TRUNG TÂM BẢO TỒN    
DI SẢN VĂN HÓA TÔN GIÁO
Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hoá Tôn giáo
Menu

Thiền sư Đại Danh y Tuệ Tĩnh cuộc đời tu hành và sự nghiệp xây dựng nền y học cổ truyền Việt Nam

Ngày: 15:53:05 07/06/2024

Qua 4 giờ đồng hồ làm việc liên tục, đã có gần 20 bài tham luận được trình bày, sau đó có nhiều ý kiến trao đổi, phản biện. Các ý kiến trao đổi, phản biện đã góp phần bổ sung làm cho bài viết thêm phong phú.

Thay mặt đoàn chủ tọa chúng tôi xin tạm kết lại như sau:

Thiền sư Tuệ Tĩnh là một nhân vật đặc biệt kiệt xuất về nhiều phương diện.

Từ một em bé mồ côi cả cha và mẹ từ lúc mới lên 6 tuổi đã vươn lên với sự nâng đỡ của nhà sư trụ trì ở hai ngôi chùa là chùa Giám ở tỉnh Hải Dương và chùa Viên Quang ở huyện Xuân Trường - Nam Định.

Sư trụ trì ở hai chùa này lại giao cho chú Tiểu Huệ (Nguyễn Bá Tĩnh) đồng thời hai việc rất hệ trọng của một đời người: học đạo, hành đạo theo triết lý Phật gia với Quy củ Thiền môn. Hai là theo đòi nghiên bút để vươn lên con đường Khoa bảng.

Được sư trụ trì đặt cho pháp danh Tuệ Tĩnh để khẳng định niềm tin vào tài chí thông minh và sự tu hành nghiêm cẩn của Tuệ Tĩnh - Nguyễn Bá Tĩnh.

Từ chú bé Bá Tĩnh được mang tên nhà chùa, ban đầu là Tiểu Huệ rồi mang Pháp danh Tuệ Tĩnh là cả một công trình. Đến khi lấy được Bảng vàng với học vị Hoàng giáp là cả một chặng đường đầy gian lao vất. Công thành danh toại nhưng Nguyễn Bá Tĩnh lại không chọn con đường Quan trường mà quay trở về với chốn Thiền môn với phép “Ngũ minh” và lấy “Y phương minh” làm phương tiện giúp đời theo ý chỉ của Thiền gia. Đó là một điều rất đặc biệt.

Đồng thời với việc tu học vừa chuyên sâu vào nghiên cứu Y Dược học với công phu tìm tòi, nghiên cứu, sưu tập với gần 40 năm Tuệ Tĩnh đã tìm ra gần 4 nghìn phương thuốc Nam dược chữa bệnh cho người và một số môn thuốc chữa bệnh cho gia súc, gia cầm. Cùng với đó là Ngài đã tìm ra và hướng dẫn cư dân trong vùng về cách phòng chống dịch bệnh, lây nhiễm là khi chuyển mùa, thời tiết thay đổi.

Trong 40 năm tu đạo và hành đạo, Ngài đã mở mang hệ thống chùa cảnh để vừa làm nơi tiếp nhận những mảnh đời éo le có nơi nương tựa tu hành vừa làm hệ thống y xá chữa bệnh cho dân nghèo quanh vùng tạo nên như một hệ thống y xá (trạm xá) trong khắp cả vùng thôn quê dân dã.

Chỉ mới thoáng qua mấy nét chấm phá trên cũng đủ để khẳng định Ngài vượt trội trên nhiều lĩnh vực khác nhau:

Một là, Ngài là một bậc chân tu cao đạo xứng đáng là bậc Thiền sư khả kính.

