TRUNG TÂM BẢO TỒN    
DI SẢN VĂN HÓA TÔN GIÁO
Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hoá Tôn giáo
Menu

Vai trò của lễ Vu Lan - Báo Hiếu với đạo đức xã hội hiện nay

Ngày: 19:11:43 15/10/2015

Chữ Hiếu là nền tảng của đạo đức. “Nhân sinh bách hạnh, hiếu vi tiên” (Trong trăm hạnh của con người, hạnh Hiếu đứng đầu) và “Hiếu vi công đức mẫu” (Lòng hiếu là mẹ của các công đức). Con cái hiếu thảo với cha mẹ, ngoài việc mang lại niềm hạnh phúc trong gia đình, còn mang đến cho chính mình sự an lạc, bình an.

I. Ý nghĩa của Lễ Vu Lan - Báo hiếu

1. Xuất xứ

1.1. Từ bao đời nay, người Việt có một ngày lễ truyền thống vào tháng 7 âm lịch, thường được gọi là ngày lễ Vu Lan. Đây là một tập tục đáng trân trọng để báo hiếu cha mẹ, ông bà, tổ tiên nhằm thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Rằm tháng 7 âm lịch cũng là ngày xá tội vong nhân mà dân gian gọi nôm na là ngày cúng chúng sinh.

1.2. Vu Lan là đọc theo chữ Uilambana (tiếng Pali), có nghĩa là cứu vớt những người đau khổ, xuất phát từ sự tích về Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Ông Ma Ha Một Ðặc Già La, thường gọi là Ðại Mục Kiền Liên (gọi tắt là Mục Liên) vốn là một tu sĩ khác đạo, sau này Mục Liên quy y và trở thành một đại đệ tử của Đức Phật, đạt được sáu phép thần thông rồi được liệt vào hạng thần thông đệ nhất trong hàng đệ tử của Đức Phật. Sau khi đã chứng quả A La Hán, Mục Liên ngậm ngùi nhớ đến mẫu thân, bèn dùng huệ nhãn nhìn xuống các cõi khổ thì thấy mẹ đã đọa vào kiếp ngạ quỷ nơi địa ngục với thân hình tiều tụy, da bọc xương, bụng ỏng đầu to, cổ như cọng cỏ. Mẹ Mục Liên đói không được ăn, khát không được uống.

1.3. Quá thương xót mẹ, Mục Liên vận dụng phép thần thông, đến ngay chỗ mẹ. Tay bưng bát cơm dâng mẹ mà nước mắt lưng tròng. Mẹ Mục Liên vì đói khát lâu ngày nên giật vội bát cơm mà ăn. Tay trái bưng bát, tay phải bốc cơm nhưng chưa vào đến miệng thì cơm đã hóa thành lửa. Mục Liên đau đớn vô cùng, khóc than thảm thiết rồi trở về bạch chuyện với Ðức Phật để xin được chỉ dạy cách cứu mẹ. Phật cho Mục Liên biết vì nghiệp chướng của các kiếp trước mà mẹ ông mới phải sinh vào nơi ác đạo làm loài ngạ quỷ. Một mình Mục Liên thì vô phương cứu được mẹ dù ông có thần thông đến đâu và dù lòng hiếu thảo của ông có thấu đến đất trời, động đến thánh thần. Phải nhờ đến uy đức của chúng tăng khắp các nẻo đồng tâm hiệp ý cầu xin cứu rỗi cho mới được. Bởi vậy, Phật dạy Mục Liên phải thành kính đi rước chư tăng khắp mười phương về, đặc biệt là các vị đã chứng được bốn quả thánh hoặc đã đạt được sáu phép thần thông. Nhờ công đức cầu nguyện của các vị này, vong linh mẹ Mục Liên mới thoát khỏi khổ đạo. Phật lại dạy Mục Liên sắm đủ các món để dâng cúng các vị ấy.

