TRUNG TÂM BẢO TỒN    
DI SẢN VĂN HÓA TÔN GIÁO
Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hoá Tôn giáo
Menu

Nghiên cứu về Hoàng giáp Đệ nhị giáp Tiến sĩ Trần Hữu Thành (1558-1635) là việc làm rất ý nghĩa và rất cần thiết

Ngày: 14:02:08 16/01/2021

Trong những năm gần đây ở nước ta, việc nghiên cứu về các dòng họ, các nhân vật nổi tiếng của các dòng họ rất được quan tâm. Nhiều cuộc Hội thảo khoa học về các dòng họ, các nhân vật nổi tiếng của các dòng họ đã được tổ chức. Nhiều công trình nghiên cứu về các dòng họ, các nhân vật nổi tiếng của các dòng họ đã được xuất bản. Nhiều di tích của các dòng họ, các nhân vật nổi tiếng của các dòng họ đã được xếp hạng…

 

Lịch sử của các dòng họ Việt Nam, các nhân vật nổi tiếng của các dòng họ Việt Nam là một bộ phận hợp thành của lịch sử dân tộc. Di sản văn hóa của các dòng họ, di sản văn hóa của các nhân vật nổi tiếng của các dòng họ Việt Nam là một bộ phận hợp thành của kho tàng di sản văn hóa dân tộc.

 

Việc nghiên cứu lịch sử các dòng họ Việt Nam và các nhân vật nổi tiếng của các dòng họ Việt Nam là việc làm rất quan trọng và rất cần thiết.

 

Từ những nhận thức trên, tôi rất hoan nghênh việc Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo thuộc Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, do ông Trần Khánh Dư làm Giám đốc đã phối hợp với Hội đồng gia tộc họ Trần Hoàng giáp Trần Hữu Thành tổ chức Hội thảo Khoa học Danh nhân Văn hóa Hoàng giáp Trần Hữu Thành (1558-1635) vào ngày 12 tháng 7 năm 2020, tại Nhà Văn hóa xã Yên Trung, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.

 

Danh nhân Trần Hữu Thành thi đỗ và làm quan ở Triều nhà Mạc, mất cách đây hơn 460 năm. Lịch sử đã lùi xa, sử sách viết về thời nhà Mạc không nhiều, các tư liệu còn lại rất ít ỏi, tư liệu về các nhà khoa bảng, quan chức thời nhà Mạc càng hiếm, nhưng bằng nhiệt tâm, tinh thần khoa học nghiêm túc, trách nhiệm cao, các nhà nghiên cứu đã dày công tìm tòi, chắp nối, đối chiếu, xác minh các sự kiện và tư liệu đã có được những kết quả khả quan, vẽ lên "một bức tranh" khái quát và nhân vật lịch sử Trần Hữu Thành, đồng thời gợi mở ra những vấn đề để tiếp tục nghiên cứu.

 

19Trong sách Các nhà khoa bảng Việt Nam (1075-1919) của nhóm tác giả Viện Nghiên cứu Hán Nôm do Nhà nghiên cứu Ngô Đức Thọ làm chủ biên, xuất bản năm 1993, mỗi nhà khoa bảng chỉ được viết 5 dòng, nhưng theo phân tích của PGS.TS Phạm Văn Khoái, Chủ nhiệm Bộ môn Hán Nôm Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội thì trên cơ sở 4 bộ sách ghi chép về "Đăng khoa lục" mà nhóm nghiên cứu dùng làm tài liệu chính để biên soạn cuốn sách này, thì là cả một công trình khoa học lớn.

PGS.TS Đỗ Văn Trụ (thứ hai từ phải sang), Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tại Hội thảo khoa học Danh nhân Văn hóa Hoàng giáp Trần Hữu Thành (1558-1635) tổ chức tại Nhà Văn hóa xã Yên Trung, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định ngày 12 tháng 7 năm 2020.

 

Tại trang 494 của cuốn sách đã ghi: "Trần Hữu Thành (1558-?) người xã Đào Lãng, huyện Đại An, nay thuộc xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Hà Nam Ninh. 29 tuổi đỗ Đệ nhị Giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Bính Tuất, niên hiệu Đoan Thái I (1586) đời Mạc Mậu Hợp. Làm quan đến Đề hình Giám sát Ngự sử. Theo về nhà Lê".

 

Chỉ ít dòng trên, nhưng theo PGS.TS Phạm Văn Khoái nhận định thì "Những ghi chép ngắn ngủi mang tính "Đăng khoa lục" đó đã ghi danh Hoàng giáp Trần Hữu Thành là một trong những nhà khoa bảng Việt Nam trên các phương diện: xác định danh tính, niên tuế, khoa thi, danh hiệu khoa bảng, công nghiệp lưu phương… Đó là những lược sử mà ở một mức độ nào đó có thể giúp cho những người hiện đại chúng ta hình dung một cách đại quan nhất về một nhà khoa bảng họ Trần - Hoàng giáp Trần Hữu Thành".

 

Cùng với những tư liệu nói trên, cuộc Hội thảo Khoa học này còn cung cấp thêm một số tư liệu dân gian hiện được lưu giữ ở một số địa phương và trong các gia đình thuộc dòng họ. Đây là những tư liệu rất quý giá cho việc nghiên cứu.

 

Theo một số tài liệu thì Hoàng giáp Trần Hữu Thành không chỉ là một nhà khoa bảng lớn, nhà quản lý về hình luật, mà còn là một nhà hoạch định phát triển kinh tế vùng ven biển.

 

Theo nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa Hà Nam Ninh, ông Dương Văn Vượng, thì sau khi về với nhà Lê, Hoàng giáp Trần Hữu Thành được chúa Trịnh Tùng phong cho chức "Chánh sứ Quảng khuyến Canh nông" - chức quan tổ chức việc quai đê, lấn biển, thau chua, rửa mặn, đưa vùng đất Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Nam Định vươn ra biển và ông đã làm tốt nhiệm vụ này, được người đương thời đánh giá cao, dân chúng tôn vinh ông là "Thần chủ" và lập "Sinh Từ" thờ sống ông ở một số làng, xã…

 

Tôi ghi nhận và đánh giá cao kết quả nghiên cứu và việc tổ chức Hội thảo Khoa học Danh nhân Văn hóa Hoàng giáp Trần Hữu Thành (1558-1635). Những kết quả đã đạt được rất đáng khích lệ, nhưng chưa phải là đủ, là kết thúc, mà còn có những vấn đề cần phải được nghiên cứu toàn diện hơn và sâu sắc hơn. Cùng với việc làm đó cũng cần tiếp tục sưu tầm các tư liệu, các di sản liên quan tới ông, các di tích ghi dấu ấn về ông. Đây là nguồn sử liệu rất quan trọng để làm rõ hơn thân thế và sự nghiệp của Danh nhân Văn hóa Trần Hữu Thành.

 

PGS.TS Đỗ Văn Trụ

Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam

Các bài viết khác