TRUNG TÂM BẢO TỒN    
DI SẢN VĂN HÓA TÔN GIÁO
Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hoá Tôn giáo
Menu

Lễ Vu Lan trong đời sống tâm linh người Việt

Ngày: 18:49:08 15/10/2015

Trong ngày lễ Vu Lan báo hiếu, người ta đặc biệt trân trọng ơn cha mẹ sinh thành, nhất là mẹ đã mang nặng đẻ đau và vất vả nuôi con. Cha mẹ sinh ra ta, nhưng để có cha mẹ, thì phải nhớ đến ông bà tổ tiên, cửu huyền thất tổ. Vì thế, trong "mùa hiếu hạnh" này mỗi con người được nhắc nhớ tìm về nguồn cội, ông bà, tổ tiên.

Lễ hội Vu Lan hay Vu Lan Bồn là phiên âm từ tiếng Phạn Ullambana, theo nghĩa Hán Việt là Giải Ðảo Huyền, nghĩa là cởi trói cho người bị treo ngược. Ðảo Huyền là hình phạt đau khổ nhất cho loài ngạ quỉ (quỉ đói). Người bị treo ngược không được ăn uống nên bị đói khát, đau khổ. Vì thế, Ullambana hay Giải Ðảo Huyền có nghĩa cứu vớt những vong hồn đang phải chịu những hình phạt đau đớn do nghiệp chướng.

Tương truyền, lễ Vu Lan có nguồn gốc từ thời đức Phật còn tại thế, Kinh Vu Lan (Ullambanapatra-sutra) chép rằng:

Ngài Mục Kiền Liên, một trong những vị đại đệ tử của Phật, nổi tiếng về lòng hiếu thảo và về khả năng thần thông, sau khi chứng quả A La Hán, nhớ đến công ơn cha mẹ, Ngài dùng thần thông quan sát, Ngài thấy mẹ mình đang bị đọa làm loài ngạ quỉ, thân thể ốm gầy, da bọc xương, bụng lớn đầu to, đói khát không được ăn uống.

Mục Kiền Liên hết sức đau khổ, Ngài bạch Phật, thuật lại câu chuyện và cầu Phật chỉ dạy phương pháp cứu độ thân mẫu. Phật dạy rằng:

"Này Mục Kiền Liên, mẹ của ông do lòng tham lam độc ác đã tạo ra tội lỗi nặng nề trong nhiều kiếp, nay sinh trong ác đạo làm loài ngạ quỉ, nên không thể một mình ông cứu độ được. Dẫu lòng hiếu thảo của ông vô cùng lớn lao cũng không sao chuyển được hoàn cảnh, chẳng khác gì chiếc thuyền con, không thể chở được tảng đá lớn. Vậy ông phải nhờ oai thần của chư tăng trong mười phương, "thập phương chúng hội" đức lớn như biển, mới cứu độ mẹ ông được giải thoát. Ta sẽ chỉ cho ông phương pháp cứu độ mẹ ông.

"Này Mục Kiền Liên, ngày Rằm tháng Bảy là ngày tự tứ của chư tăng khắp nơi, sau ba tháng an cư kết hạ, các chư tăng tiến bộ rất nhiều trên đường tu học, phúc đức to lớn, oai lực và đạo lực hùng mạnh. Nhân ngày ấy, ông hãy làm lễ Vu Lan Bồn để báo hiếu cho mẹ.

Mục Kiền Liên vâng lời Phật dạy, đến ngày Rằm tháng Bảy làm lễ Vu Lan, sắm đủ các vật liệu, rước chư tăng đến cúng dường, nên vong mẫu của ông thoát khỏi kiếp ngạ quỷ sinh về cảnh giới chư Thiên”.

Sau đó, Mục Kiền Liên hỏi Phật xem những Phật tử khác muốn cứu độ cha mẹ mình có thể dùng phương pháp đó không. Phật trả lời:

"Quí lắm! này Mục Kiền Liên, đời sau, nếu có ai vì lòng hiếu thảo muốn đền đáp công ơn cha mẹ hiện tại hay quá khứ, thì cứ ngày Rằm tháng Bảy làm lễ Vu Lan để cúng dường trai tăng. Nhờ công đức của chư tăng chú nguyện, cha mẹ hiện tại được tăng phúc thọ, khỏi những điều tai họa khổ não, còn cha mẹ bảy đời trước thì khỏi bị khổ ngạ quỉ, được sinh trong cõi Nhân hay Thiên, hưởng phúc vui vẻ không cùng".

