Cha mẹ thương con, nuôi con và hy sinh trọn đời cho con, có những lúc vì con mà cha mẹ quên cả bản thân mình. Từ khi con còn nằm trong thai mẹ, sinh ra nuôi nấng lớn khôn học hành, cho đến ngày dựng vợ gả chồng lập thành gia thất và có sự nghiệp danh phận trong xã hội, lúc nào cũng được tình thương và bàn tay dịu hiền nâng niu chăm sóc giúp đỡ của mẹ. Ân đức sinh thành nuôi dưỡng của cha mẹ như trời cao biển rộng, không bút mực nào viết cho hết, không lời nào diễn tả cho cùng.
Mỗi năm đến ngày Rằm tháng Bảy, mọi người con thảo cháu hiền không ai bảo ai, tự nhiên cảm thấy lòng mình lâng lâng nỗi niềm bâng khuâng tưởng nhớ đến ông bà cha mẹ. Đặc biệt ở miền Bắc nước ta có khí hậu bốn mùa tương đối rõ rệt, khi lá thu vàng lác đác nhẹ rơi, lại càng khơi dậy lòng người cảnh sinh ly tử biệt, nỗi nhớ niềm thương. Lòng người con thảo cháu hiền lại càng nao nao da diết hơn bao giờ hết. Nhất là hình ảnh Chư tăng cầu nguyện, khói hương quyện tỏa, khung cảnh trang nghiêm của mùa Vu Lan báo hiếu lại sống dậy nơi lòng:
“Mỗi độ thu sang Rằm tháng Bảy
Hồn con nương tựa bóng từ bi
Trầm hương quyện tỏa kinh cầu nguyện
Cửu huyền phụ mẫu được siêu sinh”
Vu Lan phiên âm từ tiếng Phạn là Ullambana, người Trung Quốc dịch là “giải đạo huyền, có nghĩa là cứu khổ tội treo ngược”. Ý nói tội nhân đọa trong ba đường Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh bị nghiệp lực hành hạ khổ đau như người bị treo ngược được giải cứu.
Vu Lan nói cho đủ là “Vu Lan Bồn”. “Bồn” là dụng cụ đựng đồ như cái chậu. Ngày xưa chưa có chậu bằng nhôm, người ta dùng bồn bằng sứ để đựng các phẩm vật. Vu Lan Bồn là cái bồn để đựng phẩm vật dâng cúng dàng chư Tăng trong lễ trai tăng để cầu nguyện cho cha mẹ ông bà thân thuộc quá cố nhờ công đức đó mà được giải thoát khổ đau trong ba đường ác đạo: Địa ngục, Ngạ quỷ và Súc sinh hoặc cầu phúc cho cha mẹ hiện tiền được tăng duyên phúc thọ.
Lễ Vu Lan Bồn được dẫn từ tích truyện ngài Mục Kiền Liên tôn giả cứu độ mẹ là bà Thanh Đề. Chuyện này được Đức Phật thuyết giảng trong Kinh Vu Lan Bồn. Kinh dạy rằng: Tôn giả Mục Kiền Liên sau khi tu hành chứng quả A – la – hán, dùng thiên nhãn quán xem cha mẹ ở phương nào để đến thăm, không ngờ thấy mẹ đang đọa trong loài Ngạ quỷ, đói khát thiếu thốn khổ sở, Mục Kiền Liên xúc động rơi lệ:
“Đôi mắt long lanh lệ ướt đầm
Khóc tìm từ mẫu cõi xa xăm
Nỗi niềm nuôi dưỡng bao năm tháng
Phụ đức sinh thành biết mấy năm
Tấc dạ báo đền ân nghĩa nặng
Tấm lòng mong nguyện thiếu tình thâm
Vì chăng Phật dạy Vu Lan hội
Luống để cho ai những khóc thầm”
Thấy mẹ đói khát như vậy, Mục Kiền Liên liền vận dụng thần thông mang cơm đến dâng mẹ. Bà Thanh Đề đói khát lâu ngày vừa thấy bát cơm của người con hiếu Mục Kiền Liên, lòng tham bỏn xẻn từ nhiều kiếp khởi lên, sợ các loài quỷ khác đến giành giật xin ăn, nên cơm vừa để vào miệng thì do nghiệp lực tham sân bỏn xẻn cơm hóa thành lửa phừng phừng bốc cháy bà chẳng ăn được. Trước tình cảnh này đã khiến cho Thi nhân xúc cảm thành thơ:
“Đây bát cơm đầy nặng ướt mong
Mẹ ơi! Đây ngọc với đây lòng
Đây tình còn nặng trong tha thiết
Ân nghĩa sinh thành chưa trả xong”