Hai là, Ngài là một nhà Khoa học đại tài về lĩnh vực Y TẾ với chuyên môn sâu. Trước hết là Nghiên cứu về Dược học:

Ngài đã tìm tòi phân chất dược tính các loại cây cỏ quanh vườn nhà và từ đó tìm ra Phương cách vận dụng vào chữa trị bệnh ngay tại chỗ cho người bệnh. Từ đó, Ngài mới có cơ sở để đưa ra kết luận mang tính chất như là một Tuyên ngôn “NAM DƯỢC TRỊ NAM NHÂN” (Cách ta nay gần bảy trăm năm người đi tìm thuốc phải dùng chính tính mệnh mình làm “máy phân chất” mà người ta thường gọi là “nếm thuốc” để tìm ra dược tính cây cỏ chứ đâu phải có phương tiện hiện đại như bây giờ).

Điểm nổi bật nữa là những công trình nghiên cứu của Ngài đã được phổ biến ứng dụng để chữa bệnh cho dân gian khắp mọi vùng (tiếng đồn vang xa ra tận nước ngoài - Trung Hoa) cho đến tận ngày nay và ngày càng được nối đời, nhiều Danh sư, Y sư nổi tiếng trong khắp nước. Không chỉ chữa bệnh bằng thuốc mà còn chữa bệnh bằng một số phương pháp khác như: châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt ngày càng phát triển.

Ngoài ra, Ngài còn tổ chức hướng dẫn người dân thực hiện phương cách mà ngày nay ta thường gọi là “Y Tế dự phòng”. Như vậy, công trình của Ngài đã vượt cả thời gian, không gian.

Ba là, Tuệ Tĩnh Thiền sư còn là một Nhà Văn hóa, bởi Ngài đã sử dụng vốn kiến thức uyên bác soạn ra những bài phú bằng Quốc âm theo thể thơ song thất lục bát và thơ luật Đường như các bài Phú nói về Nguyên nhân của bệnh và Chẩn đoán bệnh với gần một trăm khổ thơ. Bài Phú nói về Tính dược của một số vị thuốc cũng với gần một trăm khổ thơ cho mọi người có thể dễ đọc, dễ hiểu và dễ nhớ để phổ biến rộng rãi cho cộng đồng dân chúng.

Ngài còn là một nhà Ngoại giao đại tài, khi triều đình nhà Minh bên Tầu nghe danh ngài đã ép vua Việt ta phải đưa Ngàisang đất Bắc trực tiếp điều trị bệnh nan y cho vương phi nhà Minh. Với tư cách và thân phận như một “cống phẩm” Tuệ Tĩnh với tài năng xuất chúng của mình đã chinh phục được cả triều thần nhà Minh bằng cả bản lĩnh, trí tuệ và đức độ làm cho cả một Thái Y viện cồng kềnh độ sộ của triều đình nhà Minh phải kính nể, bái phục, vua nhà Minh phải trân trọng ưu ái và đã ban cho Ngài chức “Danh y Thiền sư”.

Với ý thức “Dân tộc độc lập tự chủ trong công trình nghiên cứu Nam y dược” của mình, Ngài không thụ động tiếp thu những giá trị tài liệu sách vở của phương Bắc mà Ngài đã khẳng định “Nam dược trị Nam nhân”, điều đó đã toát lên tính “Độc lập tự chủ”. Ngài cũng khẳng định rằng: người phương Nam ta do chịu sự tác động từ “phong thổ, phong thủy phương Nam”, cỏ cây hoa lá ở phương Nam cũng chịu sự tác động từ đa dạng khí hậu, thời tiết từ các mùa, các vùng miền khác nhau nên phải lấy tất cả các điều kiện khách quan đó nghiên cứu chiếu rọi vào công tác chữa trị.

Khi được vua Minh ban danh hiệu cao quý thì Ngài lại hướng về cố quốc mà khóc vì Ngài biết rằng như vậy là ngày về cố quốc hầu như mờ mịt không còn hy vọng để trực tiếp phục vụ quốc gia dân tộc của mình. Có lẽ vì thế mà về cuối đời Ngài đã cho khắc một dòng chữ trối trăng lại là “NGÀY SAU, CÓ AI NGƯỜI NƯỚC NAM QUA ĐÂY, XIN ĐƯA HÀI CỐT TÔI VỀ VỚI” để khi Ngài mất thì gắn trên bia mộ của Ngài với lời trăng trối này!