Ðúng vào ngày Rằm tháng 7 thì lập trai đàn để cầu nguyện, thiết trai diên để mời chư tăng thọ thực. Trước khi thọ thực, các vị này sẽ tuân theo lời dạy của Ðức Phật mà chú tâm cầu nguyện cho cha mẹ và ông bà bảy đời của thí chủ được siêu thoát. Mục Liên làm đúng như lời Ðức Phật dạy. Quả nhiên, vong mẫu của ông được thoát khỏi kiếp ngạ quỷ mà sinh về cảnh giới lành.

2. Ý nghĩa

Ngày Rằm tháng 7 do đó được gọi là ngày lễ Vu Lan hay còn gọi là Mùa Báo hiếu để tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên - cha mẹ của kiếp này và của các kiếp trước, cầu nguyện cho cha mẹ đã mất được vãng sinh Cực lạc. Vu Lan còn là dịp để những người may mắn vẫn còn cha mẹ, thực hành sống kính trọng, thương yêu cha mẹ mình hơn nữa.

2.1. Lễ Vu lan báo hiếu cũng là một lễ của Phật giáo. Trong Phật giáo, lễ này có vai trò hết sức quan trọng bởi lẽ nó thể hiện một trong "Tứ đại trọng ân” của nhà Phật: 1. Ân Cha Mẹ, 2. Ân Tam Bảo, 3. Ân Quốc gia, 4. Ân chúng sinh; trong đó, Ân cha mẹ là ân đầu tiên trong Tứ ân. Cha mẹ ở đây không phải chỉ là người sinh thành ra mình mà có thể hiểu là chúng sinh. Bởi khi còn tại thế, một lần trên đường đi thuyết pháp, Đức Phật gặp một đống xương khô, Người đã quỳ xuống bái và giải thích cho các đệ từ rằng biết đâu người này kiếp trước là cha mẹ ta. Câu chuyện về Mục Kiền Liên và ân cha mẹ trong "Tứ đại trọng ân” đã làm nên mùa Vu lan báo hiếu của Phật giáo với các ý nghĩa về: tâm linh, đạo đức, xã hội sâu sắc và có tính phổ quát. Bởi đạo đức xã hội, văn hóa, tín ngưỡng hay tôn giáo cũng đều thừa nhận và coi trọng công ơn của các thế hệ trước, của các bậc sinh thành, dưỡng dục.

2.2. Khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam, Nho giáo nói chung, quan niệm về chữ Hiếu nói riêng đã được Việt hóa về nhiều mặt và nảy sinh những cách hiểu cũng như ứng xử mang tính thực tiễn theo quan niệm chữ Hiếu của nhân dân ta, đã trở thành văn hoá đạo hiếu của dân tộc ta. Chữ Hiếu theo quan niệm của Nho giáo chính thống ở nước ta tuy vẫn chuyển tải đầy đủ ý nghĩa ban đầu nhưng nội hàm đã được mở rộng nhằm phù hợp với từng điều kiện, hoàn cảnh và con người cụ thể. Hiếu không chỉ đối với cha mẹ mà còn Hiếu với Tổ quốc. Ngày nay, mọi người vẫn thường nghe lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trung với nước, Hiếu với dân”. Trong xã hội, khi quan hệ cá nhân gắn liền quan hệ cộng đồng dân tộc thì chữ Hiếu trong quan hệ gia đình cũng hình thành những nét mới.

2.3. Đạo Phật là đạo Hiếu, Đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, có hai hạng người, không thể trả ơn được. Thế nào là hai? Mẹ và Cha. Nếu một bên vai cõng Mẹ, một bên vai cõng Cha, làm vậy suốt 100 năm cho đến 100 tuổi. Như vậy, này các Tỳ kheo cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ cho mẹ và cha. Tất nhiên, đây là cách nói. Con cái không phải hiếu thuận với mẹ cha chỉ một ngày mà suốt cả đời mình cũng không thể nào trả được công ơn sinh thành dưỡng dục…”.