Chứng kiến cảnh đau lòng không thể tả, quá xúc động, tôn giả Mục Kiền Liên bật khóc thảm thiết, liền vội vã trở về Tịnh xá Kỳ Hoàn bái kiến Phật, đem hết sự khổ tâm vừa rồi khẩn bạch lên đức Như lai cầu mong Ngài chỉ dạy phương pháp cứu mẹ. Đức Phật động lòng giảng nói: “Mẹ ông khi còn sống ở đời vì quá tham lam bỏn xẻn, lại không tin sâu Tam Bảo, khinh thường luật nhân quả, luân hồi, nghiệp báo, chẳng biết cúng dâng, bố thí, làm phúc, xem nhẹ Tăng Ni, khinh khi hủy báng người tu thành, chê bai nói xấu người làm việc thiện, hay dèm pha chế nhạo người nhiệt tâm hộ đạo phù trì Tam Bảo, cười chê người tụng kinh niệm Phật đi Chùa nghe giảng pháp. Mẹ ông ngày ngày chỉ biết lo gom góp tiền của cúng bái Tà thần, ngoại đạo cầu mong sao cho được giàu có nhiều thêm. Do vậy mà tội lỗi chất chồng như núi đá, tuy ông cố gắng công tu hành ngày nay chứng được đạo quả A - La - hán đầy đủ sáu phép thần thông, nhưng thần lực công đức của một mình ông như một chiếc bè không thể nào chở nổi tảng đá núi tội ác lớn kia, mà phải nhờ nhiều bè kết lại mới vận tải nổi. Vậy nhân ngày rằm tháng Bảy là ngày chư Tăng tự tứ, ngày chư Phật mười phương hoan hỷ hàng xuất gia trưởng tử Như Lai đã tròn đầy ba tháng an cư kết hạ, tinh tiến chuyên tu thân tâm thanh tịnh, công đức cao dầy, thêm được tuổi đạo. Ông nên nhân dịp Rằm tháng Bảy đó mà đem tất cả của cải mẹ ông đã gom góp để lo sắm sửa trai nghi, rồi thân hành đi khắp nơi tìm thỉnh những bậc chân Tăng giới đức về để dâng cúng dàng trai Tăng, nhờ đức thanh tịnh với sức nhất tâm chú nguyện của các vị chân Tăng ấy thì sẽ chuyển hóa được tam nghiệp của mẹ ông, làm như thế mới mong được toại nguyện báo hiếu cứu mẹ”.
Nghe Phật dạy xong, mừng quá, tôn giả Mục Kiền Liên liền đem hết tâm thành thực hiện như lời Phật dạy, ngay sau đó bà Thanh Đề được thoát kiếp Ngạ quỷ, sinh về cõi Trời hưởng phúc với chồng. Chồng bà lúc sinh tiền thường làm việc phúc thiện, giúp đỡ chư Tăng cúng dàng Tam Bảo, sống đời lành thiện, nên sớm sinh về Thiên giới. Có nhà thơ cảm động nói rằng:
“Mẹ hiền về chốn Thiên cung
Toại lòng con thảo nguyện cùng Thánh Tăng
Từ bi công đức vạn năng
Mấy ngàn năm vẫn chưa từng đổi thay
Chư Tăng trọn chín mươi ngày
Cát tường bảo tọa giải bày tâm can
Bao nhiêu nghiệp hải chướng san
Đây ngày tự tứ sạch ngàn ác duyên”
Trong Phật giáo thường gọi ngày rằm tháng Bảy là ngày “Vu Lan Thắng Hội”. “Thắng hội” có nghĩa là “Pháp hội thù thắng”. “Hội” là sự tập hợp của chư Phật, Bồ Tát, chư Tăng, tứ chúng đệ tử Phật. Tập hợp như chính pháp, thực hành như chính pháp. Thù thắng có nghĩa là tốt đẹp nhất, phúc đức to lớn nhất, năng lực nhiệm mầu vi diệu tuyệt vời nhất không có gì trên đời sánh kịp. Vậy “Vu Lan Thắng Hội” là pháp hội công đức đặc biệt thù thắng, có năng lực thần diệu giải cứu tội nhân được siêu thoát. Ý nghĩa này được thấy từ trong Kinh Vu Lan Bồn, Kinh Báo Phụ Mẫu Trọng Ân và được kết tinh thành Ca dao dân gian:
“Tháng Bảy ngày Rằm xá tội vong nhân”
Tại sao làm con phải có bổn phận hiếu kính cha mẹ? Đức Phật đã nói rõ trong “Kinh Báo Phụ Mẫu Trọng Ân”. Điều này khắp thiên hạ đều biết: Không có cha mẹ thì không có thân thể hình hài của ta. Cha mẹ ta đã cho ta cái thân thể này:
“Có ông bà mới có ta
Ông bà là gốc, mẹ cha là cành
Thân ta như thể lá xanh
Nhờ gốc vun bón nhờ cành chở che…”
Mẹ đã mang nặng đẻ đau, bên ướt mẹ nằm, bên ráo con chơi. Cha đã phải ngày ngày vất vả ngược xuôi để kiếm tiền nuôi con. Từ khi mang thai con cho đến ngày con cất tiếng khóc chào đời, lúc nào cha mẹ cũng hồi hộp lo âu không biết con mình có được vuông tròn nguyên vẹn không! Con vừa ra khỏi lòng mẹ, nghe tiếng khóc đầu tiên của con thì mẹ mới thật sự vui mừng, quên đi nỗi đau đớn như dao cắt thịt… lúc ấy cha mới mỉm cười, nhìn thấy con chào đời như trút được gánh nặng lo âu. Từ khi con mới chào đời cho đến ngày khôn lớn, lúc nào cha mẹ cũng dồn hết tâm lực lo cho con, thậm chí quên ăn, bỏ ngủ, không đủ thời giờ để tắm gội điểm trang. Tiếng khóc của con là nỗi lo âu, buồn đau của cha mẹ. Tiếng cười của con là niềm vui của gia đình. Những khi trái gió trở trời, những lúc mọc răng khát sữa, con nổi chứng dẫy dụa, dẫm đạp, khóc la thì mẹ vẫn một lòng dịu ngọt ru con.
Tình mẹ đối với con bao la như trời cao biển rộng, như sóng nước dạt dào, như trăng sao đêm tối, như gió thoảng nắng hạ, như tiếng hát lời ca:
“Mẹ là cả một trời thương
Mẹ là cả một thiên đường trần gian
Tiếng ru mẹ ấm vô vàn
Nuôi con trong tiếng tơ đàn văn chương”
Dài đằng đẵng tháng năm, cha mẹ lo chăm sóc cho con ăn từ ăn, mặc, ngủ… tất cả những gì ngon nhất, vui nhất, tốt đẹp nhất đều dành để cho con, đến nỗi vì muốn cho con được nên danh phận mà có lúc cha mẹ phải hy sinh danh dự, giá thể của mình, để hạ mình luồn cúi nài nỉ xin nhờ người khác:
“Mẹ cho con tất cả
Hết quãng đời tuổi xanh
Cả thương yêu dịu ngọt
Rộng hơn biển trời thanh
Mẹ là gió mát tinh anh
Là cây tiên dịu, là cành thùy dương
Mẹ là hoa, mẹ là hương
Mẹ là nguồn cội tình thương nhiệm mầu…”
Từ khi có con, cha mẹ vì lo tương lai cho con mà phải hy sinh thú vui ngon đẹp trên đời để chăm sóc con. Gặp lúc gia cảnh khó khăn, cha mẹ phải ngày đêm ngược xuôi chạy lo tìm kế sinh nhai, để cho con mình no ấm. Hoặc chẳng may gia đình lâm vào cảnh túng quẫn, thì cha mẹ phải lam lũ vất vả tay chân, mẹ phải buôn gánh bán bưng, một nắng hai sương, chân lấm tay bùn để nuôi con yên tâm ăn học cho bằng chúng, bằng bạn, không để con đói rách tủi phận:
“Ôi! Chiếc lưng của mẹ
Đã còm bởi thương đau
Ôi! Cuộc đời của mẹ
Trăm năm nối chuyện sầu”
Vì con mà mẹ phải lưng còm, tóc bạc da nhăn ốm gầy. Khi con lớn khôn, cha mẹ lại lo lập thành gia thất, rồi tiếp tay săn sóc nuôi bồng cháu chắt. Dù con nay đã lớn, đã có vợ chồng con cháu, gia nghiệp, danh vọng ở đời, nhưng lòng mẹ bao giờ cũng thương tưởng, cũng để tâm chăm lo nghĩ nhớ con như thưở còn thơ ấu. Cho dù con không thương thích mẹ, hay chống báng, không vâng lời mẹ dạy, cha khuyên, hoặc nay có danh vị giàu sang quyền quý mà khinh chê mẹ quê mùa, lỗi thời, lạc hậu, xấu xí mà xa lánh mẹ, thì mẹ chỉ biết âm thầm buồn tủi, nhưng vẫn một lòng canh cánh thương con, tư tâm của mẹ không lúc nào rời con, cho con đến hơi thở cuối cùng, để rồi mang tình thương trong nắng đó về bên kia thế giới.
