TRUNG TÂM BẢO TỒN    
DI SẢN VĂN HÓA TÔN GIÁO
Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hoá Tôn giáo
Menu

Mối quan hệ giữa Đạo Phật với tinh thần Hiếu Đạo trong truyền thống văn hóa Việt Nam; Thực trạng đạo đức xã hội và giải pháp

Ngày: 15:00:53 03/10/2015

Khủng hoảng “lòng tốt” hay nói sâu xa hơn nữa khủng hoảng đạo đức, xã hội. Vậy nên chăng, Việt Nam với truyền thống Hiếu đạo, lịch sử ngàn đời nên đưa Ngày Báo Hiếu trở thành ngày Hội làm việc thiện? Các tổ chức Hội cơ sở, Đoàn thanh niên và cơ quan Giáo Hội các cấp nên khuyến khích việc nhân rộng và tổ chức ngày này.

Trong xã hội ngày nay, khi mối quan hệ gia đình đang dần bị nới lỏng thì việc giáo dục đạo đức, tư tưởng, lối sống càng trở nên quan trọng, nhất là việc giáo dục chữ Hiếu. Bởi, chữ Hiếu là nền tảng của văn hóa đạo đức từ ngàn đời nay, con người có tình yêu thương kính trọng đối với cha mẹ thì mới có tình yêu thương đối với muôn loài. Hơn nữa, nền văn hóa truyền thống đã phát triển và hình thành sâu rộng từ 4000 năm nay với tinh thần Hiếu đạo ăn sâu vào gốc rễ của con người Việt Nam.

Đạo Phật ra đời và truyền bá đến Việt Nam một lần nữa khẳng định và khắc sâu chữ Hiếu vào nền văn hóa bản địa. Đạo Phật vốn tự thân của nó đã đề cao chữ Hiếu làm căn bản, gốc rễ của đạo đức làm người,  khi hòa nhập với văn hóa bản địa vốn dĩ đã coi trọng Hiếu kính với mẹ cha lại càng làm cho tinh thần Hiếu đạo thấm nhuần trong tư tưởng con người Việt Nam qua nhiều thế hệ.

Cũng trên cơ sở đó bài tham luận sẽ làm rõ một khía cạnh của buổi tọa đàm khoa học: “Vu Lan báo hiếu của Đạo Phật với xã hội Việt Nam hiện nay”, chúng tôi sẽ phân tích mối liên hệ giữa Đạo Phật với tinh thần Hiếu đạo trong văn hóa truyền thống của người Việt Nam, đồng thời nêu lên thực trạng đạo đức xã hội ngày nay và giải pháp đề xuất.

I. Chữ Hiếu trong Đạo Phật

Cần phải hiểu sâu và rộng chữ Hiếu trong Đạo Phật là mối tương quan giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Báo ân, báo hiếu không chỉ bó hẹp cho cha mẹ đời hiện tại, không chỉ dừng lại ở việc phụng dưỡng, chăm sóc, yêu thương, thờ cúng… mà còn “Làm cho cha mẹ đời quá khứ, hiện tại và tương lai đều được giác ngộ, giải thoát, phát tâm Bồ đề, quy kính Tam Bảo, vĩnh ly tà hạnh, hành Từ bi tâm, làm lợi ích cho hữu tình, cầu vô thượng đạo, không phải luân hồi và chịu các khổ quả…”. Bởi, “Như Lai khi còn trong đường sinh tử, đối với các loài chúng sinh cũng đã phải chịu mọi thân hình như cát bụi không thể lòng nghĩ, miệng bàn. Cho nên, tất cả chúng sinh đã từng là cha mẹ của Như Lai và Như Lai cũng từng là cha mẹ của chúng sinh trong quá khứ - hiện tại và tương lai” - trích Kinh Đại phương tiện Phật Báo ân, Phẩm Hiếu dưỡng.