Chữ Hiếu là nền tảng của đạo đức. “Nhân sinh bách hạnh, hiếu vi tiên” (Trong trăm hạnh của con người, hạnh Hiếu đứng đầu) và “Hiếu vi công đức mẫu” (Lòng hiếu là mẹ của các công đức). Con cái hiếu thảo với cha mẹ, ngoài việc mang lại niềm hạnh phúc trong gia đình, còn mang đến cho chính mình sự an lạc, bình an. Mỗi cá nhân, mỗi gia đình trong xã hội, mỗi công dân của một quốc gia có an lạc, bình an thì xã hội, quốc gia đó mới có an lạc bình an, và mỗi xã hội, mỗi quốc gia có an lạc bình an thì thế giới của chúng ta mới được an lạc, bình an. Bởi vì, mỗi gia đình là một tế bào của xã hội. Gia đình có hòa thuận, hiếu thảo thì xã hội mới văn minh, tiến bộ. Nếu như không có tình yêu thương kính trọng đối với cha mẹ thì không thể có tình yêu thương thật sự đối với người khác. Phong tục tập quán của các dân tộc, giáo lý của các tôn giáo đều khuyên dạy, đề cao và hướng con người đến nhận thức và thể hiện lòng hiếu hạnh của mình đối với đấng sinh thành. Đặc biệt nước ta, chữ Hiếu đã hình thành và tồn tại trong từng cá nhân như là bản tính tự nhiên vốn có từ khi chúng ta vừa mới chào đời.

2.4. Đức Phật, bậc Giác ngộ, bậc Đại trí huệ, đại hùng, đại lực, đại bi được khắp sáu cõi tôn kính... sau khi thành đạo đã thể hiện lòng từ hiếu của mình với Phụ Vương, Mẫu Hậu, Kế Mẫu vừa theo thường pháp vừa đúng Chánh Pháp. Thế Tôn đã đi bộ, vượt ngàn dặm đường hiểm trở để về thăm Phụ Hoàng sắp lâm chung, Ngài lại vượt đường xa để đến bên cạnh Vua Cha và tự khiêng một góc linh sàng đến tận nơi hỏa táng. Bên cạnh việc thể hiện chữ hiếu theo thường pháp, lòng từ hiếu của Đức Phật còn nhằm mục đích hướng tất cả chúng sinh đến việc hiểu và hành Chính Pháp để được giải thoát.

Ở nước ta, câu chuyện “Chử Đồng Tử” cũng là một bằng chứng thấu tình, đạt lý về chữ Hiếu. Vua Hùng thứ ba có người con gái tên là Tiên Dung Mỵ Nương đến tuổi 18 dung mạo đẹp đẽ, không muốn lấy chồng, chỉ mải vui chơi, chu du khắp thiên hạ. Hồi đó ở làng Chử Xá có ngư dân là Chử Vi Vân sinh hạ được Chử Đồng Tử (người con trai ở bên sông). Chẳng may, nhà gặp hỏa hoạn, của cải mất hết, chỉ còn lại một cái khố vải, cha con ra, vào thay nhau mà mặc. Người cha tuổi già, đau ốm, trước khi nhắm mắt gọi con đến bảo rằng: “Cha chết cứ để trần mà chôn, giữ khố lại cho con”. Chử Đồng Tử không nỡ làm theo, dùng khố để liệm bố. Từ đó, Đồng Tử thân thể trần truồng, hễ nhìn thấy có thuyền buôn qua lại thì đứng ở dưới nước mà ăn xin, rồi câu cá, hái rau độ thân. Không ngờ, một hôm, thuyền của Tiên Dung đến, kẻ hầu, người hạ rất đông. Trên bãi cát có khóm lau sậy, Đồng Tử bèn bới cát thành lỗ nằm xuống và phủ cát lên mình. Lúc sau, Tiên Dung cắm thuyền dạo chơi trên bãi cát, ra lệnh vây màn trướng ở khóm lau mà tắm. Tiên Dung vào màn, cởi áo, dội nước, cát trôi, phát hiện Đồng Tử. Tiên Dung kinh sợ, thấy là người con trai, bèn nói: “Ta vốn không muốn lấy chồng, nay lại gặp người, cùng ở trần với nhau, đó chính là do duyên trời xui khiến vậy. Người hãy đứng dậy tắm rửa, ta ban cho quần áo mặc, rồi cùng ta xuống thuyền, mở tiệc ăn mừng.