“Nuôi con trong lúc dỗi hờn
Dịu dàng mắt mẹ khuyên lơn ngọt ngào
Một đời vốn liếng mẹ trao
Mẹ cho tất cả mẹ nào giữ riêng
Mẹ hiền như một bà tiên
Mẹ theo con suốt hành trình con đi”
Cha mẹ thương con, nuôi con và hy sinh trọn đời cho con, có những lúc vì con mà cha mẹ quên cả bản thân mình. Từ khi con còn nằm trong thai mẹ, sinh ra nuôi nấng lớn khôn học hành, cho đến ngày dựng vợ gả chồng lập thành gia thất và có sự nghiệp danh phận trong xã hội, lúc nào cũng được tình thương và bàn tay dịu hiền nâng niu chăm sóc giúp đỡ của mẹ. Ân đức sinh thành nuôi dưỡng của cha mẹ như trời cao biển rộng, không bút mực nào viết cho hết, không lời nào diễn tả cho cùng:
“Công cha như núi Thái sơn
Nghĩa mẹ như núi trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con ”
Công ơn cha mẹ như trời biển, bổn phận làm con phải làm như thế nào để đền đáp? Chúng ta đều biết, không có cha mẹ thì không có thân ta. Không có tình thương nuôi dưỡng của cha mẹ, thì ta không thể sống còn và khôn lớn đến ngày nay. Bao nhiêu ngọt bùi cha mẹ đều nhường cho con. Tất cả tình thương ngọt bùi mẹ đều trao trọn cho con. Bao nhiêu đắng cay cha mẹ đều nhận lấy, miễn sao cho con mạnh khỏe vui vẻ ăn học là cha mẹ mừng. Thế nên con còn cha mẹ là còn hưởng bầu trời ấm cúng thương yêu vỗ về sung sướng:
“Sung sướng nhỉ những người còn mẹ
Còn mẹ là còn cả bầu trời
Đau đớn nhỉ những người mất mẹ
Mất mẹ là mất hết em ơi!”
Vậy trước nhất làm con phải hết lòng giúp đỡ chăm sóc nuôi dưỡng cha mẹ, cơm áo thuốc thang về nhu cầu vật dụng đừng để cha mẹ thiếu thốn. Thường nên sớm hôm thăm viếng an ủi khi cha mẹ tuổi cao sức yếu, ốm đau… đừng hờ hững, bỏ quên mà tội nghiệp hai đấng sinh thành. Điều đặc biệt là nên khuyên cha mẹ phát tâm quy y Tam Bảo, tin sâu nhân quả, luân hồi, nghiệp báo, làm việc phúc thiện để tu bồi phúc đức, tâm thức cha mẹ nhờ đó mà được an lành. Thân này quan trọng, nhưng rồi một ngày kia cũng phải chôn vào lòng đất lạnh, hoặc thiêu thành tro bụi. Thân tứ đại giả hợp, trước sau gì rồi cũng trả về cát bụi. Phần tinh thần tâm linh mới thật sự là quan trọng hiện đời và cho đời tương lai kiếp sau.
