TRUNG TÂM BẢO TỒN    
DI SẢN VĂN HÓA TÔN GIÁO
Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hoá Tôn giáo
Menu

Giáo dục Phật giáo về Báo Hiếu

Ngày: 14:23:44 04/10/2015

Lịch sử nhân loại đã chứng minh điều này, những người tận trung yêu nước, thương dân, những đấng minh quân, cho đến những bậc hiền triết thánh nhân điều được bắt đầu từ những người con có hiếu. Vua Tự Đức một bậc minh quân ngày xưa, lúc thiếu thời mỗi khi lầm lỗi, tự mình dâng roi để Mẹ đánh phạt, Ngài Lục Tổ Huệ Năng trước khi thực hành đại nguyện tầm sư học đạo, đã chuẩn bị cho Mẹ già có được cuộc sống chu toàn. Đức đại hiếu Mục Kiền Liên, một vị thánh tăng đại đệ tử của Phật, với lòng đại hiếu đã làm cảm động đến trời cao. 

Dẫn nhập

Mỗi năm cứ đến ngày trăng tròn tháng Bảy âm lịch và cũng là cuối mùa hạ, bắt đầu sang thu, lá vàng rụng xuống, cây xanh đâm chồi nảy lộc, hoa lá bắt đầu chớm nở, sau một mùa oi bức nóng nực của cái nắng mùa hè. Thời tiết thay đổi, chuẩn bị lễ Vu Lan - Báo Hiếu, ngày báo ân cha mẹ. Lễ Vu Lan đã truyền lại từ ngàn xưa mà Đức Phật đã dạy cho Tôn giả Mục Kiền Liên làm tiêu biểu, tấm gương hiếu thảo ấy trải qua suốt mấy nghìn năm lịch sử kể từ khi Đức Phật thành đạo, hàng tử để của ngài đều lấy đó làm gương, trở thành lễ Vu Lan- Báo Hiếu. Nhưng bây giờ ngày Lễ Vu Lan - Báo Hiếu không còn là một di sản đặc thù của riêng người Phật tử nữa, mà là nghĩa vụ thiêng liêng cao cả của mỗi người, không phân biệt tôn giáo hay chủng tộc nào. Từ các bậc Thánh hiền đến người thường dân đã là con người ai cũng có cha mẹ sinh ra, chính cha mẹ đã san sẻ một phần máu thịt để tạo nên hình hài, vóc dáng của mỗi người con, tình thương của cha mẹ đối với con là thứ tình thương tuyệt vời, không bút nào tả xiết, không có bất cứ tình thương nào trên cõi đời này có thể so sánh được. Do đó, báo hiếu cha mẹ chính là nghĩa vụ cao quý thiêng liêng nhất mà không nghĩa vụ nào bằng. Một việc làm rất cao quý, đó cũng là một sự an ủi cho những người cha mẹ của tất cả chúng ta.

Trong văn hóa của dân tộc Việt Nam, ý nghĩa hiếu đạo, được xem là một di sản quý báu, một chất liệu sống tốt đẹp được mọi người yêu chuộng và giữ gìn. Khi Phật giáo xuất hiện ở Việt Nam thì đạo đức dân tộc và đạo đức Phật giáo hòa quyện vào nhau như nước với sữa. Do sẵn có tinh thần yêu chuộng đạo hiếu và giá trị giải thoát, nên người Việt đã tiếp nhận giáo lý Phật giáo một cách dễ dàng. Làm người ai cũng mang ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Người Phật tử Việt Nam hướng về Lễ hội Vu Lan - Báo Hiếu vào ngày Rằm tháng Bảy mỗi năm là thực hiện một phương thức báo hiếu vốn có từ lâu đời, và xem đó như là một tín ngưỡng truyền thống. Đây là nét đẹp của đạo hiếu xuyên suốt chiều dài lịch sử vốn có trong nền văn hóa Việt Nam. Tinh thần hiếu hạnh của giáo dục Phật giáo thấm nhuần trong văn hóa của dân tộc Việt Nam, ca dao có câu: 

“Dù ai buôn bán đâu đâu,

Cứ Rằm tháng Bảy mưa Ngâu thì về”.

Rằm tháng Bảy trong kí ức mọi người là ngày xá tội vong nhân, phát tâm làm lành lánh dữ, cúng dàng Tam Bảo cầu cho gia quyến bình an và cầu nguyện cho vong linh cha mẹ và tổ tiên quá vãng được sinh về cõi lành. Phật Giáo thực hiện rất sâu sắc về ý nghĩa đạo Hiếu. Người Phật tử làm tất cả các thiện pháp để hồi hướng cho tổ tiên ông bà quá vãng nhiều đời: “đa sinh phụ mẫu”, là nuôi lớn tình thương bình đẳng vô ngã vị tha. Ý nghĩa ấy, chúng ta phải có trách nhiệm với nhiều bậc mẹ cha khác trên cuộc đời, vì giá trị rộng lớn của chữ hiếu trong triết lý duyên sinh. Theo quan điểm đạo Phật, hiếu thuận với cha mẹ là phải hiếu thuận với tất cả mọi người, là lý tưởng sống cao đẹp, không những dân tộc Viêt Nam mà các dân tộc tiến bộ khác trên thế giới đều yêu chuộng và giữ gìn.