Qua câu chuyện Chử Đồng Tử, dân gian ta đã đề cao đức tính hiếu thảo của Chử Đồng Tử và Tiên Dung. Chử Đồng Tử là người con rất có hiếu đối với cha. Điều này thể hiện qua chi tiết chàng đã “đóng khố cho cha rồi mới chôn” dù cả hai cha con chỉ có chung một chiếc khố dùng thay nhau và trước đó, cha chàng đã dặn “cứ giữ lấy mà dùng”. Chử Đồng Tử đã không nỡ để cha mình trần về nơi chín suối. Việc Chử Đồng Tử không nghe lời cha, nếu xét theo quan niệm chữ Hiếu của Nho giáo không những không được coi là hiếu thuận mà ngược lại, còn bị cho là bất hiếu. Thế nhưng, sự thực là không ai không xúc động trước tấm lòng hiếu thảo sâu nặng của chàng, cũng không ai chê trách mà tất cả đều đồng lòng ngợi ca hành động hiếu nghĩa đó. Chử Đồng Tử, dù không nghe lời cha nhưng việc chàng làm lại tỏa sáng một tấm lòng rất mực hiếu thảo. Công chúa Tiên Dung, nếu xét theo tiêu chí và quan niệm về chữ Hiếu của Nho giáo cũng được coi là một người con “bất hiếu” bởi không nghe lời cha, “không chịu lấy chồng” và tự ý định đoạt hôn nhân cho mình vốn bị coi là cấm kỵ trong xã hội phong kiến về mối quan hệ giữa con cái đối với cha mẹ. Tuy nhiên, trong nhận thức của nhân dân ta, Tiên Dung chưa bao giờ bị coi là bất hiếu bởi việc nàng làm chẳng những không phương hại đến ai mà còn hướng đến lẽ đời cao đẹp.

2.5. Theo Thiền sư Thích Nhất Hạnh: "Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng. Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương không quên mẹ, dù người đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi có khóc than cũng không còn kịp nữa".

“Tiết Vu lan bâng khuâng nhớ cha công dưỡng dục/Mùa báo hiếu bùi ngùi thương mẹ đức cù lao”. Nếu ai may mắn còn mẹ, còn cha hãy vui lên và cài lên ngực áo cha mẹ một bông hồng. Nụ hồng thơm tươi nhắc nhở ta phải nhớ về nguồn cội bởi nó như dòng máu cha mẹ đang chảy trong tim ta và hãy giữ mãi đóa hồng đừng để nhạt phai, đừng bao giờ dù chỉ một lần làm buồn lòng cha mẹ. Còn nếu ai bất hạnh đã mất mẹ, mất cha, xin lặng lẽ cài lên ngực áo mình đóa hoa hồng trinh trắng và hướng nguyện về người bằng tất cả tấm lòng thành kính…

II. Vai trò của Lễ Vu Lan - Báo hiếu trong việc khôi phục đạo đức

1. Vài nét về thực trạng đạo đức xã hội hiện nay

Trong cuộc sống hiện nay có rất nhiều niềm vui khi đời sống của mọi người không ngừng được cải thiện, tuổi thọ ngày càng cao… Tuy nhiên, con người cũng phải đối mặt với không ít nỗi buồn đang xảy ra hàng ngày trong gia đình, dòng họ hay xã hội; nhẹ thì vì lời nói, nặng thì bạo hành và sự vô cảm trước nỗi đau của người thân do tranh chấp tài sản, nợ tiền, xin tiền… Có những vụ đau lòng như con giết bố/mẹ, cháu giết ông/bà một cách tàn nhẫn?