Khi cha mẹ còn hiện tiền, thì sớm hôm chăm sóc cung cấp đầy đủ vật chất, khuyên cha mẹ ăn ở hiền lành phát tâm tu Phật Pháp. Khi cha mẹ qua đời, phải thành tâm dốc hết khả năng lo việc trai tăng cầu siêu độ, cha mẹ ông bà có siêu thoát thì gia phong con cháu mới có cơ phát đại. Cha mẹ qua đời mà cứ khóc than cho thật thảm thiết, nhưng tiền bạc thì không dám bỏ ra để lo cúng dàng trai tăng, bố thí, làm phúc, thì người chết khó mà được lợi lạc siêu thoát và sự khóc than chả giúp ích gì cho cả người chết và kẻ còn sống. Đã chẳng những không làm phúc, mà lại bầy biện tiệc tùng rượu thịt đãi đằng rình rang, thì chỉ buộc ràng thêm tội lỗi cho cả kẻ chết lẫn người sống mà thôi. Nếu thật sự thương người chết, thành tâm cứu độ người chết, điều tốt nhất là thỉnh chân Tăng và mời bạn bè thân quyền đến Chùa cầu siêu hộ niệm, hồi hướng công đức cho vong linh, và nếu cần thì nên đãi chay lạt cho bạn bè, thiết lễ cúng dàng trai tăng, như thế vong linh mới được phúc đức siêu thăng giải thoát. Với tâm thành siêu độ như vậy, thì mới đền trả ơn đức sinh thành, mới đáp lại phần nào tình thương cha mẹ:
“Mẹ cha là cả trời thương
Là nguồn sống của thiên đường trần gian
Mẹ cha về cõi Niết - Bàn
Lòng con toại nguyện, muôn vàn nhớ thương”
Dù còn trẻ hay đã lớn khôn, dù trong cảnh hàn vi hay đã có quyền uy danh vọng, dù sống gần hay xa cha mẹ, ở bất cứ hoàn cảnh nào, người con cũng không thể quên và không được phép quên ân nghĩa sinh thành, công lao dưỡng dục và báo hiếu cha mẹ. Ta hãy nghe người xa quê hương hướng về quê mẹ:
“Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều”
Tình thương cha mẹ rộng lớn bao như trăng sáng, dịu hiền, êm đềm, bùi ngọt như nải chuối buồng cau, xót xa vui buồn với bao kỷ niệm thấm sâu nơi lòng. Tình thương đó đã hòa đồng với tình thương quê hương. Người con khi nghĩ nhớ mẹ cha thì lòng như mở rộng, dạt dào sức sống khắp trong mạch máu con tim. Nhớ mẹ thương mẹ lòng cảm thấy êm đềm:
“Ai bảo em cuộc đời không đẹp
Khi nhân gian còn phiếm xuân cầm
Ai bảo em cuộc đời không đẹp
Khi em còn mẹ trong tâm”
Đến như người chiến sĩ ra chiến trường hy sinh cho đất nước, chịu bao nỗi đắng cay, khổ cực nhưng vẫn cảm thấy thiếu tình thương, khao khát nhớ mẹ hiền:
“Giày vẹt gót, áo sờn vai giá lạnh
Mỗi chiều Trường Sơn núi đồi cô quạnh
Mẹ hiền ơi! Con chợt nhớ quê mình”
Cho dù sống trên nhung lụa giàu sang mà khô cạn lòng hiếu kính, quên đi lòng nhớ mẹ thương cha, thì có lúc nào đó sẽ cảm thấy bơ vơ, không nơi nương tựa. Người con dù lớn đến đâu, nếu thiếu vắng tình thương của cha mẹ, thì chẳng khác nào sống trong sa mạc, thiếu chất liệu gắn bó mát dịu ấm lòng:
“Mẹ ơi! Tro bụi về tro bụi
Lầu ngọc bằng đâu một góc vườn
Ai mải mê tìm son phấn giả
Con xin đạm bạc một cành đơn
Màn trời hiếu tử nghe sao ấm
Nệm quí công hầu biết có hơn”
Những ai đã mải mê theo đuổi công danh sự nghiệp, hay còn đang đắm chìm trong dục vọng mà quên đi bổn phận hiếu kính báo đền ơn nghĩa mẹ cha, để song thân tuổi già phải đơn chiếc một mình lụm cụm, không người đỡ đần chăm sóc, thì hãy nghe đây tiếng gọi của tình người:
“Đi đâu bỏ mẹ ở nhà
Gối nghiêng ai sửa, chén trà ai dâng