Nội dung

1. Đức Phật dạy phương pháp báo hiếu cho cha mẹ

Đức Phật là nhà giáo dục, nhà văn hóa tư tưởng vĩ đại trên nhiều lĩnh vực từ xưa đến nay, Ngài rất chú trọng đến vấn đề báo hiếu. Những lời dạy của Ngài về đạo Hiếu, được ghi chép trong nhiều kinh điển: Trong Kinh Bộ Tăng Chi, Ngài nêu ra bốn trách nhiệm mà con người phải thực hiện để đền đáp công sinh dưỡng. Trong Kinh Thiện Sinh thuộc Kinh Trường A Hàm, Phật khẳng định năm bổn phận mà một người con hiếu phải có. Nhưng cảm động nhất, sâu sắc nhất, chi tiết nhất vẫn là những lời dạy tha thiết chân tình trong Kinh Vu Lan Bồn và Kinh Đại Báo Phụ Mẫu Trọng Ân, để hôm nay nhân mùa báo hiếu những người đệ tử Phật đang trân trọng thụ trì.

Một hôm trên đường du hóa từ Thành Xá Vệ về phương Nam, Đức Phật cùng đệ tử của ngài lần lượt bước đi với những bước chân thật thảnh thơi, trên con đường ấy, Đức Phật đã gặp một bãi xương khô ngoài đồng vắng. Với tất cả sự trân trọng thành kính, Ngài đã lễ xuống đống xương ba lễ, khiến đệ tử của ngài là tôn giả A Nan hết sức ngạc nhiên, liền bạch với Phật rằng: “Thế Tôn là bậc Cha lành của bốn loài trong ba cõi, sao Ngài lại lạy xương khô?”. Phật trả lời: “ta lễ là lễ những bậc tiền bối, vì trong đống xương khô ấy có hài cốt của lục thân quyến thuộc và có thể ngay cả của chính ta trong nhiều đời trước”.

Tôn giả A Nan nghĩ đến công lao sinh dưỡng của cha mẹ thật là sâu nặng, nên Ngài cầu Phật chỉ dạy phương pháp báo hiếu để người con hiếu thảo vâng làm.

Đức Phật dạy 10 công đức của cha mẹ như sau:

-   Một là, trong thời gian mười tháng cưu mang, người mẹ phải thận trọng giữ gìn, nuôi nấng chăm sóc thai nhi hết sức chu đáo. 

-   Hai là, đến ngày sinh nở, sự nguy hiểm và khó nhọc trăm phần, sinh được thì sống, không sinh được thì chết. 

-   Ba là, mẹ chịu cực khổ nuôi con từ tấm bé. Mỗi khi trái gió trở trời con thơ nóng mình, khó ở thì người mẹ thao thức bỏ ăn, bỏ ngủ, nhưng không vì vậy mà buồn phiền.

-   Bốn là, mẹ ăn đắng nuốt cay, để dành bùi ngọt đủ đầy cho con. 

-   Năm là, săn sóc chăm chút cho con từng ly từng tí, chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo xê con. 

-   Sáu là, sú nước nhai cơm, bế bồng bú mớm. 

-   Bảy là, mẹ phải chịu đựng ô uế, tắm rửa giặt giũ đồ nhơ bẩn cho con. 

-   Tám là, lớn lên khi con đi ra, tiếp xúc với đời, cha mẹ phải lo lắng trăm phần. 

-   Chín là, cha mẹ cam chịu nghiệp chướng khổ đau, chỉ mong cho con được sung sướng, an nhàn. 

-   Mười là, cha mẹ kham nhẫn sự thiếu thốn để con được sống an lành đầy đủ.

Phật nói công ơn sinh dưỡng của cha mẹ sâu nặng như thế mà không có mấy ai thấy biết được ân đức cao dày này, nhất là những người con trẻ thời nay, nên khi bị cha mẹ rày la thì liền trả treo ngỗ nghịch, phùng mang trợn mắt, chẳng kể người trên trước, không biết nghĩa tương thân. Hoặc bỏ nhà ra đi biền biệt, không về thăm viếng. Hoặc phá hết của cải rồi theo đường trộm cướp, tù tội hay bỏ xác nơi xứ người. Thế nhưng khi cha mẹ nghe tin con không tốt vẫn xót thương buồn khóc, có thể vì thương con quá mức mà mắt bị mù lòa, thân bị bại liệt, song vẫn không nguôi. Cha mẹ bao giờ cũng yêu thương con vô bờ bến. Nên tục ngữ có câu: “Hùm dữ không ăn thịt con” là vậy. Cha mẹ sinh con bao giờ cũng muốn cho con nên người hữu dụng và có lòng hiếu thảo. Lòng mong ước ấy thật bền bỉ, kiên trì và kính thương vô hạn. Nhưng gặp phải những người con bất hiếu, ngỗ nghịch, cha mẹ cũng phải cam chịu cảnh bất hạnh, phũ phàng, đơn côi, đói rách, nhất là trong những ngày tàn trống vắng dưới mái tranh nghèo leo lét điều hiu.