Theo Phật giáo, mọi sai biệt trên thế giới này đều tùy thuộc vào các nhân duyên mà sinh khởi, tất cả hoàn toàn do hành vi tạo tác của mỗi con người, chứ không phải do tự nhiên hay được sắp đặt theo bất kỳ một thông lệ hay một quy định nào. Ngày nay, trước tiến bộ văn minh vật chất quá độ đã xô đẩy con người vào hố thẳm của tham vọng, hận thù. Càng văn minh, con người càng có nhiều nỗi lo lắng, sợ hãi mới. Nạn cờ bạc, say rượu, nghiện ngập, nạn gây ô nhiễm môi trường, hủy diệt sinh thái, áp lực kinh tế - xã hội đè nặng lên trên tâm trí của con người, tạo nên ức chế về tâm lí, xuống cấp về đạo đức, làm mất thăng bằng giữa đạo đức và hưởng thụ. Vì thế, trong xã hội đã xảy ra nhiều vụ đau lòng, mất nhân tính do chính con cháu gây ra mà ai cũng thấy đau lòng khi nhắc đến, như: đuổi ông bà, bố mẹ già yếu ra đường; thậm chí đánh đập, bỏ đói... như đã nói ở trên.

2. Giải pháp góp phần khôi phục đạo đức hiện nay

2.1. Trong xu thế hội nhập với thế giới hiện nay, trách nhiệm của ông bà, cha mẹ càng quan trọng, phải luôn làm cho con cháu biết yêu mến tổ tiên, biết được giá trị của việc thờ cúng tổ tiên. Nếu để cho con cháu xa rời tổ tiên là có tội với dòng tộc; người bỏ thờ cúng tổ tiên là người mất gốc, phạm tội bất hiếu. Người Việt Nam chắc không ai không biết rằng phong tục thờ cúng tổ tiên nhằm tưởng nhớ và thành kính tri ân những người có công sinh thành, nuôi dưỡng, tạo dựng cuộc sống cho mình đã ăn sâu vào tiềm thức của con người Việt Nam từ ngàn đời nay, tạo thành đạo lý chung của con người. Phải giáo dục cho con cháu hiểu rằng tình yêu quê hương, đất nước trước hết phải bằng tình yêu chính gia đình, dòng họ, yêu nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

Chính vì sự quan trọng như vậy nên việc thờ cúng tổ tiên, tôn vinh những người có công với nước, với cộng đồng cần được tiếp tục duy trì và phát triển một cách lành mạnh, có ý nghĩa nhưng phải vừa giữ đựơc những giá trị truyền thống kết hợp với những giá trị đạo đức mới, vừa phù hợp với xã hội công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay. Mỗi gia đình, mỗi xóm làng đều phải có trách nhiệm làm cho truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh những người có công với nước, với cộng đồng mãi mãi trong sáng với những giá trị văn hóa và đạo đức tốt đẹp; góp phần “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Báo hiếu cần phải hiểu rộng hơn về đạo lý luôn hướng về cội nguồn của dân tộc là các Vua Hùng, rồi các anh hùng dân tộc, những người có công khai hoang, lập ấp hay tổ sư giúp dân biết trồng trọt, chăn nuôi làm nghề để đảm bảo cuộc sống thường ngày. Sau đó là báo hiếu tổ tiên, ông bà, cha mẹ... ở trong dòng tộc, gia đình.

2.2. Hai yếu tố đạo lý và tín ngưỡng làm nền tảng cho sự thờ cúng tổ tiên đã và đang trở thành một nét sâu đậm trong đời sống tâm linh của người Việt. Vì vậy, sự thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam cần được coi như là một chỗ dựa để chống lại những làn sóng xâm nhập văn hóa ồ ạt từ bên ngoài đe dọa làm mất bản sắc văn hóa dân tộc, ngoại trừ những ảnh hưởng văn hóa lành mạnh. Nhiều người rất lo lắng về sự xói mòn bản sắc văn hóa dân tộc, khiến cho những giá trị lành mạnh truyền thống bị mai một trong xu thế toàn cầu hóa và làm ảnh hưởng không nhỏ đến lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ.