Đức Phật là bậc Giác ngộ, là bậc đại hùng, đại lực, đại từ bi… được khắp cả trời người cung kính. Sau khi thành đạo Ngài đã thể hiện trọn vẹn lòng từ hiếu của mình. Thế Tôn đã đi bộ, vượt ngàn dặm đường xa xôi cách trở về thăm Phụ hoàng sắp lâm chung. Ngài lại vượt đường xa để đến bên cạnh vua cha và tự khiêng một góc linh sàng đến tận nơi hỏa táng. Trong Kinh Địa Tạng có ghi rõ: sau khi Đức Phật thành đạo Ngài đã lên cung trời Đao Lợi thuyết pháp cho thân mẫu. Ngài là tấm gương cho cả đất trời về lòng từ hiếu theo luân thường đạo lý và hướng tất cả chúng sinh thực hành đúng Chánh Pháp đến bến bờ giác ngộ, giải thoát.

Chữ Hiếu trong Đạo Phật được thể hiện đậm nét trong ngày Lễ Vu Lan với duyên khởi là ngài Mục Kiền Liên sau khi thành đạo dung tuệ nhãn quán xét các cõi thấy mẹ của mình bị đọa làm Ngạ Quỷ. Ngày tìm cách cứu giúp. Xong, mẹ Ngài nghiệp quá nặng nên tuy Ngài đã chứng lục thông cũng không thể giúp mẹ được giải thoát. Ngài đau đớn bạch Phật và được giáo hóa tổ chức Ngày Tự tứ nhờ thần lực của Chư Tăng, đặc biệt là các vị đã chứng Bốn quả Thánh, chứng đắc thần thông, các hàng Bồ tát, Thanh Văn, Duyên Giác mà mẹ Ngài được siêu thoát sinh về cõi trời. Với cách thức: cúng dường trai Tăng, dâng Tứ sự, nhờ công đức lành này mà hồi hướng cho vong mẫu.

Kinh Báo Hiếu nói rõ công ơn từ mẫu gồm có mười điều, kẻ làm con phải lo báo hiếu:

1) Nhớ ơn mẹ ta, chín tháng mười ngày cưu mang nặng nhọc.

2) Nhớ ơn mẹ ta, khi sinh lúc nở đau đớn vô cùng.

3) Nhớ ơn mẹ ta, khi sinh lúc nở quên cả lo âu.

4) Nhớ ơn mẹ ta, mẹ ăn miếng đắng lại nhả miếng ngọt, dành dụm cho con.

5) Nhớ ơn mẹ ta, chỗ ướt mẹ nằm chỗ ráo xê con.

6) Nhớ ơn mẹ ta, ba năm bú mớm nuôi nấng thuốc thang trong khi sài bệnh.

7) Nhớ ơn mẹ ta, giặt giũ hong phơi áo quần dơ dáy ô uế tanh hôi, mẹ đành cam chịu.

8) Nhớ ơn mẹ ta, khi đi đâu xa vì thương nhớ con trong lòng lo lắng chẳng chút nào ngơi.

9) Nhớ ơn mẹ ta, vì sinh nuôi con mà mẹ cam lòng tạo bao nghiệp ác.

10) Nhớ ơn mẹ ta, lòng rất thương con, trọn đời yêu dấu, không phút nào ngơi.

Phật dạy: cha mẹ luôn luôn thương yêu con cái, dành trọn cuộc đời hy sinh cho con, phận làm con báo hiếu cha mẹ bằng những cách sau:

“Này chúng sinh ơi, muốn đền ơn mẹ, nhất là một lẽ nên chép kinh này kính biếu gần xa cho nhiều người tụng. Hai vì cha mẹ đọc tụng kinh này chuyên cần chớ đoạn. Ba vì cha mẹ, sám hối làm chay. Bốn vì cha mẹ cúng dường Tam Bảo tùy ý sở dung. Năm vì cha mẹ, trong sáu ngày trai phải nên nhớ giữ. Người con Phật chân chính thực hành đúng những lời Phật dạy, luôn hướng cha mẹ đến con đường lành, đường thiện. Những việc thiện lành đó được thực hiện trong đời sống hàng ngày của Tăng Ni, Phật tử như: ăn chay, phóng sinh, làm phước hồi hướng công đức đến mẹ cha, yêu thương cha mẹ, hướng họ đến đời sống thánh thiện. Qua đó để cho chúng ta thấy, chữ Hiếu phải xuất phát từ trong Tâm, được thực hành từ những việc làm đơn giản nhất. Chúng ta báo hiếu quanh năm chứ không phải chỉ riêng Mùa Vu Lan.