2. Sự báo hiếu của những người con tiêu biểu

Trong văn học dân gian còn lưu lại những dấu tích về tấm lòng yêu chuộng đạo hiếu của những người con Việt Nam, đề cao văn hóa gia đình và dòng tộc. Trong truyền thuyết hay truyện cổ tích, người Việt luôn tự hào là thuộc dòng giống con rồng cháu tiên. Lạc Long Quân như là một người cha mẫu mực, anh hùng, thương yêu và che chở con cái lúc hoạn nạn, thường khuyên mọi người ăn ở hiền lành, sống đúng đạo lý cha con và tình nghĩa vợ chồng. Đó là ý thức về hiếu hạnh, đặt nền tảng gây dựng đạo đức xã hội. Câu chuyện về sự tích bánh chưng bánh dầy đã bày tỏ công lao sinh dưỡng của cha mẹ. Lang Liêu, vị hoàng tử thứ mười tám, là người con hiếu thảo, hiền lành đã dâng lên vua cha thứ bánh chưng tượng trưng cho đất, bánh dầy tượng trưng cho trời, với ý nghĩa xem công cha nghĩa mẹ to lớn như trời cao đất rộng, che chở cho con cái sống an vui giữa đời. Do vậy mà được vua Hùng truyền trao ngôi vua. Còn tiền bạc, vàng ngọc, châu báu, của ngon vật lạ của các người con khác dâng lên đều bị vua từ chối. Ý thức ấy như ngọn gió đạo đức đã thổi vào luồng văn hóa dân tộc để xây dựng nền đạo lý lâu dài. Chiếc bánh chưng, bánh dầy đã trở thành một sản phẩm cổ truyền, một chứng tích của đạo lý, chiếc bánh ấy thường được dâng cúng tổ tiên trong dịp Tết Nguyên Đán và các lễ hội hàng năm. 

Với ân sâu nghĩa nặng, tình thâm của cha mẹ mà Ca dao Việt Nam, tiếng nói đạo đức mang truyền thống văn hóa dân tộc kết tụ mấy nghìn năm lịch sử. Với những lời lẽ mộc mạc, dễ hiểu đã đề cao được công lao dưỡng dục của cha mẹ không nằm trong phạm vi văn chương bác học, mà gần gũi phổ cập với đời sống con người qua bao thế hệ như sau:

“Công cha nghĩa mẹ cao dày,

Cưu mang trứng nước những ngày còn thơ.

Nuôi con khó nhọc đến giờ,

Trưởng thành con phải biết thờ song thân”.

Hoặc “Công cha như núi Thái sơn,

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Một lòng thờ mẹ kính cha,

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

Nguyễn Trãi, vị anh hùng dân tộc vào thế kỉ thứ mười lăm, là một nhà quân sự, một nhà chính trị lỗi lạc, một nhà văn, nhà thơ vĩ đại của dân tộc, có nhiều thi phẩm văn chương bất hủ. Trong tác phẩm “Gia Huấn Ca” của mình, ông đã đề cao đạo đức, luân lý trong mối quan hệ giữa cá nhân, gia đình và xã hội. Hiếu được nhấn mạnh rất rõ:

“Dù nội ngoại bên nào cũng vậy,

Đừng tranh giành  bên  ấy, bên này,

Cù lao đội đức cao dày,

Phải lo hiếu kính đêm ngày khăng khăng”.

Phận làm con đối với cha mẹ thì:

“Khi ấm lạnh ta hầu săn sóc

Xem cháo cơm thay thế mọi bề

Ra vào thăm hỏi từng khi

Người đà vô sự ta thì an tâm”.

Nguyễn Du, ông cũng là một nhà thơ lớn của dân tộc, vào thế kỉ thứ mười tám, thấm nhuần tư tưởng Phật giáo, ông thường nói rằng “Ngã độc Kim Cương, thiên biến kinh”, nghĩa là “Ta đọc hơn ngàn biến Kinh Kim Cương”. Nguyễn Du cũng đã tiếp nhận hai nguồn văn hóa Ấn Độ và Trung Hoa mà viết ra tác phẩm Truyện Kiều, ông đã đề cao chữ Hiếu với một tinh thần phóng khoáng, đặc biệt đạo Hiếu được nhấn mạnh và xem đó là nhiệm vụ hàng đầu của con cái:

“Duyên hội ngộ đức cù lao

Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn,

Để lời thệ hải minh sơn

Làm con trước phải đền ơn sinh thành”.

Nguyễn Đình Chiểu, một sĩ phu yêu nước, thương dân vào thế kỉ thứ mười chín, không màng danh lợi, rất đề cao tinh thần hiếu hạnh, trong tác phẩm “Lục Vân Tiên”. Hình ảnh Lục Vân Tiên trên đường đi thi trạng nguyên, nghe tin mẹ mất, đã quay về chịu tang cho mẹ và ông đã khóc đến mù cả mắt. Lục Vân Tiên không vì sự nghiệp của bản thân mình, mà quên đi trách nhiệm của người con khi cha mẹ qua đời.

