TRUNG TÂM BẢO TỒN    
DI SẢN VĂN HÓA TÔN GIÁO
Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hoá Tôn giáo
Menu

Đạo lý uống nước nhớ nguồn trong tín ngưỡng thờ người có công ở Việt Nam

Ngày: 11:33:51 05/09/2015

Thờ người có công là một truyền thống quý báu của người Việt, nó là một loại hình tín ngưỡng -  văn hóa đã xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử dân tộc Việt và có một dòng chảy liên tục cho tới hiện nay. Tín ngưỡng này là một cách thể hiện độc đáo đạo lý uống nước nhớ nguồn cần được bồi đắp để góp phần giữ gìn văn hóa của người Việt trong quá trình hội nhập hiện nay. Bài viết này đề cập tới một số nội dung sau: 1, Khái niệm và tổng quan về thờ cúng người có công; 2, Dòng chảy của thờ cúng người có công được thể hiện trong những thập kỷ gần đây (qua một số hiện tượng cụ thể); 3, Đôi điều về tiếp cận và ứng xử với tín ngưỡng thờ cúng người có công trong giai đoạn hiện nay.

1. Thờ cúng người có công là một hình thức tín ngưỡng có từ lâu đời của người Việt gắn với việc khai khẩn, mở mang địa bản sinh sống, với việc bảo vệ quê hương, đất nước, với việc phát triển kinh tế và duy trì phát triển giống nòi. Từ góc nhìn của tín ngưỡng thờ cúng người có công là thờ cúng các vị thánh thần, các vị gia tiên tiền tổ. Như vậy thờ cúng người có công theo cách hiểu này là một phạm vi rộng. Ở nghĩa rộng này cần có sự phân loại về các đối tượng thờ cúng cụ thể của mỗi chủ thể, một cách đơn giản là: 1, có công với gia đình, gia tộc là các chân linh gia tiên, các vị tiền tổ, những đối tượng này được thờ cúng ở gia đình, họ tộc; 2, có công với cộng đồng làng xã là các vị thánh, thần của làng xã mà điển hình là Thành hoàng làng. Ở Nam bộ là thờ các vị có công khai khẩn đất đai thường được gọi là các vị Tiên Hiền, Hậu Hiền (Tiên Hiền khai khẩn, Hậu Hiền khai canh/cơ) [11]; 3, có công với nước, đó là các vị có công trong việc dựng nước, giữ nước, có thể kể Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ, các vị Vua Hùng và các vua chúa, tướng lĩnh được dân tôn thờ. Ngoài cách phân loại trên có thể phân loại người có công theo các lĩnh vực cụ thể như: Có công khai khẩn, có công dạy nghề, có công dẹp giặc, có công chữa bệnh, v,v. Điều đáng quan tâm là cho đến tận ngày nay, việc thờ người có công là theo quan niệm của dân, dân xác nhận để tôn thờ nó vượt qua những quy định mang tính quan phương, bởi vậy đã có những sự lệch pha giữa việc phong thần của nhà nước phong kiến và phong/tôn vinh thánh của dân, có những vị thần theo quan niệm của nhà nước phong kiến là tà, là dâm, là tạp thần, còn với người dân họ vẫn là thần, là thánh đối với họ và họ vẫn bảo lưu, tôn thờ, bởi vậy mới có chuyện nhà nước phong thần, dân phong thánh [3, 39-42].Thực chất đối với các tín ngưỡng (theo cách hiểu ở Việt Nam hiện nay) là tín ngưỡng của của gia đình, cộng đồng, của dân, nó là một dòng chảy liên tục từ khi hình thành các cộng đồng người trên đất Việt Nam cho đến dựng nước, giữ nước và đến hiện nay, nó là một khía cạnh của đạo lý uống nước nhớ nguồn của người Việt Nam. Dưới đây ở nội dung tiếp theo chúng tôi đi vào một loại hình cụ thể của thờ cúng người có công trong thời kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam.

2. Trong thời kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, do tiếp nối truyền thống người có công nên đã có những người được nhân dân tôn thờ, thời kỳ chống thực dân pháp có ba người, đó là ông Ba Tiền, ông Nguyễn Tạo và Cô Sáu (Võ Thị Sáu) đã được tôn thờ, thậm chí lập miếu thờ. Sau khi đất nước được thống nhất, người dân ở vùng ven biển Thừa Thiên - Huế còn lập miếu thờ ông Phan Thế Phương (cố giám đốc Sở Thủy Sản).