II. Đạo Hiếu trong văn hóa Việt Nam và mối quan hệ với Đạo Phật

Dân tộc ta từ ngàn đời nay đã có tinh thần Hiếu đạo sâu sắc. Điều đó thể hiện qua phong tục tập quán và mối quan hệ khăng khít giữa cha mẹ, con cái. Khác với phương Tây, mỗi con người, mỗi gia đình chủ động lo cuộc sống của mình, con cái khi 18 tuổi sống tự lập và hầu như không phải có trách nhiệm gì với bố mẹ. Thì ở đây, do thói quen lâu đời và truyền thống văn hóa hình thành bản sắc của dân tộc: con cái khi trưởng thành vẫn chịu sự bảo ban, dạy dỗ của cha mẹ, cha mẹ khi già yếu sống nương tựa vào con cái. Con cái khi nhỏ thì vâng lời cha mẹ, lớn lên hiếu dưỡng và lo lắng cho đấng sinh thành đầy đủ về cả vật chất và tinh thần, khi cha mẹ khuất núi thì làm tang chu đáo và thờ cúng cha mẹ.

Tập tục thờ cúng cha mẹ là nét đẹp trong văn hóa bản địa. Qua đó để thế hệ con cháu thêm hiểu, thêm yêu và tri ân sâu sắc nguồn cội của mình.

“Dù ai đi ngược về xuôi,

Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười, tháng Ba”

Tổ ở đây là các Vua Hùng, những người đã khai thiên, lập địa để chúng ta có đất nước Việt Nam như ngày hôm nay. Qua từng thời kỳ, từng thế hệ, truyền thống văn hóa đó cũng ngày càng được vun bồi. Thời đại Hồ Chí Minh với những trang sử hào hùng của dân tộc, văng vẳng bên tai lời dạy của Bác: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Ở đây, chữ Hiếu đã được nâng lên một tầm cao mới: “Trung với nước, Hiếu với dân”. Chữ Hiếu ở đây đã không bó hẹp trong phạm vi gia đình mà còn là Hiếu với dân tộc, với đất nước, với nhân dân. Điều đó phù hợp với tinh thần Hiếu đạo trong Phật giáo, bởi Hiếu không chỉ với cha mẹ hiện tiền mà còn hiếu với cha mẹ, song thân nhiều đời trong mối quan hệ giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Đạo Phật với tính phổ quát của nó một lần nữa lại nâng tầm chữ Hiếu lên: thương yêu, trân trọng chúng sinh vạn loài. Đức Phật trong một lần cùng với đại chúng, nhân buổi nhàn du đi về phía Nam, thấy đống xương khô chất cao như núi, Ngài liền xụp lạy ngay đống xương khô ấy. Bởi “Đống xương khô ấy, hoặc là ông bà hay là cha mẹ, thân trước của ta, ngàn muôn ức kiếp, đời đã cách xa, bởi thế ta nay chỉ thành kính lễ” (Kinh Báo Hiếu).

Trong ca dao Việt Nam, tiếng nói đạo đức mang truyền thống văn hóa dân tộc được kết tụ từ mấy nghìn năm lịch sử. Với những lời lẽ mộc mạc, dễ hiểu đã đề cao công lao dưỡng dục của cha mẹ, nó không nằm trong phạm vi văn chương bác học, mà trở lại gần gũi và phổ cập với đời sống con người qua bao thế hệ:

“Công cha như núi Thái Sơn,

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra,

Một lòng thờ mẹ kính cha,

Cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con.”