Đức Phật Thích Ca, ngài là một bậc Thầy của trời người đã thể hiện trọn vẹn về hạnh hiếu. Khi vua Tịnh Phạn ốm nặng, ngài đã về hoàng cung để thuyết pháp cho vua cha. Trong kinh Địa Tạng có chép rằng, Đức Phật còn lên cung trời Đạo Lợi thuyết pháp cho mẹ là Thánh Mẫu Ma Gia. Ở trong Kinh Vu Lan, hình ảnh Đức Mục Kiền Liên tiêu biểu một đệ tử chí hiếu, vâng lời Phật dạy đã thực hiện phép cúng dàng Tam Bảo trong ngày Rằm tháng Bảy, hồi hướng phúc đức cứu thân mẫu thoát khỏi địa ngục khổ đau. Kinh Nhẫn Nhục có dạy rằng: "Ðiều thiện tối cao là chí hiếu, điều ác cực ác là bất hiếu".

3. Người con phải nhớ nghĩ đến công ơn của cha mẹ để báo hiếu

Người Việt Nam chúng ta từ bao đời được thừa hưởng di sản văn hóa của các Tôn giáo lớn ở Đông Phương, trong đó việc giáo dục về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái chiếm một phần trọng yếu. Người Việt cũng tự hào có một nền văn hóa lâu đời, có một truyền thống hiếu để trung tín vững chắc. Ân đức của cha mẹ được ví như trời cao, bể cả, núi rộng, sông dài, phản ảnh rất hiện thực trong nền văn hóa dân gian, qua những câu ca dao:

“Ơn cha lành cao như núi Thái

Đức mẹ hiền sâu tựa biển khơi 

Dù cho dâng cả một đời 

Cũng không trả được ân người sinh ta”.

Tinh thần hiếu thảo của dân tộc được kết hợp một cách hài hòa với lòng hiếu đạo của giáo dục Phật giáo qua truyền thống báo hiếu trong Kinh Vu Lan Bồn:

“Đêm Vu Lan trăng tròn vành vạch 

Nhớ mẹ cha canh cánh bên lòng 

Cha còn như ngọn đèn chong 

Mẹ còn như ánh trăng Rằm Trung Thu”.

Trong cuộc sống, không có hạnh phúc nào lớn hơn hạnh phúc còn cha mẹ, và không có bất hạnh nào lớn hơn bất hạnh của kẻ mồ côi. Hình ảnh người cha lao động cần mẫn sớm hôm, người mẹ dịu hiền chăm chút các con từng miếng ăn giấc ngủ, đã từng là - và mãi là - những cung bậc êm đềm của bài hợp xướng gia đình. Căn bản đạo đức cũng bắt đầu từ sự giáo dục của gia đình, vì cha mẹ là chuẩn mực của các con từ lúc còn thơ ấu. Và mãi mãi về sau, dù ở lứa tuổi nào, chúng ta cũng thấy cha mẹ là chỗ dựa tinh thần vững chắc. Có thể lúc ta thành công trong sự nghiệp, hay hạnh phúc trong cuộc sống lứa đôi, ta không cảm nhận rõ điều này. Nhưng khi gặp cảnh ngộ không may, khi bị sóng đời dập vùi tơi tả, khi hoàn toàn mất niềm tin đối với người xung quanh, ta mới chợt hiểu rằng, nơi một góc trời xa yêu dấu, cha mẹ vẫn là chiếc nôi ấm cho ta ru giấc ngủ sâu, là vòng tay êm xóa tan hết nơi ta buồn đau hận tủi. Ân sủng thiêng liêng ấy, tình cảm bao la bất tận ấy, ta có thể tìm được nơi đâu, ngoài cha mẹ của mình?

“Ðêm khuya trăng rụng xuống cầu

Cảm thương cha mẹ dãi dầu ruột đau”.

Người con xa quê hương, vất vả mưu sinh, có lúc phải tạm quên cha mẹ. Cũng có khi do mải vui với vợ con bạn bè, nên tình quê bị lui xuống hàng thứ yếu. Nhưng một hôm nào đó, khi cuộc vui đã tàn, còn một mình ta trong đêm khuya vắng lặng, nhìn ánh trăng cô đơn dưới dòng sông, ta chợt nhớ về làng cũ. Nhớ về hai đấng sinh thành tuổi cao sức yếu, ngày ngày tựa cửa trông ngóng tin con. Ðau lòng lắm khi thấy ta chưa đền đáp một phần nhỏ công ơn sâu dày của cha mẹ. Vội vã trở về mong chuộc lại lỗi lầm, thì hỡi ôi! Cha mẹ đã không còn! Hối hận cách mấy, khóc than như thế nào, cũng không thể kéo lại thời gian đã mất. Nỗi đau này, niềm hối tiếc này đến bao giờ mới nguôi ngoai!

“Mất cha con cũng u ơ

Mất mẹ con cũng bơ vơ một mình”.