Ông Ba Tiền là nhân viên Quốc gia tự vệ cuộc Biên Hòa (tổ chức tiền thân của công an Việt Minh).  “Ông Ba Tiền là công an Việt Minh bị Tấy bắt, đem chặt đầu ngay tại chỗ đó vào tháng 4 năm 1946. Ông dũng khí lẫm liệt lắm, quan Tây dụ dỗ, mua chuộc không được, nên tra tấn rất dã man, ông vẫn không khai báo nửa lời. Dân chúng vì cảm phục ông mà lập miếu thờ. Ông linh lắm, bà con quang đây ít khi dám gọi tên, mà hay nói là “Cậu Ba”, gọi miếu là miếu Ông” [4]. Hiện miếu Ông được ở phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa.

Ông Nguyễn Tạo (cố bộ trưởng Bộ Lâm Nghiệp), trường hợp người dân làng Thủy Lạc xã Nam Phú huyện Tiền Hải tỉnh Thái Bình tôn ông làm Thành Hoàng làng và lập đền thờ là câu chuyện thể hiện rõ đạo lý uống nước nhớ nguồn của cư dân đồng bằng ven biển  thuộc huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình [6 và7]. Ông Nguyễn Tạo người gốc tỉnh Hà Tĩnh, tham gia phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930 sau do phong trào bị đàn áp, ông bị Pháp bắt giam ở nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), khoảng năm 1933 ông trốn thoát khỏi nhà tù và về mai danh ẩn tích về vùng ven biển tỉnh Thái Bình, ở đây ông đã có công vận động nhân dân khai khẩn đất bồi để lập nên làng Thủy Lạc ngày nay. Sau đó người dân Thủy Lạc không còn thấy ông ở làng và đến năm 1940 dân làng đã coi ông là bổn cảnh Thành Hoàng của làng. Sau này một cán bộ của Bộ Lâm Nghiệp đã tình cờ biết được người được thờ ở làng Thủy Lạc chính là cố bộ trưởng của mình, không lâu sau đó dân làng đã chính thức lập đình thờ ông và ông được dân làng tôn làm thành hoàng của làng.  

Cô Sáu (Võ Thị Sáu), đối với cô Sáu đã có nhiều bài viết về cuộc đời, về sự hy sinh và cả sự linh thiêng của Cô [10]. Một điều không thể phủ nhận là sự hy sinh của Cô đã thể hiện khí phách của con người Việt Nam, tuổi trẻ Việt Nam trước sự tàn bạo của kẻ xâm lược.

Ông Phan Thế Phương (cố giám đốc Sở Thủy Sản tỉnh Bình Trị Thiên cũ), người được dân ở Phá Tam Giang (Huế) tôn thờ làm thành hoàng, làm tổ nghề nay sau khi ông mất bởi một tai nạn bất ngờ [5]. Ông đã có công trong việc ổn định nơi ở cho người dân vạn chài ở Tam Giang và đã đưa nghề nuôi trồng thủy sản để ổn định cuộc sống cho người dân nơi đây.

Ngoài những người được tôn thờ đã nêu trên còn nhiều anh hùng, liệt sỹ cũng đã được người dân tự động lập miếu thờ, đặc biệt là cụ Chủ Tịch Hồ Chí Minh và gần đây là cụ Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng được dân tôn thờ ở nhiều nơi.

Việc thờ người có công và coi đó là các vị Thánh, Thần là của dân, do người dân kính trọng mà tôn thờ, đúng như câu ca dân gian: “Thương dân, dân lập miếu thờ”. Dân ta tinh tường lắm, biết ai là vì dân, là thương dân và cũng là của dân, đó là truyền thống ngàn đời và cũng là đạo lý sâu thẳm của trong tâm khảm của họ. Đối với họ, những người này sống vì dân và chết sẽ về với dân.

3. Vấn đề của chúng ta hôm nay đối với tín ngưỡng thờ người có công.

Như chúng tôi đã phân tích ở trên, thờ người có công là đạo lý uống nước nhớ nguồn có dòng chảy liên tục từ thời dựng nước đến nay, song thờ người có công còn là tín ngưỡng của dân, có thể vì vậy đã có những cách nhìn nhận khác nhau về vấn đề này, dưới đây chúng tôi xin phân tích một vài khía cạnh mang tính gợi mở để có cái nhìn và sự ứng xử phù hợp nhằm phát huy giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng ngưỡng - đạo lý này.