Nguyễn Trãi, vị anh hùng dân tộc vào thế kỉ thứ mười lăm, là một nhà quân sự, một nhà chính trị lỗi lạc, một nhà văn, nhà thơ vĩ đại của dân tộc, có nhiều thi phẩm văn chương bất hủ. Trong tác phẩm “Gia Huấn Ca” của ông, đã đề cao đạo đức, luân lý trong mối quan hệ giữa cá nhân, gia đình và xã hội. Hiếu được nhấn mạnh rất rõ:

“Dù nội ngoại bên nào cũng vậy,

Đừng tranh dành bên ấy, bên này,

Cù lao đội đức cao dày,

Phải lo hiếu kính đêm ngày khăng khăng.”

(Nguyễn Trãi, Gia Huấn Ca)

Còn nữa, phận làm con đối với cha mẹ:

“Khi ấm lạnh ta hầu săn sóc

Xem cháo cơm thay thế mọi bề

Ra vào thăm hỏi từng khi

Người đà vô sự ta thì an tâm.”

(Nguyễn Trãi, Gia Huấn Ca)

Với Nguyễn Du và Truyện Kiều, ông đã đề cao chữ Hiếu với một tinh thần phóng khoáng, đặc biệt đạo Hiếu được nhấn mạnh và xem đó là nhiệm vụ hàng đầu của con cái:

“Duyên hội ngộ đức cù lao

Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn,

Để lời thệ hải minh sơn

Làm con trước phải đền ơn sanh thành.”

Trong tư tưởng của ông, đạo hiếu là nét trinh lòng cao quý. Giữa thời đại phong kiến, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, mà ông đã xây dựng hình ảnh Thúy Kiều yêu Kim Trọng, hiếu với mẹ cha, nhưng nàng sẵn sàng bán mình chuộc cha:

“Quyết tình nàng mới hạ tình:

Để cho để thiếp bán mình chuộc cha.”

Thúy Kiều đã hy sinh tất cả hạnh phúc cá nhân để làm tròn chữ Hiếu:

“Như nàng lấy hiếu làm trinh

Bụi nào cho đục được mình ấy vay.”

Còn nữa:

“Xưa nay trong đạo đàn bà,

Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường.”

Thúy Kiều không vì tình yêu mà quên đi bổn phận làm con, nàng đã có một thái độ dứt khoát trong tình và hiếu, mặc dù bán mình, nhưng Thúy Kiều vẫn giữ một tấm lòng trung trinh vì đã thực hiện trọn vẹn chữ Hiếu. Hơn thế nữa, Kiều sẵn sàng khuyên em mình là Thúy Vân chung sống với Kim Trọng, đó là một nghĩa cử cao đẹp và cao thượng, một quan điểm tình yêu mới lạ trong thời đại bấy giờ.

Trong giáo lý Phật đà, Đức Phật đã dạy:

“Tâm Hiếu là tâm Phật,

Hạnh Hiếu là hạnh Phật”

Phận làm con phải làm tròn chữ Hiếu với cha mẹ. Khi cha mẹ còn sống thì chăm sóc, lo lắng, không để cha mẹ thiếu thốn về vật chất và tinh thần, không để cha mẹ phải phiền não. Khi cha mẹ qua đời thì thực hiện lời di chúc của cha mẹ để lại: thờ cúng, xây dựng, phát triển gia đình. Cha mẹ còn nhiều nghiệp chướng thì làm việc thiện lành, hồi hướng phúc đức cho cha mẹ, cúng chay cho vong linh cha mẹ được siêu thoát.

Cha mẹ đã gian lao, vất vả vì hạnh phúc của chúng ta. Cho nên hằng năm đến mùa Vu Lan - Báo Hiếu, Tăng Ni Phật tử sửa soạn trai nghi, thiết lễ cúng dường tới các Tổ đình, các chùa, các Trường Hạ tu phúc, cúng dường cầu cho cha mẹ nhiều đời được siêu sinh thoát hóa. Người Phật Tử làm tất cả các thiện pháp để hồi hướng cho tổ tiên ông bà quá vãng nhiều đời: “đa sanh phụ mẫu”, là nuôi lớn tình thương bình đẳng vô ngã vị tha. Ý nghĩa ấy, chúng ta còn phải có trách nhiệm với bao bậc mẹ cha khác trên cuộc đời, vì giá trị rộng lớn của chữ Hiếu trong triết lý duyên sinh. Theo quan điểm đạo Phật, hiếu thuận với cha mẹ là phải hiếu thuận với tất cả mọi người. Đây là lý tưởng sống cao đẹp không những dân tộc Việt Nam, mà các dân tộc tiến bộ khác trên thế giới đều yêu chuộng và giữ gìn. Và như vậy, Đạo Phật đã nhập thế, hòa vào dòng chảy nền văn hóa Việt Nam và đưa chữ Hiếu, Đạo Hiếu vượt lên trên tất cả, mang một tầm ảnh hưởng và nhân sinh sâu sắc.