Không người nào muốn mình mất cha mẹ, nhưng vô thường nào có tha cho một ai? Vì thế, ngay khi cha mẹ còn sinh tiền, ta nên biết trân quý từng ngày sum họp, như quý viên ngọc vô giá đang cầm trên tay, mà chắc chắn không thể giữ được vĩnh viễn. Sự trân quý ấy, kết hợp với sự biết ơn và thương kính chân thành đối với cha mẹ, là những điểm xuất phát của lòng hiếu thảo. Chúng ta biết ơn cha mẹ vì thân ta do cha mẹ mà có, nhờ cha mẹ mà trưởng thành. Chúng ta thương kính cha mẹ khi ta còn thơ dại, vì cha mẹ là nơi nương tựa vững chãi bình an nhất. Ta thương kính cha mẹ khi ta khôn lớn, vì biết mỗi ngày ta sống hạnh phúc ấm no là một ngày ta rút bớt sức lực của cha mẹ. Ta càng thương kính cha mẹ khi ta có con cái, vì lúc bấy giờ ta mới thấm thía được sự hy sinh của cha mẹ đối với ta. Rồi một hôm, nhìn kỹ dung nhan cha mẹ, hốt nhiên thấy Người đã quá già yếu, ngoài tình thương, ta cần phải có sự lo lắng, vì biết thời gian sum họp chỉ còn tính từng tháng, từng ngày! Những người con có hiếu nếu thời gian qua đã có phúc duyên báo hiếu cho cha mẹ rồi, thì bây giờ càng nên cố tạo nhiều cơ duyên hơn nữa để báo hiếu cho cha mẹ mình vui lòng. Còn những người chưa từng nghĩ đến báo hiếu cho cha mẹ, thì nay nên cấp tốc báo hiếu, đền đáp công ơn sâu dày cho cha mẹ mình để mai này không hối hận. “Con muốn báo hiếu cho cha mẹ mà cha mẹ chẳng con”.

4. Người con phải luôn báo hiếu cho cha mẹ mới là trách nhiệm của mình

Theo quan điểm của Phật giáo, không hẳn chỉ là ngày Rằm tháng 7 âm lịch mới là ngày mà những người con phải làm cái gì đó cho cha mẹ đã quá vãng, mà bất cứ lúc nào, giờ nào, ngày tháng, năm nào đều cũng có thể làm cha mẹ vui lòng, hoặc làm việc đạo đức để hồi hướng cho cha mẹ đã lâm chung. Nên đối với người tại gia cư sĩ, trong một đoạn kinh, Đức Phật có dạy cách báo hiếu cho cha mẹ: "Với đôi cánh tay, với những giọt mồ hôi mặn và có tạo được ít nhiều tài sản, nên sử dụng hợp lý, hợp tình". Tức là đối với gia đình, trên phải cung dưỡng cha mẹ, dưới phải giáo dưỡng vợ con. Mặt khác, còn phải làm tròn 5 bổn phận của người con đối với cha mẹ như sau:

1. Phụng dưỡng cha mẹ (Bhavana): Tức phải hết lòng cung kính cha mẹ, không làm cho cha mẹ buồn khổ, không nói lời vô lễ mà thể hiện sự phụng dưỡng bằng tinh thần như thăm viếng cha mẹ trong những khi cha mẹ cô đơn, bệnh tật về tuổi xế chiều; hoặc là cung phụng bằng vật chất như vật thực, thuốc thang, chỗ ở, y phục...

2. Làm việc thay thế cho cha mẹ (Kicca kavana): Là chúng ta phải gánh vác tất cả những việc gì mà trước đây cha mẹ đã vì ta mà gánh chịu. Đây cũng là lẽ thưòng tình của đời sống xã hội, không riêng gì Phật giáo. Đã là người con trưởng thành thì cần phải làm thay thế cho cha mẹ, để cho cha mẹ có thời gian thụ hưởng những ngày nhàn rỗi cuối cuộc đời. “Trẻ cậy cha, già cậy con”.

3. Gìn giữ gia phong tốt đẹp (Kùlavam sathapana): Là gìn giữ gia phong đạo đức tốt đẹp, loại bỏ đi những phong tục cổ hủ vô bổ cho gia tộc cũng như cho xã hội. Chẳng những thế, cần phải phát huy thêm những truyền thống tốt đẹp để làm vang xa tiếng tốt của gia tộc.

4. Bảo quản tốt tài sản thừa sự (Dàyai jàpati pajjana): Đã là tài sản của cha mẹ thì bổn phận người con là cần phải bảo quản tốt, thậm chí còn cần phải làm cho chúng sinh sôi nảy nở. Vì tài sản đó rất đặc biệt, chúng không phải tự dưng mà có, cũng không phải do vị Trời nào ban thưởng cả, mà chúng có được là do chính bàn tay, khối óc, mồ hôi nước mắt của chạ mẹ đã tạo ra, nên bổn phận làm con phải tỏ lòng trân trọng hiếu kính gìn giữ chúng.

5. Tạo phúc hồi hướng khi cha mẹ đã qua đời (Đakkinànuppadana): Theo Phật giáo, khi cha mẹ còn hiện tiền thì người con phải làm sao cho cha mẹ luôn sống trong niềm an lạc hạnh phúc. Khi cha mẹ đã quá cố thì người con cần phải tạo thật nhiều công đức để hồi hướng phần công đức đó đến cha mẹ. Có như vậy, cha mẹ mới thật sự sống trong sự an lạc, vì nếu như cha mẹ đã quá cố không may tái sinh vào cõi khổ, thì sau khi được tùy hỷ theo cái phúc mà người con đã hồi hướng nơi cõi khổ ấy để tái sinh về cõi lành.