Tất cả những điều Tọa đàm khoa học đã khẳng định trên đủ để nói lên và khẳng định rằng Ngài là một nhân cách lớn, một bậc tài danh lỗi lạc vượt cả thời gian và không gian, mãi mãi trường tồn cùng với dân tộc!

Một điều mà trong một vài bài viết có đề cập đã được Tọa đàm trao đổi làm sáng tỏ, đó là:

i) Trong tài liệu chính thống đã nói rõ năm sinh của Thiền sư ở vào Thế kỷ XIV thì không thể nào khác được!

ii) Nhà văn, cũng là nhà thơ Trần Nhuận Minh, hậu duệ của Tiến sĩ Trần Thọ (người phụ tá Chánh sứ Nguyễn Danh Nho được cử sang nhà Thanh) đoàn sứ thần do hai vị Tiến sĩ: một Chánh, một phó sứ đã lấy “bản dập” hàng chữ trên bia đá đặt trên mộ Tuệ Tĩnh rồi mang về, ông đã khẳng định rõ điều này nên không còn nghi ngờ gì nữa! (xin đọc ở bài viết tham luận Tọa đàm của Nhà văn Trần Nhuận Minh với tiêu đề “LỜI KHẨN CẦU CỦA TUỆ TĨNH VÀ VIỆC ĐƯA HÀI CỐT CỦA VỊ THIỀN SƯ ĐẠI DANH Y VỀ NƯỚC” được đăng trong cuốn sách cùng tựa đề với tài liệu của cuộc Tọa đàm này).

Tất cả những điều trên đây đã nói rõ lên mấy vấn đề cần quan tâm:

Một là, Câu chuyện về Đại Danh y Thiền sư không chỉ là câu chuyện Thế kỷ mà cho đến nay là câu chuyện của cả 700 năm, tức là câu chuyện của cả 7 Thế kỷ! Và Di tài, Di sản của vị Thiền sư Đại Danh y này hiện nay vẫn còn đó. Nó đang được kế thừa và phát huy một cách mạnh mẽ, mà ngay trong chủ trương của Đảng và Nhà nước cũng đã khẳng định: Việc điều trị chữa bệnh cho dân chúng cần phải kết hợp Đông Tây y (Đông Tây y kết hợp).

Gần 4000 phương y dược mà Đại Danh y Thiền sư để lại đã được kế thừa và phát huy mạnh mẽ, nó có công hiệu rất mạnh mẽ, hiệu quả rất tích cực. Nhưng cho đến nay tên tuổi của vị Đại Danh y này hầu như ít ai biết đến mà hầu như có ai quan tâm đến ngành Y học Nam dược cổ truyền Việt Nam thì hầu như chỉ biết đến Đại Danh y Lê Hữu Trác (Hải Thượng Lãn Ông) thậm chí trong giới Y học Nam dược cổ truyền cũng ít người biết đến.

Và đặc biệt là nhiều người đã nói rằng dân tộc ta còn “NỢ” người xưa một lời trăng trối (Đau lòng lắm thay!).

Hai là, Gần đến ngày tổ chức Tọa đàm khoa học, Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo đã tổ chức hai cuộc điền dã về 4 nơi gắn với Đại Danh y Thiền sư để thu thập thêm thông tin tư liệu, những nơi (4 nơi) mà chúng tôi đến, thì đặc biệt là ở 2 nơi chính là chùa Giám (Hải Dương) và chùa Viên Quang (huyện Xuân Trường, Nam Định) thấy cảnh ngộ thật đáng buồn!

Đôi điều kiến nghị:

Một là, Đề nghị các cơ quan hữu quan lập ngay Hồ sơ đề nghị Liên Hợp quốc vinh danh Đại Danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh (Nguyễn Bá Tĩnh) là Danh nhân Văn hóa Thế giới!