III. Thực trạng đạo đức xã hội và giải pháp

Ngày nay, khi đời sống vật chất ngày càng được nâng cao, con người có xu hướng đề cao giá trị đồng tiền thì cũng là lúc đạo đức xã hội xuống cấp nghiêm trọng. Trước kia, trong xã hội phong kiến, tư tưởng “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” luôn được tôn trọng, người con luôn ngoan ngoãn, vâng lời, hiếu kính với cha mẹ. Thì ngày nay, con cái làm phiền lòng cha mẹ xảy ra ở dưới mỗi nếp nhà. Thế hệ trẻ trưởng thành và phát triển với đầy đủ điều kiện sung túc và trí tuệ. Các bạn tự coi mình là giỏi giang đồng nghĩa với cái tôi cá nhân càng lớn, nhiều khi để khẳng định mình mà cãi lời cha mẹ. Nhưng, đạo đức xã hội đang càng ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Đâu đó chúng ta vẫn đọc được tin tức con giết cha, rồi cha mẹ giết con, trò đánh thầy, thầy nhục mạ trò… Hắt hủi, bạo hành với người già đã trở nên phổ biến và tồn tại trong xã hội. Có những đứa con thẳng tay đuổi bố mẹ ra khỏi nhà, thậm chí đánh đập dã man, người đã mang nặng đẻ đau vì coi đó là gánh nặng cho mình.

Có những bậc cha mẹ bị con mình ruồng rẫy, phó mặc, bỏ đói đến chết. Đây là thực trạng suy thoái của xã hội. Đã đến lúc phải gióng một hồi chuông cảnh tỉnh trước xu thế này trong xã hội ta hiện nay. Cũng có những bậc cha mẹ vì chỉ chăm lo đến đời sống kinh tế, hoặc mang những nỗi niềm uất hận riêng mà không làm tròn trách nhiệm với con cái, để con cái bơ vơ, bỏ mặc con lớn lên và phát triển như những cây cỏ dại. Như một lẽ tự nhiên, người con khi trưởng thành sẽ không có tình yêu thương, trân trọng và quan tâm, chăm sóc cha mẹ. Và quả thực khi đó cả người cha, người mẹ và người con đã thiếu, hoặc mất đi căn bản của Hiếu đạo. Thực trạng đó đã gióng một hồi chuông cảnh tỉnh vào việc giáo dục đạo đức trong nhà trường. Chúng ta nên đưa giáo dục Đạo Hiếu làm môn học ở bậc học phổ thông.

Một lần nữa chúng ta hãy nhìn sâu, nhìn kỹ lại để giải quyết vấn đề từ gốc rễ của nó. Việc chỉ chú trọng phát triển về kinh tế, đầu tư cho khoa học kỹ thuật, mà không chú trọng đến giáo dục đạo đức, tôn giáo đã để lại hậu quả lớn. Bởi tôn giáo là nền tảng của đạo đức xã hội, xã hội có đạo đức mới bình yên và hạnh phúc, con người mới biết thương yêu và đùm bọc lẫn nhau. Có như vậy mới tạo được nền tảng tốt cho thế hệ tương lai.