Về phương diện của người xuất gia, Đức Phật cũng cho phép nuôi dưỡng cha mẹ. Có một vị Tỷ kheo chuyên đi khất thực nuôi cha mẹ; câu chuyện được bạch lên Đức Phật. Sau khi phán hỏi sự tình, Đức Phật chẳng những không quở trách mà còn hết lời tán thán hiếu hạnh của vị Tỷ kheo. Ngài kết luận "Người nào muốn đạt đến cứu kính Phật đạo, người ấy phải tuyệt đối hiếu kính cha mẹ”.

Trong Tương Ưng Bộ Kinh, Đức Phật đã ví công ơn của cha mẹ như biển cả nghìn trùng. Ngài giảng rằng sữa mẹ nuôi con trải qua nhiều đời nhiều kiếp, rộng bao la và nhiều hơn biển cả, Ngài nói:

"... Này các tu sĩ, sữa mẹ mà các ngươi đã uống, trong khi các ngươi lưu chuyển luân hồi trong một thời gian dài, thì nhiều hơn nước trong bốn biển. Vì sao thế? Vì luân hồi là vô thỉ, không sao đếm được. Lưu chuyển luân hồi của chúng sinh trùng điệp nên không thể nêu rõ khởi điểm. Vì vô minh che đậy, vì tham ái trói buộc tất cả các nghiệp hành của chúng sinh”.

Trong Tăng Chi Bộ Kinh, Đức Phật cũng ví cha mẹ như những ngọn lửa đáng cung kính, vì cha mẹ là người đã đem lại sự sống và tăng trưởng cho con cái, cũng như ngọn lửa đem lại nguồn sống, nguồn năng lượng cho loài người:

"... Này các Bà-la-môn, cha mẹ của các người là các ngọn lửa đáng cung kính. Vì sao thế? Vì từ đó mà tạo ra sự sống, sự hiện hữu. Do đó cha mẹ như là các ngọn lửa thiêng đáng cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dàng, và sẽ đem lại chính lạc”.

Công ơn của cha mẹ to lớn vô cùng, Đức Phật nói rằng có hai hạng người mà chúng ta không bao giờ trả hết ơn được, đó là mẹ và cha (Tăng Chi Bộ Kinh):

"... Có hai hạng người, nầy các tu sĩ, Ta nói không thể trả hết ơn được. Đó là Cha và Mẹ. Nếu một bên vai cõng mẹ, một bên vai cõng cha, làm vậy suốt trăm năm cho đến trăm tuổi cũng chưa trả ơn đủ cho cha mẹ. Nếu có phụng dưỡng cha mẹ với mọi báu vật trên quả đất nầy cũng chưa trả ơn đủ. Vì sao thế? Vì rằng cha mẹ đã bỏ nhiều công sức cho con cái, nuôi dưỡng chúng cho đến lúc lớn khôn, và dẫn dắt chúng vào trong đời nầy”.

Trong Kinh Giáo Thọ Thi-ca-la-việt (Singalovada Suttanta), Trường Bộ Kinh cho thấy: Một buổi sáng khi Đức Phật đi trì bình khất thực trong thành Vương Xá, Ngài thấy chàng trai Thi-ca-la-việt dậy sớm, ra khỏi nhà và chấp tay đỉnh lễ sáu phương: Đông, Tây, Nam, Bắc, Thượng, Hạ như lời cha mẹ dạy theo truyền thống mà không hiểu ý nghĩa của việc làm đó. Đức Phật giảng rằng chắp tay đỉnh lễ như thế cũng chưa đủ, mà cần phải thành tâm quán tưởng các phép cư xử với người chung quanh. Hướng Đông là sự liên hệ giữa cha mẹ và con cái, hướng Tây là sự liên hệ của vợ chồng, hướng Nam là liên hệ giữa thầy trò, hướng Bắc là liên hệ giữa bạn bè, hướng Thượng là liên hệ giữa tu sĩ và cư sĩ, hướng Hạ là liên hệ giữa chủ nhân và người giúp việc. Đồng thời Đức Phật còn khuyên con cái phải cùng cha mẹ tu tập, từ bỏ con đường bất thiện, dấn thân vào con đường thiện, giúp nhau tăng trưởng trong chính pháp. Trong Tăng Chi Bộ Kinh, Phật dạy tiếp:

"... Những ai đền ơn bằng cách nuôi dưỡng, cúng dàng cha mẹ với của cải, vật chất, tiền bạc thì không bao giờ đủ để trả ơn cha mẹ. Nầy các tu sĩ, những ai đối với cha mẹ không có lòng tin thì khuyến khích, hướng dẫn, để cha mẹ an trú vào thiện pháp; đối với cha mẹ gian tham thì khuyến khích, hướng dẫn, để cha mẹ an trú vào hạnh bố thí; đối với cha mẹ theo ác trí thì khuyến khích, hướng dẫn, để cha mẹ an trú vào chính trí; như vậy thì những người đó làm đủ và trả ơn đủ mẹ và cha”.

Đức Phật dạy rằng trả hiếu bằng cách cúng dàng tài sản vật chất vẫn chưa đủ, mà phải nhắm đến mục đích cuối cùng là cùng nhau tăng trưởng trong chính pháp, tiến đến sự giải thoát khỏi mọi khổ đau, sinh tử luân hồi. Muốn cho cha mẹ đạt được sự an bình, hạnh phúc ấy, thì người con phải giúp cho cha mẹ từ bỏ các ác hạnh và thực hiện các hạnh lành, từ bỏ gian tham, thực hành từ bi, bố thí, từ bỏ vô minh và chứng đạt trí tuệ.