Hai là, Cần thực hiện xã hội hóa việc tôn tạo Di tích một cách triệt để, cụ thể là đối với việc tôn tạo Di tích chùa Giám (Hải Dương) hiện tại đã xuống cấp nghiêm trọng. Chúng tôi nghe nói rằng, tỉnh giao cho huyện đầu tư nâng cấp đã có họp, và HĐND huyện đã thông qua một khoản kinh phí đầu tư là 30 tỷ VNĐ nhưng cho đến nay đã qua một thời gian vẫn chưa thấy động tĩnh gì! Và cũng ý kiến của Thượng tọa Trưởng

Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Hải Dương và Thượng tọa Trụ trì chùa Giám thì với số tiền đầu tư 30 tỷ chẳng thấm tháp vào đâu, mà nếu có đầu tư thì cũng chỉ là làm vài hạng mục rồi bỏ đó thì chùa sẽ hư hỏng không thể cứu vãn!

Cũng ý kiến của các vị nói trên cho rằng, hiện tại thì nhiều người mong muốn và còn sức lực thì thực hiện ngay được nhưng nếu trễ đi thì chẳng ai còn có sức mà hăng hái được nữa. Công trình coi như bị hủy liệt.

Hiện trạng ở chùa Viên Quang ở huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định thì không thể nào tin được toàn bộ cánh cửa của chính điện hầu như đã bị hư hỏng, được chắp vá bằng những mảnh gỗ nhỏ. Và cánh cửa hầu như không mấy khi được mở.

Những điều chúng tôi được tai nghe mắt thấy thật là đáng buồn! Đề nghị ngành Văn hóa cần có quan tâm cụ thể chỉ cần quản lý về mặt thủ tục hành chính, phần kinh phí xã hội tự lo liệu tự vận động đóng góp.

Ba là, Lời “khẩn cầu” của Đại Danh y Thiền sư cũng là lời trăng trối đề nghị được các ngành hữu quan quan tâm về thủ tục. Cũng mong những doanh nhân, doanh nghiệp, những nhà hảo tâm, những người tâm huyết với tiền nhân mà ủng hộ để sớm có một đoàn tìm đến nơi có dấu ấn để tìm hiểu rõ ngọn ngành để có hướng đề nghị, giải quyết cụ thể, để giải tỏa lời trăng trối đến nay đã gần 700 năm của tiền nhân.

Bốn là, Đề nghị cho xây Đền Thiền sư Thánh y ở ngay quê hương của Ngài để dân chúng có cơ hội tưởng niệm Ngài khi lui tới!

Cuốn sách: Thiền sư - Đại Danh y Tuệ Tĩnh - Cuộc đời tu hành và sự nghiệp xây dựng nền Y học cổ truyền Việt Nam, Nhà xuất bản Tôn giáo, 2023.

Dưới đây là danh mục các bài viết của các tác giả:

1. Ông Trần Khánh Dư, Lời mở đầu

2. Ông Bùi Văn Khiêm, Một số hình ảnh tại Tọa đàm khoa học

3. Hòa thượng Thích Tâm Vượng, Tuệ Tĩnh - Tiên Thánh - Đại y Thiền sư

4. Nhà nghiên cứu Hoàng Khôi, Tuệ Tĩnh - Ba giá trị của một nhân cách lớn

5. Nhà giáo, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Ấn, Tuệ Tĩnh - Một nhân cách thầy thuốc Việt Nam rất xứng đáng được tôn vinh

6. PGS.TS Hoàng Thị Thơ, Thiền sư Tuệ Tĩnh - Danh y Đại Việt

7. Nhà Nghiên cứu Trần Diên Linh, Tuệ Tĩnh - Thiền sư Đại Danh y nhân vật lịch sử của những điều đặc biệt

8. Nhà Nghiên cứu Văn hóa Trần Đình Tuấn, Thiền sư, Đại Danh y Tuệ Tĩnh, ứng viên danh nhân đề nghị UNESCO vinh danh và tham dự lễ kỷ niệm 700 năm ngày sinh (1330-2030)