Từ đó về sau, cứ đến ngày Rằm tháng Bảy, các hàng Phật tử chí hiếu đều làm lễ Vu Lan để đền đáp công ơn cha mẹ đang sống và cha mẹ đã quá vãng từ nhiều đời, nhiều kiếp. Ngoài ra, họ còn tưởng nhớ và chú nguyện cho cửu huyền thất tổ, các ân nhân, thân nhân, bạn bè, những người quen biết đã quá cố sớm được vãng sinh nơi Phật Quốc.

Đạo Phật là tôn giáo đề cao đạo hiếu, không chỉ trong Kinh Vu lan bồn mà trong rất nhiều bài kinh, đức Phật luôn đề cao công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Có những kinh đức Phật chỉ dạy phương pháp báo đáp ân đức sâu dày đối với song thân một cách thiết thực nhất.

Đức Phật chỉ dạy về tiêu chuẩn đối với một người con được gọi là hiếu đạo thì phải hội đủ cả hai mặt sự và lý. Sự là hình thức báo đáp bên ngoài, là lo lắng, chăm nom phụng dưỡng cha mẹ khỏi mọi điều thiếu thốn về vật chất; luôn tôn trọng kính lễ cha mẹ và không được làm cho cha mẹ phiền lòng. Lý là chăm lo đời sống tâm linh cho cha mẹ. Hướng cha mẹ phát khởi thiện tâm, gieo tạo phúc lành, tu theo chánh đạo; là làm sao cho cha mẹ hiểu rõ đường lành, tin sâu nhân quả, thoát ngoài vòng mê tín, ra khỏi luân hồi nghiệp báo, đạt được an lạc giải thoát trong hiện tại và tương lai.

Trong đạo Phật, vấn đề hiếu đạo được đề cập trong nhiều trong kinh tạng Pali của Phật giáo nguyên thủy và Hán tạng của hệ phái Bắc tông như: kinh Trường Bộ, kinh A Hàm, kinh Báo Ân, kinh Vu Lan Bồn, kinh Hiếu Tử, kinh Tâm Địa Quán…

Ở đây, chúng tôi sưu tập lại một số ít trong rất nhiều pháp thoại đức Phật thuyết về công ơn cha mẹ và cách thức đáp đền của con cái đối với cha mẹ.

Phật dạy:

“Cùng tột điều thiện không gì hơn hiếu
Cùng tột điều ác không gì hơn bất hiếu”.

(Kinh Nhẫn Nhục)

“Từ vô lượng kiếp đến nay, chúng sanh lang thang trong nẻo luân hồi, bỏ thân này nhận thân khác, sinh đi sinh lại bao lần, sữa mẹ mà chúng ta đã uống còn nhiều hơn nước trong bốn biển”.

(Kinh Tương Ưng)

“Này các tỳ kheo! Có hai người mà các thầy không thể nào đền ơn cho hết được, đó là cha và mẹ. Nếu có kẻ vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ, đi xa ngàn dặm, cung phụng đủ mọi thức ăn, đồ mặc, chăn đệm và thuốc thang, thậm chí cha mẹ có tiểu tiện, đại tiện trên vai đi nữa, cũng chưa trả được ân sâu cha mẹ. Các thầy phải biết, ân cha mẹ nặng lắm, bồng bế nuôi nấng, dưỡng dục, chăm sóc làm cho ta trưởng thành. Vì thế, mà biết ân đó khó trả. Do vậy, người con hiếu thảo muốn báo đáp công ơn cha mẹ đúng chánh pháp cần phải thực hành những việc sau đây:

- Nếu cha mẹ chưa có niềm tin, phải khuyến khích cha mẹ phát tâm tin tưởng Tam bảo.

- Nếu cha mẹ sân tham, phải khuyến khích cha mẹ phát tâm bố thí.