Đói lòng ăn bát cháo môn
Nhịn cơm nuôi mẹ cho tròn hiếu trung”
Người con đến tuổi trưởng thành, mai này phải ra đi thi hành hiệm vụ Quốc gia dân tộc, hay đã lập gia thất theo chồng xa quê, thì đêm nay, hãy dắt tay em ra hiên nhà dưới bóng trăng tà mà thủ thỉ than thở gửi gắm bổn phận mình lại cho em để nhờ em thay mình sớm hôm đỡ đần chăm sóc mẹ cha:
“Em ơi! Em ở lại nhà
Vườn dâu em hái, mẹ già em thương
Mẹ già một nắng hai sương
Chị đi muôn dặm trăm đường xót xa”
Nếu cha mẹ đã là người thiên cổ, thì ông bà tổ tiên chúng ta đã có lời dạy: “Sống có nhà, thác có mồ”. Nấm mồ là chỗ cuối cùng của kiếp sống, nơi kỷ niệm nghìn thu của đời người. Vì vậy, con thảo cháu hiền đối với cha mẹ lúc sinh tiền nên lo phụng dưỡng báo hiếu, khi qua đời nên làm lễ cầu siêu, xây lăng mộ để phụng thờ:
“ Công cha ba năm tình thâm cốt nhục
Nghĩa mẹ chín tháng dưỡng dục cưu mang
Biết lấy chi đền nghĩa thâm ân
Chừ đôi lứa mình nên non gánh đá xây lăng phụng thờ”
Đạo hiếu rất là trung hậu trọng đãi như vậy, nên kinh sách Thánh Hiền nói:
“Hiếu vi vạn, Hạnh vi tiên”. Nghĩa là, hiếu đạo đứng đầu trong muôn hạnh. Dù thông suốt kinh sách cổ kim, danh vị tột đỉnh mà thiếu đi lòng quý cha mẹ, thì đó không phải là người hiền. Kinh điển Thánh Hiền cổ kim đều khuyên con người lấy hiếu nghĩa làm đầu: “Thiên kinh vạn quyển, hiếu nghĩa vi tiên”. Có nghĩa là, ngàn quyển kinh, muôn quyển sách đều dạy hiếu nghĩa làm đầu. Bởi vì:
“Người tai mắt ở trong trời đất
Ai mà không cha mẹ sinh thành
Gương treo đất nghĩa trời xanh
Ở sao cho xứng phận mình làm con”
Ta có mặt ở đời, ta khôn lớn nên người đều nhờ cha mẹ nuôi dưỡng bao bọc, nên Kinh thi nói: “Vô phụ là hổ, vô mẫu là thị”. Nghĩa là, không cha mà cậy ai nên người, không mẹ thì nhờ ai nuôi nấng để được sống đến ngày nay. Ân nghĩa sinh thành dưỡng dục của cha mẹ như trời biển, nếu người con chưa trọn báo đền, thì nghìn năm vẫn còn ân hận nơi lòng. Hãy nghe con thảo cháu hiền bùi ngùi than thở: “Thiên tải tử tâm du bảo hám, mỗi phùng thuyết hiếu thuyết ngoan ngân”. Nghĩa là: “Nghìn năm lòng con còn ôm hận, mỗi lần nhắc hiếu nhớ mẹ hiền”. Đạo Phật đặt nặng hiếu đạo. Nên kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới nói: “Hiếu là giới, cũng là pháp chí đạo”. Do vậy mà Đức Phật nói trong kinh Nhẫn Nhục: “Thiên chi cực mạc đại ư hiếu. Ác chi cực bất hiếu giả”. Nghĩa là: “Không có việc lành thiện nào to lớn bằng hiếu. Không có việc ác nào nặng bằng bất hiếu”. Trong kinh Đại Tập Đức Phật còn dạy thêm: “Thế nhược vô Phật, thiện sư phụ mẫu; Sư Phụ mẫu, tức thị sư Phật”. Có nghĩa là: “Sinh ra đời nếu không gặp Phật mà khéo phụng dưỡng cha mẹ là tốt lắm. Khéo phụng dưỡng cha mẹ là phụng thờ Phật rồi đó”.
Hôm nay gặp lễ Vu Lan Thắng Hội, người con thảo cháu hiền, nguyện noi gương Đức Mục Kiền Liên tôn giả, thanh tịnh thân tâm, phát huy năng lực, đem hết sức mình để tạo phúc đức, hồi hướng cho phụ mẫu cửu huyền được siêu thoát:
“Hôm nay gặp lễ giải đảo huyền
Con nguyện noi gót Mục - Kiền - Liên
Chư tăng tự tứ con cầu nguyện
Mười phương phụ mẫu giải đảo huyền”.
Thích Minh Thịnh, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ảnh: Tác giả cung cấp.