2.3. Trong cuộc đời, phận làm con có báo hiếu cả đời, có dời sao lấp biển cũng không báo hiếu hết được công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Vì tình nghĩa mẹ ví như nước trong nguồn. Nước trong nguồn thì không bao giờ cạn, vì vậy báo hiếu bằng những gì hiện có, không cần phải đợi có nhiều tiền để mua sắm những vật dụng mẹ cha thích mới gọi là báo hiếu. Mẹ cha mặc áo quần đẹp của mình mua, nhưng sớm chiều không thăm viếng hỏi han cha mẹ thì cha mẹ vẫn chưa hoàn toàn được hạnh phúc. Dù có lớn khôn bao nhiêu, vẫn cần sự chở che, nương tựa vào cha mẹ. Cha mẹ nuôi con không chỉ tính từng tháng, từng ngày, mà còn phải chịu bao khó khăn gian khổ, “Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn”. Vì vậy, phận làm con luôn nhớ mong về cha mẹ, nghĩ về cha mẹ từng giây phút như cha mẹ đã nghĩ đến mình khi ta còn bé bỏng. Có vậy thì tình thương đó mới biểu hiện thành hành động cho dù đó là hành động đền đáp bằng vật chất hay tinh thần.

Do đó, việc báo hiếu cha mẹ cần được thực hiện ngay từ khi cha mẹ còn sống được thể hiện bằng:

- Lòng kính yêu, phụng dưỡng cha mẹ: Chào hỏi, nói năng lễ phép; giúp đỡ công việc nhà; hàng ngày quan tâm đến việc ăn uống một cách hợp lý; chăm sóc khi trái nắng trở trời... khi cha mẹ còn sống. Hãy báo hiếu bằng những gì hiện có, ngay lúc cha mẹ còn sống bằng tấm lòng kính trọng, biết ơn của con cháu, không phải đến khi cha mẹ về với tổ tiên mới làm lễ lớn, cỗ linh đình tốn kém nhiều tiền của và sắm sửa quá nhiều đồ mã như: xe hơi, nhà lầu, máy bay… mới gọi là báo hiếu. Làm giỗ to thực chất là để cho người sống, không phải vì người đã khuất.

Trong cuộc sống hàng ngày, mua sắm cho mẹ cha nhiều hay cho nhiều tiền… nhưng không thường xuyên thăm hỏi, chăm sóc thì cha mẹ cũng không vui, nhất là khi đã “chiều tà xế bóng”. Chăm lo cho ông bà, cha mẹ cả về vật chất và tinh thần là trách nhiệm và nghĩa vụ của phận con cháu. Phận làm con luôn nhớ mong về cha mẹ, nghĩ về cha mẹ từng giây phút như cha mẹ đã nghĩ đến mình khi còn bé vậy. Nếu ai may mắn còn mẹ cha hãy vui lên và đừng bao giờ dù chỉ một lần làm buồn lòng cha mẹ. Còn nếu ai đã mất mẹ cha, hãy hướng nguyện về người bằng tất cả tấm lòng thành kính…

- Không bao giờ được có những hành vi ngược đãi ông bà, cha mẹ, hãy làm những gì có thể để ông bà, cha mẹ được vui, nhất là khi tuổi đã cao, sức khỏe đã giảm sút nhiều...

- Điều quan trọng là tâm thành của con cháu, luôn nghĩ về tấm gương đạo đức của ông bà, cha mẹ. Hàng năm vào dịp Lễ Vu Lan và nhân ngày giỗ ông bà, cha mẹ, con cháu cần tỏ lòng hiếu kính, tưởng nhớ đến công ơn trời biển của ông bà, cha mẹ để noi theo nhằm tu dưỡng, rèn luyện trong cuộc sống, trở thành người con hiếu thảo, có ích cho bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội...

2.4. Theo tinh thần Phật giáo, để cha mẹ được an vui, ngoài việc báo hiếu như trên. Phật giáo còn dạy phải thực hiện ngũ giới. Vì có giữ ngũ giới, con người mới có chính kiến trong suy nghĩ và hành động. Mỗi khi có chính kiến thì sẽ có cái nhìn trí tuệ, thực hành chánh đạo, làm những việc tốt, xa rời việc ác. Đó chính là ý nguyện, là lời dạy của cha mẹ chúng ta. Làm như thế là báo hiếu cha mẹ vậy.