Đã là tín ngưỡng hay tôn giáo đều có đặc tính linh thiêng, cái linh thiêng này quy định nên đặc tính của nó [1, 56-71]. Điều này được thể hiện ở chỗ đối tượng được tôn thờ (người có công) đều được coi là Thánh, Thần hay chí ít là có những biểu hiện linh thiêng mà nhiều khi khoa học không thể giải thích được. Sự nhớ ơn, lòng tôn trọng, cảm mến của những người tôn thờ, tính linh thiêng của đối tượng tôn thờ, sự cộng cảm của cộng đồng đã duy trì đạo lý tốt đẹp này cho đến ngày nay. Bởi vậy cần có thái độ trân trọng với việc thờ cúng người có công. Tuy nhiên, trong quá trình tồn tại, phát triển của tín ngưỡng thờ người có công đã có những sự lợi dụng/lạm dụng mang tính thái quá để trục lợi cá nhân, thậm chí gây hoang mang, gây bất ổn về mặt xã hội đã làm giảm đi giá trị đích thực của nó. Đặc biệt gần đây việc hình thành “đạo” Bác Hồ với các danh xưng như: Đạo Ngọc Phật Hồ Chí Minh, Đạo Hồ Chí Minh, đạo Tâm linh Hồ Chí Minh, đạo Hoàng Thiên Long, v,v đã dấy lên những phản ứng trái chiều về việc thờ, cúng, lễ này. Chúng tôi cho rằng việc người dân thờ Hồ Chí Minh nằm trong dòng chảy của tín ngưỡng thờ người có công ở Việt Nam trong lịch sử và hiện nay, về mặt tín ngưỡng chúng ta không thể và không nên ngăn cấm việc thờ tự này song việc lợi dụng việc thờ cúng này đã gây nên sự phản cảm, làm mất đi những giá trị đích thực của đạo lý truyền thống người Việt. Nên chăng sắp tới việc xây dựng Luật về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo cũng có những quy định cụ thể về vấn đề tín ngưỡng/tôn giáo này để vừa đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của người dân vừa hạn chế được sự lệch lạc trong việc thực hành tín ngưỡng thờ người có công. Theo chúng tôi, xét đến cùng tín ngưỡng thờ người có công là của người dân nên mọi quy định về mặt luật pháp cần xuất phát từ nhu cầu chính đáng của người dân, dân sẽ tự biết để điều chỉnh cho phù hợp với văn hóa và phát luật.

Trương Hải Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo;Nguyên PGĐ Trung tâm Nghiên cứu tôn giáo đương đại, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG Hà Nội.

 

Tài liệu tham khảo

1. Trương Hải Cường, Một số vấn đề về tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam hiện nay, NXB Chính trị Quốc gia năm 2012

2. Nguyễn Duy Hinh, Tín ngưỡng Thành Hoàng Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội, năm 1996

3. Vũ Ngọc Khánh, Đạo Thánh ở Việt Nam, NXB Văn hóa Thông tin, năm 2001

4. http://infonet.vn/Xa-hoi/Doi-song/Ly-ky-chuyen-dan-lap-mieu-tho-mot-cong-an/104966.info          

5.http://vi.wikipedia.org/wiki/Phan_Th%E1%BA%BF_Ph%C6%B0%C6%A1ng

6.http://tranhung09.blogspot.com/2012/10/thuong-dan-dan-lap-ban-tho.html

7. http://vanhoanghean.com.vn/dat-va-nguoi-xu-nghe6/nguoi-xu-nghe43/nguyen-tao-%E2%80%93-nguoi-cong-san-duoc-ton-lam-thanh-hoang-lang

8. https://nhathonguyentrongtao.wordpress.com/2013/04/09/ong-nong-dan-chong-tham-nhung-chet-boi-boi-tham-nhung-duoc-lap-mieu-tho/

9.http://tadri.org/vi/news/Van-hoa-Tam-linh/THO-NGUOI-CO-CONG-TAM-LINH-VA-DAO-LY-187/

10.http://www.vnweblogs.com/post/13176/245057

LINH THIÊNG LIỆT NỮ VÕ THỊ SÁU

11. http://baodanang.vn/channel/6059/201305/tien-hien-hau-hien-2243114/

Các bài viết khác