Kết luận

Giáo dục Phật giáo đã cho ta thấy rõ việc báo hiếu của người con đối với cha mẹ là một trách nhiệm rất lớn lao, một nghĩa cử cao đẹp mà tất cả chúng ta trong xã hội ai cũng phải quan tâm vì công ơn cha mẹ của chúng ta rất to lớn. Nếu dùng ngôn ngữ bình thường không sao diễn tả hết được thâm ân cha mẹ. Cha mẹ là người đã ấp ủ chúng ta từ đầu nguồn cuộc sống bằng cả tinh thần và thể chất của mình, ân sâu của mẹ chín tháng cưu mang. Người mẹ đã chuyển sang cho con những dòng sữa ngọt ngào với trọn tình yêu thương trìu mến. Công dưỡng dục của cha, gia công khó nhọc chắt chiu dành dụm tạo cho con vóc dáng hình hài và hầu như toàn bộ hành trang vào đời của con là thuộc về cha mẹ. Suốt cả cuộc đời của cha mẹ đã hao tốn bao tâm lực và công sức để mong sao các con được nên người. Vậy mà trong chúng ta đây có những người đã vô tình hay cố ý chưa một lần nào để tâm đến; và họ đã trở thành những đứa con bất hiếu không nhìn thấy ân đức cao như núi vời vợi của cha, không cảm nhận được tình thương rộng như biển cả của mẹ, để rồi chỉ thấy trước mắt những nấc thang danh vọng, chỉ biết chạy theo cồn cát tài sản, thú vui của trần thế, mãi đắm chìm trong ái dục, những thứ tình cảm tương giao trong xã hội, mải mê đuổi bắt những ảo ảnh mong manh trong cuộc sống, những đứa con bất hiếu ấy đã bao lần làm khổ cha mẹ, có khi chỉ biết nồng nàn với chồng, ngọt ngào với vợ, âu yếm với con, hỷ hả với bạn bè, nhưng than ôi lại cay đắng lạnh lùng với mẹ, hằn học với cha!

Hôm nay nhân mùa Vu Lan Rằm tháng Bảy, hay còn gọi là Mùa Hiếu Hạnh của những người con hiếu đạo, chúng ta hãy ôn cố tri tân nói về chữ Hiếu. Vì khi nói đến đạo đức, tức chúng ta đã nói về hiếu đạo vậy. Một xã hội tốt, một quốc gia hùng cường, một thế giới an lạc và thanh bình phải được bắt đầu từ những con người tốt, biết tôn trọng giá trị đạo đức, thực hành hiếu đạo. Lịch sử nhân loại đã chứng minh điều này, những người tận trung yêu nước, thương dân, những đấng minh quân, cho đến những bậc hiền triết thánh nhân điều được bắt đầu từ những người con có hiếu. Vua Tự Đức một bậc minh quân ngày xưa, lúc thiếu thời mỗi khi lầm lỗi, tự mình dâng roi để Mẹ đánh phạt, Ngài Lục Tổ Huệ Năng trước khi thực hành đại nguyện tầm sư học đạo, đã chuẩn bị cho Mẹ già có được cuộc sống chu toàn. Đức đại hiếu Mục Kiền Liên, một vị thánh tăng đại đệ tử của Phật, với lòng đại hiếu đã làm cảm động đến trời cao. 

“Lòng hiếu thảo của ông dầu lớn 

Tiếng vang đồn thấu đến cửu thiên…”

Cho nên, là đệ tử Phật, dù xuất gia hay tại gia, hay người thường dân trong xã hội, theo đạo hay không theo đạo nào đều phải phụng dưỡng cha mẹ.

Hàng tại gia thì lo làm lụng, phụng dưỡng cha mẹ vật chất theo khả năng có được của mình. Ngoài vấn đề vật chất, khi đấng sinh thành còn tại thế. còn phải hướng dẫn cha mẹ theo con đường thiện, tức là hướng về Phật Pháp, về điều lành. Khi cha mẹ và ông bà tổ tiên đã khuất bóng cùng với lục thân quyến thuộc thì phải biết báo hiếu.

Hàng xuất gia không chỉ những phụng dưỡng cha mẹ bằng cách hướng dẫn song thân tu niệm chính pháp, mà còn phụng dưỡng cha mẹ theo như Kinh Vu Lan Bồn, trong Tập A Hàm, ở Đại Tập: "Như Pháp khất thực mà phụng dưỡng cha mẹ, thì phúc đức rất lớn". Ngày Đức Phật còn tại thế, chính Ngài đã trực tiếp dạy cho vua Ba Tư Nặc về hiếu hạnh của Ngài: “Ngài nghiêng vai gánh quan tài kế mẫu là bà Đại Ái Đạo Tỳ kheo ni, lúc bà nhập diệt. Chính Đức Phật đã từ chối sự làm thay của chư thiên. Ngài dạy: “Cha mẹ sinh thành, làm con lợi ích rất nhiều, ân nuôi dưỡng không thể báo đáp. Ngài nghiêng vai gánh một góc, ba góc kia Ngài bảo các em của Ngài là Tôn Giả Nan Đà, Tôn Giả A Nan và Tôn Giả La Vân cùng khiêng đến tận chỗ hỏa táng, và chính Ngài đích thân hỏa táng Kế Mẫu”.

