật chất, mà quan trọng hơn là tạo cho cha mẹ sự an tâm, vui vẻ và niềm tự hào về các con. Khi cha mẹ qua đời phải lo tròn chữ hiếu là thờ cúng linh hồn cha mẹ được siêu thoát, như cầu kinh cúng cha mẹ:

“Đầu cúi lạy phụ (mẫu) thân linh hiển

Lễ nén hương là miếng hiếu tâm”

Lễ vật là nén tâm hương thành kính của con cháu, không phải là mâm cao cỗ đầy, tiền vàng, xe ngựa thật nhiều, tránh điều mê tín dị đoan, hao tiền của. Mà muốn lễ cho cha mẹ được siêu thoát, thì các con cháu phải lập công bồi đức, làm lành làm phải, làm thật nhiều điều thiện, trừ bỏ thói ác để linh hồn của cha mẹ mình được:

“Thong dong cõi thọ nương hồn

Chờ con lập đức giúp hoàn ngôi xưa”

Nghĩa là con cháu phải lập đức để giúp cho linh hồn cha mẹ được trở về ngôi vị nơi Tây phương cực lạc. Bài kinh cúng cơm cha mẹ chỉ dạy:

“Lửa hương dạ nhớ hàng ngày

Cù lao cúc dục so tày núi sông”

Và vì cha mẹ là người sinh ra ta, nuôi nấng dạy dỗ ta từ thuở ấu thơ cho đến khi về già. Công lao đó của cha mẹ thật bao la, tựa non, tựa bể. Chính vì vậy, để phần nào đền đáp lại cái ơn nghĩa đó, chúng ta “Một lòng thờ mẹ, kính cha; Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

Tiếc thay, trong xã hội chúng ta hiện nay, do những ảnh hưởng tiêu cực của nền kinh tế thị trường ít nhiều đã xuất hiện lối sống thực dụng, chạy theo lợi ích vật chất tầm thường, mà quên đi những giá trị truyền thống của bản sắc văn hóa dân tộc, quên đi những nghĩa vụ thiêng liêng của con cái đối với cha mẹ. Phải thừa nhận rằng, thực tế vẫn còn có không ít những quan niệm về đạo hiếu thật đơn giản và lệch lạc. Do đó, khi vận dụng vào cuộc sống đã không mang đầy đủ ý nghĩa đích thực của nó, biến đạo hiếu trở thành một thứ hình thức, dẫn đến việc thực hành đọa hiếu, chỉ còn trách nhiệm, là nghĩa vụ mà không xuất phát từ đáy lòng, từ trong tâm. Thật xót xa khi xã hội còn có những đứa con bất hiếu, những “nghịch tử” đang hàng ngày, hàng giờ ruồng rẫy cha mẹ, coi cha mẹ như gánh nặng bên mình. Ấy vậy mà khi cha mẹ chết đi thì lại tổ chức ma chay linh đình, hóa nhiều tiền vàng, nhà cửa, ô tô bằng mã... để người ngoài trông vào mà nghĩ đó là những đứa con “hiếu đễ”. Những điều trên, thiết nghĩ báo chí đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực để lên án. Nhưng, dù có viết bao nhiêu đi chăng nữa cũng vẫn là chưa đủ, nếu như chúng ta chưa hình thành đủ các chuẩn mực đạo đức cần thiết để có thể điều chỉnh được những hành vi bất hiếu đó. Hay như bản thân mỗi con người không tự tu dưỡng, rèn luyện nhân cách, đạo đức để có thể có một cuộc sống lành mạnh, có ích, dời xa những cám dỗ của dục vọng.

Ngày lễ Vu Lan là dịp “nhắc nhở” các thế hệ con cháu chúng ta nhớ tới công ơn dưỡng dục sinh thành của cha mẹ, ông bà, tổ tiên, cũng như những đóng góp to lớn của các anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước. Đồng thời giúp chúng ta tiếp cận được những ý nghĩa giáo dục đầy nhân bản của văn hóa Phật giáo đó là “từ, bi, hỷ, xả”, “vô ngã, vị tha”, “uống nước nhớ nguồn”. Báo hiếu trong ngày lễ Vu lan của Phật dạy đã chỉ rõ cho con người phải lấy tinh thần, tâm huyết, trí tuệ để thực hành và những điều đạo đức đó chính là lễ vật để báo hiếu cha mẹ. Tránh xa đà vào vật chất là làm cỗ thật to, cúng cha mẹ thật nhiều đồ vàng mã... điều đó chỉ làm cho cha mẹ mình phải chịu thêm nhiều nghiệp chướng do lỗi vô minh của mình gây ra.

Phát huy truyền thống ngày lễ Vu Lan báo hiếu của Phật giáo Việt Nam, chúng ta nguyện tu tập theo gương hiếu lễ của người xưa và thực hành được giáo lý của đạo Phật dạy về chữ Hiếu để góp phần xây dựng một xã hội tốt lành, hạnh phúc, tiến bộ văn minh, đất nước thanh bình, thanh trị và thực hiện “Tốt đời - Đẹp Đạo”./.

Lễ sanh Thượng Mai Thanh, Trưởng ban Cai Quản Thánh thất Cao Đài, thủ đô Hà Nội.

Ảnh: Tác giả cung cấp.

Các bài viết khác