- Nếu cha mẹ theo điều ác, phải khuyến khích cha mẹ hướng về đường thiện.

- Nếu cha mẹ theo tà kiến, phải khuyến khích cha mẹ trở về với chính kiến.

Làm được như vậy là trả ơn cha mẹ đúng với chính pháp, khiến cha mẹ không những được an vui trong hiện tại, mà còn gieo phúc lành trong tương lai”.

(Kinh Tăng Nhất A Hàm)

“Cung kính và vâng lời cha mẹ
Phụng dưỡng khi cha mẹ già yếu
Giữ gìn thanh danh truyền thống gia đình
 Bảo vệ tài sản cha mẹ để lại
Lo tang lễ chu đáo khi cha mẹ qua đời”.

(Kinh Trường Bộ)

“Vô thủy là luân hồi. Này các tỳ kheo, không dễ gì tìm được một chúng sinh trong thời gian dài này lại không một lần làm mẹ, làm cha”.

(Kinh Tương Ưng)

“Tất cả người nam là cha ta, tất cả người nữ là mẹ ta, Bao nhiêu đời kiếp ta từ đó mà sanh ra, nên chúng sinh trong sáu đường là cha mẹ của ta cả”.

(Kinh Phạm Võng)

“Nếu có người muốn được vua Phạm Thiên ở trong nhà, hãy hiếu dưỡng cha mẹ, vua Phạm Thiên đã có ở trong nhà. Muốn có Đế Thích ở trong nhà, hãy hiếu dưỡng cha mẹ, Đế Thích sẵn ở trong nhà. Muốn được tất cả thiên thần ở trong nhà, chỉ cúng dường cha mẹ, tất cả thiên thần đều ở trong nhà. Cho đến muốn cúng dường Thánh Hiền và Phật, chỉ cúng dường cha mẹ, các vị Thánh Hiền và Phật đều ở trong nhà”.

(Kinh Tạp Bảo Tạng)

Vui thay hiếu kính Mẹ
Vui thay hiếu kính Cha
Vui thay kính Sa môn
Kính bậc Thánh vui thay.

(Kinh Pháp Cú)

“Ta trong nhiều kiếp quá khứ, nhờ từ tâm hiếu thuận, cúng dường cha mẹ, do công đức đó, nên sinh lên các từng trời thời làm Thiên đế, xuống nhân gian thì làm Thánh Vương".

(Kinh Hiền Ngu)

“Thuở Phật còn tại thế có một vị chư Thiên đến hỏi: “Bạch Đức Thế Tôn, làm sao để có được vận may?”

Phật đáp:“Phụng dưỡng cha và mẹ là vận may tối thượng”.

(Kinh Hạnh Phúc)

“Này các Tỳ Kheo, sữa mẹ mà các Thầy thọ nhận nơi người mẹ từ vô lượng kiếp đến nay còn nhiều hơn nước của đại dương, Quý Thầy nên biết sữa của người mẹ là những giọt máu kết tinh thành những dòng sữa ngọt truyền đạt qua cho con, mỗi ngày đứa con bụ bẫm lớn lên đã rút tỉa tàn phá thân hình của người mẹ khô gầy héo mòn, chết sớm cũng vì con”.

(Kinh Tương Ưng)

“Hiếu hạnh đứng đầu trăm hạnh tốt. Hiếu cảm đến trời thì mưa hòa gió thuận, hiếu cảm đến đất thì muôn vật hóa sinh, hiếu cảm đến người thì mọi phúc tăng trưởng”.

(Khế kinh)

“Ơn cha lành như núi Thái, nghĩa mẹ hiền sâu hơn biển cả. Nếu ta ở trong đời một kiếp, nói công ơn cha mẹ không thể hết”.

“Cha mẹ tại tiền như Phật tại thế, gặp thời không có Phật, khéo thờ cha mẹ tức là thờ Phật vậy”.

(Kinh Tâm Địa Quán)

“Người nào muốn báo ơn nghĩa to lớn cả cha mẹ, không có cách nào hơn là phát tâm Bồ đề cầu giác ngộ, rồi tìm cách hướng dẫn người thân của mình và chúng sinh đồng phát tâm Bồ đề, đó là cách báo ân rốt ráo”.