9. Thạc sĩ Bác sĩ Lê Thị Minh Thúy, Cuộc đời và sự nghiệp của Danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh

10. Nhà Nghiên cứu Phạm Bá Vượng, Ai về nước Nam cho tôi về với!

11. Tiến sĩ Bác sĩ Nguyễn Đình Liên, Người viết bản "Tuyên ngôn độc lập Y tế đầu tiên" của Đại Việt, Ông là ai?

12. Thượng tọa Thạc sĩ Thích Thanh Vân, Y Phương Minh và cuộc đời của một Thiền sư thầy thuốc

13. Dật sĩ Mạc Khải Tuân, Ngài Tuệ Tĩnh nhân duyên từ cửa Phật đến danh hiệu Đại y Thiền sư Tổ Thánh Y học cổ truyền Việt Nam

14. Y sĩ Nguyễn Đăng Xiêng, Nam y trị Nam nhân

15. Tiến sĩ Đinh Công Vỹ, Danh y Tuệ Tĩnh: Thời đại - con người và tác phẩm

16. Thạc sĩ Nguyễn Hải Đăng, Đại Danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh một ngọn hải đăng vĩ đại trong sự nghiệp hoằng pháp và Y học Nam dược

17. Đại đức Thạc sĩ Thích Thiện Thông, Đại Danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh một cuộc đời hoằng pháp mang lại giá trị tinh thần trong đời sống thực tại kiến trúc cho nền Y học cổ truyền Việt Nam

18. Thạc sĩ Bác sĩ Đỗ Duy Thắng, Thiền sư Tuệ Tĩnh, một thầy thuốc Tâm - Đức - Tài - Trí - Dũng vẹn toàn, một nhà khoa học vượt thời đại

19. Nhà văn Trần Nhuận Minh, Lời khẩn cầu của Tuệ Tĩnh và việc đưa hài cốt của vị Thiền sư Đại Danh y về nước

20. Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Vinh, Làng nghề thuốc Nam ở Bình Lục - Hà Nam áp dụng phương pháp trị bệnh của Đại y Thiền sư Tuệ Tĩnh

21. Đạo diễn, nhà báo Mai An Nguyễn Anh Tuấn, Thiền sư - Thánh y Tuệ Tĩnh với cuộc chấn hưng tinh thần dân tộc thời hiện tại

22. Thượng tọa Thích Thanh Lương; và, Đại đức Thạc sĩ Thích Tâm Nguyện, Đôi nét về thân thế và sự nghiệp Đại Danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh

23. Đại đức Thạc sĩ Thích Tâm Nguyện, Thiền sư Tuệ Tĩnh - Người đặt nền móng cho sự phát triển Tuệ Tĩnh đường hiện nay của Giáo hội Phật giáo Việt Nam

24. Sư cô Thích Đức Nguyên, Tâm từ bi của Thiền sư Tuệ Tĩnh

25. Thượng tọa Tiến sĩ Thích Thanh Huân, Vai trò của Thiền sư Tuệ Tĩnh trong việc sử dụng Y Phương Minh để hoằng pháp

26. Sư cô Tiến sĩ Thích Nữ Viên Giác, Phật giáo và vấn đề Y đức, tầm quan trọng của thiền trong chữa bệnh

27. Tiến sĩ Bùi Hữu Dược, Tuệ Tĩnh bậc Đại y Thiền sư và những điều còn đó

28. Thạc sĩ, Bác sĩ Đỗ Duy Thắng, Bảo tồn nguồn dược liệu và bài thuốc theo tinh thần “Nam dược trị Nam nhân” của Thánh y Tuệ Tĩnh

29. Ông Trần Khánh Dư, Kết luận Tọa đàm khoa học

Các bài viết khác