Phật dạy: "Dù xuất gia hay tại gia, ai có hiếu tức là đã giữ giới”. Ngài thường dạy: "Hiếu là giới, vì Lục đạo chúng sinh là cha mẹ". Chính điều này đã chỉ dẫn cho chúng ta thấy: Hiếu hạnh là Luật vậy. 

Tóm lại: Giáo dục Phật giáo về báo hiếu đối với con người phải biết "Cái đức từ hiếu nghĩa là Từ, là Hiếu, xem tất cả chúng sinh trong lục đạo, thay phiên nhau làm cha, làm mẹ, làm thân bằng quyến thuộc của nhau”. Điều này trong Kinh Duyên Mệnh Địa Tạng Bồ Tát có đoạn nói: "Chuyển hồi lục thú, sinh sinh phụ mẫu, thế thế huynh đệ…”, nghĩa là: "Quanh quẩn lục thú, kiếp kiếp làm cha mẹ lẫn nhau, đời đời làm anh em quyến thuộc…”. Như vậy, chắc chắn rằng theo nghiệp dẫn thì có người lên kẻ xuống, do đó, chúng ta phải cầu nguyện, không phải chỉ cầu nguyện trong mùa Vu Lan, mà phải thường cầu nguyện cho đều ở tất cả các mùa. Báo hiếu có nhiều cách, nhưng không ngoài hai phương diện vật chất và tinh thần.

- Báo hiếu về vật chất thì hầu hạ vâng thờ, thay làm các việc nhọc, săn sóc miếng ăn thức uống, áo quần, chiếu giường, chỗ nghỉ ngơi, không để cho cha mẹ thiếu thốn, lo nghĩ. Song người con phải sáng suốt trong khi báo hiếu, không nên quá chìu theo ý muốn của cha mẹ mà tạo những nghiệp dữ, như sát nhân, hại vật, gây tội lỗi để làm cho cha mẹ được sung sướng trong vật chất. Làm như thế không phải là báo hiếu mà bất hiếu, vì đã gây tạo tội lỗi thêm cho cha mẹ và cho mình. Vả lại báo hiếu về vật chật, dù đầy đủ cho mấy đi nữa, chẳng qua cũng chỉ làm cho cha mẹ được vui vẻ thỏa mãn trong một kiếp hiện tại mà thôi. Cái vui vật chất là cái vui giả tạm, vui trong vòng sinh tử luân hồi. Vậy sự báo hiếu về vật chất chưa phải là đầy đủ.

- Báo hiếu về tinh thần: Người con có hiếu phải tiến lên một tầng nữa, là lo báo hiếu chăm sóc về tinh thần, làm sao cho tinh thần của cha mẹ được nhẹ nhàng, cao thượng và đi dần đến chỗ giải thoát. Người con ấy phải khuyên cha mẹ tin sâu nhân quả, tội phúc và quy y Tam Bảo, bố thí phóng sinh, niệm Phật, làm các việc lành, giữ giới và tu nhân giải thoát. Có như thế thì không những trong hiện tại cha mẹ được yên vui, thanh tịnh mà đời sau cũng được nhiều phúc báu, và sinh trong cảnh giới an lành.

Từ tâm hiếu thảo, tình người được giáo dục và nuôi dưỡng. Trong thể nghiệm đời sống hiện thực ngày nay tình người ấy sẽ thể hiện qua người bạn đời chí thiết gọi là tình, qua anh chị em ruột gọi là lễ, qua bà con, mọi người gọi là nghĩa và nhân, qua xứ sở gọi là trung. Cũng từ tình người đẹp đẽ ấy mà có tình cảm quốc tế và tình yêu cuộc sống. Khi tình cảm ấy biểu lộ ra hành vi để xây dựng tốt các mối tương giao trong xã hội, xây dựng an lạc, hạnh phúc cho gia đình, tập thể thì gọi là hành vi đạo đức tốt. Nội dung của đạo đức đúng là tình người chân thật đó. Con suối tình người ấy chảy vào văn hóa, giáo dục tạo nên các nền văn hóa, giáo dục nhân bản. Trong nền văn hóa nhân bản này không có mâu thuẫn từ thực chất của hiếu, tình, trung, nghĩa, bởi vì thực chất của hiếu, tình, trung, nghĩa chỉ là cùng một tình người cao đẹp ấy. Người có tâm hiếu, là có nhân, có tình, có trung, có nghĩa.

Nếu hiểu tâm hiếu thảo, tình người, lòng nhân ái, vị tha, từ bi, hạnh phúc chân thật và trí tuệ là nội dung của đạo đức, thì toàn bộ giáo lý Phật giáo là một hệ thống đạo đức rất là nhân bản, phát triển giá trị nhân bản đến vô hạn, toàn vẹn và rất là hiện thực./.

Th.S. Sư cô: Thích Đồng Hòa, UVTT Ban Hoằng Pháp - Ban Văn Hóa TW GHPGVN.

Ảnh: Bình Yên.

Các bài viết khác