Tuy vậy, cũng cần nói thêm nếu ông bà, cha mẹ không ngăn chặn những việc làm sai trái của con cháu mình cũng có thể coi là có tội, gián tiếp làm hại họ và làm ảnh hưởng đến xã hội không nhỏ, để lại hậu quả cho đời sau và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc báo hiếu. Trong xã hội hiện tại, không phải là "đời cha ăn mặn, đời con khát nước" nữa, mà đời cha cũng có thể khát nước luôn. Vì vậy, ông bà, cha mẹ phải thường xuyên chăm lo dạy bảo, định hướng cho con cháu như lời của Beethoven: "Hãy truyền đạo đức cho con cái anh, chỉ có đạo đức mới làm cho chúng sung sướng chứ không phải là vàng bạc".

III. Kiến nghị

1. Để duy trì và phát triển Lễ Vu lan truyền thống nhằm giáo dục cho các thế hệ sau này, việc tuyên truyền về ý nghĩa, vai trò của Lễ Vu lan là rất cần thiết. Trước hết, trong từng gia đình, dòng họ và cộng đồng cần thường xuyên giáo dục để con cháu hiểu và làm theo. Theo đó, các phương tiện truyền thông cần có kế hoạch, nhất là vào dịp Lễ Vu lan, giỗ Tổ Hùng Vương, các lễ hội tưởng nhớ các bậc tiên hiền... để tuyên truyền cho nhân dân hiểu. Cần tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về người cao tuổi, như trong Hiến pháp năm 2013 đã ghi rõ tại Chương II, Điều 37, khoản 3: “Người cao tuổi được Nhà nước, gia đình và xã hội tôn trọng, chăm sóc và phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” và những quy định cụ thể trong Luật Người cao tuổi đã được Quốc hội thông qua ngày 23 tháng 11 năm 2009.

2. Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu để đề nghị Nhà nước công nhận Lễ Vu Lan là Di sản văn hóa phi vật thể cần được giữ gìn và phát huy.

Ngày Rằm tháng 7 hằng năm đã trở thành ngày lễ hội Vu lan truyền thống mang nét văn hóa đặc trưng của Phật giáo và dân tộc, tất cả Phật tử và đại chúng khắp nơi dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào cũng đều lắng đọng hướng về nguồn cội nơi mà mình đã được sinh ra và được nuôi dưỡng lớn lên, có được tài sản sự nghiệp, văn hóa trí tuệ, địa vị danh vọng… tất cả đều bắt nguồn từ cha mẹ, ông bà, tổ tiên, đất nước… Cho nên, tất cả mọi người phải ghi nhận công ơn đó và có bổn phận, nghĩa vụ báo đáp những ân tình ấy một cách xứng đáng, trọn vẹn nhất, phù hợp với đạo lý “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ nguồn”. Đó cũng là đạo lý làm người, thể hiện một nhân cách sống lành mạnh trong sáng tràn đầy tình yêu thương nhân loại, ông bà, cha mẹ, đất nước và xã hội để xậy dựng một cuộc sống văn minh, giàu đẹp và thịnh vượng… Hiếu hạnh là hạt nhân trong tất cả các đạo, là gốc rễ của con người đi đầu trong các hạnh, các đạo lý.Hành vi hiếu thảo mang tính thực tiễn theo quan niệm chữ Hiếu của nhân dân ta, đã trở thành văn hóa đạo hiếu của cả dân tộc.

Hiếu kính với cha mẹ là một truyền thống tốt đẹp và lâu đời của dân tộc Việt Nam. Truyền thống đó từ nghìn xưa đã được lưu giữ trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, cho đến ngày nay và mãi ngày sau. Cho nên, tất cả mọi thế hệ phải trân trọng, gìn giữ và phát huy./.

Đặng Tài Tính, Nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Ban Tôn giáo Chính phủ.

Ảnh: Bình Yên.

Các bài viết khác