(Kinh Phương Tiện Phật Báo Ân)

Đề cao đạo Hiếu, công ơn sinh thành của cha, mẹ nên có người gọi đạo Phật là đạo Hiếu, có Hiếu với cha mẹ tức là có đạo. Thực hiện những Lời dạy đó của đức Phật rất phù hợp với truyền thống hiếu đạo, đề cao hiếu đạo của người Việt nên lễ Vu Lan trong hàng ngàn năm qua là một trong những ngày lễ có sức sống văn hóa và tâm linh mạnh liệt nhất trong đời sống tinh thần người Việt.

Lịch sử Phật giáo đã ghi nhận, ngay trước Công nguyên, đạo Phật đã được truyền bá vào Việt Nam.Giáo lý Phật Đà đã sớm được tiếp nhận và từ đó hội nhập vào đời sống văn hóa của người Việt một cách ôn hòa, sâu sắc.

Hơn 2000 năm qua, một trong những ngày lễ lớn của Phật giáo có ảnh hưởng lớn nhất đến đời sống văn hóa tinh thần của người Việt Nam, đó là lễ Vu Lan.

Lễ Vu Lan ở Việt Nam không những nhắc nhớ việc báo hiếu cha mẹ mà còn bao hàm ý nghĩa tìm về cội nguồn để biết ơn và báo ơn. Tư tưởng ấy hoàn toàn phù hợp với tư duy hiền hậu chất phác của người Việt Nam: "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa", "Ăn quả nhớ người trồng cây".

Trong ngày lễ Vu Lan báo hiếu, người ta đặc biệt trân trọng ơn cha mẹ sinh thành, nhất là mẹ đã mang nặng đẻ đau và vất vả nuôi con. Cha mẹ sinh ra ta, nhưng để có cha mẹ, thì phải nhớ đến ông bà tổ tiên, cửu huyền thất tổ. Vì thế, trong "mùa hiếu hạnh" này mỗi con người được nhắc nhớ tìm về nguồn cội, ông bà, tổ tiên.

Theo Lời Phật dạy, việc tỏ lòng thành kính biết ơn đấng sinh thành của mỗi người có những cách khác nhau. Riêng các Phật tử thường làm lễ cúng dường, lễ cầu siêu, làm phúc bố thí, phóng sinh để tích phúc cầu an, cầu mong cho cha mẹ được tăng phúc tăng thọ, hóa giải nghiệp chướng...

Trong đó, đại chúng có cách thể hiện theo suy nghĩ và nhận thức của đại chúng, Phật tử thì tưởng nhớ tới tổ tiên, cha mẹ, những người thân quen đã khuất bóng, những người đang sống bằng nhiều cách. Như ăn chay, niệm Phật, làm phúc, đến chùa nghe thuyết pháp, giúp đỡ và quan tâm đến cha mẹ, những người thân quen, chú trọng giúp đỡ cộng đồng để báo hiếu và tri ân công đức được hưởng cộng phúc chung.

Rất mong rằng tất cả chúng ta đều ghi lòng tạc dạ, luôn nhớ nghĩ đến ân nghĩa sinh thành sâu dày thâm trọng của cha mẹ để tìm cách đáp đền trong muôn một.

Ngày nay lễ hội Vu Lan đã pha trộn nhiều điều khác, nhưng ý nghĩa của nó thì như trên đã giới thiệu. Cùng với thời gian, do ảnh hưởng của Ðạo giáo, tục cúng cô hồn tháng Bảy trở thành một tập tục dân gian và chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa dân gian, nhưng dù sao nó vẫn xuất xứ và có gốc tích từ đạo Phật./.

Hòa thượng: Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam.

Ảnh: Tác giả cung cấp.

Tài liệu tham khảo

- Trang phatgiao.org.vn - trang tin của Ban Thông tin Truyền thông Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

- Tạp chí Nghiên cứu Phật học Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

- Một số kinh sách Phật giáo trên mạng Internet toàn cầu; và các trang web Phật giáo.

Các bài viết khác