Đạo Phật với tinh thần Hiếu đạo đã khẳng đinh được vai trò, vị thế và tầm quan trọng trong dòng chảy lịch sử văn hóa Việt Nam. Việc phát huy vài trò của chữ Hiếu trong Đạo Phật và Lễ Vu Lan hiện nay sẽ là một cứu cánh cho nền đạo đức đang xuống cấp nghiêm trọng như hiện nay. Để làm được việc đó, cần có chỉ đạo từ các cấp Trung ương Giáo Hội để có một nghi thức thống nhất cho ngày Lễ Vu Lan Báo Hiếu, tránh sự rườm rà, lãng phí và hủ tục đốt giấy tiền, vàng mã tốn kém…

Tiếp theo, chúng ta nên đưa ngày Báo Hiếu trở thành ngày tri ân, báo ân không chỉ cha mẹ mà là Ngày Hội làm việc thiện để tri ân tất cả trong cuộc đời. Ở phương Tây đã thực hiện rất tốt việc này thông qua Ngày Lễ Tạ ơn (Thanksgiving). Thanksgiving được coi là dịp để bày tỏ lòng biết ơn nhau và nhất là Tạ Ơn Chúa đã ban cho vụ mùa được đơm hoa kết trái, lương thực dồi dào và tất cả các ơn lành khác ta nhận được trong cuộc sống. Lễ Tạ ơn thường được tổ chức với gia đình và bạn bè, là ngày gặp gỡ, cùng chia sẻ niềm vui, và nhất là một bữa tiệc buổi tối, gia đình sum họp ăn uống vui vẻ. Đây là một ngày quan trọng cho đời sống gia đình, nên dù ở xa, con cháu thường về với gia đình. Ngày Lễ này được tổ chức hằng năm ở Hoa Kỳ và Canada. Trên thế giới cũng lấy ngày 13/11 hằng năm làm ngày Lòng tốt Thế Giới - World Kindness Day. Ngày này được xác lập vào năm 1998, lần đầu tiên được tổ chức ở Singapore năm 2009 và lan rộng ra nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Canada, Ý… Trong ngày này, người ta khuyến khích thực hiện các cử chỉ, hành vi đẹp thể hiện sự quan tâm tới những người xung quanh, từ hàng xóm, bạn bè cho tới người xa lạ. Đây là một
động thái nhân văn sâu sắc, nhằm cứu lấy một thế giới đang khủng hoảng “lòng tốt”.

Khủng hoảng “lòng tốt” hay nói sâu xa hơn nữa khủng hoảng đạo đức, xã hội. Vậy nên chăng, Việt Nam với truyền thống Hiếu đạo, lịch sử ngàn đời nên đưa Ngày Báo Hiếu trở thành ngày Hội làm việc thiện? Các tổ chức Hội cơ sở, Đoàn thanh niên và cơ quan Giáo Hội các cấp nên khuyến khích việc nhân rộng và tổ chức ngày này. Bởi thông qua hoạt động đó, Đạo đã hòa nhập vào Đời, hòa cùng sự phát triển chung của tâm thức nhân loại, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần mỗi người. Để làm được việc này, cần sự chung tay, chung sức, đồng lòng của toàn xã hội. Ngoài các cấp lãnh đạo và các tổ chức xã hội, thì công tác truyền thông đóng vai trò vô cùng quan trọng. Cần nên truyền thông sâu rộng đến mỗi cá nhân đều hiểu về ý nghĩa ngày Vu Lan Báo Hiếu trên cả Báo Đạo và Báo Đời. Sau đó là thực hành và nhân rộng thành Ngày Hội làm việc thiện của toàn dân.

Quả thật, Đạo Phật với tinh thần Hiếu Đạo trong truyền thống văn hóa Việt Nam đã tồn tại từ hàng nghìn năm nay trong dòng chảy vô tận của lịch sử. Hiếu kính với cha mẹ đã trở thành một truyền thống tốt đẹp và lâu đời của dân tộc Việt Nam, được lưu giữ và trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác cho đến ngày nay và mãi về sau. Thế hệ chúng ta ngày nay và con cháu về sau phải luôn có trách nhiệm vun đắp, gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp đó./.

Thích Thanh Huân.

Ảnh: Bình Yên.

Các bài viết khác